Pages

Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Thách thức với chính sách thắt chặt của châu Âu




Những cử tri châu Âu đã thực hiện một sự trừng phạt nữa đối với nhà lãnh đạo của mình do thất bại trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng nợ, vốn kéo hầu hết khu vực xuống suy giảm kinh tế.

Rõ ràng là người dân châu Âu đã hy vọng chính phủ của mình làm khác đi. Từ Hy Lạp tới Pháp, các chính phủ đều mất quyền đa số, gia nhập vào danh sách dài bao gồm những nhà lãnh đạo cũ của Tây Ban Nha và Italy. Nhưng những người kế nhiệm chắc chắn sẽ khó có thể theo đuổi chính sách xa rời định hướng tập trung thắt chặt được Đức – nhà tài trợ của châu Âu - bảo vệ.
Với vai trò là nền kinh tế lớn duy nhất còn khỏe mạnh, sự ủng hộ của Đức sẽ là cần thiết cho bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách của châu Âu. Thủ tướng Angela Merkel và chính phủ của mình, lo ngại về làn sóng đối kháng tại Đức, đã tỏ rõ trong những tuần gần đây rằng họ sẽ không nới nhẹ yêu cầu thắt chặt, dù ứng cử viên nào thắng cử trong cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật tại Pháp.

“Chúng tôi sẽ cứng rắn trong những vấn đề này như trước đây”, Volker Wissing, chuyên gia về chính sách tài chính của Đảng Dân chủ Tự do, đảng liên minh với chính phủ của bà Merkel, cho biết. “Chúng tôi đấu tranh vì sự ổn định của đồng EUR. Sẽ không có bất kỳ khả năng nào để nới lỏng với Đức.”
Các thị trường lại tạo ra một thách thức khác. Như những biến động gần đây cho thấy, các nhà đầu tư tiếp tục đặt câu hỏi liệu châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nợ và giữ cho đồng tiền của mình vô sự.
Các thị trường chứng khoán châu Á mở cửa trong ngày hôm nay đã đồng loạt đi xuống, một phần xuất phát từ phản ứng trước kết quả bầu cử.
Việc đi lệch khỏi định hướng thắt chặt có thể làm dấy lên một làn sóng bán tháo mới trên các thị trường. Nếu ông François Hollande, Tổng thống đắc cử của Pháp, khởi động chương trình kích thích theo học thuyết của Keynes, các nhà đầu tư có thể nghi ngờ cam kết của Pháp đối với kỷ luật tài khóa. Điều này sẽ đẩy xếp hạng tín nhiệm của Pháp – yếu tố chủ chốt giúp duy trì chi phí vay nợ giảm cho nước này – rơi vào rủi ro.
“Chỉ vì các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về vấn đề tăng trưởng tại các quốc gia vùng rìa châu Âu không có nghĩa là các chính sách theo học thuyết Keynes sẽ được thị trường đón nhận tích cực”, Nicholas Spiro thuộc hãng nghiên cứu Spiro Sovereign Strategy nhận định. “Ngược lại, bất kỳ kích thích tài khóa ngắn hạn nào tại các quốc gia vùng rìa châu Âu sẽ đều làm dấy lên những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài lâu hơn nữa và sẽ làm xói mòn nghiêm trọng độ tín nhiệm của Đức và ECB.”
Ngay cả khi có sự thay đổi trong cơ cấu chính trị, bà Merkel và những đồng minh tại ngân hàng Trung ương châu Âu ECB vẫn nắm quyền kiểm soát chính sách kinh tế của châu Âu. Cũng như bà Merkel, Chủ tịch ECB ông Mario Draghi và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann , người vốn có tầm ảnh hưởng lớn, đều phản đối bất kỳ sự tiết chế nào trong cải cách mang tính cấu trúc của châu Âu, các kích thích kinh tế hay sự hình thành của một dạng trái phiếu chung toàn châu Âu.



Hơn thế nữa, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble được dự báo sẽ nắm quyền điều hành hội nghị các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, diễn đàn chủ chốt để hình thành những phản ứng trước cuộc khủng hoảng tại châu Âu. Các quan chức Đức cũng đã nắm quyền kiểm soát các cấp độ bàn thảo khác trong chương trình nghị sự đối phó với khủng hoảng của châu Âu, bao gồm quỹ cứu trợ, quỹ Ổn định Tài chính châu Âu.
Có khả năng Đức sẽ để ngỏ một số cam kết. Một khả năng là sử dụng tói quỹ cứu trợ để giúp đỡ các ngân hàng gặp khó khăn của lục địa.
Các ngân hàng châu Âu nằm trong số những người năm giữ lớn nhất nợ của các chính phủ trong khu vực và đã bị yêu cầu phải chấp nhận một khoản thiệt hại đáng kể đối với số tài sản đó. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế ngày càng xấu đi do việc cắt giảm sâu chi tiêu công tại các quốc gia như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã làm gia tăng áp lực lên các ngân hàng khi các chủ nợ tư nhân và thương mại lâm vào phá sản.
Dưới quy định hiện hành, quỹ cứu trợ của châu Âu chỉ có thể cho các chính phủ vay và không cho vay trực tiếp tới các ngân hàng. Điều này có nghĩa là một quốc gia như Tây Ban Nha sẽ phải chấp nhận thêm một khoản nợ mới để cứu trợ hệ thống ngân hàng, đe dọa tới khả năng tham gia trên các thị trường vốn của chính quốc gia này. Berlin đã bị gây sức ép để chấp nhận nới lỏng trong các quy định này, nhưng cho tới nay vẫn phản đối, giữa những lo ngại rằng các ngân hàng có thể trở nên phụ thuộc vào sự hỗ trợ.
Câu hỏi lớn hơn là sự chống đối tại Pháp, Hy Lạp và các quốc gia khác tại châu Âu có thể lan rộng tới đâu – và liệu cuối cùng nó có làm xói mòn những nỗ lực bảo vệ đồng EUR hay không.
Trước cuộc khủng hoảng nợ, một số ít người châu Âu nhận ra mức độ hy sinh chủ quyền của quốc gia mà họ đã chấp nhận bằng cách gia nhập liên minh tiền tệ. Nhưng tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và các quốc gia gặp khó khăn khác, ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng lớn của Berlin đã là một bài học đau đớn cho sự bất lực gia tăng của bản thân các chính phủ nước mình.
Trong suốt chiến dịch tranh cử tại Pháp, những người ủng hộ đã coi ông Hollande như chiến sĩ của các quốc gia Nam Âu, những nền kinh tế đang bị bóp nghẹt bởi đơn thuốc thắt chặt của Đức. Câu hỏi hiện nay là liệu ông Hollande sẽ hoàn thành vai trò của mình hay tỏ ra thỏa hiệp hơn với chính sách hiện nay.
Ông Hollande đã kêu gọi sự thay đổi trong “thỏa thuận tài khóa” của châu Âu –nền móng trong chính sách của bà Merkel nhằm đấu tranh để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Ông cũng cam kết sẽ theo đuổi “thỏa thuận tăng trưởng” thay thế, có thể cung cấp tiền cho các nền kinh tế suy yếu của châu Âu.
Cách tiếp cận mới sẽ vấp phải khó khăn khi không có được sự ủng hộ của Đức. Ông Hollande “sẽ không đạt được tối đa yêu cầu của mình và thay đổi mọi thứ tại châu Âu”, Joachim Scheide, kinh tế trưởng tại World Economy Institute nhận xét.

Nguồn: Anh Đặng/ Stox

Không có nhận xét nào: