Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Việt Nam: Xoáy trôn ốc bởi các nhóm lợi ích


Thường Sơn (CTV Phía Trước) - Dù đang rất cần một sự đồng thuận từ lòng dân, nhưng con đường hướng đến một cấp độ cùng vị thế chính trị toàn trị trong tương lai của Nguyễn Tấn Dũng rất có thể sẽ bị phản tác dụng bởi chính các nhóm lợi ích mà ông, vô tình hay hữu ý, đã dung dưỡng.
Hậu quả sau hai mươi năm
Hiểu theo nghĩa nào đó, Việt Nam là một quốc gia quá thận trọng trong việc lượng định những vấn đề thuộc về mặt trái xã hội. Thường thì một số xác nhận mơ hồ đã chỉ hình thành sau một thời gian đủ dài cho quá trình kết tụ của hàng loạt hậu quả đặc biệt hữu hình.
“Nhóm lợi ích” là một minh họa điển hình. Vào cuối tháng 7/2011, khi một Chính phủ mới được Quốc hội bầu ra, đã chỉ thấp thoáng khái niệm “lợi ích nhóm”, nhưng không phải được nêu ra bởi các đại biểu dân cử mà đơn giản được khởi phát từ các nhà hoạt động xã hội như Lê Đăng Doanh, Tương Lai – những người có bề dày nghiên cứu về vô số hệ quả phát sinh trong hai mươi năm qua. Kể từ thời mở cửa năm 1991 đến nay, đối với toàn bộ nền kinh tế, tất nhiên việc này cũng gây nên tác động rất cay đắng cho “sân sau” của nền kinh tế đó: thực trạng ngổn ngang và đầy rẫy bất công trong xã hội.
Trong suốt năm 2011, có lẽ nhận định sâu sắc nhất, gián tiếp chĩa mũi dùi vào nhóm lợi ích đã thuộc về nhà kinh tế Lê Đăng Doanh: Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tình hình kinh tế – xã hội lại xấu như hiện nay.
Nhưng phản ứng với nhận định trên cùng nhiều phản biện của các trí thức khác, Chính phủ mới vẫn hoàn toàn im lặng. Về phía Quốc hội thì xem ra họ đã làm đúng thiên chức khi “biểu thị tiếng nói đồng thuận của người dân đối với các chính sách đúng đắn của chính phủ”.
Nhưng khác với những năm trước, lần này sự thể đã không còn nằm trong vòng kềm tỏa của những người cầm cương vận mệnh kinh tế dân tộc. Quý 3 năm 2011 đã bất chợt gióng lên tiếng chuông cảnh báo khẩn cấp đối với hoạt động của các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Hoạt động này, chỉ mới tính từ năm 2007 đến thời điểm đó, đã quá đủ cho những hậu quả ê chề.
Tại Việt Nam, khối DNNN tuy chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA, nhưng chỉ đóng góp khoảng 37-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng.
Chỉ riêng năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) đã là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng, thì nợ của khu vực DNNN đến năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP của năm 2009. Hàng năm có tới 12% DNNN có kết quả kinh doanh thua lỗ và mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Nguồn cơn nào đã tích tụ và dẫn đến những hậu quả trên?
Sự thừa nhận quá muộn màng
Nguyên nhân năng lực quản trị yếu kém vẫn thường được nêu ra như một lý do muôn thuở, nhưng dù sao đó chỉ là một trong thiên hình vạn trạng của mà các tập đoàn kinh tế nhà nước biểu hiện. Đầu tư trái ngành, trong đó đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, cộng với khả năng phán đoán sai về các thị trường đầu cơ đã khiến cho một loạt DNNN như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cùng nhiều DNNN khác sa chân vào con đường dẫn tới vực thẳm.
Chính Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã phải thừa nhận tình hình bĩ cực trên, cho dù như một “quy luật”, những hàng rào che chắn vẫn luôn hiện ra trên con đường dẫn ra sự minh bạch. Vào tháng 11/2011, một phiên họp của Quốc hội đã lần đầu tiên đặt vấn đề về “lợi ích nhóm”, và ngay cả Chính phủ mới cũng phải thừa nhận là đang tồn tại những nhóm lợi ích ngay trong lòng nền kinh tế quốc doanh. Cùng lúc, giới truyền thông trong nước cũng bùng lên lời cảnh báo về hiện tượng mới về tên gọi nhưng cũ về bản chất này.
Dù sao, thời điểm cuối năm 2011 cũng đánh dấu sự thừa nhận đầu tiên của chính quyền đối với hiện tồn nhóm lợi ích ở Việt Nam. Tiếp theo đó, một số nhân vật chủ chốt của Bộ Chính trị, trong đó đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và một vài quan chức cấp cao khác của Đảng, cũng đã đề cập đến cụm từ này, tuy mỗi người có một mức độ lưu ý khác nhau.
Song như một căn bệnh mãn tính, người ta vẫn không thể vạch mặt chỉ tên những điều đã hiện hình từ quá lâu nay. Nhóm lợi ích, hay lợi ích nhóm đã chỉ xuất hiện với tư cách là những khái niệm, thậm chí là khái niệm xã hội học và thiên về tính chất nghiên cứu chứ không nhằm phục vụ cho mục tiêu mổ xẻ, phản biện và điều chỉnh tự thân nó. Vẫn lồng trong truyền thống văn hóa “đóng cửa bảo nhau” của người Việt, cho tới nay vẫn không hề xuất hiện bất cứ một nhóm lợi ích cụ thể nào.
Những bài diễn văn và các diễn từ lê thê của các quan chức cấp cao trong Chính phủ, từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến một số Bộ trưởng ngành Tài chính, Ngân hàng, Đầu tư… đã chỉ nhắc đến nhóm lợi ích như một trào lưu, một kinh nghiệm tham khảo của các nước tư bản, hay chính xác hơn là một hình ảnh mang tính phủ dụ trước tâm trạng khó có thể kềm chế hơn nữa của người dân.
Nhóm lợi ích bao cấp
“Chưa bao giờ các nhóm lợi ích lại hùng mạnh như bây giờ” – đó chỉ là một đánh giá hoàn toàn riêng lẻ, thậm chí riêng tư mà không được công nhận chính thức về mặt nhà nước, xuất phát từ tiếng nói hiếm hoi của một đại biểu Quốc hội. Phát biểu đó không phải được đưa ra trên các diễn đàn chính thức của cơ quan dân cử này mà chỉ từ một hành lang khuất nẻo nào đó.
Những gì mà các quan chức mới chỉ “cảm thấy” và còn đang “trong quá trình nghiên cứu” thì người dân đã sờ thấy, và hơn thế nữa, người dân cùng xã hội đã trở thành nạn nhân của sự cảm thấy ấy. Đó cũng là một hình ảnh đồng thuận ở mức độ cao trong xã hội Việt Nam đương thời, giữa người dân đóng thuế và các nhóm lợi ích.
Sự đồng thuận tiêu biểu nhất hẳn nhiên liên quan đến cơ chế “bù lỗ vào giá” mà những nhóm lợi ích tiêu biểu nhất, trực diện nhất về ảnh hưởng xã hội đã gây ra. Với hơn ba chục ngàn tỷ đồng của EVN và hơn chục ngàn tỷ đồng của Petrolimex từ hậu quả lỗ lã do đầu tư trái ngành, cùng thế độc quyền và đặc quyền, cũng như thường xuyên được “bảo kê” bởi những cơ quan quản lý nhà nước cấp cao như Bộ Công thương và sự thỏa hiệp của ngay một bộ trưởng ngành tài chính được coi là trong sạch như Vương Đình Huệ, các DNNN này đã âm thầm tiến hành những chiến dịch tăng giá sản phẩm điện và xăng dầu từ tháng 12/2011.
Kết quả của việc tăng giá điện do EVN vào cuối tháng 12/2011 đã thúc đẩy chỉ số lạm phát có cớ để tăng thêm ít nhất 0,36% (chỉ tính theo một ước lượng ở mức tối thiểu của Cục quản lý giá – Bộ Tài chính), trong khi nhiều mặt hàng tiêu dùng và sinh hoạt cũng tận dụng cơ hội trời cho này để tăng vọt đến 20-30%.
Nhưng nếu EVN đã được hưởng đặc quyền tăng giá 5% thì Petrolimex còn làm được gấp đôi như thế: 10% tăng giá xăng dầu vào đầu tháng 3/2012.
Có thể nói, EVN và Petrolimex là hai nhóm lợi ích dễ thấy nhất, hữu hình nhất và có tác động trực tiếp nhất đối với giá sinh hoạt và mặt bằng dân sinh. Tuy nhiên, một điều hoàn toàn khó hiểu nhưng lại không khó để nhận ra là sau khi các Bộ Công thương, Tài chính lặng lẽ thỏa hiệp với những cú tăng giá bất thường này, ngay cả Chính phủ, với vai trò trực tiếp của Thủ tướng, lại không có bất cứ một động tác can thiệp nào nào nhằm “bình ổn giá”.
Nhóm lợi ích thị trường
Bản thân Nguyễn Tấn Dũng cũng là một mâu thuẫn có tính tự thân. Trước Quốc hội vào tháng 8 và tháng 11/2011, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã luôn đưa ra cam kết sẽ kềm chế lạm phát ở mức tối thiểu; và trong năm 2012 sẽ giữ lạm phát chỉ dưới một con số. Sự hứa hẹn này được nêu ra, cùng với nhiều khuyến khích từ các tổ chức quốc tế như ADB, ANZ, Moody’s, IMF… đã như củng cố thêm cho căn bệnh thành tích duy ý chí mà không cần đặc biệt quan tâm đến sự phân tích lượng lý từ thực tiễn nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đã tăng đến 50%, còn hố phân cách thu nhập xã hội ngày càng rộng thêm ra.
Ở một trường hợp khác, người ta lại chứng kiến mối quan hệ khá bất thường giữa Nguyễn Tấn Dũng với Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Là một thành viên trong Chính phủ mới từ tháng 8/2011, ông Bình đã nhanh chóng chuyển từ tư thế một lãnh đạo được kỳ vọng về chuyên môn và sự công tâm sang việc vận dụng chuyên môn vào mục tiêu “bật đèn xanh” cho các nhóm lợi ích khác – vàng và ngân hàng.
Trong suốt nửa cuối năm 2011, thị trường vàng Việt Nam đã không hề được “bình ổn giá”. Thay vào đó là hình ảnh nhộn nhạo bất tuân pháp luật của các nhóm đầu cơ vàng trong hàng loạt chiến dịch nhập khẩu độc quyền, bán vàng giá cao, treo giá vàng trong nước chênh cao so với giá vàng thế giới đến 4-5 triệu đồng/lượng…
Tương tự, nhóm ngân hàng cũng trở nên một ví dụ sống động về đặc quyền do Ngân hàng Nhà nước tạo ra, với lãi suất cho vay treo cao, bất chấp hơn 50.000 doanh nghiệp đã phải giải thể, và hàng tháng vẫn đang có ít nhất hàng ngàn doanh nghiệp khác phải phá sản do không có vốn để đầu tư sản xuất.
Nếu những DNNN đầy tai tiếng như EVN và Petrolimex phải dựa vào thói quen bao cấp và cơ chế chạy chọt để tìm ra lối thoát, thì nhiều ngân hàng lại tồn tại đầy vững vàng với núi lợi nhuận cao ngất trong suốt năm 2011. Đặc biệt từ khi Nguyễn Văn Bình chấp nhiệm chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng đã vượt lên trên tất cả các nhóm lợi ích khác, trở thành nhóm lợi ích số một, thao túng gần như toàn bộ huyết mạch tài chính và nền kinh tế Việt Nam.
Xoáy trôn ốc thể chế
Giữa lời nói và việc làm của các quan chức điều hành kinh tế Việt Nam đã luôn tồn tại một sự bất nhất đến khó hiểu và khó lường. Sự im lặng gần như tuyệt đối của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước động thái chây ì không chịu hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã khiến người ta có khá nhiều cơ sở để nghi ngờ vào thái độ thiếu khách quan của ông. Trong khi chính ông, trong không ít lần diễn giải trước công luận và dư luận, lại lên tiếng đòi hỏi loại trừ đặc quyền đặc lợi của các nhóm lợi ích.
Quả là chưa bao giờ ở Việt Nam lại diễn ra một khác biệt lớn đến thế giữa phía trước và phía sau tấm màn nhung điều hành thể chế. Trong khi các nhân vật thuộc nhóm lợi ích kinh tế đã hoàn toàn lộ diện tính chất lũng đoạn của chúng trước 99% khán giả trên sân khấu quốc gia, thì sau tấm màn nhung vẫn là động thái “không thấy, không nghe, không biết” của 1% giới quan chức điều hành.
Vẫn biết là Nguyễn Tấn Dũng đang rất cần một sự đồng thuận từ lòng dân, đặc biệt từ sau tháng 8/2011, và bộc lộ đầu tiên của vị thủ tướng này đã diễn ra trước Quốc hội vào tháng 11/2011 về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thừa nhận tính yêu nước của hoạt động biểu tình tại Hà Nội chống sự can thiệp của Trung Quốc vào khu vực biển Đông… Nhưng những biểu hiện nhằm tái hiện hình ảnh “công bộc của dân” mà Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vẫn còn là quá ít ỏi, quá nhỏ bé so với những hiện tồn và hậu quả ghê gớm từ hiện trạng các nhóm lợi ích đang mượn danh nghĩa Chính phủ để thao túng gần như toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Bởi nếu vẫn chỉ duy ý chí hoặc gián tiếp tạo điều kiện cho sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích, bản thân Nguyễn Tấn Dũng lại đang rơi vào một tình thế khá nguy hiểm: phía trước, bên cạnh và cả phía sau ông vẫn hiện diện những thế lực chính trị và tài phiệt không hoàn toàn đồng thuận với ông. Những thế lực này lại có mối liên hệ với dân chúng ở những chiều cạnh khác, kín đáo và có tác dụng hơn so với quá nhiều phản cảm từ phía hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương gây ra đối với nhân dân.
Nói cách khác, con đường hướng đến một cấp độ cùng vị thế chính trị toàn trị trong tương lai của Nguyễn Tấn Dũng rất có thể sẽ bị phản tác dụng bởi chính các nhóm lợi ích mà ông, vô tình hay hữu ý, đã dung dưỡng.
Thường Sơn
© 2012 TCPT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét