Pages

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Truy cứu trách nhiệm vụ Vinalines?


Hình từ trang web của Vinalines
Vinalines bị tố cáo làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Việc bổ nhiệm cựu lãnh đạo Vinalines, người đang bị truy nã, làm Cục trưởng Cục Hàng hải được tiến hành đúng quy định, theo lời một người phát ngôn cho Chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, tại cuộc họp báo hôm 27/5, nhấn mạnh việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là “đúng quy trình, thẩm quyền”.

“Không có quy định nào nói rằng một doanh nghiệp đang trong quá trình thanh tra thì không được bổ nhiệm, thuyên chuyển cán bộ.”Ông nói: “Các hồ sơ khi báo cáo lên chưa có thông tin về sai phạm của ông Dũng.”
“Việc thanh tra hàng năm là bình thường. Thanh tra không chỉ để phát hiện các sơ hở, để phòng ngừa mà còn để phát hiện yếu tố tích cực,” vị bộ trưởng giải thích.

Yêu cầu giải thích
Báo giới Việt Nam đang đăng một loạt các bài điều tra cáo buộc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) thua lỗ, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Một số cựu cán bộ cao cấp đã yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giải thích vì sao lại đề bạt ông Dũng trong khi Vinalines đang bị điều tra.
Cựu Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Nguyễn Đình Hương, nói Bộ trưởng Đinh La Thăng nên công khai trả lời thắc mắc.
Một người khác, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nguyễn Thị Hoài Thu, cũng đề nghị Quốc hội chất vấn vị bộ trưởng này.
BBC được cho biết Bộ Giao thông vận tải có tờ trình Thủ tướng ngày 23/12 năm ngoái, đề nghị chuyển ông Nguyễn Ngọc Huệ, Cục trưởng Cục Hàng hải, sang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines.
Quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
Quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Cục Hàng hải ngày 6/2/2012
Đồng thời, bộ này đề nghị hoán đổi đưa ông Dương Chí Dũng, từ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines, sang dẫn dắt Cục trưởng Cục Hàng hải.
Bộ Nội vụ có văn bản ngày 9/1 tỏ ý tán thành.
Kết quả là vào ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng k‎ý Bấmhai quyết định đồng ý việc hoán đổi chức danh lãnh đạo này.
Tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, không ít đại biểu phê phán không chỉ cung cách hoạt động của Vinalines mà còn hỏi về trách nhiệm giám sát của chính phủ.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đặt vấn đề: “Trước khi có kết luận, thanh tra phải đi lại 5 đến 10 lượt, yếu kém như thế nào thì lãnh đạo thừa biết rồi nhưng vẫn bất chấp đề bạt, phản cảm ghê gớm, như vậy thì giải thích kiểu gì.”
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam vẫn khẳng định bê bối ở Vinalines là do “trái với chỉ đạo của Chính phủ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư”.
Ông nhắc lại quan điểm: “Tất cả doanh nghiệp nhà nước chứ không riêng Vinashin và Vinalines đều chịu sự quản lý của pháp luật.”
“Bất kỳ doanh nghiệp nào được phát hiện có dấu hiệu vi phạm đều chuyển cơ quan điều tra, các sai phạm đều được giao nhiệm vụ điều tra xử lý,” ông Đam nói.
Điều tra và bổ nhiệm
Quyết định khởi tố ông Dương Chí Dũng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đang bị truy nã, được đưa ra ngay sau Hội nghị Trung ương 5.
Cuộc thanh tra Vinalines bắt đầu từ năm ngoái khi Thanh tra Chính phủ, vào ngày 7/9/2011, công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản.
Thời kỳ bị thanh tra tính từ ngày 1/1/2007 đến 31/12/2010 đối với hoạt động đầu tư dài hạn – là giai đoạn khi ông Dương Chí Dũng là Tổng giám đốc Vinalines.
Vào ngày 1/2/2012, hai cán bộ của Vinalines cùng hai người khác bị bắt trong vụ án Tham ô tài sản.
Tuy vậy, cũng vào đầu tháng Hai, ông Dương Chí Dũng, đã là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines từ tháng 7/2011, được Bộ Giao thông – Vận tải bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải.
Hình minh họa
Mô hình ban chỉ đạo chống tham nhũng mới vừa được Hội nghị Trung ương 5 thông qua
Việc này diễn ra vài ngày trước khi Thanh tra Chính phủ, vào hôm 16/2, công bố dự thảo lần đầu kết luận các sai phạm ở Vinalines.
Sang tháng Tư, Thanh tra Chính phủ ký kết luận, nhưng không có dấu hiệu cho thấy ông Dũng, cũng như ông Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines và cũng được lên chức Vụ phó Vụ Vận tải) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu chuyện thay đổi đột ngột vào ngày 17/5, Bộ Công an khởi tố bổ sung tội Cố ý‎ làm trái, khởi tố và bắt tạm giam các ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều (phó tổng giám đốc, phó bí thư Đảng ủy Vinalines).
Hội nghị Trung ương Đảng lần 5 chỉ vừa kết thúc hai ngày trước đó.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị buộc bàn giao chức Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Thay vào đó, sẽ có một BCĐ Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Bên Đảng cũng gia tăng kiểm soát phía hành pháp khi tái lập Ban Nội chính Trung ương, trở thành cơ quan thường trực thay thế Văn phòng BCĐ hiện nay.
BấmViết trên BBC, học giả người Úc, Carl Thayer, nhận xét: “Lệnh bắt ông Dương Chí Dũng và các quan chức khác của Vinalines có thể được xem là nhằm giảm bớt phe cánh của Thủ tướng, tương tự như khi các lãnh đạo Vinashin bị truy tố.”
Đảng và Chính phủ
Trong khi đó, một chuyên gia khác về chính trị Việt Nam, David Koh, nói với BBC rằng BCĐ chống tham nhũng mới được thiết lập nhằm “tăng khả năng đấu tranh chống tham nhũng thông qua cơ chế Đảng chứ không phải cơ chế nhà nước hay chính phủ”.
Vị tiến sĩ từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng “khó nói” liệu mô hình mới có hiệu quả hay không.
“Để đạt hiệu quả, ban chỉ đạo phải nắm được những kẻ cầm đầu và trừng phạt những người này một cách công khai và hữu hiệu.”
“Thế nhưng liệu văn hóa và thực tiễn của Đảng có cho phép làm điều này hay không? Dựng lại cột có làm đổ nhà hay không? Đây là thách thức của Đảng Cộng sản,” ông nói.
"Để đạt hiệu quả, ban chỉ đạo phải nắm được những kẻ cầm đầu và trừng phạt những người này một cách công khai và hữu hiệu."
Tiến sĩ David Koh
Ông David Koh nhấn mạnh “những lãnh đạo cao nhất phải chịu trách nhiệm về các sai lầm trong chính sách dù họ có trực tiếp ký giấy hay không”.
“Mỗi lĩnh vực chính sách trong nước đều có người phụ trách và những người này cần chịu trách nhiệm cho việc họ làm,” vị chuyên gia này nói.
Vào ngày 28/5, Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Theo đề án, Quốc hội Việt Nam sẽ có thể bỏ phiếu tín nhiệm về cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, và các bộ trưởng chính phủ.
Những ai không đủ tín nhiệm quá bán hai lần liên tiếp sẽ bị đề nghị bãi nhiệm.
Theo giới nghiên cứu lập pháp, đã có quy định lấy phiếu tín nhiệm từ năm 2003, nhưng chưa bao giờ được thực hiện.
Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ có thể được tiến hành nếu có một trong hai điều kiện: 20% đại biểu Quốc hội đề nghị, hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về việc đưa ra bỏ phiếu.
Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận liệu có thay đổi hai ràng buộc mấu chốt này hay không để việc bỏ phiếu tín nhiệm được dễ dàng thực hiện.
Giới quan sát nói nếu quy định bỏ phiếu tín nhiệm được nới ra, nó sẽ làm tăng quyền giám sát của Quốc hội với Chính phủ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét