Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

4 Tàu Tuần TQ Vào Biển Đông, Bản Đồ: 9 Lô Dầu TQ ở Biển VN



Tudo4VN: TQ chuẩn bị kế hoạch quân sự tại biển Đông, đây là một trong nhiều kế hoạch chiếm đóng và khai thác biển Đông trong lãnh hải  của VN. Chúng ta có thể hiểu là Tổ Quốc đang bị xâm lăng.
VietBao.com
HANOI/BEIJING (VB) — Sau khi Việt Nam Tập đoàn Dầu khí Petrovietnam họp báo hôm 27/6/2012 để phản đối công ty dầu TQ rao đấu thầu 9 lô dầu trong biển VN, nhà nước Bắc Kinh liền đưa 4 tàu Tuần Hải tới tuần tiễu ở Biển Đông.Bản tin từ báo Ấn Độ India Times cho biết 4 tàu tuần Hải Quân TQ xuất bến từ cảng Sanya, theo chương trình do Bắc Kinh nói là sẽ đi tuần 2,400 hải lý.

Trước đó, bản tin RFI hôm Thứ Tư cho biết, vào hôm Thứ Tư 27/06/2012, Tập đoàn Dầu khí Petrovietnam đã chính thức mở cuộc họp báo về vụ Tổng công ty Dầu khi Hải dương Trung Quốc CNOOC kêu gọi quốc tế đấu thầu 9 lô dầu khí ngoài Biển Đông. Hành động của Trung Quốc, ngay từ hôm Thứ Ba, đã bị Việt Nam chính thức phản đối, xem đấy là một «hành động phi pháp» vì 9 lô nói trên đều nằm trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam.
RFI cũng nhắc lại là ngày 23/06/2012 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã loan báo mời nước ngoài đầu thầu thăm dò 9 lô dầu khí ở vùng mà họ xác định là «vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc» ngoài Biển Đông. Được mời thầu có 7 lô nằm ở bồn trũng mà Trung Quốc đặt tên là Trung Kiến Nam, và 2 lô tại bồn trũng Vạn An và Nam Vi Tây.
Điều đáng nói là tập đoàn Trung Quốc còn cung cấp tọa độ các lô này, kèm theo một tấm bản đồ cho thấy rõ ràng là 9 lô được họ rao thầu đều nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam, nằm bên trong đường lưỡi bò do chính Trung Quốc đơn phương vẽ ra để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Theo bản đồ do CNOOC cung cấp, vị trí các lô mời thầu nằm bên trong các đường gián đoạn mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của họ.
Căn cứ vào các tọa độ và bản đồ nêu trên, giới quan sát đều nhìn thấy rõ là các lô mà Trung Quốc rao thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa mà Việt Nam được hưởng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982. Ngay từ hôm Thứ Ba, hãng tin Nga Interfax đã công bố một tấm bản đồ nêu bật thực tế mà Việt Nam đã tố cáo là «phi pháp» đó.
Trong cuộc họp báo vào hôm Thứ Ba, Tập đoàn Petrovietnam đã kêu gọi các công ty nước ngoài là hãy tẩy chay “cuộc đấu thầu phi pháp” của Trung Quốc, và tái khẳng định rằng toàn bộ 9 lô mà Bắc Kinh chào mời đều nằm trên thềm lục địa của Việt Nam.
RFI ghi lời ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Petro Vietnam, các lô trên có tổng diện tích hơn 160.000 km2, nằm trong một khu vực mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có các hoạt động dầu khí từ lâu với các đối tác nước ngoài, chồng lên những lô mà Việt Nam đã đánh số từ 128 đến 132, và từ 145 đến 156.
Petro Vietnam xác định là sẽ gởi lời phản đối đến Bắc Kinh và các tập đoàn nước ngoài nào tham gia cuộc đấu thầu này.
Mặt khác, bản tin VOA hôm 27/6/2012 cho biết Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc dự tính mở rộng phủ sóng phát thanh, phát hình tại thành phố mới thành lập Tam Sa, trong nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông bằng việc tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tờ Hoàn Cầu thời báo của nhà nước Trung Quốc ngày 27/6 nói dự án này nhằm làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cư dân khu vực, chủ yếu là ngư dân và các binh sĩ của Trung Quốc trú đóng tại đây.
Trước đó một ngày, giới hữu trách Hải Nam xác nhận rằng tới cuối tháng 8 này, tất cả các hộ gia đình cư ngụ trên các đảo nhỏ thuộc quần đảo Tây Sa (mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa) sẽ xem được 48 kênh truyền hình cáp và một số kênh radio hoàn toàn miễn phí.
Nguồn tin này cho biết dự án được tài trợ chính thức nằm trong khuôn khổ sáng kiến của chính quyền trung ương từ năm 1998 muốn phủ sóng các kênh phát thanh, phát hình tới tất cả làng mạc hoặc các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh trên khắp cả nước Trung Quốc.
VOA cũng ghi nhận, “Bài báo nói rằng chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện rộng trên các quần đảo tại Biển Đông sẽ giúp Trung Quốc chống lại các tranh chấp chủ quyền từ Việt Nam và Philippines tại Tây Sa-Nam Sa, tức Hoàng Sa-Trường Sa, theo cách gọi Việt Nam.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét