Pages

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Trần Khải Thanh Thủy: Nhỏ lệ cùng dân


Nguyễn Thanh Giang
Cuối tháng tư 2012 tiếng kêu khóc thảm thiết của nông dân Văn Giang mới làm vỡ òa hàng trăm bài viết góp phần tố cáo, bênh vực, thương cảm … Trước đó 3 năm, với sứ mệnh tiên phong, nhà báo – nhà văn – nhà thơ Trần Khải Thanh Thuỷ đã có thiên phóng sự thật đặc sắc:
“ …Gần đây nhất là chuyện làm trung tâm thương mại Văn Giang, trị giá đầu tư 3.600 tỷ, song nuốt 520 ha đất vàng đất bạc của người dân ba xã Cửu Cao, Hưng Yên và Xuân Quan – vốn được coi là đất tỷ phú đã làm cho hàng chục nghìn hộ gia đình khuynh gia bại sản. 23.000 con người từ đất đi lên, mưu sinh kiếm sống bằng nghề trồng tỉa, chăm sóc buôn bán cây cảnh, 1m2 vuông đất giá thị trường là 7 triệu, cán bộ xã bán trao tay nhau là 6 triệu, song chỉ giả cho dân 135 nghìn/ m2 (48 triệu một sào).
Biết đất là vàng ròng, bạc đống, sinh lợi nhiều đời, nhiều mặt, người dân làm đơn xin mua lại với cái giá cắt cổ là 6 triệu, bằng đúng cái giá cán bộ giao bán trên mạng, nhưng những con buôn của đảng bộ xã lại phân biệt thành phần giai cấp, phân biệt đối xử, cho nên không chịu bán cho dân làm cây cảnh và duy trì cuộc sống yên bình như cũ, mà chỉ bán cho cán bộ, chức sắc của xã để xây biệt thự, nhà lầu, hoặc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, sau khi đã trả cho công ty Việt Hưng theo mức thoả thuận…

Điều đình từ năm 2004 đến hết năm 2008 không xong, đêm 6, rạng ngày 7-1-2009, cả lực lượng hùng hậu 600 công an, cảnh sát cơ động, xã hội đen đem theo dùi cui, tấm chắn, kiếm sắc, còng xích, xe ủi, xe cứu thương, xe tù và hàng chục xe chở người tràn vào làng, lập tức cây đổ la liệt như xác chết, chuồng trại bị ủi phá tan hoang, bao nhiêu lán trại bà con dựng để giữ đất bị vùi sâu dưới bàn tay tử thần, gồm cả chăn màn, lều bạt, vô tuyến, xoong nồi, mì tôm v.v… Sáng ra xót của, bà con xô vào lấy nhưng tất cả đã muộn, hàng chục tấn cát đã rải đầy trên những luống hoa, ao cá, lều bạt, thay vào đó là cả rừng dùi cui chờ sẵn, kể từ em bé lên 7, xót của xót tiền của mẹ cha, cũng là tiền ăn tiền học của mình, nhảy lên trên đầu xe ủi yêu cầu ngừng lại, lập tức bị những bàn tay thô bạo chộp lấy, quẳng ra xa để tiếp tục tàn sát nát đồng, trong tiếng kêu gào phản đối, tiếng than khóc uất hận của cả vạn người dân 3 xã. Những người mẹ 70, 80 tuổi đầu lăn xả vào giữ đất, giữ cây, giữ tài sản và tương lai con cháu mình lập tức bị cả đám xã hội đen và đám công an xông vào đánh đến ngất, cứ tấm kính che mặt và dùi cui nện xuống, không cần biết trước mặt mình là ai, nhi đồng hay phụ nữ, bô lão, để xứng với cái giá mà công ty Việt Hưng thuê: 500.000 VND một tên (đầu gấu) và 1 triệu một chiến sĩ công an, riêng cấp chỉ huy thì cứ thế mà nhân lên theo cấp bậc phù hiệu. Kết quả hàng vạn gốc cây bị lấp, ủi, hàng tỷ tiền gà, lợn, cây cối hoa màu, cam quýt, cây cảnh, từ lộc vừng, xanh, sung, si, đa, phượng vĩ, cau vua bị lấp theo. Chưa kể hàng trăm trang trại bốc bay trên mặt đất, cũng là 6000 người dân xã Cửu Cao và 17.000 người dân của hai xã Xuân Quan và Phụng Công… trắng mắt, trắng tay trong một ngày.
Trong khi cánh đồng quê chảy máu, tiếng dân than ướt sũng trời chiều, thì 600 “bạn dân” và xã hội đen – những người giúp dân thành bần cố, thu quân về trụ sở uỷ ban nhân dân huyện Văn Giang ăn mừng thắng lợi, báo cáo thành tích lên cấp trên: “Cuộc vây giáp tình thương đã thu được kết quả tốt đẹp, 100% dân ủng hộ, tự nguyện, cảm ơn công ty Việt Hưng, cảm ơn chính sách sáng suốt của đảng và chính quyền xã (vì đã đem lại sự nghèo đói cho dân) và còn cam kết không đi kiện, cho dù có chết đói trong lòng đảng.
90 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người) được ngả ra đánh chén, hàng chục két bia được khui ra để nâng cốc ăn mừng thắng lợi có một không hai, trên nỗi đau ngút trời của 23.000 người dân ba xã …” (1).
Kèm theo đấy là mấy câu thơ:
“Cướp cướp mãi bàn tay không ngừng nghỉ 
Cho ruộng đồng cây trái héo hon thêm
Cho nhân dân phải mất đất, mất vườn
Mất hết cả tương lai sự sống”(1).
Trần Khải Thanh Thủy đã dành ngòi bút của mình khá nhiều cho dân oan qua hàng loạt bài viết: “Buổi sáng kinh hoàng” (cuộc tự thiêu của chị Phạm thị Trung Thu); “Đêm dân oan nghĩ về Ngô Tất Tố”, “Kinh thành Hà Nội chít khăn xô”, “Từ thân phận dân oan nghĩ về đảng cộng sản Việt Nam”, “Thái Bình dạy sóng”, “Còn bị lừa dối đến bao giờ ?”, “Tuyệt mệnh vì bị luật pháp ức hiếp”, “Không nên đẩy người dân đến bước đường cùng”, “Oan này còn một kêu trời nhưng xa”, “Tự lập vùng lên”, “Cuộc càn quét giữa lòng thủ đô”, “Hà Nội- những ngày bình thường đã cháy lên”, “Thư ngỏ gửi ông Nông Đức Mạnh, thư rủ ông Nông xuống suối nhặt vàng (di thư của Phạm thị Lộc), “Gởi ngài tổng bí họ Nông”; “Hà Nội đứng lên rồi”, “Dân oan Việt Nam – khúc ruột thừa đau đớn” …
Niềm thương cảm quặn lòng dồn nén thành nỗi hờn căm đến nỗi gần đây đã bật lên thành lời hiệu triệu trong một bài thơ mới làm hôm 2 – 5 – 2012 của Trần Khải Thanh Thủy:
“…Nay chiếm đất, mai đè đầu cưỡi cổ
Giữa đói nghèo dân chết đói niềm tin
Đứng lên thôi trị giặc đảng tham tàn
Đem sinh mệnh mình ra mà giữ đất .
Không đổ máu đâu còn là Tổ quốc?
Định nghĩa Việt Nam là phải chống đảng càn… ”(2)
Vốn bị côi là phần tử “cải lương” chỉ chủ trương “Diến biến hòa bình”, tôi rợn người trước cái “Định nghĩa Việt Nam” của TKTT: “Không đổ máu đâu còn là Tổ quốc?”. Song, không thể không suy ngẫm về cái nguồn cơn đã biến TKTT vốn là “hậu duệ” của Hồ Xuân Hương, của Bà Huyện Thanh Quan bỗng muốn theo chân Bà Trưng, Bà Triệu phất cờ.
Cách đây không lâu ta còn thấy TKTT ca ngợi sự nhịn nhục:
“Từ bao đời nay, người dân Việt Nam vốn nổi tiếng là cần cù chịu khó, chân chỉ, hạt bột, trong giao tiếp luôn lấy câu cửa miệng của ông bà để lại để tự răn mình: “một sự nhịn là chín sự lành”. Họ sẵn sàng nhường nhịn, chịu đựng, và luôn tìm cớ để biện hộ cho hành vi nhịn, nhục của mình. Sự nhường nhịn dường như đã thành bản chất cố hữu, thành phép tắc căn bản trong ứng xử riêng của mỗi người. Thậm chí cao hơn sự nhường nhịn là chịu đựng.  Chịu đựng để giữ lấy nếp nhà, để không vì việc nhỏ mà hỏng việc lớn, để không vì chuyện của mình mà phá vỡ mối quan hệ tốt đẹp với hàng xóm, với lãnh đạo xóm, thôn v.v … Chịu đựng, theo suy nghĩ đơn giản, thô mộc của họ- là cái gốc của điều thiện, là sự chia sẻ với những khó khăn của làng nước, cao hơn nữa là cấp xã, huyện tỉnh, trung ương. Sự chịu đựng của họ bao nhiêu năm qua, đặc biệt trong thời kỳ “chống Mỹ, cứu nước” cũng như xây dựng, kiến thiết trong thời bình đã chứng tỏ họ là những con người thật sự cao cả, biết hy sinh, sẵn sàng bỏ qua những sai lầm của lãnh đạo đảng và nhà nước để luôn tin tưởng vào các chính sách của chính phủ ban hành, từ thuế má, ruộng đất, chế độ v.v ” (3).
Vốn không dữ dằn với chủ trương “làm giặc”, vậy mà, trớ trêu sao, tai họa đầu tiên giáng xuống đầu TKTT lại xuất phát từ tấm lòng từ bi khi nhân dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 năm 1994 nhà báo này đã viết cả chùm bài bênh vực các bà mẹ Việt Nam anh hùng: “Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền”; “Đêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ”, “Bão còn thổi trong những vành tang trắng”, “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”, “Vẫn còn đó nỗi đau của các bà mẹ liệt sĩ”, “Cuộc đời mẹ là của nước non”… cùng chùm bài phản ánh nỗi đau trong các gia đình thương binh nhiễm chất độc da cam sinh ra trẻ thơ tật nguyền: “Con của những người lính Trường Sơn năm xưa”; “Con của những người lính trên quê hương Thái Bình”, rồi “Vườn không, nhà trống, tàn hoang” v.v…
Chỉ vì những bài báo bênh các bà mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình các thương binh nhiễm chất độc gia cam ấy mà đang là một phóng viên của một tờ báo của Đảng, TKTT vẫn phải nhận lệnh bị treo bút 6 tháng.
Một trong những bài thơ hay nhất của TKTT là viết về các tử sỹ:
Tôi nằm lại đây chốn nghĩa trang
Trạm cuối cùng cuộc đời bao số kiếp
Đất phủ kín mình tôi gíá lạnh
Khói nhang thơm mách nẻo đi về
Quà chia tay bạn hữu tặng trao
Nhị rữa nát hám hôi mùi nghĩa địa
Gió cứ thổi vật vờ khoang đất trống
Quạ tru rên từ khoang đất không người
Cỏ đã xanh rờn chân, tóc, tai
Hồn tôi thoát tục để băng ngàn
Lang thang rừng thẳm muôn nơi ngắm
Cõi trần ai người sống đoạ đầy
Thôi hãy xanh cùng với đất đai
Tạo hoá anh minh đã mỉm cười (5).
Từ khi gia nhập phong trào đấu tranh dân chủ, trái tim nhân ái của TKTT dành cho đồng chí, đồng đội của mình còn tha thiết hơn. Hãy nghe TKTT kể về nỗi gian lao “ngậm ngải tìm trầm” đối với Lê thị Kim Thu:
“Gần 4 tháng trời kể từ ngày Lê Thị Kim Thu bị bắt (14-8-2008) tôi chưa khi nào ăn ngon ngủ yên, nỗi hẫng hụt vì Thu bị bắt – một rễ chính bị đứt, cả chùm rễ phụ hoảng hốt, cả tầng tán xanh bị chao nghiêng đổ ngả…
Đau xót vì mất phong trào đã đành, càng đau xót vì cảnh Thu bị bỏ đói. …Vì vậy, trong khi gia đình Thu ở xa, bao nhiêu ngày chờ đợi, liên lạc không kết quả, tôi không biết làm gì ngoài việc thả những đồng tiền ra cho những kẻ mồi chài, hoặc những người dân oan đói khổ mò mẫm tìm đường, tìm cách tiếp tế cho Thu mà tất cả đều là sự lêu lổng, vô vọng.
……Rủ cô bé Liên – người cùng trại B14 với tôi trước kia cùng đi, chúng tôi bí mật tiếp xúc với một trong số địa chỉ vừa có được. Người này không phải ai xa lạ mà chính là một trong số các quản giáo của trại. Vừa nhắc đến tên Lê Thị Kim Thu, chị ta đã giãy nảy:
- “Ôi, tưởng ai, trường hợp này tôi chịu, không giúp được đâu. Tù này là tù chính trị, án đặc biệt, giúp để chúng tôi vào ngồi thay à? Hay bao nhiêu công lao thành tích suốt 31 năm trời công tác đổ xuống sông, xuống biển ?
Biết “xôi” đã hỏng, nhưng “bỏng” thì vẫn có thể có được, tôi nán lại hỏi:
- Sao lại thế chị, chỉ là gây rối trật tự công cộng thôi mà, với lại đã xử rồi, thì phạm nào chả là phạm, Thu có được ở phòng riêng, hưởng chế độ riêng đâu mà phân biệt chính trị với thường phạm. Không cần suy nghĩ lâu la gì chị ta bộc trực đáp:
- Dù là tù có án nhưng con bé vẫn hiên ngang lắm, chẳng hề biết sợ điều gì. Bị còng tay lên xe tù đưa ra toà xử rồi, trở về phòng giam vẫn oang oang kể lại mọi chuyện đã diễn ra trong phiên toà ra sao, bị đập bàn thế nào, quát trở lại các thành viên trong hội động xét xử ra sao? Bị toà cắt ngang lời không cho nói vẫn cứ tiếp tục lôi cái sai, cái vướng mắc trong các biên bản, nghị quyết, công văn trả lời việc đòi đất 21 năm ra sao? Cho đến khi toà quyết định 18 tháng tù giam, công an khoá xích vào tay lôi ra ngoài để về trại rồi, ngang qua mặt hội đồng xét xử, vẫn tiếp tục giơ cao cánh tay bị còng lên chỉ mặt họ, bảo:”-Tôi nói cho các ông biết nhớ, cho dù các ông có kết án tôi 18 tháng thì khi ra tù tôi vẫn tiếp tục đi kiện…” đến mức công an chúng tôi phải bất bình bảo:-” Nếu ra tù mà còn cố tình đi kiện thì sẽ cho tù chung thân luôn”…mà đâu đã biết sợ, lại còn đòi kháng án (4).
Trần Khải Thanh Thủy có sức viết mạnh và nhanh đến kỳ lạ. Không kể hàng trăm bài chính luận và tập sách xuất bản ở nước ngoài (“Nhỏ lệ cùng dân” là một trong số này), chỉ tính riêng sách được ấn hành trong nước đã có:
§ Thơ đố, Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 1989
§ 1001 chuyện lứa đôi, (Phóng sự), Nhà xuất bản Thanh Niên, 1998
§ Ngôi nhà của Gấu, Nhà xuất bản Kim Đồng, 1998
§ Vợ chồng như thớt với dao, (truyện vui), Nhà xuất bản Thanh Niên, 2000
§ Sông không đến, bến không vào, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2000
§ Làm chị, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2001
§ Băm sáu cái nõn nường…, Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 2002
§ Từ trong cổ tích, (truyện ký), Nhà xuất bản Kim đồng, 2003
§ Lưu Hương Ký, (bình chú), Nhà xuất bản Thanh Niên, 2004
§ Khát sống, (truyện ký), Nhà xuất bản Kim Đồng, 2004
§ Âm thầm, (thơ), Hội Liên Hiệp Nghệ Thuật Hà Nội 2004
§ Biết yêu từ thở còn thơ, (phóng sự), NXB Hội Nhà Văn, 2005
§ Song hỉ lâm môn, (truyện vui), Nhà xuất bản Hà Nội, 2005
§ Khúc khích xuân Hương, Nhà xuất bản văn hóa Dân Tộc, 2005
§ Tôn Thất Bách- Y Đức một đời, Nhà xuất bản Kim Đồng, 2006
(Trong danh mục những bài viết của TKTT tra từ google, tôi ngạc nhiên thấy có cả bài “Chính trị và chiếc giường” ! Bài này bịa chuyện tôi “lên giường” với TKTT. Tôi cùng tuổi Tý với TKTT nhưng hơn tuổi thân mẫu cô ấy. Người (hay tập thể) viết bài này ký tên Ngô Tử Lâm, song chắc chắn đây không phải tên hay bút danh thật vì dẫu ngu ngốc đểu cáng đến mấy người ta cũng phải biết sợ sự hổ nhục của vợ con, họ hàng của họ khi biết họ làm việc này. Tưởng cũng không cần thanh minh làm gì nhưng cứ phải nói để bạn đọc thấy rõ hơn sự đê tiện bẩn thỉu của cả một hệ thống. Đọc bài ai cũng dễ dàng nhận ra người viết không có tư thù với tôi mà chẳng qua chỉ vì viết theo chỉ thị. Họ không chỉ vu khống tôi đối với TKTT mà còn đã từng “rải truyền đơn” bằng tay và qua bưu điện bôi bẩn tôi tằng tịu với vợ Phạm Hồng Sơn, vợ Nguyễn Vũ Bình.
Nguyên do là, vào thời ấy, tôi hầu như là chỗ dựa duy nhất để ba người phụ nữ này có thể tìm sự hỗ trợ về cả tinh thần và vật chất trong hoàn cảnh gieo neo của họ. Người ta ngứa mắt muốn khống chế việc làm này vừa là để đầy đọa những phụ nữ này cho bõ ghét, vừa để ngăn trở sự giúp đỡ của tôi đưa họ đến với công luận. Ngón đòn của hệ thống độc địa, khốn nạn đến mức có thể làm tan nát gia đình chúng tôi nếu vợ con tôi không tuyệt đối tin vào phẩm chất của tôi)
Đã từng đứng trên bục giảng suốt 11 năm “gieo ánh sáng văn hóa của Đảng” tận vùng sâu vùng xa, đã từng cống hiến cho kho tàng báo chí văn học của Đảng hàng trăm sáng tác phẩm không thể nói là không có giá trị, nhưng chỉ vì không chịu tiếp tục bán rẻ lương tâm nên TKTT đã bị Đảng trừng trị quá chừng tàn khốc. Không chỉ bôi bẩn thanh danh, bắt bớ, lục soát, đem ra đấu tố sỉ nhục mà còn bị huy động côn đồ đánh vỡ đầu, đổ phân tươi, xác chuột vào nhà … Đến nỗi người nước ngoài cũng phải lên tiếng như bức thư dưới đây của Tham tán Chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ:
“Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, Hà Nội
Ngày 21 tháng 4 năm 2009
Ông Nguyễn Thanh Sơn 
Chánh Văn Phòng Nhân Quyền 
Bộ Công An 
Ông Sơn kính, 
Tôi viết thư này gởi đến ông để bày tỏ sự quan tâm về tình trạng hiện tại của bà Trần Khải Thanh Thủy, một nhà Văn đang sống ở Hà Nội. Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xem qua những bản tường trình về ít nhất 10 lần cố ý quấy nhiễu bà và gia đình của bà bằng việc ném những phân tươi và dầu nhớt vào chỗ ở của bà ta.
Chúng tôi hiểu rằng bà Thủy đã lên tiếng những vụ việc này với nhà chức trách địa phương nhưng họ chẳng làm gì hết và tình trạng cứ tiếp tục mức độ gia tăng đến sự chú ý của quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ. Chúng tôi vì thế thúc dục ông và những nhân viên thừa hành điều tra những tường trình này và thực hiện những hành động cần thiết theo luật pháp của Việt Nam. Tôi mong mỏi ông chú ý đến vấn đề này.
Kính đơn, 
Brian Aggeler 
Tham Tán Chính Trị” 
Do lao động cật lực, TKTT mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, vậy mà Đảng không hề nương tay đầy ải:
Ta lử lả tấn công vào sự sống
Lam Sơn ơi chướng khí rợn người 
Đêm 5 tiếng ngủ không tròn giấc
Ngày 14 canh lê lết mệt nhoài
Thiếu ngủ triền miên đầu đau như búa bổ
Vạ vật gốc cây, bờ bụi mỏi tê người
Đại tràng viêm đêm ngày la ó
Lồng ngực gày rên xiết bi ai
Ta tự hỏi sao đời lâm khổ ải
Ốm đau không được nghỉ dưỡng thân già
Đường tranh đấu bao ngày ta nếm trải
Dây thép gai, còng xích quấn quanh người
51 tuổi, đời gặp bao khổ nạn
Chướng khí Lam Sơn gặm nhấm từng ngày
Đêm trằn trọc nơi sàn lạnh cứng
Ngày nắng tuôn lè lưỡi há mồm
Ôi Lam Sơn bây giờ ta mới hiểu
Nghiệt ngã đau thương tang tóc nhường nào
Bao số phận quằn quại rên xiết
Ngọn núi Mành bao xác chết vùi chôn
Trại loại I chỉ giam cầm trọng án 
Thành phần hiểm nguy – ta sa chốn ngục tù
Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên cũng vậy
Lịch sử ơi ghi khắc điều này
Ta lử lả tấn công vào sự sống
Trời Lam Sơn nắng nóng nung người
Cả chảo lửa khổng lồ trút xuống
Xưởng bạc thành lò hun chín thịt da
Ôi Lam Sơn bao giờ thoát nợ ?
Về với mẹ hiền, về với trang thơ
Đường tranh đấu bao năm rồi gian khổ
Đến bao giờ hoa thắm nở hồn ta? (6)
Nhà văn Chu Tất Tiến đã viết như sau về Trần Khải Thanh Thủy:
Em bỏ thành phố này sang tỉnh lỵ khác, em mất tập bản thảo này lại sáng tác bài kia, em lùi một bước vì đứa con thơ nhưng lại tiến lên liên hoàn mấy nhịp điệu mới. Em là dòng nước xanh, Thanh Thủy, dịu dàng luân vũ sông Hồng, ẻo lả sông Thương, dũng mãnh sông Cửu, ngang ngạnh sông Thu Bồn, sông Gâm. Em dồi dào phù sa, em tuôn chẩy sức sống, mặc cho người đào bới, lấp ngọn, ngăn nguồn. Những bài văn của em vẫn đều đều một giọng thanh cao, mặc dù thấp thoáng trong đó là rêu xanh, cỏ úa. Tuy em chửi đời, nhưng vẫn yêu người, Con Người Chân Thực, và Con Nguời Hy Vọng. Em viết trân trọng về Hồ Xuân Hương, một phản kháng trong thi ca, nhưng chính em mới là một Hồ Xuân Hương cách mạng từ ý tưởng đến ngôn từ. Cách trình bầy “phồn thực” của em thật là độc đáo, trây trúa mà thơ ngây, dân dã mà trí thức. Cô giáo như em là ngòi nổ sân trường, là cánh hoa phượng gắt gao, đỏ chói, rực rỡ báo mùa nóng bức đang tới. Các đoạn ca dao, tục ngữ của em bắt người đọc cười như điên, rồi lại chùng xuống nức nở với các bài viết về sự tra tấn, hành hạ giữa người tự phong là “đỉnh cao trí tuệ” và người bị coi là đồ vật của một tập thể độc tài, mất lương tri ”.
Một tờ báo nước ngoài đã gọi nhà giáo-nhà báo-nhà thơ-nhà văn, hội viên Danh dự Hội Văn bút Quốc tế Anh Trần Khải Thanh Thủy là Aung San Suu Kyi của Việt Nam.
Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”
© Nguyễn Thanh Giang
© Đàn Chim Việt
——————————————————-
Ghi chú:
1- Trần Khải Thanh Thủy – “Ôi những cánh đồng quê chảy máu ”
2- Trần Khải Thanh Thủy – Định nghĩa Việt Nam
3- Trần Khải Thanh Thủy – Tự Lập vùng lên
4- Trần Khải Thanh Thủy – Chuyện kể về người tù đặc biệt
5- Trần Khải Thanh Thủy – Lời người dưới mộ
6- Trần Khải Thanh Thủy – Đến bao giờ hoa nở thắm hồn ta?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét