Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Hiến kế giúp Chủ tịch Sang diệt sâu


Viết bởi truongduynhat 
tts sauChủ tịch nước Trương Tấn Sang là người phát hiện sâu, một bầy sâu. Nhưng dường như lại bất lực trong cách diệt sâu. Bàn tròn kỳ này mở cho bạn đọc hiến kế giúp Chủ tịch Sang “diệt sâu”. Những kế sách để diệt chết sâu, đập chết sâu thật sự chứ không chỉ là những lời chém gió sướng mồm như Chủ tịch Sang.
 
          “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”- Phát ngôn ấn tượng của chủ tịch Sang khiến ông ăn điểm trong mắt dân chúng và tạo ra nhiều kỳ vọng lớn về một chiến dịch “diệt sâu” làm trong sạch đảng.

          Nhưng rồi, những kỳ vọng đó tan dần. Chiến dịch “diệt sâu” có lẽ chỉ dừng lại ở những câu nói sướng mồm.
          Hơn một năm sau khi phát hiện ra “một bầy sâu”, vẫn chưa thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diệt được con sâu nào. Để rồi ông lại phải than tiếp, thêm một câu sướng mồm: “Nhiều cử tri nói thẳng với tôi “một số cán bộ có ăn hối lộ thì cũng ăn vừa phải thôi, ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn?
          Nghe sướng mồm. Nhưng có vẻ như ông bất lực nhìn “bầy sâu” đang ăn hết phần của dân mà không có thuốc phun. Không phun thuốc, chỉ tự vẫy vùng thì sâu không chết mà ngược lại nó càng kéo đến bu bám đầy hơn. Lúc đó thì không chỉ phần của dân mà ngay cả phần của ông cũng bị nó chặn ăn mất.
          Cứ thử hình dung khuôn mặt nhăn nhó của Chủ tịch Sang trước một bầy sâu ăn tạp để thấy ông bất lực mức nào. Câu ông trích khác gì dân chửi chính sự bất lực của ông, của đảng.
          Nhiều báo, nhiều người kỳ vọng vào ông Sang. Nhưng tôi thất vọng. Có vẻ như Chủ tịch Sang đang lặp lại phương cách chém gió của người tiền nhiệm.
          Ông kêu gọi dân chúng “Nếu tất cả chúng ta mà sợ hết thì đất nước sẽ như thế nào,đảng sẽ ra sao? Không thể được đâu, phải hành động thôi!”.
          Nghe có vẻ hay. Nhưng lời kêu gọi hành động đó phải dành cho chính ông. Một khi Chủ tịch nước còn không dám hành động, trông thấy bầy sâu bâu nhan nhản quanh mình mà không dám phun thuốc diệt, không dám vung tay đập chết vài con thì kêu gọi gì ở người dân?
          Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh có câu khá hay “vì sao trừng phạt tham nhũng lại phải đau đớn?”. Bắn chết vài thằng hại nước, đập chết vài con sâu ăn hết phần của dân mà đớn đau sao?
          Nhà báo Hồ Trung Tú thì nói thẳng rằng ông không hi vọng gì vào mục tiêu “trong sạch đảng”, mà “điều quan trọng là cần phải tìm cho ra cái cơ chế vận hành xã hội giúp ngăn ngừa tham nhũng”.
          Tôi chia sẻ với ý kiến của Hồ Trung Tú. Cái cơ chế vận hành ấy không gì khác, phải là một nền tư pháp độc lập. Nền tư pháp độc lập như tiến sĩ Phạm Ngọc Cương ví là bộ hãm phanh ABS (mời đọc lại bài ABS).
          Nghị quyết 4, hay nghị quyết 4000 cũng không diệt sạch sâu nếu không xây dựng và xác lập được một nền tư pháp độc lập. Một Ban nội chính trung ương được tái lập, một ban phòng chống tham nhũng thay vì dưới quyền Thủ tướng được chuyển sang tay Tổng Bí thư cũng không thể làm thay chuyển cuộc chiến chống tham nhũng, nếu vẫn cứ tự thân kiểm điểm, tự thân “chùi rửa”.
          Một khi tham nhũng đã như một bầy sâu gặm ăn hết cả phần của dân, một khi cơ thể đã trọng bệnh, đến ung thư di căn như nhận xét của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, mà vẫn sợ đau, vẫn bình thản thúc thắc với phương cách “tự chùi rửa” thì xin lỗi, chỉ còn nước đem chôn chứ chẳng mong biến chuyển gì.
          “Tư pháp độc lập không chỉ giải tỏa vấn đề “xây dựng chỉnh đốn” đảng đang bế tắc về phương pháp mà tạo tính răn đe cho toàn bộ hệ thống công quyền... Chỉ cần một điểm tựa có thể nâng cả thế giới. Điểm tựa chính trị để cả dân tộc đứng dậy lúc này là hình thành và gia cố nền tư pháp độc lập”- Tiến sĩ Phạm Ngọc Cương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét