Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

CHỦ QUYỀN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA HIẾN PHÁP DÂN CHỦ


Bài tham luận của Ông Nguyễn Sĩ Bình về Chủ Quyền của người dân và Hiến Pháp Dân Chủ
Nhân dịp kỷ niệm 6 năm ngày phục hoạt (01/06/2006 – 01/06/2012), Đảng Dân chủ Việt Nam trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam. Buổi họp được bắt đầu với một phút tưởng niệm về cụ Hoàng Minh Chính, cố Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Bài tham luận đã thông qua trong cuộc họp của Ban Lãnh đạo Đảng Dân chủ Việt Nam trong và ngoài nước ngày 26/05/2012, và cũng là tiếng nói của các chí hữu và cộng sự của Đảng Dân chủ Việt Nam đang bị giam cầm bởi pháp luật áp đặt của Đảng Cộng sản: Tổng thư ký Lê Công Định, Phó tổng thư ký Trần Anh Kim, Phó Tổng thư ký Nguyễn Tiến Trung, Phùng Lâm, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Lê Thăng Long, Doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức… Không có pháp luật chuẩn mực nào lại giam cầm những người yêu nước, nhân tài ưu tú của xã hội. Trong cuộc họp này, Ban Thường vụ Trung ương cũng thông qua và nhắc lại những nội dung quan trọng cho mục tiêu hoạt động sắp tới, bao gồm: Nguyên tắc cơ bản chính trịTổng hợp ý kiến xã hội và quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam.

***

CHỦ QUYỀN CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA HIẾN PHÁP DÂN CHỦ

Lãnh thổ, cư dân, chủ quyền là các yếu tố cấu thành quốc gia. Khi người dân mất quyền làm chủ thì quốc gia không còn là quốc gia mà là lãnh địa của bạo quyền!
Trong suy nghĩ thường ngày, hiến pháp và pháp luật là những khái niệm chưa phổ thông với đại thể quần chúng. Nhưng trên thực tế, các thiết chế đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của toàn thể nhân dân cũng như tương lai của cả xã hội. Khi người dân không quan tâm nhiều đến hiến pháp, đến sự chuẩn mực và chính danh của pháp luật, những điều này vô hình trung tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho giới cầm quyền bất chính độc quyền làm luật, ngang nhiên áp đặt luật, tuỳ tiện trong việc thi hành luật. Thực tế đó không khác với tình trạng xã hội vô pháp luật. Bầu cử độc đảng, áp đặt pháp luật, tùy tiện trong các vấn đề hệ trọng của xã hội là những hành động xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, không khác gì xâm phạm chủ quyền quốc gia.
Thời nào, chế độ nào đất nước cũng cần có hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng đòi hỏi nhất thiết của xã hội công bằng, thịnh vượng, đồng thời ngăn chặn tình trạng tiếm quyền, lạm quyền. Cho nên, thúc đẩy xây dựng hiến pháp dân chủ, nhà nước pháp quyền cần là công việc thường xuyên, công khai và là mục tiêu lâu dài của xã hội. Mặc nhiên hay vô tình công nhận hiến pháp áp đặt và pháp luật tùy tiện của Đảng Cộng sản chính là tiếp sức cho sự tồn tại của chế độ cầm quyền không chính danh.
Ý nghĩa quyền làm chủ của nhân dân
Sau khi đất nước giành độc lập, quyền làm chủ đất nước đã trao lại cho nhân dân thông qua bản Hiến pháp dân chủ năm 1946. Nhưng quyền làm chủ của nhân dân và bản hiến pháp dân chủ đó lại không được giới lãnh đạo cộng sản tôn trọng và áp dụng vào đời sống thực tế. Bằng thủ đoạn đánh tráo và chiếm đoạt quyền làm chủ đất nước, hiến pháp 1946 của toàn dân đã không được ban hành. Việt Nam đã có 4 hiến pháp, nhưng người dân Việt chưa một lần được phúc quyết hiến pháp, chưa một lần được trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng của đất nước như việc đổi tên nước, loại bỏ quyền phúc quyết hiến pháp, quyền làm chủ của nhân dân, việc thay đổi thể chế từ chế độ dân chủ cộng hòa sang chế độ dân chủ nhân dân mà thực chất là chế độ cộng sản…
Các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 của Đảng Cộng sản Việt Nam là áp đặt, không chính danh vì quyền làm chủ của nhân dân không được tôn trọng. Hiến pháp không chính danh thì cầm quyền cũng không hợp thức. Một đất nước trong tình trạng bị áp đặt hiến pháp, tất nhiên pháp luật tùy tiện và giới cầm quyền tự coi mình là pháp luật. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng của xã hội cần phải hóa giải. Áp đặt hiến pháp của một đảng chưa có đến 5% dân số lên toàn xã hội đồng nghĩa với việc đa số nhân dân bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp người dân không được pháp luật bảo vệ.
Quyền làm chủ đất nước tuy có vẻ trừu tượng nhưng thực ra lại là tối quan trọng. Quyền làm chủ của nhân dân bao gồm quyền làm chủ đất nước, quyền tư hữu tài sản, quyền làm chủ đất đai. Quyền làm chủ đất nước là quyền tự do ứng cử bầu cử, quyền phúc quyết hiến pháp cũng như phúc quyết các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Nếu để mất quyền làm chủ đất nước thì không thể bảo vệ quyền làm chủ đất đai và các quyền con người của mình. Đất nước có hiến pháp dân chủ thì quyền tư hữu, quyền làm chủ đất đai cũng được hợp pháp hóa theo nguyện vọng của nhân dân.
Quyền làm chủ của nhân dân là nút thắt của các vấn đề hệ trọng trong xã hội, là điểm cốt lõi trong công cuộc đấu tranh cho dân chủ, là điểm cốt tử của chế độ phi dân chủ. “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng” là tuyên bố lừa mị. Nghe thì rất dân chủ nhưng cái đuôi “dưới sự lãnh đạo của đảng” phá hủy tất cả ý nghĩa hệ trọng “quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Thực tế là nhân dân không có quyền – cả quyền làm chủ và quyền lực nhà nước đều nằm trong tay lãnh đạo cộng sản.
Trong lần sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, cần lưu ý điều quan trọng nhất là hiến pháp phải thông qua lá phiếu phúc quyết của nhân dân. “Hội thảo hiến pháp sôi nổi” không phải là phúc quyết hay thủ tục pháp lý để ban hành hiến pháp chính danh. Thay vì phải tổ chức phúc quyết hiến pháp trước khi ban hành, nhà cầm quyền dựng lên các cuộc “hội thảo sôi nổi” để lấy “ý kiến nhân dân” nhằm mục đích hợp thức hóa bản hiến pháp. Đây chỉ là thủ thuật đánh lạc hướng đảng viên và công luận lâu nay để áp đặt hiến pháp, tránh không bị chống đối. Quyền làm chủ của nhân dân chính là lá phiếu – phiếu bầu, phiếu phúc quyết hiến pháp. Phúc quyết hiến pháp là thủ tục pháp lý nhất thiết của bản hiến pháp chính danh, là thoả thuận của nhân dân trao quyền cho nhà nước, là niềm tự hào của quốc gia dân tộc, thế nhưng lâu nay giới lãnh đạo cộng sản vẫn né tránh, chỉ ca ngợi hiến pháp dân chủ nhưng không dám tổ chức phúc quyết hiến pháp.
Vì nhân dân không có quyền làm chủ đất nước nên quyền tự do ứng cử bầu cử trong chế độ cộng sản chỉ là hình thức. Thực tế là, Mặt trận Tổ quốc, một bộ phận của Đảng Cộng sản khống chế toàn diện tiến trình bầu cử. Chỉ có đảng viên cộng sản đồng lõa với cấp trên mới được đảng tuyển chọn và đó là chọn lựa sau cùng. Vấn đề loa phóng thanh và các phương tiện truyền thông ầm ĩ kêu gọi đi bầu và thúc ép đi bầu là trò diễn tốn kém công quỹ và gây phiền toái cho nhân dân trong các cuộc bầu cử. Mục đích chỉ là để lừa mị nhân dân về tính chính danh của chế độ vốn chưa bao giờ hợp thức.
Quyền bãi nhiệm chính phủ bất tín cũng là quyền làm chủ của nhân dân qua bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Nhưng chế độ cộng sản chưa bao giờ có luật về trưng cầu ý dân và cũng không có mục nào trong hiến pháp quy định “bãi nhiệm chính phủ”, dù lâu nay bộ máy tuyên truyền cộng sản vẫn hô hào “nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”.
Các vấn đề dân oan, bôxít Tây Nguyên, vấn đề biển đảo Hoàng Sa–Trường Sa và nhiều oan sai trong xã hội không được giải quyết thỏa đáng cũng vì người dân bị tước đoạt quyền làm chủ đất nước. Chính vì người dân bị tước đoạt quyền làm chủ đất nước, mất quyền tự ứng cử và tự do bầu cử nên nhà cầm quyền mới tùy tiện và lộng hành đến thế.
Chính vì mất quyền làm chủ đất nước nên người dân không thể bảo vệ quyền sở hữu đất đai của mình. “Đất đai là nguồn sống của nhân dân” nhưng pháp luật cộng sản áp đặt “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu…” và “Đảng Cộng sản…là lực lượng lãnh đạo nhà nước…”. Điều này biến người chủ đất đai thành những người ở đậu trên mảnh đất của mình, cho phép các lãnh đạo đảng được quyền thu hồi, cưỡng chế đất đai của người dân. Do đó, giới cầm quyền thao túng đất đai của nhân dân mà không bị pháp luật trừng trị.
Trên thực tế lâu nay, thiểu số cầm quyền nhân danh pháp luật thu hồi đất đai của người dân là hết sức bất công và oan sai. Lối nói “giải quyết theo pháp luật” chỉ là ngụy biện phủ đầu che lấp dã tâm chiếm lấy ruộng đất của nhân dân. Vụ Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản là những cụ thể nhà cầm quyền cưỡng chế đất đai ở quy mô lớn. Hành động bạo lực, tùy tiện như vậy, không có pháp luật chuẩn mực nào cho phép. Người dân có khiếu kiện đến cấp nào, tốn bao thời giờ và công của cũng không được giải quyết thỏa đáng, vì đó là những vụ lợi mang tính đồng loã của hệ thống nhà nước một đảng.
Chính vì áp đặt pháp luật mà cả đảng và nhà nước cộng sản không có quyền gì đối với nhân dân Việt Nam. Lãnh đạo cộng sản không có quyền khẳng định, áp đặt nội dung các điều luật trước khi hiến pháp được nhân dân phúc quyết và ban hành. Những phát biểu kiểu như: “không tam quyền phân lập,” quyền lực nhà nước do đảng “phân công và phối hợp,”… “quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp…” chứng tỏ giới lãnh đạo cộng sản vẫn chưa chấp nhận sự thật và lẽ phải, vẫn tự tôn, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, xem thường trí thức, thách thức cả đảng viên và công luận. Việc soạn thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Đảng Cộng sản hiện nay đã lộ rõ những bất công lớn. Toàn thể ủy ban soạn thảo hiến pháp là người của Đảng Cộng sản, thành phần đang trong đảng cầm quyền và đang thao túng chính trường. Cho nên, nếu không có những điều chỉnh kịp thời thì vấn đề giới lãnh đạo cộng sản tiếp tục tiếm quyền là điều khó tránh khỏi.
Tầm quan trọng và sự cần thiết của hiến pháp dân chủ
Việt Nam không thể xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân mà không bắt đầu bằng hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp dân chủ ngăn chặn tình trạng tiếm quyền và sự lạm quyền bằng cơ chế tam quyền phân lập. Quyền làm chủ của nhân dân và nguyên tắc tam quyền phân lập là hai thiết chế tạo nên hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ được thông qua qua thủ tục soạn thảo với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội và được toàn dân phúc quyết. Khác với hiến pháp áp đặt, hiến pháp dân chủ tạo ra pháp luật chính danh, phù hợp với lẽ phải, văn hóa và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Luật pháp là để bảo vệ con người và trừ kẻ gian, không phải bảo vệ kẻ gian và trấn áp con người. Làm luật là để bảo vệ quyền lợi cho toàn dân chứ không phải bảo vệ quyền lợi cho thiểu số cầm quyền. Hiến pháp của Đảng Cộng sản “phân công và phối hợp” giữa các cơ quan nhà nước – đó là một mô hình áp đặt nhằm mục đích toàn trị. “Phân công và phối hợp” có thể là kiểu điều hành của các đảng chính trị, nhưng không phải cách điều hành đất nước trong nhà nước pháp quyền. Quyền lực nhà nước mà “phân công phối hợp” do một đảng độc quyền lãnh đạo tất yếu biến đảng thành nhà nước. Cơ chế phân công phân nhiệm mà không phân quyền đó chính là môi trường tạo đất sống cho gian lận, đồng lõa bao che tham nhũng, giúp cho thiểu số cầm quyền thao túng chính trường, thao túng xã hội… – một môi trường trong đó lợi ích chính đáng của công dân bị xâm phạm, quyền lợi phe đảng đặt trên quyền lợi quốc gia, thậm chí lãnh đạo có thể lệ thuộc vào ngoại bang để củng cố quyền lợi riêng tư mà không bị truy tố và tòa án luận tội. Điều này cho thấy rõ lý do giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam e sợ hiến pháp dân chủ với tam quyền phân lập.
Tòa án và truyền thông trong hệ thống nhà nước một đảng là công cụ của giới cầm quyền. Cho nên khi người dân đụng chạm đến quyền lợi của giới cầm quyền trong bất cứ lãnh vực nào từ chính trị, kinh tế đến cả tôn giáo đều bị nhà cầm quyền mạnh tay kết án. Tòa án thì xét xử theo chỉ thị, pháp luật và luật sư biện hộ chỉ là hình thức, còn truyền thông thì đồng loạt tiếp tay lấn át dư luận. Ngược lại, khi người dân bị nhà cầm quyền hãm hại, đi kiện nhà cầm quyền thì cả hệ thống tư pháp im lặng, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hoặc lật lọng, bôi xấu, vu khống ngược chính người bị hại. Trường hợp Bát Nhã, Thái Hà, luật gia Cù Huy Hà Vũ và biết bao vụ oan sai khác đã chứng tỏ khi tranh chấp với nhà cầm quyền, người dân không thể trông cậy vào tòa án và cũng không thể tin vào truyền thông trong nước.
Không cần phải đi tìm hiểu để biết chế độ cộng sản ở Việt Nam có vi phạm nhân quyền hay không. Chiếm giữ độc quyền chính trị, chủ trương chế độ một đảng là gây tội ác trong xã hội, xâm phạm quyền con người – quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền bình đẳng cơ hội… Vấn đề độc quyền nhà nước đã dẫn đến lạm quyền. Chỉ trong chế độ độc đảng toàn trị thì mới có tình trạng đảng viên đứng đầu tất cả các cơ sở quốc doanh, các lực lượng vũ trang, các cơ quan nhà nước từ địa phương đến trung ương bao gồm cả truyền thông và tòa án. Sự bao trùm chồng chéo quyền lực của Đảng Cộng sản lên nhà nước là gánh nặng cho đất nước, tạo ra hệ thống chính trị bất trị. Vì vậy không chỉ người dân mà cả đảng viên cán bộ cũng sống trong lo sợ vì tình trạng pháp luật tuỳ tiện. Ngụy biện không thuyết phục được ai. “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là nhà nước cộng sản, không phải là nhà nước của dân, do dân, vì dân – nhân dân không có quyền làm chủ, tất cả quyền hành tập trung trong tay giới lãnh đạo. Tương tự, “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” nghĩa là doanh nghiệp tư nhân không được bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước – giới lãnh đạo cộng sản thao túng nền kinh tế quốc gia.
Chỉ có chế độ đảng là nhà nước với cơ chế “phân công và phối hợp” mới có thể tùy tiện tiêu phí công quỹ lập ra các bộ phận, các công cụ để tuyên truyền và bảo vệ chế độ mà thực chất là bảo vệ quyền lợi bất chính, bảo vệ quyền độc quyền chính trị cho giới cầm quyền và cho con cháu của họ tiếp nối. Nếu không áp đặt hiến pháp, chiếm giữ độc quyền chính trị, thao túng quyền làm chủ của nhân dân thì không thể có các tập đoàn tư bản đỏ cũng chính là thân hữu của giới lãnh đạo cùng nhau khuynh loát cả nền kinh tế tài chánh quốc gia như hôm nay. Chính vì tình trạng pháp luật tuỳ tiện, các phe nhóm trong đảng mới có thể chia nhau thâu tóm các doanh nghiệp nhà nước, tạo ra các nhóm lợi ích và tầng lớp tư bản đỏ lũng đoạn và đục khoét xã hội. Vấn đề bao cấp, ăn chia, độc quyền thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp nhà nước đã làm cho các doanh nghiệp tư khó cạnh tranh, phát triển. Cũng không khó hiểu vì sao các chính sách nhà nước phục vụ cho các nhóm lợi ích là chính, người dân chỉ biết thắt lưng buộc bụng cho các tiêu phí, bù lỗ đó. Vì vậy, “phân công, phối hợp” bởi một đảng lãnh đạo không phải là cách phân quyền trong hiến pháp chính danh. Đất nước cần cơ chế tam quyền phân lập, đảng phải tách khỏi nhà nước. Quyền lực nhà nước phải được phân lập rạch ròi giữa các ngành lập pháp, hành pháp, tòa án, đó là đòi hỏi nhất thiết của xã hội công bằng.
Suy cho cùng, Việt Nam vẫn chưa có hiến pháp và pháp luật chuẩn mực. Hiến pháp và pháp luật hiện hành là của Đảng Cộng sản áp đặt lên toàn xã hội, không có giá trị pháp lý. Pháp luật chuẩn mực là pháp luật của toàn dân, pháp luật tùy tiện là pháp luật của thiểu số cầm quyền. Dù Đảng Cộng sản luôn tạo sự nhầm lẫn trong xã hội – pháp luật cộng sản là pháp luật toàn dân, nhưng sự phân định đã rõ ràng. Hiến pháp cộng sản là hiến pháp không chính danh. Vì vậy, Việt Nam phải nhất thiết có một bản hiến pháp chính danh và pháp luật của toàn dân.
Phải trả lại quyền làm chủ của nhân dân cho nhân dân
Không thể có công bằng xã hội khi quyền làm chủ của người dân bị nhà cầm quyền thao túng. Cũng không thể có xã hội công bằng khi tòa án, truyền thông báo chí đều do một đảng chuyên quyền nắm giữ. Hô hào tranh đấu vì mục tiêu xã hội công bằng mà không đáp ứng các yếu tố quan thiết đó là lừa dối xã hội. Cho nên trước hết phải trả lại quyền làm chủ của nhân dân cho nhân dân.
Hiện nay, có ba cách khả thi để trả lại quyền làm chủ cho nhân dân và giải cứu trách nhiệm của các lãnh đạo cộng sản. Một là, chỉnh đốn đảng cộng sản không lừa mị, không áp đặt, không độc tôn, thật tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, thực sự vì mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Hai là, Chủ tịch nước đã ký ban hành hiến pháp không chính danh thì cũng có thể tuyên bố hủy bỏ hiến pháp áp đặt đó thay bằng hiến pháp của toàn dân. Ba là, Tổng Bí thư từ nhiệm, xin lỗi và tuyên bố trả lại quyền làm chủ đất nước cho nhân dân. Trả lại quyền làm chủ cho nhân dân nghĩa là để đất nước có bầu cử dân chủ và ban hành hiến pháp của toàn dân.
Trả lại quyền làm chủ của nhân dân cũng là tháo gỡ hệ thống chính trị suy đồi, bất trị. Vấn đề là hệ thống vận hành đã quá lâu tạo ra tầng lớp lãnh đạo tự mãn, thiếu ý thức trách nhiệm. Những người tâm huyết với đất nước, không ai không mong muốn sống trong xã hội công bằng, pháp luật bình đẳng. Không hẳn tất cả lãnh đạo cộng sản đều vì quyền lợi tư riêng, không muốn thoát khỏi sự gắn bó với các nhóm lợi ích tư bản đỏ và thế lực ngoại bang. Cơ hội đang chờ cho các lãnh đạo cấp tiến hòa hợp dân tộc làm nên lịch sử. Đảng viên cộng sản có lý tưởng cần nói lên tiếng nói của mình. Các thành phần dân chủ trong và ngoài Đảng Cộng sản phối hợp giải quyết vấn đề trong tình tự dân tộc là cách tiến tới mà xã hội mong đợi. Không có lý do để tiếp tục duy trì chế độ chuyên quyền tham nhũng, đục khoét tài sản quốc gia, gây hại cho cả xã hội. Cả đảng viên và người dân tâm huyết với đất nước đều chán nản và bức xúc. không được lòng nhân dân thì khó cho giới lãnh đạo cộng sản được quốc tế tôn trọng.
Lý do giới lãnh đạo bảo thủ chưa đáp ứng đòi hỏi của xã hội là vì các lực lượng dân chủ chưa thống nhất và thành phần cấp tiến trong Đảng Cộng sản chưa dứt khoát, còn nhân dân thì mất quyền làm chủ mà chỉ phản kháng đơn lẻ. Việc các lực lượng dân chủ phối hợp và đồng nhất trong mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền luôn là cần thiết. Giải pháp này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng hiến pháp bị áp đặt. Đòi hỏi hiến pháp phải được phúc quyết và mỗi người dân được bỏ lá phiếu phúc quyết hiến pháp là vô cùng quan trọng cho cuộc sống của mỗi công dân cũng như cho các thế hệ tương lai. Hòa hợp dân tộc và ban hành hiến pháp dân chủ là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ mai sau.
Lời kết
Dân chủ là đồng hành, không chỉ ủng hộ. Đất nước có hiến pháp dân chủ hay không, trước hết đòi hỏi sự trung thực, lương tâm và tầm nhìn của giới cầm quyền. Kế đến là sự thống nhất quan điểm, công khai và kiên trì với mục tiêu hiến pháp dân chủ giữa các thành phần dân chủ trong xã hội. Sau cùng là sự đồng lòng của người dân qua việc tích cực với các thành phần dân chủ. Một nhà nước uy tín, được nhân dân tin cậy luôn là nhu cầu của xã hội. Ngược lại, nhà nước bất tín, mất lòng dân thì luôn là tai họa cho xã hội. Những hy sinh to lớn của nhân dân trong cách mạng ở thế kỷ trước chính là để xây dựng một nhà nước pháp quyền nhân dân tin cậy, không phải là nhà nước đảng trị nổi tiếng tham nhũng, kềm hãm tiến bộ xã hội và phản bội nhân dân như hôm nay. Không để trì hoãn nữa, trả lại quyền làm chủ cho nhân dân là nhất thiết.
Cho nên trong lần sửa đổi hiến pháp kỳ này, trọng điểm phải là: 
1. Phúc quyết hiến pháp; 
2. Hiến pháp phải quy định rõ quyền làm chủ của nhân dân và cơ chế bầu cử công bằng, minh bạch; 
3. Hiến pháp phải quy định rõ quyền lực nhà nước và vai trò của các đảng chính trị, cũng như cơ chế tam quyền phân lập giữa hành pháp, lập pháp, tòa án.
Nếu nhà cầm quyền không để có phúc quyết hiến pháp thì tình trạng hiến pháp không chính danh, cầm quyền không hợp thức vẫn không thay đổi. Mọi giải thích để tránh né không thực hiện các trọng điểm trên đều là ngụy biện. Hiến pháp cần phải có thiết chế bảo vệ, nhưng hiến pháp không chính danh thì có thiết chế bảo vệ cũng vô ích. Trách nhiệm của nhà cầm quyền là tạo điều kiện để thông qua và ban hành hiến pháp chính danh, xây dựng nhà nước pháp quyền, hướng đến xã hội công bằng, nhân bản, thịnh vượng. Vấn đề đánh tráo quyền làm chủ của nhân dân, đánh lừa tình trạng cầm quyền không chính danh, đánh lạc hướng đảng viên và công luận về chế độ xã hội chủ nghĩa đã đến lúc cần dừng lại.
Thời gian và cơ hội đều có hạn. Trả lại quyền làm chủ cho nhân dân là việc không thể tránh né mãi. Những gì không thuộc về mình thì phải trả lại: trả lại trong tình tự dân tộc, hoặc để bị nhân dân lấy lại trong phẫn nộ. Là người Việt Nam, là giới lãnh đạo, cần có trách nhiệm với xã hội và tử tế với người dân thì hơn. Lịch sử cũng như thực tế đã chứng minh, tham vọng quyền lợi cho cá nhân hay phe nhóm cầm quyền sẽ bị xã hội đánh bại.
Ngày 26 tháng 5 năm 2012
Nguyễn Sĩ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét