Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Việt Nam ra nghị quyết ‘tháo gỡ khó khăn’ cho kinh tế

Doanh nghiệp phá sản hàng loạt

 HÀ NỘI (NV) - Nhà cầm quyền Việt Nam vừa chính thức công bố chương trình “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường” để cứu nền kinh tế đang đình đốn.


Công nhân tại một xưởng gia công cặp da tại Hưng Yên. Nhà cầm quyền Hà Nội vừa đưa ra một số giải pháp cứu nền kinh tế đang nguy ngập. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)


Trang mạng chinhphu.vn ngày 11 tháng 5, 2012 phổ biến nguyên văn “Nghị quyết 13/NQ-CP về “một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất; miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối...”

Sau mấy tuần lễ thăm dò, nghị quyết nói trên chính thức đề ra các giải pháp với hy vọng lôi các công ty xí nghiệp ra khỏi tình trạng dở sống dở chết hiện nay. Từ các hệ thống bán lẻ ở thành phố đến các kỹ nghệ sản xuất quy mô như xi măng, thép, xây cất đứng bên bờ vực thẳm.


Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ báo động cho biết, cả nước có khoảng 600,000 công ty lớn nhỏ thì chỉ có 36% là “hoạt động bình thường”, 39% doanh nghiệp khó khăn và có tới 25% doanh nghiệp “đã phá sản, giải thể”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN thì cho rằng đã có 200,000 doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

Nghị quyết 13/NQ-CP do ông Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 10 tháng 5, 2012 “gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, gia hạn 9 tháng nộp thuế doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế”. Ðồng thời “Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn” và “Ðẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư”.

Ðể có thể giảm miễn thuế, nhà cầm quyền trung ương phải qua thủ tục “báo cáo Quốc Hội” để xin xem xét, chấp thuận.

Tổng số tiền dùng trong gói “kích cầu” cứu nguy kinh tế lần này được ước tính khoảng 29,000 tỉ đồng. Trong đó, có tới 16,000 tỉ đồng là miễn và giảm thuế.

Năm 2009, nền kinh tế Việt Nam cũng đình đốn vì ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Hà Nội đưa ra “gói kích cầu” 20,000 tỉ đồng. Nhưng thi hành vụng về, tín dụng tăng trưởng hơn 60%, hai năm sau lạm phát năm 2011 có lúc lên hơn 24%. Dân chúng kêu than vì đuổi theo vật giá không kịp. Hơn 800 vụ đình công xảy ra.

Khi đưa ra “gói kích cầu” này, nhà cầm quyền không đặt ưu tiên cho dự án hay khu vực cần phải ưu tiên, phải dùng tiền “kích cầu” vào việc gì. Trái lại, chỉ coi đó là “vốn lưu động” nên đám kinh tài quốc doanh, đảng đoàn “làm gì cũng được”. Thậm chí, một số quan chức này cầm tiền cho vay lại với lãi suất cao hơn tín dụng đã nhận để kiếm lời. Một trong những hệ quả của đợt kích cầu 2009-2010 là hàng loạt dự án chung cư, cao ốc, biệt thự mọc lên rồi bỏ không. Rao bán giảm giá cũng không bán được.

Với cái “gói kích cầu” mới đưa ra, ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Khoa Học về Giá của Bộ Tài Chính CSVN, cho rằng “việc miễn giảm thuế 30% thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác động với các đến các đơn vị có lãi”. Như vậy, khoảng 235,000 doanh nghiệp lớn nhỏ dở sống dở chết thì chẳng được cái gì.

Tương tự như ý kiến của ông Long, ông Cao Sỹ Kiêm, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ, cho rằng “Hỗ trợ thế này chỉ là đối với từng đơn vị riêng lẻ, được khúc này thì bỏ khúc khác, không có tác dụng tái cơ cấu lại sản xuất”.

Cũng vậy, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng việc miễn giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp là “bất hợp lý”, vì “việc giảm thuế 30% không giúp được các doanh nghiệp đang cần giải cứu”. Ông cho rằng “Ðể người ta chết rồi mới đem tiền đến viếng thì không hiệu quả”.

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng Ngân Hàng Nhà Nước phải hạ lãi suất xuống thật thấp (như cách làm của Hoa Kỳ) rồi các ngân hàng thương mại cho vay lại với lãi suất thấp giúp giới kinh doanh có cơ hội kiếm tiền, nền kinh tế từ từ hồi phục.

“Chính phủ không tốn đồng xu nào” mà còn “thâu tóm” được tiền lời do các ngân hàng thương mại trả. Ông Bùi Kiến Thành cho hay ông từng nêu ý kiến này với nhiều chức sắc nhà nước nhưng không được nghe theo. (T.N.)

Không có nhận xét nào: