Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Công an lại xua du đảng bạo hành tôn giáo



Một vụ đàn áp giáo dân tại giáo điểm Quỳ Châu Giao Phận Vinh
GPVO – Vào lúc 7 giờ sáng ngày 11/06/2012, tất cả các linh mục trong hạt Phủ Quỳ cùng giáo dân trên địa bàn huyện Quỳ Châu và bà con láng giềng tập trung về gia đình ông Nguyễn Văn Vị thuộc Bản Bình 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu để cùng dâng Thánh Lễ cầu bình an cho gia đình nhân dịp vừa hoàn thành ngôi nhà mới.

Khi các linh mục và giáo dân tập trung tại nhà ông Nguyễn Văn Vị, về phía chính quyền địa phương có công an huyện Quỳ Châu, công an xã Châu Bình và đại diện một số Ban ngành của xã Châu Bình, cụ thể là bà Đài Duệ – trưởng hội phụ nữ xã Châu Bình; bà Phong – chủ tịch mặt trận xã Châu Bình; ông Bứng – già làng; ông Phòng; ông Sách là dân bản và một số người khác đến gia đình ông Vị quan sát và đề nghị gia đình không được tổ chức mừng lễ thánh Antôn, nhưng ông Nguyễn Văn Vị, chủ nhà nói, chúng tôi không tổ chức mừng lễ thánh Antôn mà chỉ mời các Cha lên mừng tân gia – dâng thánh lễ cầu bình an cho gia đình. Lúc đó, bà  Phong – chủ tịch mặt trận xã Châu Bình yêu cầu gia đình tháo gỡ băng rôn (băng rôn này đã được treo trước để Mừng Lễ Thánh Antôn, tờ trình gửi huyện Quỳ Châu, xin cử hành vào ngày 13/6/2012), thì mới được dâng Thánh Lễ. Gia đình ông Nguyễn Văn Vị cùng Ban hành giáo đồng ý tháo gỡ băng rôn.
Sau khi tháo gỡ băng rôn xuống, bà con giáo dân đọc kinh, các linh mục mặc phẩm phục, chuẩn bị dâng thánh lễ. Đang khi đọc kinh thì bị cúp điện, nhưng giáo dân vẫn tiếp tục đọc kinh. Trong lúc đó bà Phong lại yêu cầu gia đình cất tượng thánh Antôn và một số người gây rối lớn tiếng để át lời kinh của giáo dân, đồng thời một số kẻ lạ mặt, khoảng 50 người (bà con giáo dân đã nhận ra một số trong họ là công an), kéo đến ngăn cản bằng cách chụp hình, quay phim cận cảnh khủng bố tâm lý và ném những quả trứng thối lên nền nhà, nơi dâng lễ…
Thấy sự việc xảy ra như thế, các linh mục cởi phẩm phục và yêu cầu chính quyền địa phương lập biên bản, nhưng họ không chịu lập biên bản và nói không được dâng thánh lễ. Vì không được dâng lễ, các linh mục chào tất cả mọi người và ra về. (Tất cả những sự kiện trên đều xảy ra trong căn nhà gia đình ông Nguyễn Văn Vị).
Sau khi các linh mục ra về, gia đình ông Nguyễn Văn Vị tổ chức bữa cơm thết đãi quý khách được mời ở lại cùng chung vui với gia đình. Tham dự bữa cơm, có bà con giáo dân cùng những người láng giềng lương dân. Sau bữa ăn, ai về nhà nấy.
Vào khoảng 12 giờ trưa, bà Thoán với ông Chính và anh Danh đang ngồi uống nước ở nhà ông bà Trần Văn Lương (hàng xóm của ông Vị), thì có ba anh em anh Thuận (con ông Bứng, già làng) vào hỏi:Ông bà Lương đi đâu? Bà Thoán trả lời: Không biết bà Lương đi đâu, còn ông Lương thì đang ngủ trong nhà. Sau đó bà Rự (vợ ông Lương, từ đây gọi là bà Lương) từ nhà bà Ngoãn bên cạnh về và rót nước mời họ uống, nhưng họ không uống mà anh Thuận còn lấy chén nước ném bà Thoán rồi nắm tóc bà Thoán lôi ra khỏi nhà, đồng thời đánh đập bà Lương đến bất tỉnh. Anh Thuận vừa đánh vừa nói:Tao giết chết cả nhà mày… Thấy vậy, ông Chính đưa bà Lương ra phía sau để sơ cứu. Tiếp đó, những người hành hung xông vào trong buồng đánh ông Lương lúc ông đang ngủ. Còn anh Phi, con ông bà Lương ngủ trong phòng, tỉnh dậy chạy ra can ngăn cũng bị đánh tới tấp. Một giáo dân khác là anh Kim Văn Anh, con bà Ngoãn, nhà bên cạnh nghe tiếng la hét chạy sang can ngăn cũng bị đánh đến bất tỉnh. Sự việc đang xảy ra thì công an huyện Quỳ Châu và công an xã Châu Bình xuất hiện (cụ thể là ông Hiệu, công an huyện Quỳ Châu và ông Phó công an xã Châu Bình), nhưng không can ngăn cũng không lập biên bản mà còn ôm vai ôm cổ anh Thuận như bạn bè đưa lên nhà anh Hoài – trưởng công an xã. Sau khi sự việc lắng dịu, vợ anh Anh là chị Ngô Thị Trinh đưa chồng lên cấp cứu ở trạm xá Châu Bình, khi đó anh Thuận theo lên trạm xá và nói: Hôm nay tao chưa giết được mày, ngày mai tao sẽ giết mày. Sau đó, những người bị thương cũng được đưa đến trạm xá xã, nhưng vì vết thương quá nặng nên phải chuyển xuống bệnh viện Nghĩa Đàn…

Ông Trần Văn Lương

Bà Trần Thị Rự (vợ ông Lương)

Anh Kim Văn Anh
Hiện tại, sức khoẻ bà Lương đang trong tình trạng nguy kịch, những người còn lại vẫn tiếp tục được điều trị.
Chúng tôi thấy việc tổ chức cầu nguyện và dâng lễ tại gia đình giáo dân là không trái với quy định của Pháp luật. Tại Khoản 1, Điều 7 Nghị Định 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 đã được lặp lại cùng nội dung tại Điều 9 Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004, quy định: “Tín đồ có quyền thực hiện các hoạt động tôn giáo không trái với chủ trương, chính sách và Pháp luật của Nhà nước, tiến hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện tại gia đình và tham gia các hoạt động tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức, phục vụ lễ nghi tôn giáo tại cơ sở thờ tự”. Do đó, việc gia đình ông Nguyễn Văn Vị dùng nhà ở của mình làm nơi thờ tự cho bà con giáo dân trong suốt thời gian qua, đã được chính quyền chấp thuận, nay tổ chức mừng lễ tân gia làm phép nhà mới và cầu bình an cho gia đình là điều chính đáng và được Pháp luật bảo hộ.
Vì thế, việc chính quyền xã Châu Bình chỉ đạo, tổ chức ngăn cản các Linh mục và gia đình ông Nguyễn Văn Vị cũng như cộng đồng giáo hữu nơi đây thực hiện các quyền nói trên là hành vi vi phạm Pháp luật. Toàn bộ vụ đàn áp, đánh đập dã man các giáo dân tại giáo điểm Tân Bình diễn ra dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, ông Trần Văn Chương, như trong mục 3, Công văn số 03 đã nêu:“Giao cho Chủ tịch UBND xã Châu Bình chỉ đạo không cho bất cứ ai tổ chức các hoạt động tôn giáo trái phép diễn ra trên địa bàn huyện khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Tổ chức vận động các hộ giáo dân, các tầng lớp nhân dân không tham gia các hoạt động tôn giáo trái phép”, là những việc làm trái với Pháp luật. Sự có mặt của công an xã Châu Bình và công an huyện Quỳ Châu trong vụ việc xẩy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Vị để hậu thuẫn cho những hành động côn đồ này là bằng chứng để nói lên vụ việc có sự chỉ đạo của các cấp chính quyền.
Đây là những việc làm bất chấp pháp luật, không tôn trọng những quyền tối thiểu của con người của cán bộ đảng viên xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành của Nhà nước Việt Nam và các Công ước Quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Tân Bình là một giáo điểm thuộc giáo xứ Nghĩa Thành do cha Gioan Nguyễn Văn Hoan quản nhiệm, hiện có 35 hộ gia đình với khoảng trên 120 giáo dân, đa số là dân nhập cư từ Ninh Bình vào và từ Quỳnh Lưu lên làm ăn sinh sống trên địa bàn. Trong quá trình chung sống với bà con dân tộc thiểu số như Thanh, Thổ, Mường, Mán… cộng đoàn giáo dân này đã tạo được bầu khí hòa thuận thương yêu nhau, không hề có sự xích mích mâu thuẫn xẩy ra giữa các cộng đồng. Theo một số bà con giáo dân cho chúng tôi biết thì mọi tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo giữa các cộng đồng dân tộc cũng như các hoạt động xã hội khác, họ đều tham gia tích cực và thậm chí còn đi đầu trong các phong trào quyên góp, để thực hiện các công việc thiện ích chung. Điều đáng nói là cộng đồng Công giáo nơi đây đã có nguồn gốc từ xa xưa. Hai giáo xứ Bàn Tạng và Phú Phương đã được thành lập từ thời các cố Tây và phát triển rất mạnh trong những thời kỳ sau đó. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, giáo dân thuộc hai giáo xứ này phải di dời đến nơi khác, số ít còn lại không đủ điều kiện duy trì những hoạt động theo quy mô của một giáo xứ. Cùng với cộng đoàn giáo dân tản mác này, một số giáo dân di cư từ Ninh Bình vào và một số hộ gia đình từ Quỳnh Lưu đến theo chính sách kinh tế mới sau 1975, họ đã tạo nên một cộng đoàn đức tin nhỏ bé nơi đây. Từ năm 1999, khi cộng đoàn đã lớn mạnh, giáo dân làm đơn xin thành lập giáo họ. Nhưng trải qua 14 năm (1999 – 2012) với 4 lần gửi đơn mà không lần nào nhận được trả lời của các cấp có thẩm quyền.
Thiết nghĩ, nguyện vọng chính đáng của người dân không được giải quyết thỏa đáng mà chỉ đáp lại bằng những hành vi thô bạo, đánh đập và ngăn cản thực hành các việc phụng thờ tôn giáo của họ là thể hiện một cách quản trị xa dân và không quan tâm đến đời sống người dân của một số cán bộ đảng viên trong huyện Quỳ Châu, xã Châu Bình.
Trong cuộc Hội thảo Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế – Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻdo Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Liên hiệp châu Âu (EU) tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào ngày 14/06/2012 vừa qua, các học giả đã nói lên chính sách tôn giáo của đảng và Nhà nước VN là: “luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Ðồng thời, nhìn nhận, phát huy những giá trị tích cực về văn hóa và đạo đức của tôn giáo, khuyến khích các hoạt động tôn giáo tiến bộ vì lợi ích của Tổ quốc, nhân dân”.
Nhưng sự việc xảy ra tại Quỳ Châu ngày 11 tháng 06 năm 2012 phải chăng là mặt trái vấn đề?
GPVO
Nguồn: giaophanvinh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét