Pages

Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Báo chí và quyết định khó khăn trong đời Bộ trưởng


“Một tờ báo từng hỏi tôi liệu có vùng cấm đối với báo chí không. Tôi xin khẳng địnhngay là không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm.” -nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam.Quyết định khó khăn nhất thời ông làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đó là phải rút thẻ những nhà báo viết về chống tham nhũng trong vụ PMU18. Đêm từng không ngủ vì cảm giác rất vui sau những ngày cùng đồng nghiệp “dày công” đưa hai chữ “phản biện” vào Nghị quyết 11 như một chức năng quan trọng được Đảng và xã hội thừa nhận của báo chí, ông sốt ruột vì được phản biện, nhưng báo chí “chưa làm được bao nhiêu”.
VietNamNet trò chuyện với nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Vùng cấm do báo chí ngại không vào
Ông Hợp chia sẻ:
Thời làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, tôi đã dày công cùng đồng nghiệp đưa hai chữ “phản biện” vào Nghị quyết 11. Vai trò báo chí lớn hơn nhiều nhưng dường như chúng ta chưa cảm nhận và đặt vào nó đầy đủ những vai trò mà nó đã có.
Trong những năm qua, báo chí nước ta tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hình thức, nội dung đa dạng và phong phú hơn. Xét ở khía cạnh thông tin, báo chí làm được nhiều việc, nhưng chức năng giáo dục, phản biện, thậm chí vươn lên làm giám định thì chưa tốt.
Ông Lê Doãn Hợp: Có vụ tiêu cực báo chí không vào cuộc thì dễ “chìm xuồng”
Phản biện là một chức năng quan trọng của báo chí. Với đảng cầm quyền, phản biện sẽ giúp đảng đúng hơn, tốt hơn. Vậy đâu là kênh phản biện? Quốc hội, MTTQ và báo chí.
Vì thế khi đưa được hai chữ “phản biện” vào Nghị quyết 11, đêm ngủ tôi cứ lâng lâng. Nhưng còn buồn vì mặt yếu nhất hiện nay của báo chí chính là phản biện. Báo chí gần như chưa làm được gì nhiều với chức năng phản biện của mình.
Một tờ báo từng hỏi tôi liệu có vùng cấm đối với báo chí không. Tôi xin khẳng định ngay là không có vùng cấm nào, chỉ có báo chí ngại không vào mà thành vùng cấm.
Báo chí, nếu phản ánh đúng, bản thân cái đúng tự bảo vệ mình. Nói đúng là phản biện, kể cả cái đúng tốt và cái đúng không tốt. Hãy nhớ rằng tiêu cực luôn sợ báo chí. Một thiết chế chính trị mà báo chí đủ uy trước tiêu cực là thiết chế chính trị tuyệt vời. Mà để làm được điều đó, báo chí chỉ có cách làm tốt công tác phản biện.
Quyền, tiền không thể chi phối nhà báo
Nhưng dường như nhà báo ngày càng phải chịu sức ép lớn hơn từ nhiều phía: bạn đọc, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, thậm chí trong nhiều trường hợp rất khó dung hòa lợi ích. Vai trò của nhà báo như vậy nên xác định là người đưa tin khách quan, bảo vệ sự thật, hay là người bảo vệ lợi ích, thưa ông?
Nhà báo chân chính không thể bị chi phối với bất cứ điều gì: quyền lực, tiền hay địa vị… Đưa tin khen rất dễ nhưng đưa tin chê đúng thì khó hơn nhiều.
Báo chí ta hiện thiên về khen, nặng viết về hội nghị, hội thảo. Báo góp ý phê bình với tính chất phản biện để xây dựng thì ít, chưa đủ tầm, đủ lực và sức thuyết phục chưa cao.
Những vấn đề nóng của xã hội báo chí chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng. Tôi thấy chúng ta còn thiếu những bài báo có tính chiến đấu cao, dám lăn xả vào cuộc sống.
Những vấn đề nóng bỏng của xã hội báo chí chưa khoan đến đáy, chưa xoáy đến gốc, chưa chọc sâu đến tận cùng.
Mình đưa tin lãnh đạo, cán bộ đi dự hội nghị không sai, đưa những thứ đúng rồi, chả còn gì tranh luận cũng không sai, nhưng có hấp dẫn người dân hơn việc đưa tin về chính những việc người dân đang cần, xã hội đang quan tâm?
Thế nên không dễ với những tờ báo muốn làm định hướng tư tưởng, chính trị tốt mà vẫn có bản sắc riêng? Tôi từng làm bộ trưởng, thấy rằng định hướng báo chí là cần nhưng không có nghĩa là cầm tay chỉ việc, làm cho báo chí giảm đi yếu tố tự tin và sáng tạo.
Nhưng định hướng đúng, gắn với sáng tạo sẽ làm tờ báo có đẳng cấp rõ hơn. Định hướng quan trọng nhất của một tờ báo là trung thực, hướng thiện, nhanh, thật và hay. Nếu muốn tờ báo có thương hiệu thì nó phải có bản sắc, hương vị riêng. Chứ không cẩn thận thì tất cả sẽ giống nhau và cuối cùng trùng lặp, nhàm chán, lãng phí.
Tiêu cực luôn sợ báo chí
Đã quản lý báo chí phải hoàn chỉnh luật lệ, mà luật Báo chí mãi chưa sửa xong?
Không tập trung sửa luật thì khó quản lý báo chí thuận hơn. Khi thiếu luật lệ thì buộc phải bổ sung bằng các chế tài tức thì, mệnh lệnh hành chính, làm cho người quản lý vất vả, người tác nghiệp cũng dễ ức chế.
Như ông đề cập thì thiếu luật nên quản lý báo chí nhiều lúc phải dùng mệnh lệnh hành chính. Khi còn đương chức, ông có bao giờ gặp tình huống mà ông biết trước sẽ gây ra sự không thống nhất trong nhận thức giữa cơ quan quản lý và báo chí?
Những người quản lý báo chí, kể từ tổng biên tập trở đi phải biết bảo vệ mình, ngay cơ quan quản lý cao hơn có thể nêu vấn đề này vấn đề kia nhưng mình phải chịu tranh luận.
Báo chí không phản ánh đúng sự thực thì không có chỗ đứng trong lòng công chúng
Khi mình làm đúng, mình bảo vệ điều mình đã làm thì tờ báo tự tin, anh em tác nghiệp tốt hơn, lấy cái đúng để đo tính chất nghề nghiệp cụ thể. Cấp trên nói đúng thì tiếp thu. Còn băn khoăn thì giải trình, có lý có tình. Nhờ đó mà tính sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của từng tờ báo sẽ cao hơn.
Thời tôi làm là thời được tranh luận, cái gì đúng nhưng không có lợi thì rút kinh nghiệm, cái gì đúng mà dư luận quan tâm thì phải sửa, cái gì mình viết sai thì phải dũng cảm nhận trách nhiệm, để khắc phục, không tái phạm, nếu không tôn trọng sự thực thì khó yên dân. Tôi nói các đồng chí không phản ánh đúng sự thật thì sẽ không có chỗ đứng trong lòng công chúng.
Vậy ông từng đối diện quyết định khó khăn nào nhất trong quản lý báo chí với vai trò trưởng ngành? Khó khăn nhất của tôi là rút thẻ nhà báo. Trong vụ PMU18, phải xem xét để rút 17 thẻ nhưng tôi và đồng nghiệp đã xem xét cụ thể, khách quan, nên chỉ rút thẻ của 7 nhà báo.
Trước khi rút thẻ, cơ quan quản lý báo chí phải dày công phân tích ai chính, ai phụ, ai bị chi phối, có đủ yếu tố chủ quan, khách quan, để xử đúng người, đúng tội, chính xác, kịp thời, có giá trị giáo dục, thuyết phục cao.
Khách quan mà nói, có vụ tiêu cực báo chí không vào cuộc thì dễ “chìm xuồng”. Tiêu cực sợ báo chí, nhờ sức ép của báo chí nên nhiều vụ việc xử lý nghiêm túc hơn. Có nhiều lĩnh vực báo chí vào cuộc tác động lan tỏa rất tốt, nhưng trong vụ PMU18 vẫn có một số tờ báo thiếu trách nhiệm, viết ẩu, một phóng viên viết thiếu chính xác, nhiều người sao chép, tát nước theo mưa. Nhưng tổng thể vụ PMU18, nhờ báo chí mà xử lý nhanh hơn.
Có thể có tâm lý, “chấn thương” sau vụ chống tham nhũng này nhưng tôi tin những nhà báo bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm thì vẫn luôn vững chãi.

Không có nhận xét nào: