Tướng Lê Quang Lưỡng
Thiên Thần Mũ Đỏ Ai Còn Ai Mất
Tôi vẫn nhớ rõ như mới nhìn thấy hôm qua những khuôn mặt, giọng nói tác phong của những anh em Dù đã cùng tôi vào sinh ra tử. Thiếu Tá Thanh Tiểu đoàn 8 mà đồng đội của người Tiểu Đoàn Trưởng nầy thường gọi là Thành Râu. Anh em chúng tôi có Thiếu Tá Châu Lùn Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1, Thiếu Tá Hạnh, Hào Hoa Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Thiếu Tá Trang Trĩ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3, Trung Tá Bùi Quyền, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 nổi nóng mặt đỏ gay, Thiếu Tá Lô Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 7, biệt danh là Lô Lọ Rượu. Anh em chúng tôi còn có Cậu Út Biên Hòa hay cậu “Bảy Tình” Mười Lựu Đạn tức Trung Tá Thành, Tiểu Đoàn 6, Trung Tá Trần Đăng Khôi Lữ Đoàn 2 tài đức song toàn.
Thiếu Tá Đường TĐ9, thích làm thơ tình lãng mạn, gọi là Đường Thi Sĩ, anh em chúng tôi có Thiếu tá Hồng Thu, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 16 gọi Cô Thu. Chúng tôi có 2 Ngọc, Ngọc Long Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 và Ngọc Nga, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 4, Làm sao anh em Dù chúng tôi quên được, chúng tôi có 2 người bạn anh hùng, mỗi người chỉ có một mắt. Trung Tá “Bùi Đăng” trong thẻ quân nhân không phải họ “Bùi” cũng chẳng có tên “Đăng”, tên anh là Bằng, Anh chỉ có một mắt. Nhưng những chiến sĩ của anh gọi anh một cách âu yếm là Bùi Đăng. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 2 cũng chỉ có một mắt từ ngày còn là Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 5, anh em Dù gọi là Hiệp sĩ Mù, tội nghiệp Sơn đã hy sinh trong trận chiến sau cùng tại mặt trận Phan Rang. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù của chúng tôi, Hiệp sĩ mù của Thiên thần mũ đỏ không xử dụng cùng một loại vũ khí như Hiệp sĩ mù của phim ảnh và tiểu thuyết. Nhưng oai phong người Hiệp sĩ của Quê Hương ta chẳng thua sút sự hào hiệp của người trong truyện. Chúng tôi có Hiệp sĩ mù, chúng tôi có Bố Già. Làm sao quên Bố Già Lương Ruột Ngựa. Đỉnh Tây Lai, Bố già Đại Tá Lê Văn Phát, người tử thủ Khánh Dương, người lính già có mặt hầu hết những trận lớn của Quê Mẹ? Bố Già Lữ Đoàn 3? Đúng, chúng tôi có Bố Già đó.
Tháng 6/1972, sau trận Bình Long, tôi được trả về Sư Đoàn Dù, ít lau sau SĐ Dù được đưa ra Đà Nẵng để tăng phái cho Quân Đoàn I. Lúc đó tôi là Lữ Đoàn Trưởng LĐ1 Nhảy Dù. Cùng với LĐ1 ra vùng I có LĐ2 và LĐ3. Thời gian nầy, Trung Tướng Dư Quốc Đống là Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù.
Sự phân phối các đơn vị Dù tại Quân Đoàn I lúc ấy như sau: 2 Lữ Đoàn ở phía Nam Đèo Hải Vân. Tháng 9/1972, tôi được bổ nhiệm làm phụ tá hành quân Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù. Vào tháng 8 năm đó, Trung Tướng Dư Quốc Đống bị bệnh, Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Tư lệnh phó Sư Đoàn được chỉ định đảm nhận Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, còn Đại Tá Bảo, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn thì vừa tử nạn phi cơ, do đó tôi được đảm nhận trách vụ xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù một cách không chính thức. Cuối tháng 8, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu triệu hồi tôi vào Dinh Độc Lập để làm lễ tăng chức Chuẩn Tướng cho tôi, và sau đó tôi được bổ nhiệm Tư Lệnh phó, xử lý thường vụ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù đóng tại căn cứ Hiệp Khánh, cây số 17 Bắc Huế. Đến tháng 11/1972, tôi chính thức nhận chức Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, thay thế Trung Tướng Đống từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Khoảng thời gian 72 đến 75 ải địa đầu của Tổ Quốc của ta không phải là vùng đất bình lặng, Quảng Trị, Thạch Hãn, Chu Lai, Cố Đô Huế. Những danh xưng đủ nói lên những trời giao động. Những người lính chiến được đồng bào gọi một cách âu yếm là “Thiên Thần Mũ Đỏ”. Trong suốt thời gian máu lửa đó đã có mặt khắp cùng trên những vùng đất ải địa đầu, cùng anh em quân nhân thuộc các quân binh chủng khác, mang lại cho đồng bào, tuy không phải sự bình yên tuyệt đối cũng là một tình hình khả quan.
Năm 1975, vào những ngày tháng Lịch Sử, chúng tôi đứng vững vùng I. Đập những nhịp tim tin tưởng, anh em chúng tôi, một mặt nhìn bao quát tình hình chiến trường khắp nước, một mặt theo dõi mọi tiến thoái của các đơn vị đối phương trong vùng, tay cầm súng sẵn, chờ địch quân. Thói quen tiến vào chỗ chết, thói quen chấp nhận trận địa mười thua một ăn mà vẫn chiến đấu oai hùng, làm cho anh em Dù, mặc dù tin tức giao động đến từ bốn phía, vẫn tiếp tục sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục cố gắng.
Lệnh của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi Sư Đoàn Dù về SàiGòn hiện ra với tôi, bởi đó như một chấn động. Tôi chờ đợi mọi thứ trong tư thế sẵn sàng. Đợi đối phương ào ạt vượt sông Thạch Hãn, đợi chiến xa địch đến đây, miền Trung kiêu hãnh từ những vùng rừng rậm Nam Lào. Nhưng tôi không chờ đợi được điều đó. Lệnh di chuyển SĐ Dù về SàiGòn, lệnh không phải chỉ nghe một phía mà từ mọi hướng. Ngày 10.03.1975, Việt Cộng tấn công Ban Mê Thuộc. 11.03.1975 Ban Mê Thuộc thất thủ. Tổng Thống Thiệu gọi Trung Tướng Trưởng vào SàiGòn nhận chỉ thị. Lệnh khủng khiếp, lệnh làm choáng váng, làm tan nát, đó là “Bỏ vùng I”. Dường như muốn cho lệnh tổng quát đó được thi hành chính xác, Tổng Thống Thiệu đòi Trung Tướng Trưởng phải tức khắc cho rút Sư Đoàn Dù về SàiGòn ngay. Cho chắc ăn, SàiGòn qua lệnh rút Sư Đoàn Dù về, muốn trói tay Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I. “Trói tay” là một hình ảnh dễ hiểu nhưng có lẽ không đủ nghĩa. SàiGòn đã lấy mất thanh gươm và chặt hết một cánh tay, cánh tay cầm gươm của Tướng Trưởng khi đối phương bắt đầu tiến tới.
Chỉ sau vài chục giờ sau khi lệnh Tướng Trưởng trả Dù về SàiGòn, công điện tối mật của Tổng Tham Mưu do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký gởi cho Tư Lệnh Sư Đoàn Dù hạ lệnh toàn bộ Sư Đoàn Dù rời khỏi miền Trung không chậm trễ. Lúc đó tin Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quân Đoàn I cũng bắt đầu loan ra.
Ngày 17/03/75, sau khi đã thực hiện đầy đủ những giải pháp kỹ thuật cho các anh em Dù rời miền Trung, chuyển vận, tiếp liệu, an toàn khi ra đi v.v…tôi lên gặp Trung Tướng Trưởng để chào từ giã. Tôi nói với Trung Tướng Trưởng về việc Thủy Quân Lục Chiến cũng sẽ ra đi. Tôi cũng nói lên những lời hàm ý chia sẻ ưu tư của Trung Tướng về sự “Trói tay”, sự tước bỏ mọi hỗ trợ trước một trận đánh lớn. Khuôn mặt Tướng Ngô Quang Trưởng, vẫn sẵn ưu tư, càng hiện ra ảm đạm. Ông chỉ cầm tay tôi nói:”Cảm ơn anh và các Anh em Nhảy Dù đã giúp tôi rất nhiều trong những năm qua”.
Anh em quân nhân Nhảy Dù nghĩ rằng mình được di chuyển toàn bộ về SàiGòn. Các Sĩ quan chỉ huy từ Đại Đội cho đến Lữ Đoàn được loan báo là họ được di chuyển về thủ Đô VNCH. Tướng Trưởng được lệnh “trả Sư Đoàn Dù về SàiGòn”. Lệnh tôi nhận được cũng rất rõ rệt: Đưa Sư Đoàn Dù về SàiGòn.
Có thể những sử học trong tương lai cũng tóm tắt sự di chuyển của anh em chúng tôi bằng những dòng chữ “Tướng Thiệu, để chặt tay Tướng Trưởng, để gây cho Dân, Quân miền Trung sự kinh hồn tột độ, mở đầu cho tan rã ồ ạt, hạ lệnh rút Sư Đoàn Dù ra khỏi tuyến đầu”.
Sự việc không hoàn toàn đơn giản như thế. Lệnh rút Sư Đoàn Dù về SàiGòn chỉ là một lệnh bề mặt mà chiều sâu là phân tán Sư Đoàn Dù. Ông Thiệu áp dụng kế hoạch “Bẻ bó đũa” làm tan tành một đoàn quân bách chiến, một Binh chủng oai hùng, xô đẩy những Thiên Thần vào hỏa ngục. 12 Tiểu Đoàn Trưởng trên 18 linh hồn của đoan quân Mũ đỏ hoặc gục ngã ở chiến trường sắp đặt, hoặc rơi vào tay địch, có cả một Lữ Đoàn tan thành mây khói, có cả một Lữ Đoàn đánh đoạn hậu bảo vệ cho đồng bào di tản và tới phiên mình quân trải trên một diện tích rộng lớn, chỉ xuống tay được mấy trăm con.
Lệnh tôi nhận được là chia Sư Đoàn Dù ra làm hai nhánh, một đi tàu thủy và một do không vận. Lữ Đoàn 1 và 2 di chuyển bằng phi cơ của Không Lực VNCH. Lữ Đoàn 3 di chuyển bằng tàu HQ-404 của Hải Quân VN. Lữ Đoàn 1 và 2 đến điểm hẹn như ấn định, nhưng Lữ Đoàn 3 không được đưa đến nơi. Khi HQ-404 đến gần Nha Trang thì Hạm Trưởng nhận được lệnh đổ anh em xuống Nha Trang. Tôi chưa kịp ngạc nhiên, nhưng ý tưởng thắc mắc vì sao Tổng Thống Thiệu nói đưa toàn bộ Sư Đoàn Dù về SàiGòn để rồi phân tán một phần đi nơi khác. Dù vậy, không bao giờ tôi quên được khuôn mặt, mắt liếc xéo, nụ cười khoái trá, giọng nói chứa đựng thỏa mãn, toàn bộ khuôn mặt toát ra một sự khoan khoái kỳ lạ. Cựu Tổng Thống nhìn tôi với tia mắt kỳ lạ đó với nụ cười ở cuối môi, ông nói: “Theo anh liệu Trung Tướng Trưởng có giữ nổi Quân Đoàn I khi tôi rút Sư Đoàn Dù về đây không?”.
Mặc dù lệnh lạc lung tung, bảo về SàiGòn lại đổ xuống Nha Trang, mặc dù bảo về dưỡng quân lại được ném ra mặt trận, là một quân nhân kỷ luật, ý thức được rằng sức mạnh đến từ kỷ luật sắt thép, anh em Lữ Đoàn 3 xuống Cầu Đá Nha Trang là lên đường đi chiến đấu ngay. Đại Tá Lê Phát, người nắm Lữ Đoàn 3 cũng là người có biệt hiệu “Bố Già” đặt Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn tại Trung Tâm Huấn Luyện Dục Mỹ. Nhiệm vụ của Lữ Đoàn 3 là nút chặn địch ở Khánh Dương giúp cho các Đơn vị của Quân Đoàn II rút lui an toàn. Biết rõ sự oai hùng của các Thiên Thần Mũ Đỏ của QLVNCH, Văn Tiến Dũng tung 2 Sư Đoàn với quân số 6 lần, là những SĐ 320 và SĐ 10 đánh bọc ngang hông. Lữ Đoàn 3 Dù bình tĩnh và oai hùng chiến đấu, quất cho quân địch tổn thất nặng nề. Lữ Đoàn 3 còn ở Khánh Dương, địch không thể đi lên một bước. Ngày 28/03, vì quân số đối phương đông gấp 10 lần, nên không thể ngăn chặn vĩnh viễn, vì lệnh SàiGòn hay vì một lý do nào khác, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã ra lệnh cho Đại Tá Phát rút Lữ Đoàn 3 từ Nha Trang vào Phan Rang, sau đó lệnh lại được đưa xuống là bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn và các thành phần yểm trợ thì rút về Phan Rang, còn 3 Tiểu Đoàn 2, 5, 6 thì rút lên núi trấn giữ ở đó. Tại sao lại đưa 3 Tiểu Đoàn Dù lên núi? Nghe tin này tôi vội vã bay ra Phan Rang.
Tư Lệnh Nhảy Dù trên nguyên tắc và bởi định nghĩa là người chỉ huy binh chủng Nhảy Dù. Nếu không được tham dự vào việc hoạch thảo chiến lược, thì ít nhất trách nhiệm chiến thuật phải được trọn vẹn. Tôi không được Tổng Tham Mưu hay Phủ Tổng Thống tham khảo một lần nào về chiến lược lui quân, kể từ ngày binh chủng Dù được bốc khỏi Vùng I, quyền chỉ huy, chiến thuật binh chủng Dù, quyền xử dụng anh em quân nhân Dù cũng vượt ra khỏi tầm tay của Tư Lệnh Dù. Anh em binh chủng tôi đặt chặt và giao cho người nầy một mảnh, người kia một miếng. Khi nhìn thấy chiến hữu của tôi bị vất vả cùng cực, tôi chạy ngược chạy xuôi đi can thiệp. Trong những giờ chạy đôn chạy đáo, ý tưởng ghê gớm lóe lên trong tôi, “Phải chăng một ác thần đang làm tê liệt hàng vạn tinh binh trước khi mở ra cuộc hỏa thiêu thành La Mã?”.
Tôi bay ra Phan Rang gặp ngay Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi lúc đó là Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III, đang chỉ huy Bộ tư Lệnh tiền phương tại đây. Nơi đó tôi cũng gặp Tướng Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không Quân. Tôi yêu cầu cho trực thăng lên núi bốc 3 Tiểu Đoàn 2, 5, 6 về Phan Rang. Tướng Nghi chấp thuận, chỉ thị Tướng Sang cho Không Quân giúp. Anh em trực thăng đã rất nhiệt tâm và can đảm trong việc bốc hơn 1000 người bỗng nhiên bị ném lên một ngọn núi chơ vơ mà không một lý do chiến lược hay chiến thuật nào giải thích được cả. Lữ Đoàn 3 trong tư thế vững vàng, sẵn sàng chiến đấu nghiêm chỉnh trong vị trí đứng đắn. 30.03.1975, tôi tạm yên tâm, bay về SàiGòn.
Vừa đặt chân đến Thủ Đô, tôi được lệnh Tổng Tham Mưu cho Lữ Đoàn 2 ra Phan Rang thay thế Lữ Đoàn 3, Lữ Đoàn 3 về SàiGòn tái chỉnh trang Đơn vị. Tôi muốn hét to lên: Tăng cường chớ sao lại thay thế? Mặt trận đang nặng, rút một đập ngăn nước lớn đi, đập mới chưa dựng xong, nước sẽ ùa tới mang lụt lội tàn phá tan tành! SĐ 310 và 320 của đối phương đang di chuyển nhanh về vùng 3 chính vào lúc đầu tháng tu nầy. Sư Đoàn 10 của địch càn quét Nha Trang. Mặt Bắc là Sư Đoàn 10, Nam là các SĐ 310 và 320, tăng chúng ào ào, tù nhân thả ra do bàn tay bí mật từ các khám đường, một số quân nhân của một binh chủng bị mất cấp chỉ huy sinh rối loạn, chính trong biển hỗn loạn và tan vỡ đó, người ta ném Lữ Đoàn 2 Dù, những đứa con thân yêu ruột thịt của tôi, những bằng hữu vào sinh ra tử, nằm gai nếm mật của tôi trọn lượng ném vào khoảng trống, viên ngọc quý ném vào đại dương giông bão. 3 Tiểu Đoàn 3, 7, và 11 của Lữ Đoàn 2 chiến đấu như những con cọp bị vây hãm, dường như sợ cái đại dương hỗn loạn đó chưa đủ làm thành một hỏa ngục rực lửa, người ta không ai còn nhớ đến việc tiếp tế cho những Thiên thần Mũ Đỏ từ trời cao đáp thẳng xuống địa ngục A Tỳ. Anh em Lữ Đoàn 2 mặc dù tình hình rối loạn, mặc dù tin tức giao động từ bốn phía, mất Quân Đoàn I, Quy Nhơn thất thủ, Nha Trang thất thủ, anh em vẫn chiến đấu, cho đến viên đạn cuối cùng. Tiểu Đoàn 6 sau những trận oai hùng được lệnh Tổng Tham Mưu rút khỏi Phan Rang, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân của Đại Tá Biết thay thế. Nhưng Tiểu Đoàn 3 chỉ 100 anh em được trực thăng bốc về Phan Thiết, Tiểu Đoàn 11 mất liên lạc toàn diện. Tôi mất Thiếu Tá Thành, con chim đầu đàn của Tiểu Đoàn 11 và Đại Tá Nguyễn Thu Lương, mà anh em chúng tôi thường gọi một cách thân thương là “Lương Ruột Ngựa”, con chim đầu đàn của Lữ Đoàn 2 cũng tại vùng đất lửa này. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cũng lọt vào tay địch ở Phan Rang.
Chiếc đũa Lữ Đoàn 2 bị bẻ gãy, chiếc đũa Lữ Đoàn 3 bị ném tại Khánh Dương, bốc về Phan Rang, lửa hỏa lực nung nấu mệt nhừ. Ngày 8.4.1975, viên Trung Úy Không Quân tên Trung ném bom Dinh Độc Lập, về mặt dân sự, một số chính khách đối lập bị bắt giữ. Nhưng phản ứng của Tổng Thống Thiệu là đưa “chiếc đũa Lữ Đoàn 1″ chiếc đũa còn nguyên vẹn của bó đũa bị tách rời từng chiếc, ra tăng phái Quân Đoàn III, dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ý tưởng rõ rệt trong tôi, và cả bây giờ là Tổng Thống Thiệu sợ đảo chánh nên phân tán các đơn vị Nhảy Dù ra các nơi. Tôi là Tư Lệnh Nhảy Dù nhưng tay chân hoàn toàn bị chặt hết.
Ý tưởng làm sống dậy hình ảnh, một ngày tại vùng I, ở Cố Đô Huế, tôi nói với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: “Trung Tướng cứ để anh em tôi về SàiGòn làm một chuyến, thử xem sao?” Trung Tướng lắng nghe lặng lẽ. Tôi hiểu Tướng Trưởng cũng như anh em chúng tôi là những người lính đơn thuần, chỉ lấy việc bảo vệ Quê Hương làm quan trọng, không màng gì tới danh vọng và chính trị, chúng tôi không có thói quen chọn lựa những quyết định không liên quan trực tiếp đến chiến trường. Cựu Tổng Thống Thiệu có nghe phong phanh về những toan tính đó không? Trong mọi trường hợp, lúc đó tôi nghĩ là ông phân tán anh em chúng tôi vì nghi ngờ. Bây giờ tôi còn muốn nghĩ như thế. Trừ khi ông muốn bẻ tan bó đũa vì lý do khác – Lý do khủng khiếp – Tôi không muốn nghĩ tới lý do đó. Tôi muốn nghĩ đến một sự nghi ngờ. Như một sự xua đuổi ý nghĩ ghê gớm kia.
Lữ Đoàn I ra Quân Đoàn III trấn giữ Xuân Lộc, tăng phái cho Sư Đoàn 18 do Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Nhiệm vụ của Lữ Đoàn là chận đứng bước tiến của VC vào SàiGòn. Anh em Dù của Lữ Đoàn 1 đã oai hùng làm tròn nhiệm vụ, địch quân không tiến thêm được một tấc đất. Đoàn quân viễn chinh của Võ Nguyên Giáp, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, tiến như thác đổ, bị khựng lại ở ngay cửa ngõ của SàiGòn. Từng đợt xung phong có chiến xa và pháo binh yểm trợ, tất cả đều bị đánh bật, tiến lên là phải lùi lại, tấc đất đánh được buổi sáng, buổi chiều anh em Dù ngạo nghễ giành lại. Sau nhiều ngày giao tranh, Sư Đoàn 18 được lệnh rút về Biên Hòa, Lữ Đoàn 1 chiến đấu giữ vững trận tuyến, từ đầu tới cuối. Sau chót đến đêm 28 rạng 29/04, Bộ Đội CS tấn công Lữ Đoàn 1 Dù ở Lăng Can, Bà Rịa đánh đến giờ chót, Lữ Đoàn 1 Dù mới rút ra Vũng Tàu. Tôi được lệnh trực tiếp do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 1 Dù, mà anh em chúng tôi âu yếm gọi là Đỉnh Tây Lai đứng ở dưới bờ bảo vệ cho những đứa con lên tàu. Người chỉ huy Nhảy Dù có thói quen ở với hiểm nguy cho tới phút cuối cùng, dành sự an toàn cho từng đứa con yêu quý. “Đỉnh Tây Lai” là một trong những Thiên Thần lẫm liệt đó.
Về phần Lữ Đoàn 4, từ Đà Nẵng được rút về SàiGòn giữa tháng 02/74, biệt phái Biệt Khu Thủ Đô. Chính Lữ Đoàn 4, dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Minh Ngọc, mà anh em Dù chúng tôi âu yếm gọi là “Ngọc Nga”, đã chận VC ở cửa ngõ Thủ Đô, ngang Xa Lộ Biên Hòa, trong những giờ khắc SàiGòn bắt đầu rơi vào rối loạn. Lữ Đoàn 3 của Trung Tá Trần Đăng Khôi (Lữ Đoàn Phó mới thay thế Đại Tá Phát trong chức vụ Lữ Đoàn Tưởng Lữ Đoàn 3 Dù, Trung Tá Bùi Quyền Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5, thay thế Khôi trong chức vụ Lữ Đoàn Phó) từ Phan Rang rút về đóng ở Hoàng Hoa Thám, đánh những trận chót ngay trong lòng Thủ Đô, mặc dù trăm nghìn giao động cho tới phút chót. Đến những giây phút cuối cùng, anh em Dù vẫn giữ vững từng tấc đất được giao phó, hoàn thành nhiệm vụ thiêu thân nút chặn để đồng bào ra đi, để được ngã gục trên thân thể của Quê Mẹ nghìn đời.
Thiếu Tướng Lê Quang Lưỡng
Tư Lệnh Nhảy Dù QLVNCH
Tư Lệnh Nhảy Dù QLVNCH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét