Pages

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Tổng thư ký LHQ ca ngợi nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi.

Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện với báo giới sau cuộc
gặp với tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại nhà riêng,
Rangoon, 01/05/2012.
REUTERS/Minzayar
Hôm nay, 01/05/2012, lầu đầu tiên Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã gặp nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi tại Rangun, sau khi bà quyết định tuyên thệ nhậm chức dân biểu Quốc hội, mặc dù vẫn bất đồng với chính quyền về ngôn từ của lời tuyên thệ.
Trong chuyến viếng thăm lần trước vào năm 2009, ông Ban Ki-moon đã không thể gặp được bà Aung San Suu Kyi, vào lúc ấy còn bị quản thúc tại gia. Nhưng hôm nay, với tư cách dân biểu vừa đắc cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 01/04 vừa qua, lãnh đạo đối lập Miến Điện đã tiếp Tổng thư ký LHQ tại nhà riêng của bà.
Hôm qua, sau một tuần đôi co với chính quyền, cuối cùng bà Aung San Suu Kyi đã chấp nhận ngay từ ngày mai, với tư cách tân nghị sĩ, bà sẽ tuyên thệ trước Quốc hội sẽ « bảo vệ » Hiến pháp 2008.

Hiến pháp này trao rất nhiều quyền cho quân đội và đã được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý gặp nhiều chỉ trích, được tổ chức chỉ một tuần sau khi cơn bão Nargis thổi qua Miến Điện, khiến 138 ngàn người chết và mất tích. Aung San Suu Kyi đã xem việc sửa đổi bản Hiến pháp ấy là một trong những ưu tiên của bà.
Vào tuần trước, bà Aung San Suu Kyi cùng với các dân biểu đối lập khác đã tẩy chay phiên khai mạc Quốc hội khoá mới vì bất đồng với chính quyền về ngôn từ của lời tuyên thệ. Họ không muốn cam kết « bảo vệ » Hiến pháp 2008, mà chỉ chấp nhận « tôn trọng » Hiến pháp. Nhưng tổng thống Thein Sein đã dứt khoát bác bỏ yêu cầu đó.
Quyết định của nhà đối lập Miến Điện tạm gác qua một bên bất đồng nói trên để có thể hoạt động tại Quốc hội đã được Tổng thư ký LHQ khen ngợi. Trong cuộc họp báo sau khi gặp bà Aung San Suu Kyi, ông Ban Ki-moon ghi nhận đây có lẽ là một quyết định rất khó khăn đối với lãnh đạo đối lập Miến Điện. Tổng thư ký LHQ cho rằng : « Những lãnh đạo chân chính thường biết tỏ ra linh động vì lợi ích tối thượng của nhân dân ». Theo ông Ban Ki-moon, bà Aung San Suu Kyi sẽ đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng với tư cách dân biểu Quốc hội.
Tổng thư ký LHQ cho biết thêm là trong cuộc hội kiến với tổng thống Thein Sein, ông cũng đã nhấn mạnh là các nhà lãnh đạo ở Miến Điện cần phải biết vượt qua những bất đồng để đi đến thỏa hiệp.
Bản thân bà Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo cũng tuyên bố bà vẫn luôn tin rằng trong tiến trình chính trị phải luôn biết uyển chuyển ... Theo nhà đối lập Miến Điện, đó là phương cách duy nhất để đạt đến mục tiêu mà không không dùng đến bạo lực.
Khi chấp nhận tuyên thệ cho dù còn bất đồng về ngôn từ của lời tuyên thệ, bà Aung San Suu Kyi muốn tránh cho Quốc hội mới bị tê liệt, đe dọa đến thế cân bằng chính trị còn rất mỏng manh hiện nay. Thật ra thì bà cũng không thể làm khác hơn, vì chỉ một khi vào trong Quốc hội, bà mới có thể vọng thúc đẩy phần nào tiến trình dân chủ hóa ở Miến Điện.
Thanh Phương/RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét