Pages

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Thái bình dưới trướng thiên triều?


Một ngư dân Philippines ngồi trên chiếc tàu đến từ Masinloc, vùng đất gần nhất cách khu vực bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Trung Quốc 128 hải lý – Ảnh: Reuters
DANH ĐỨC

TTCT – Pax Sinica – thái bình dưới trướng Trung Quốc – là một khái niệm từ mấy năm nay được những nhà nghiên cứu về các vấn đề của Đông Á sử dụng để chỉ sự bành trướng của Bắc Kinh hiện nay.
Thực tế đang ngày càng khẳng định những lý giải ấy.
Trong lịch sử đã từng có những Pax Romana (hòa bình dưới trướng đế quốc La Mã), Pax Britannica (hòa bình dưới trướng đế quốc Anh). Gần đây nhất là Pax America (hòa bình dưới trướng đế quốc Mỹ) nổi lên trong thế kỷ 20 và được xem là đang suy vong. Cho dù vào thời nào, trước khi tiến đến “thiên hạ thái bình” vẫn luôn bắt đầu từ những cuộc chiếm đóng mở rộng biên cương, áp bức nước khác.


Và các thuộc quốc tất nhiên sau đó phải cùng chung luật pháp, thậm chí cho đến ngày nay hoặc trong tinh thần (như luật La Mã), hoặc nguyên văn (luật Anh common law), hoặc cùng chung chính sách…
Giới học thuật và Paax Sinica
Từ khi lệnh “cấm chỉ” được “Sở Ngư giám Nam Hải” tự mình đưa ra từ năm 1999 đến nay, mỗi năm đến mùa này không ít ngư dân Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên chặn bắt, tịch thu tàu và tống giam.
Ngày càng nhiều tác giả bàn về “thái bình dưới trướng Trung Quốc”. Frank Ching, một nhà báo đang hoạt động ở Hong Kong (ắt hẳn hiểu rõ Trung Quốc), đã phân tích những biến đổi sâu sắc trong thế giới quan của Trung Quốc như sau: “Sau mấy chục năm căng mắt quan sát Trung Quốc “luyện công chờ thời” theo lời dạy của Đặng Tiểu Bình, có thể nhận ra rằng Trung Quốc “luyện công” đến đó đã đủ rồi và nay là lúc giương uy, thậm chí một cách kênh kiệu. Làn sóng dân tộc chủ nghĩa dâng lên là khó tránh khỏi.
Dù muốn hay không, Trung Quốc cũng đã là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới… Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc xem nước Mỹ bằng một cặp mắt khác và không ngần ngại “lên lớp” ông thầy cũ của mình.
Tháng 6-2008, ngay giữa Đối thoại chiến lược – kinh tế Mỹ – Trung, Chu Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc, nói thẳng: “Mỹ chẳng còn điều gì tích cực để Trung Quốc học nữa, mà nếu có học là học từ những sai lầm của Mỹ”. Sự đảo lộn vai trò này đã tác động đến nhiều quan chức chính phủ, sĩ quan quân đội, học giả nay tin rằng một trật tự thế giới mới đang được lập ra và Trung Quốc cần phải được tôn kính nhiều hơn nữa”.
Nếu như sự tự mãn dừng lại ở chừng đó cũng chẳng có gì đáng để ý. Song, theo Frank Ching, vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều: “Trong bối cảnh đó, sự nổi lên của Trung Quốc gây tác động gì đối với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc? Một số người cho rằng Trung Quốc đang muốn làm sống lại hệ thống chư hầu cống nạp đã từng ghi dấu sự thống trị của thiên triều trong mấy ngàn năm.
GS James C. Hsiung của ĐH New York nói đến những hệ lụy nơi các nước khu vực trong “thái bình dưới trướng Trung Quốc”… Điều đó có nghĩa là Trung Quốc muốn các nước láng giềng phải ưu tiên thỏa mãn lợi ích của Trung Quốc và chớ quyết định điều gì trái ý. Nói cách khác, Trung Quốc trước hết, lân bang sau, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến các nước Đông Nam Á” (1).
Không chỉ quan chức, tướng tá và học giả, ngay cả người dân thường cũng đang mơ “thái bình dưới trướng Trung Quốc”. Trung Quốc sẽ sớm cai trị thế giới (China will soon rule the world. Pax Sinica!) là một đề mục diễn đàn được một tờ báo “chính thống” Trung Quốc tung ra, ấn bản tiếng Anh, tờ Chinadaily (2).
Tác giả đề mục này hoan hỉ viết tiếp: “Người Trung Quốc sẽ sớm trèo lên đầu thế giới. Thật tuyệt vời khi là người Trung Quốc, và là đất nước hạng nhất, hùng mạnh nhất, có thế lực nhất trên toàn thế giới. Là người Trung Quốc thật tuyệt vời!”. Chủ đề diễn đàn còn long trọng đưa địa chỉ thư điện tử cho thần dân gửi thư tham gia (chinaforum@chinadaily.com.cn).
Lệnh cấm đánh cá…
Một khi từ thượng tầng đến hạ tầng đều đang mơ ngồi trên đầu thiên hạ thì những quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc mà Frank Ching nêu lên có thể kiểm chứng qua việc hằng năm Bắc Kinh đơn phương ban bố lệnh cấm đánh cá trên một phần cái mà họ gọi là biển Nam Trung Hoa, cho dù có choàng cả lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác có chủ quyền.
Năm nay, lệnh “cấm chỉ” này bắt đầu từ ngày thứ tư 16-5 và kéo dài trong suốt hai tháng rưỡi cho đến 1-8, Tân Hoa xã loan báo hôm 13-5. Báo chí Philippines (3) khi đăng lại tin này nhấn mạnh lệnh cấm bao trùm cả bãi Scarborough mà nước này từ chủ nhật 8-4 đến nay đang cố chống trả các hành vi xâm lấn, khiêu khích, dọa nạt của tàu cá, rồi thì tàu hải giám, đến tàu hải quân của Trung Quốc. Nhìn lên bản đồ cũng dễ dàng thấy lệnh cấm đơn phương này đã thô bạo lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến đâu.
Từ khi lệnh “cấm chỉ” được “Sở Ngư giám Nam Hải” tự mình đưa ra từ năm 1999 đến nay, mỗi năm đến mùa này không ít ngư dân Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên chặn bắt, tịch thu tàu và tống giam. Năm nay, Tân Hoa xã tiếp tục cảnh cáo “Trung Quốc sẽ tịch thu tàu, cá đánh bắt được và ngư cụ của những ai vi phạm. Ngư dân Trung Quốc cũng sẽ bị phạt và rút giấy phép hành nghề”.
…Không chỉ cho ngư dân!
Khi áp đặt lệnh cấm này, “Sở Ngư giám Nam Hải” thừa biết rằng vùng biển bị “cấm chỉ” trên bản đồ đó đến đâu thuộc chủ quyền của Trung Quốc, ở đâu thuộc chủ quyền riêng của nước nào, đến đâu thì chồng lấn với chủ quyền các nước khác, và trong vùng biển đó không chỉ chung với một nước duy nhất là Philippines hay Việt Nam mà là nhiều nước. Thế nhưng “Sở Ngư giám Nam Hải” vẫn cứ thản nhiên đơn phương “cấm chỉ”, coi các nước chẳng hề có chủ quyền gì ngay cả trên vùng đánh cá của mình!
Vấn đề không đơn giản là chỉ các ngư dân Việt Nam hay Philippines bị buộc “chấp hành”, mà là chủ quyền các nhà nước liên quan hoàn toàn bị chà đạp bởi lệnh cấm này. Càng đáng ngại hơn nữa là lệnh cấm không do chính quyền trung ương ban hành mà chỉ do một cơ quan giám ngư tỉnh lẻ, song lại nhất mực “thực thi pháp luật” cùng khắp thiên hạ!
Rõ ràng có hai vấn đề riêng rẽ trong trường hợp này: 1/Lệnh cấm này xâm phạm chủ quyền nước khác, 2/Cách ban bố lệnh cấm phản ánh thái độ “mục hạ vô nhân”. Cứ ra lệnh cấm hết năm này sang năm khác, “Sở Ngư giám Nam Hải” vô hình trung phản ánh tâm lý một số người nay cũng đang thích thú với cái gọi là “thái bình dưới trướng Trung Quốc”: (bất cứ ai ở) Trung Quốc ra lệnh cấm chỉ, thiên hạ phải vâng chỉ!
Thật ra việc này có thể giải quyết cách khác. Được biết lý do đưa ra lệnh cấm đánh cá này là để bảo tồn tài nguyên cá, để cho cá sinh sản. Cũng được thôi song nhất thiết cần được bàn bạc chung giữa các nước cùng ven bờ, để cùng ra quyết định chung nếu cảm thấy thích hợp, bằng không mỗi nước sẽ ra quyết định riêng rẽ chỉ liên quan đến dân chúng mỗi nước! Nay xông vào bãi đánh cá bao đời của người này đòi chiếm, mai cấm chỉ người khác, quả là “thiên hạ vô song”!
DANH ĐỨC
__________
(1) Frank Ching, Pax Sinica: In China’s New Order, Signs of an Old World View, The Jakarta Globe, November 04, 2010
(2)
chinaforum@chinadaily.com.cn
(3) The Philippine Star, May 14, 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét