Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Lời kêu gọi !

Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối và yêu cầu chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang tiến hành, như mời thầu dầu khí, huấn luyện bắn đạn thật và tổ chức đua thuyền buồm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị.
Ảnh: Chinhphu.vn
Ông Nguyễn Văn Hậu – TGĐ PVC trong cuộc họp báo chiều nay.
Ảnh : MQ – SGTT
3 giờ chiều ngày 27.6.2012 – Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt nam công bố các lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt nam mà Trung quốc vừa mời thầu. Ảnh : MQ – SGTT
Hưởng ứng tinh thần của Bộ ngoại giao Việt nam, các công dân Việt nam hãy cùng chung hành động thể hiện sự ủng hộ thái độ rõ ràng của người phát ngôn ngoại giao Việt nam bằng việc xuống đường biểu tình cùng nhau ngày 1 tháng 7 – tức ngày chủ nhật tới, vào lúc 8h sáng tại tượng đài Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm – HN.
Các công dân Việt nam hãy thực hiện quyền biểu tình của mình với một thái độ rõ ràng, lòng yêu nước của các bạn đang rất cần được thể hiện bằng hành động thực tế trong ngày mùng 1 tháng 7 tới.
Mời các công dân tham khảo bài viết dưới đây về : “QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN” và ” CẨM NANG BIỂU TÌNH”.
QUYỀN BIỂU TÌNH CỦA CÔNG DÂN
GS. TSKH VIỆN SĨ HOÀNG XUÂN PHÚ


Kẻ đúng thì rụt rè, do dự, vì e là phạm luật.
Người sai lại năng nổ, thẳng tay, bởi tin rằng có lý.



Biểu tình là một hoạt động hợp hiến và hết sức thông thường ở xã hội văn minh. Nhưng đến nay,biểu tình (ngoài sắp đặt của cơ quan Nhà nước) vẫn còn là một chuyện tương đối xa lạ ở Việt Nam, thậm chí như một điều „phạm húy“. Biểu tình bị ngăn cản, dù có diễn ra thì người ta vẫn quanh co, không dám gọi đúng tên. Đa số người dân nhìn nhận quyền biểu tình như một thứ xa xỉ phẩm, không liên quan đến cuộc sống của mình, thậm chí còn nhìn nó như một miếng mồi nhử nguy hiểm: Ừ thì Hiến pháp cho phép đấy, nhưng cứ thử động vào mà xem… Vốn dĩ thuộc phạm trù đối nội, quyền biểu tình được nêu trong Hiến pháp trên thực tế chỉ còn để đối ngoại.
Cản trở đối với quyền biểu tình của công dân không chỉ xuất phát từ ý muốn được „yên ổn“ của những người cầm quyền, mà còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sự nhầm lẫn về mặt lô-gíc: Cả hai phía đều coi việc chưa có Luật biểu tình chính là nguyên nhân khiến quyền biểu tình chưa được hay chưa thể thực thi.
Phía người dân tưởng là khi chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên đa số những người muốn bày tỏ chính kiến… vẫn im lặng. Ngay cả những người đã can đảm xuống đường vẫn cảm thấy chưa yên tâm, lo là hành động của mình có gì đó không ổn về mặt pháp luật, nên mới đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình.
Phía chính quyền thì coi các cuộc biểu tình không do họ hoặc các cơ quan Nhà nước tổ chức là bất hợp pháp, là cố tình gây rối, thậm chí là do các thế lực thù địch tổ chức hoặc kích động, nên nếu có biểu tình thì chính quyền có quyền giải tán, có quyền bắt bớ… Có lẽ cũng do tin rằng chưa có Luật biểu tình thì không được biểu tình, nên một số người muốn trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình, vì nếu có luật thì dù quy định ngặt nghèo đến đâu đi nữa, vẫn còn lại những quyền tự do tối thiểu, và không phải ai cũng muốn chấp nhận những quyền tối thiểu ấy của người dân.
Câu hỏi đặt ra là: Nên hiểu quyền biểu tình và mối quan hệ của nó với Luật biểu tình như thế nào cho đúng?
Quyền biểu tình trong Hiến pháp hiện hành
Cơ sở pháp lý để đánh giá về tính hợp pháp của hoạt động biểu tình là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 69 của Hiến pháp hiện hành quy định:
„Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.“
Mệnh đề „theo quy định của pháp luật“ khiến người dân lúng túng, do dự khi thực hiện quyền biểu tình, và bộ máy chính quyền dựa vào đó để phủ nhận quyền biểu tình của công dân trên thực tế. Thật ra, từ „pháp luật“ xuất hiện 60 lần trong Hiến pháp 1992, nhiều khi chỉ là một phạm trù chung chung, không ám chỉ một luật cụ thể nào. Phải hiểu „theo quy định của pháp luật“ hay „trong khuôn khổ pháp luật“ là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật – nếu đã có. Chưa có luật tương ứng thì có nghĩa là chưa có hạn chế, bởi không thể dùng cái chưa có để hạn chế thực tại. Sau khi Hiến pháp có hiệu lực, thì còn thiếu rất nhiều luật, và đến bây giờ vẫn còn thiếu, nhưng mọi tư duy lành mạnh đều hiểu rằng: Không thể bắt cuộc sống dừng lại, để đợi đến khi cơ quan lập pháp ban hành đủ luật.
Hiến pháp 1992 viết công dân có quyền biểu tình „theo quy định của pháp luật“, chứ không đòi hỏi cụ thể là „theo quy định của Luật biểu tình“. Giả sử, nếu Hiến pháp quy định là công dân chỉ có quyền biểu tình theo quy định của Luật biểu tình, thì công dân có quyền chất vấn và phê phán Quốc hội: Tại sao mấy chục năm rồi mà vẫn chưa ban hành Luật biểu tình? Lúc đó nhân dân nhắc nhở và đòi hỏi Quốc hội phải ban hành Luật biểu tình, chứ không phải chỉ đề nghị, kêu gọi, hay xin xỏ, vì:
„Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.“
(Điều 6, Hiến pháp 1992)
„Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, …“
(Điều 53, Hiến pháp 1992)
Như vậy, khi không (hoặc chưa) có luật nào quy định cụ thể hơn về việc biểu tình, thì có nghĩa là pháp luật không (hoặc chưa) có hạn chế nào cả, và công dân hoàn toàn có quyền biểu tình, như Hiến pháp cho phép.
Quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với quyền biểu tình
Nếu Quốc hội muốn định hướng hay hạn chế hoạt động biểu tình của công dân trong một khuôn khổ nào đó, thì phải ban hành luật tương ứng. Nếu thấy cần kíp phải có luật để điều tiết hoạt động biểu tình, thì chính Quốc hội và các cơ quan giúp việc phải khẩn trương, chứ dân không phải sốt ruột xin Quốc hội ban hành. Cơ quan quản lý Nhà nước mới phải vội, chứ dân không cần vội. Việc một số công dân đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng, nhưng điều đó lại góp phần làm cho người dân tiếp tục hiểu sai về quyền cơ bản của công dân, và làm cho những người thuộc cơ quan hành chính Nhà nước thêm ngộ nhận về quyền hạn của họ.
Nếu Chính phủ muốn quản lý hoạt động biểu tình của công dân theo một hướng nào đó thì Chính phủ phải soạn thảo và trình dự án luật (Điều 87, Hiến pháp 1992), để Quốc hội xem xét và ban hành luật, chứChính phủ không thể tự tiện đưa ra những quy định hay triển khai những hành động can thiệp trái với Hiến pháp. Hiến pháp 1992 đã quy định rõ:
„Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp“
(Điều 83, Hiến pháp 1992)
và Chính phủ là „cơ quan chấp hành của Quốc hội“ (Điều 109, Hiến pháp 1992).
Điều 115 của Hiến pháp 1992 cho phép:
„Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị“
nhưng phải:
„Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.“
Trong tất cả 11 khoản của Điều 112, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính chủ, và cả 6 khoản của Điều 114, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính chủ, Hiến pháp 1992 không có bất cứ khoản nào cho phép Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế hay can thiệp vào quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
Trong Luật Tổ chức Chính phủ do Quốc hội khóa X thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001, Điều 8, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ, được viết lại gần như nguyên văn Điều 112 của Hiến pháp 1992. Điều 20, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, là cụ thể hóa Điều 114 của Hiến pháp 1992. Quyền tự do của công dân được nhắc 3 lần trong Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó chỉ khẳng định trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền của công dân và tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền của mình, cụ thể là:
„Thi hành những biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình…“
(Điều 8, Khoản 5)
„Quyết định những biện pháp bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân sử dụng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình…“
(Điều 18, Khoản 3)
„Thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân…“
(Điều 13, Khoản 4)
Nghĩa là: Luật Tổ chức Chính phủ cũng không cho phép Chính phủ ban hành văn bản pháp quy để hạn chế quyền tự do của công dân được Hiến pháp đảm bảo. Tất nhiên là phải như vậy, vì Luật Tổ chức Chính phủ không thể có những quy định trái với Hiến pháp.
Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP, do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký ngày 18/3/2005, quy định một số biện pháp đảm bảo trật tự công cộng, không đề cập đến khái niệm „biểu tình“ được nêu trong Hiến pháp 1992. Ngược lại, khái niệm „tập trung đông người“ được đề cập (21 lần) trong Nghị định số 38/2005/NĐ-CP không xuất hiện trong Hiến pháp 1992. Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không đưa ra định nghĩa hay giải thích về thuật ngữ „tập trung đông người“, không hề quy ước là „biểu tình“ thuộc phạm trù „tập trung đông người“. Tất nhiên, không thể tùy ý dùng thuật ngữ„tập trung đông người“ để chỉ hoạt động „biểu tình“ (cũng giống như không thể dùng thuật ngữ „tập trung 500 người“ để chỉ phiên họp Quốc hội), vì nếu như thế thì vừa thiếu tôn trọng công dân (hay thiếu tôn trọng Quốc hội), vừa thiếu tôn trọng Hiến pháp, bởi không được tùy tiện thay đổi thuật ngữ pháp lý cơ bản được sử dụng trong Hiến pháp và được dùng phổ biến trong thông lệ pháp lý trên toàn thế giới. Vì vậy, nếu hợp hiến, thì Nghị định số 38/2005/NĐ-CP cũng không chi phối quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp đảm bảo.
Điều 50 của Hiến pháp 1992 khẳng định:
„Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.“
Khi thực hiện các quyền con người (trong đó có quyền biểu tình), công dân chỉ phải tuân theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Khi chưa có luật tương ứng thì công dân không phải chấp hành văn bản pháp quy nào khác ngoài Hiến pháp, bởi công dân chỉ phải „sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Quyền biểu tình của công dân không phải chịu chi phối bởi các quy định nào đó, cho dù chúng có thể được đưa vào luật trong tương lai, lại càng không thể bị cản trở bởi các quy định tùy tiện của các cấp chính quyền, của bộ máy công an, của tổ dân phố, hay của một cấp trên chung chung nào đó. Cho dù là ai, to nhỏ ra sao, nhân danh tổ chức nào, thì họ cũng đều là công dân Việt Nam và cũng không nằm ngoài phạm vi chi phối của nguyên tắc:
„Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.“
(Điều 52, Hiến pháp 1992)
Không phải bất cứ một quy định phi lý nào được đưa vào luật cũng là thiêng liêng, bất di – bất dịch. Nếu có Luật biểu tình thì nó không thể chứa đựng những quy định trái với Hiến pháp. Nhân dân có quyền kiến nghị và Quốc hội có trách nhiệm hủy bỏ bất cứ quy định pháp luật nào trái với Hiến pháp, vì
„Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“
(Điều 146, Hiến pháp 1992)
Biểu tình – Quyền hiến định có hiệu lực cùng Hiến pháp hiện hành
Đã đến lúc dân ta (cả dân thường và cả những người đang thuộc bộ máy quản lý Nhà nước) phải chia tay với lối tư duy sai lầm là „trên“ cho làm gì thì„dưới“ mới được làm cái ấy, vì đấy là kiểu quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, hoàn toàn trái với bản năng sống chủ động của mọi loài động vật tự do, trong đó có con người. Dù có muốn, dù có cố, thì cũng không bao giờ quy định được hết mọi chuyện trên đời. Hơn nữa, càng có nhiều quy định thì càng có nhiều điều bất hợp lý và càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các quy định. Chính vì vậy, người dân có quyền làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm những chuẩn mực đạo đức thông thường đã được xã hội thừa nhận. Nhà nước có thể thông qua việc ban hành luật để hạn chế những mặt tiêu cực, nhưng sẽ không bao giờ khống chế được hoàn toàn. Không thể tiếp tục luận tội theo kiểu „lợi dụng sơ hở của pháp luật…“ Lập luận ấy không chỉ sai với thông lệ quốc tế, mà còn hài hước ở chỗ: Sao không trách phạt những người ăn lương của dân rồi làm ra luật… sơ hở, mà lại chỉ kết tội người dân áp dụng đúng luật sơ hở?
Căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp lý liên quan, với tư duy lô-gíc, chỉ có thể rút ra kết luận rằng:Quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo và có hiệu lực cùng lúc với Hiến pháp. Cho đến nay, chưa có luật hay văn bản pháp lý hợp hiến nào hạn chế quyền biểu tình của công dân. Vì vậy, công dân hoàn toàn có quyền tự do biểu tình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, không phải đợi đến lúc có Luật biểu tình hay một văn bản tương tự.
Biểu tình là biện pháp hữu hiệu để nhân dân bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và giải tỏa ức chế. Biểu tình cũng là một hình thức hợp lý để công dân bày tỏ chính kiến, góp phần xây dựng Nhà nước và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước là phải tôn trọng và bảo vệ công dân thực hiện quyền biểu tình, phải triệt để tuân theo Điều 12 của Hiến pháp 1992:
„Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.


Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật.


Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật.“
Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp và trình độ hiểu biết pháp luật. Nó cũng thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, mức tự tin vào sự trong sạch và chính nghĩa của bản thân. Một chính quyền vì dân, chỉ làm chuyện đúng, chắc chắn sẽ được đa số nhân dân tin yêu và bảo vệ, không việc gì phải sợ biểu tình. Nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân và dân tộc, làm những chuyện sai trái, thì không bạo lực nào có thể che chở vĩnh viễn.
Nếu thực sự cầu thị và muốn làm tròn bổn phận, lãnh đạo phải biết tận dụng hoạt động biểu tình như một chiếc cầu nối với nhân dân, làm nguồn cung cấp thông tin thực tế từ cơ sở, vốn dĩ hay bị bưng bít bởi bộ máy quản lý cấp dưới. Biểu tình là một phương tiện đắc lực để khắc phục tệ quan liêu – căn bệnh cố hữu của bộ máy chính quyền.
Chẳng có lý do chính đáng nào có thể biện hộ cho việc xâm phạm quyền biểu tình của công dân. Không thể cấm dân lên tiếng nhằm che dấu sự yếu kém. Không thể mượn cớ ổn định mà cản trở sự phát triển. Không được nhân danh bảo vệ chế độ để bảo vệ tham nhũng.
Xương máu của hàng triệu người Việt đã đổ xuống vì độc lập và tự do. Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi gắn liền với tự do của nhân dân. Nếu dân không có tự do thì chính quyền mang quốc tịch nào cũng vậy. Do đó, muốn bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ, thì phải tôn trọng các quyền tự do của nhân dân, trong đó có quyền biểu tình. Không thể khác!
Phụ lục (Dành riêng cho những người kiên định…)
Nếu quý vị nào vẫn cảm thấy chưa đủ thuyết phục và vẫn kiên định lập trường cho rằng công dân phải đợi đến khi có Luật biểu tình mới được biểu tình, thì xin dành riêng đoạn tiếp theo để quý vị suy ngẫm.
Hiến pháp 1992 có năm lần nhắc đến từ „Đảng“, trong đó có ba lần ở „Lời nói đầu“, hai lần đề cập đến lịch sử và công lao của Đảng CSVN, lần thứ ba trong câu:
„Hiến pháp này… thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý.“
Hai lần còn lại là ở Điều 4, nguyên văn như sau:
„Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.


Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.“
Như vậy, mặc dù Hiến pháp 1992 khẳng định „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“, nhưng trong toàn bộ văn bản Hiến pháp không có quy định cụ thể nào về khuôn khổ mà Đảng CSVN được phép hoạt động, và cho đến nay vẫn chưa có „Luật về Đảng“ (hay tương tự) để quy định về quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi và hình thức hoạt động của Đảng, cũng như hình thức xử lý khi tổ chức Đảng vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Rõ ràng, xét về lô-gíc, tính hợp pháp của việc „Công dân… biểu tình theo quy định của pháp luật“ khi chưa có Luật biểu tình không hề yếu hơn so với tính hợp pháp của việc „Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“ khi chưa có „Luật về Đảng“. Vậy thì quý vị có cho là Đảng CSVN phải… đợi đến khi có „Luật về Đảng“ hay không?
Nếu ý vừa rồi vẫn chưa đủ, thì xin quý vị lưu ý thêm: Hiến pháp 1992 không đề cập đến chuyện ăn, chuyện ngủ… Việt Nam cũng không có luật về ăn, ngủ… Vậy mà hàng ngày 90 triệu người Việt vẫn ăn, vẫn ngủ…, dù biết là phải„sống… theo Hiến pháp và pháp luật“ (Điều 31, Hiến pháp 1992). Phải chăng, quý vị cũng coi đấy là hành vi cố tình vi phạm kỷ cương, coi thường phép nước? Vấn đề này có vẻ còn nghiêm trọng hơn cả chuyện biểu tình, vì quyền biểu tình của công dân còn được Hiến pháp ghi nhận đích danh. Vậy thì quý vị có định đòi hỏi mọi người cũng phải nhịn ăn, nhịn ngủ… cho đến khi có luật và được luật cho phép, giống như phải nhịn biểu tình hay không?
Giáo sư Tiến sỹ khoa học HOÀNG XUÂN PHÚ
(ảnh: Nguyễn Xuân Diện)
Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Heidelberg
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Bavaria

CẨM NANG BIỂU TÌNH


Ảnh Hoàng Đình Nam. AFP
BIỂU TÌNH: NÊN VÀ KHÔNG NÊN
Biểu tình là một hình thức hành động thể hiện nguyện vọng, ý chí của một nhóm người, lớn hoặc nhỏ, trong cộng động, bênh vực hay phản đối một chính sách, hành động hay sự kiện chính trị, xã hội, quân sự, văn hóa…Một cuộc biểu tình ôn hòa, không bạo lực được pháp luật hỗ trợ ở hầu hết các thể chế chính trị trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Gần đây, ở Việt Nam đã liên tiếp có các cuộc biểu tình tự phát của quần chúng nhân dân để phản đối các hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Hoa tại phần biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Người viết bài này do ở xa các trung tâm biểu tình của đất nước, chưa có dịp tham gia vào cuộc biểu tình nào nhưng cũng xin có một số đề nghị như dưới đây:
1. VỀ PHÍA NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH


A. Những điều nên làm:
1. Nên có liên lạc trước với ít nhất 5-7 người sẽ tham gia cùng mình, để có thay đổi ở phút chót về thời gian, địa điểm… thông tin sẽ được cập nhật ngay. Tránh hoang mang, xao động không cần thiết;
2. Nên có các khẩu hiệu, biểu ngữ làm trên vải hay, giấy cứng, cỡ chữ càng to càng tốt. Biểu ngữ nên có nội dung rõ ràng, viết đúng chính tả, bảo đảm thẩm mỹ và bắt mắt;
3. Mặc áo có in cờ Việt Nam hay/và mang theo cờ Việt Nam là tăng màu sắc của cuộc biểu tình;
4. Nên có một vài biểu ngữ lớn, ấn tượng để từ xa có thể đọc rõ. Khi các phóng viên chụp hình toàn cảnh thì độc giả vẫn đọc được nội dung biểu ngữ;
5. Nên đi sát vào nhau tạo thành một khối vừa an toàn, vừa có sức mạnh, tránh bị xé lẻ thành các nhóm manh mún;
6. Khi có thành viên gặp sự cố cả đoàn phải dừng lại hỗ trợ, dùng sức mạnh số đông để áp đảo nhằm trợ giúp cho đồng đội thoát hiểm;
7. Nên mang theo đủ nước uống và mũ nón che nắng. Riêng nữ giới dùng kem chống UV để bảo vệ da trong ít nhất 2 tiếng là tốt;
8. Nên đi ngủ sớm đêm hôm trước để có đủ sức tham gia cùng đoàn;
9. Người trẻ nên đi bên cạnh người già để hỗ trợ cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy lực lượng an ninh thường nể người già hơn. Và đặc tính của người Việt là kính lão đắc thọ;
10. Nên vận động những người thân quen của lực lượng an ninh (LLAN) tham gia biểu tình, hay con em, người thân của các lãnh đạo là tốt nhất;
11. Nên mời các nhân sĩ trí thức có tên tuổi trong nước cũng như nổi tiếng ở nước ngoài tham gia với tư cách là người mở đường. Không phải chỉ LLAN mà ngay cả các lãnh đạo cấp cao cũng có sự kính trọng và kiêng dè nhất định đối với họ. Tuy nhiên, những nhân vật này đa số đã lớn tuổi nên tranh thủ mời một số người nhất định trong một lần BT để tránh hết nguồn.
12. Nên tranh thủ trả lời PV các báo đài nước ngoài để tiếng nói phản kháng của chúng ta mạnh hơn nữa;
13. Cần có nhiều hơn các biểu ngữ tiếng Hoa và tiếng Anh. Cần hô ứng các khẩu hiệu lần lượt bằng 3 thứ tiếng: Việt, Hoa và Anh;
14. Nên có đội ngũ giỏi tay nghề chuyên trách ghi lại hình ảnh, âm thanh và không khí của cuộc BT. Nên có người ở nhà chịu trách nhiệm thu nhận, tổng hợp và phát ngay thông tin trực tiếp lên các blog, web kịp thời. Không nên kéo nhau xuống đường hết làm hậu phương đuối sức. Việc đưa tin ngay tại hiện trường cho thấy rất khó đáp ứng đầy đủ. Có người ở nhà tổng hợp vẫn tốt hơn;
15. Nên tổ chức phỏng vấn lẫn nhau tại hiện trường với các kịch bản soạn sẵn bằng các thứ tiếng Việt, Hoa, Anh. Đây là dịp để sinh viên các trường Ngoại ngữ, Quan hệ QT… phát huy tài năng của mình. Nếu phỏng vấn tiếng Việt. Gởi ngay về hậu phương làm phụ đề tiếng Anh, Hoa, và ngược lại;
16. Tranh thủ cuốn hút những người đi đường hay hiếu kỳ tham gia đoàn biểu tình để không ngừng gia tăng lực lượng. Tuyên truyền để những người láng giềng hàng xóm tham gia cùng bạn vì thế ta sẽ có chung điểm xuất phát và điểm trở về không có cảm giác lạc lõng sau BT hay bơ vơ khi gặp sự cố không mong muốn. Người yêu là đối tượng dễ thuyết phục nhất.
17. Nên phát hiện sớm những người không thuộc đoàn biểu tình sớm, tách họ ra để khỏi bị xé lẽ. Phải tham gia BT nhiều mới có khả năng nhận diện. Tuy nhiên, cũng không khó lắm vì nhân thì dân to như biển họ thì lạc lõng như đảo;
18. Nên có tờ rơi để phát cho người đi đường và người ở hai bên đường đoàn đi qua. Nên có một số loa cầm tay để hô khẩu hiệu. Nếu có người biết chơi kèn mang theo kèn như trên sân bong càng tốt;
19. Nên in sẵn phù hiệu BT phát cho những người tham gia mang trên vai áo như ở Nhật để phân biệt với những người trà trộn.
20. Chú ý bảo về lẫn nhau, đề phòng bọn móc túi tranh thủ cướp giật gây rối loạn đoàn BT.
21. Thường xuyên liên lạc với gia đình và người thân để họ luôn biết bạn đang ở đâu làm gì.
22. Nên có một ít thuốc men, bông băng, sơ cấp cứu và có người có nghề chuyên môn tham gia càng hay. Mời BS Hoa Súng!
B. Những điều không nên làm:
1. Nên nhớ mục đích biểu tình là biểu thị lòng yêu nước và phản đối xâm lược biển đảo của Tổ Quốc, nên các mục đích khác phải được loại bỏ, ví dụ: tự do tôn giáo, khiếu kiện đất đai, nhà ở…
2. Nội dung các khẩu hiệu không được quá phản cảm hay thô tục, chửi thề…
3. Hình thức các biểu ngũ không nên quá thô sơ, xấu xí. Nếu viết trên giấy A4 thì không được để nhàu nát, bẩn thỉu. Nên dùng giấy A3 cứng thì tốt hơn vì, sau đó có thể dùng che nắng hữu hiệu hay dùng cho lần sau. Biểu ngữ trên giấy nên cuộn lại không nen gấp. Không nên vứt bỏ vì nó sẽ là vật kỷ niệm khó quên, nên lưu giữ lại;
4. Không mang theo người nhiều tiền bạc, hoặc tư trang tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng;
5. Không vứt rác bừa bãi trên phố hay trong công viên, gây ác cảm của Chính quyền hay người dân với người biểu tình;
6. Không để cờ tổ quốc ở tư thế lộn ngược, đỉnh ngôi sao phải ở phía trên;
7. Không được mang theo hung khí, gậy gộc, chất cháy; không chấp nhận bất kỳ hành động bạo lực hay khiêu khích bạo lực nào.
8. Không tổ chức đốt cờ nước CHNDTH vì có thể gây nguy hiểm hay hỏa hoạn;
9. Không ném gạch đá, hay bất kỳ vật sắc nhọn nào vào LLAN. Khi đấu tranh bằng lời không được tỏ ra mất lịch sự, nên nhã nhặn trong kiên quyết và tranh thủ sự đồng tình, thông cảm của họ. Không nên coi mình là đối lập với LLAN. Thay vào đó, phải thông cảm, coi họ như con, em, anh, chị mình đang làm nhiệm vụ bắt buộc không cưỡng lại được là tốt nhất.
10. Không vẽ viết lên mặt hay tay chân, không cởi áo ở trần trong đoàn biểu tình, không chửi thề, nói bậy hay có các hành động khiếm nhã khác.
11. Không uống rượu trước hay ngay khi tham gia đoàn biểu tình;
12. Không đi thành tốp nhỏ cách xa các tốp khác để tránh bị khống chế hay xé lẻ;
13. Không bỏ rơi đồng đội khi có sự cố, phải cùng nhau tập hợp giữ vững đội ngũ;
14. Không nên tiến hành cuộc BT quá dài, ảnh hưởng tới sức khỏe (đặc biệt là người cao tuổi) và gây xáo trộn nhiều đối với sinh hoạt thường nhật của xã hội (1-2 giờ là tốt nhất);
15. Không để cho BT làm ảnh hưởng tới mưu sinh, hay sinh hoạt thường nhật của bà con; (Làm tăng thu nhập của quán xá thì tốt!!!);
16. Không được tạo ra bất cứ hình ảnh xấu nào của đoàn biểu tình đối với người dân, người đi đường đặc biệt là các PV nước ngoài, dù vô tình hay cố ý;
17. Không được để bất kỳ ai than gia biểu tình gặp nạn mà không được săn sóc (ví dụ say nắng, ngất xỉu);
18. Không nên gây ách tắc giao thông, cản trở các phương tiện và người tham gia giao thông khác, nhưng cũng không được để giao thông xé lẻ đội hình;
19. Không nên tham gia BT với động cơ không trong sáng; lập dị hay PR cá nhân.
20. Không nên cãi vả nhau để tranh quyền lãnh đạo biểu tình. Vì đây là BT tự phát không có tổ chức trước nên đồng thuận tương nhượng nhau để có người chỉ huy tạm thời là tốt nhất. Sau một vài cuộc thực tập chắc chắc quần chúng sẽ phát hiện ra những người có tài năng tổ chức. Tuy nhiên, LLAN cũng phát hiện ra nhanh hơn nhiều.
21. Không coi thường hay miệt thị những người không tham gia BT, coi đó là quyền tự do bày tỏ hay không bày tỏ ý kiến. Có những người không tham gia BT nhưng yêu nước gấp triệu lần những người đi BT. Hãy chấp nhập đa dạng về thái độ như một đặc trưng bất di bất dịch của xã hội dân chủ.
II. VỀ PHÍA CHÍNH QUYỀN VÀ LỰC LƯỢNG AN NINH


A. Những điều nên làm
1. Phải thừa nhận biểu tình là quyền hợp pháp của công dân, chỉ có điều VN chưa có luật biểu tình nên ngành an ninh mới lúng túng đến thế.
2. Nên kiến nghị với cấp trên có ngay một quy định tạm thời về biểu tình hợp pháp: trong đó nêu rõ thể thức đăng ký xin phép, hình thức, quy mô, thời gian, địa điểm… quyền và nghĩa vụ của người BT, người tổ chức BT; những điều LLAN được phép làm và không được phép làm với người biểu tình, quy mô tối đa của LLAN so với quy mô của cuộc BT, các khu vực nhạy cảm cấm biểu tình…
3. Phải coi nhiệm vụ của mình là đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội trong đó có người biểu tình an toàn, an ninh cho đối tượng bị lên án (ví dụ sứ quán hay lãnh sự TQ), chứ không phải tìm cách ngăn cản người biểu tình thể hiện tình cảm thái độ yêu nước của họ.
4. Nên xem các video về biểu tình ở nước ngoài như tại ĐSQ Úc, tại Paris (Pháp), Washington (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản), để xem ở các nước có dân chủ [...] LLAN đối xử thế nào với người biểu tình. [....]
5. Nên hiểu rằng các bạn chỉ thừa lệnh cấp trên [...]. Thực hiện phương sách trung dung là hay hơn cả, an toàn hơn cả: được lòng cấp trên ở mức chấp nhận được và được lòng nhân dân ở mức chấp nhận được. Cũng nên nhớ rằng quan nhất thời, dân vạn đại, đừng để vợ con bạn bị lẻ loi, lạc lõng trong cộng đồng vì hành động quá tay của bạn. Tiến vi quan thoái vi dân, lúc nào cũng hãy là chính mình. Suy nghĩ bằng cái đầu của mình, hành động theo con tim của mình, đừng dể người khác suy nghĩ hộ ta.
6. Nên nhìn những người biểu tình như ông, bà, bố mẹ, anh chị em mình đang có những hành động mà mình nếu không vì bộ sắc phục, không vì nhiệm vụ đang được giao phó cũng sẽ tham gia vào tích cực hơn và nhiệt tình hơn bởi dân ta không ai không có lòng nồng nàn yêu nước;
7. Nên coi trọng giá trị của biểu tình bởi nó là một mặt trận cũng như các mặt trận khác như quân sự, chính trị, ngoại giao. Chính quyền chỉ thực sự lo sợ khi tàu giặc vào gây hấn mà khắp cả nước tịnh không thấy bóng người biểu tình. Đó chính là dấu hiệu mất nước, dấu hiệu quay lưng với CQ của người dân.
8. Nên duy trì một lực lượng an ninh vừa phải càng ít cáng tốt nhưng tinh nhuệ giỏi nghiệp vụ, chủ yếu là bảo vệ các nhân viên ngoại giao không bị nguy hiểm hay quấy rầy;
9. Nên giao tiếp thân mật với người biểu tình và chỉ nói những điều cần nói, tránh tranh luận để không bị nóng giận, mất bình tĩnh sau khi tranh luận thua. LLAN không được đào tạo đủ lý luận để tranh luận, người biểu tình thì đa số là trí thức, học giả, đi tranh luận với họ có mà…
10. Luôn luôn giữ bình tĩnh, tạo hình ảnh đẹp về LLAN trước ống kính Việt Nam và thế giới. Một sự nhịn chín sự lành. Nhịn bà con ta chứ có nhịn bọn xâm lược đâu mà nhục.
B. Những điều không nên làm
1. Đừng bao giờ để người biểu tình coi mình là đối lập với họ và cũng đừng bao giờ coi họ đối lập với mình. Nay mai về hưu sống trong lòng hay ngoài lòng cộng đồng?
2. Đừng để các phần tử xấu trong đoàn biểu tình khiêu khích dẫn đến các hành vi thái quá do mất bình tĩnh;
3. Không cho phép lực lượng không sắc phục bắt người. Khi bắt người phải xuất trình phù hiệu nhân viên AN cho mọi người kiểm tra. Sau khi bắt phải có thông báo rõ ràng lý do. Không bắt họ phải cam kết những điều pháp luật không yêu cầu vì như vậy có thể bị kiện ngược lại.
4. Không được nhìn người biểu tình là thành phần xấu của xã hội. Tránh cái quan điểm quán triệt: nhìn đâu cũng thấy kẻ thù chế độ. Nếu phát hiện có phần tử xấu, [...] nên nhẹ nhàng loại ra bằng nghiệp vụ, không gây xáo trộn lớn cho đoàn BT, không để người BT hiểu nhầm LLAN bắt người biểu tình vô tội. Theo dõi để bắt sau khi cuộc biểu tình kết thúc là thượng sách.
5. Không nên có bất kỳ lời giải thích nào với người BT về việc họ nên hay không nên BT, kiểu như là: “Các bác về đi kẻo nắng, mọi việc đã có Đảng lo rồi”. Thiết nghĩ đây chỉ là giải thích có tính tự phát của một số nhân viên AN, chứ cấp trên dại gì mà phán như thế.
6. Không sử dụng các biện pháp bạo lực với người BT vì pháp luật không cho phép, và có khả năng xử lý nhầm người trong một đám đông lớn như thế.
7. Không nghe theo những luận diệu tuyên truyền của kẻ địch là những cuộc biểu thị lòng yêu nước này có liên quan đến diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ hay cách mạng hoa lài hoa lý… Hãy tin tưởng ở sự trong sáng và sáng suốt của nhân dân. Nếu AN có trăm tay thì quần chúng có ngàn mắt.
8. Không dùng biện pháp nghiệp vụ để xé lẻ cuộc tuần hành, nhưng nói rõ với người biểu tình họ được phép đứng, ngồi ở đâu trong bao lâu và tuần hành trên những tuyến nào và phải giả tán lúc nào là đúng quy định.
9. Không dùng quá nhiều rào cản cứng bằng kim loại đặc biệt là thép gai vì nó dễ tạo ra hình ảnh xấu về LLAN Việt Nam và cho thấy chúng ta yếu chứ không phải mạnh. Làm ngược lại kết quả sẽ tốt hơn nhiều: các lực lượng dự bị đông đảo không ra hiện trường, nhưng khi cần sẽ có mặt hầu như tức thời. Các lực lượng tại chỗ trông rất mỏng manh và cực kỳ lịch sự.
10. Không cho rằng những người biểu tình làm cho công việc của mình vốn đã chồng chất rồi lại trở nên bận rộn, khó khăn hơn. Duy trì lực lượng nhỏ, thay nhau nghỉ cuối tuần như người dân thay nhau đi BT là hay hơn cả. Nêú có muốn trách hãy trách bọn bá quyền xâm lược.
III. VỀ PHÍA NHÂN DÂN VÀ NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG NƠI CUỘC BIỂU TÌNH VÀ TUẦN HÀNH ĐI QUA


A. Những điều nên làm
1. Nên có thái độ ủng hộ những người tham gia tuần hành vì chính họ đã và đang thể hiện ra tiếng nói thầm kín trong lòng mình mà do nhiều hoàn cảnh khác nhau, mình chưa thể tham gia cùng họ được.
2. Nên biểu lộ thái độ cổ vũ, hoan nghênh những người biểu tình bằng lời nói, cử chỉ hay biểu lộ sự đồng tình trên khuôn mặt, nụ cười. Những người đi BT cần nhất là sự đồng tình của bà con. Chính nó tạo sức mạnh và sự nâng đỡ tinh thần quan trọng và tăng cường quyết tâm cho những những người muốn thể hiện yêu nước.
3. Nếu có thể, nên có những hành động, việc làm mang tính trợ giúp người BT, như giúp đỡ nước uống, cho phép đứng chờ tại nơi mình đang sinh sống hay kinh doanh…
4. Nếu có thể, nên làm sẵn những biểu ngữ hay khẩu hiệu nhỏ, để cung cấp cho người BT nào chưa có. Bởi vì các biểu ngữ bằng giấy cất giữ trong người, khi người tham gia BT đến nơi tập kết, thường không còn thẩm mỹ nữa. Một nguồn bổ sung tại chỗ là quan trọng làm tăng khí thế cuộc BT.
5. Nên sẵn lòng trợ giúp người BT khi có sự cố như say nắng, ngất xỉu, tại nạn… vì đó chính là sự biểu hiện cụ thể của tinh thần yêu nước thương nòi.
6. Nên góp phần chỉ điểm cho những người BT biết các thành phần xấu trà trộn để đảm bảo trật tự và thành công của cuộc BT, vì chính bà con là người am hiểu nhất tình hình an ninh tại khu phố mình ở.
7. Những người đi đường nên bày tỏ thái độ ủng hộ đoàn biểu tình bằng cách hô theo các khẩu hiệu, hay quay phim, chụp hình để phổ biến lên mạng. Nếu được phát tờ rơi nên giữ lại đọc và chuyền tay cho người khác đọc để giúp mở rông làn sóng yêu nước trong toàn quốc.
8. Người đi đường nếu không bận công việc, nên tham gia biểu tình để tăng cường lực lượng BT, bổ sung sức mạnh cần thiết vì cuộc BT càng đông càng gây tiếng vang trên thế giới, kẻ thù càng phải quan ngại khi tiến hành những bước tiếp theo.
9. Người tham gia giao thông, nếu có thể, nên nhường lòng đường hay lề phố cho người tham gia BT như là thể hiện sự tôn trọng của bà con với người BT, đồng thời đảm bảo ATGT.
10. Tích cực tuyên truyền cho các bà con khác cũng như CQ về diễn biến của cuộc BT, nội dung các biểu ngữ, tinh thần và ý thức kỷ luật của người BT nhằm tạo được sự đồng thuận cao của xã hội bao gồm cả bà con và CQ.
Nên giữ lại các biểu ngữ, khẩu hiệu đẹp, hay treo ngay nơi cửa hàng của bà con, chắc chắc bà con sẽ có nhiều khách hơn khi biết đánh trúng vào tâm lý yêu nước đang dâng nơi khách hàng.
B. Những điều không nên làm
1. Không nên phản đối, chống đối hay có thái độ thù địch với người đi biểu tình, vì cho rằng BT ảnh hưởng tới công ăn việc làm và thu nhập chính đáng của bà con. Mỗi tuần BT chỉ diễn ra có một lần và tuần hành qua chỗ bà con thường không quá mấy phút…
2. Không nên có những lời lẽ khiếm nhã hay chửi bới người tham gia BT khi họ vô tình đi vào “hành lang” kinh doanh buôn bán của bà con.
3. Không nên có thái độ cho rằng những người BT là lập dị hay có liên quan đến các phần tử “xấu” và “nguy hiểm” bởi vì họ chính là anh, em bà con, láng giềng, con cháu chứng ta cả, chỉ vì giận quân xâm lược mới phải xuống đường bày tỏ thái độ.
4. Không nên tăng giá hàng “đột biến”, đặc biệt là những mặt hàng cần thiết cho BT như cờ Tổ Quốc, áo có in cờ Tổ Quốc, nước uống…
5. Những người đang tham gia giao thông (điều khiển phương tiện, hay đi bộ trên lề) không nên giành đường với đoàn BT đang đi qua hoặc gây chia cắt đoàn BT, để tránh xô xát không cần thiết hay mất ANGT, không có lợi cho mình cũng như đoàn BT.
6. Không nên nói xấu hoặc nói không đúng sự thật về một người tham gia biểu tình nào đó khiến cho nhân viên AN đang đi điều tra có thể đánh giá sai về người biểu tình. Nếu người tham gia biểu tình có khuyết điểm khi sống trong khu phố thì không nên phóng đại quá mức hay thêm thắt tình tiết làm sai lạc kết quả điều tra của nhân viên AN.
7. Không nên có thái độ cực đoan: Người tham gia BT là người yêu nước, người không tham gia BT là người không yêu nước. Hay ngược lại: Người tham gia BT là xấu, người không tham gia BT mới là người tốt. Hãy tôn trọng sự tự do trong lựa chọn phương cách phản ứng của mỗi một công dân.
8. Không nên suy nghĩ sai lầm cho rằng việc gia tăng các cuộc BT của người Việt Nam trong và ngoài nước có tác dụng khiến CQ Bắc Kinh có thái độ cứng rắn hơn mà suy nghĩ ngược lại, như thực tế vừa qua cho thấy, mới là hợp lẽ.
9. Những người có trách nhiệm của các công sở, trường học không nên ra đứng bên đường để gọi nhân viên hay sinh viên của mình chấm dứt tham gia biểu tình, vì hành vi tham gia BT là hợp hiến và hợp pháp do đó ngăn cấm BT là vi hiến và phi pháp. Hình ảnh không đẹp mắt của quý vị sẽ được cả thế giới trông thấy và hẳn là con em các vị sẽ không tránh được cảm giác xấu hổ trước bạn bè, đồng nghiệp…
10. Những người có trách nhiệm của các công sở, trường học không nên ký các văn bản có nội dung kỷ luật hay sa thải nhân viên hay đuổi học sinh viên tham gia biểu tình bởi vì các văn bản này có thể được sử dụng để chống lại các vị một khi hành vi của các bị bị quy kết là vi hiến và phi pháp. Hãy quan sát xem các công sở, trường học khác phản ứng ra sao trước khi quyết định phản ứng của mình. Quốc Hội khóa tới sẽ quyết định việc này cụ thể. Cầm đèn chạy trước ô-tô lắm lúc tai hại.
IV. VỀ PHẦN NGƯỜI THAM GIA BIỂU TÌNH BỊ BẮT GIỮ
A. Những điều nên làm 
1. Khi tham gia BT nên luôn luôn đi sát một hay một vài người đã quen hay mới quen nhưng đáng tin để, nếu ta hay người đó bị bắt thì mọi người sẽ được thông báo ngay lập tức mà có đối sách thích hợp.
2. Khi bị bắt, nên kịp thời thông báo bằng mọi cách: la to, vẫy tay, ra hiệu và phản ứng hợp lý, để cho mọi người trong đoàn BT chú ý và biết có sự cố xảy ra.
3. Khi bị giữ lại nơi trụ sở, xuất trình đầy đủ giấy tờ tùy thân (nếu có mang theo), khai chính xác về nhân thân, địa chỉ cư trú.
4. Đề nghị người được phân công làm việc với mình cho biết lý do bắt giữ.
5. Khi được hỏi lý do, động cơ BT thì trả lời: lòng yêu nước và căm thù ngoại xâm. Về cơ sở pháp lý thì dẫn điều 69 của hiến pháp.
6. Khi được hỏi về thông tin BT thì trả lời: từ mạng internet hoặc từ các tụ điểm đông người…
7. Khi được hỏi về số lần tham gia thì trả lời đúng như sự thật.
8. Trong khi chờ đợi sự ứng cứu của đoàn BT, hãy giữ bình tình, tự tin về hành vi chính đáng của mình. Thiệt vàng không sợ chi lửa.
9. Đề nghị được liên lạc với gia đình, người thân hay bạn bè đang tham gia BT và thông báo cho họ tình cảnh của bạn.
10. Dùng lời lẽ ôn hòa, có thái độ lịch sự với người làm việc với mình bởi lẽ khác với những người cấp dưới, đa số những người được cử ra làm việc đều là người có học thức nhất định, có nghiệp vụ tốt và có tư cách tốt. Luôn lưu ý rằng họ đang làm phận sự của một công bộc. Họ phải làm theo chức năng nhiệm vụ được giao và rất nhiều khi trái với ý chí của họ.
B. Những điều không nên làm 
1. Không nên phản ứng thái quá khi bị bắt bắt như cắn, đánh trả quyết liệt, gây thương tích, vì làm như thế bạn rất dễ bị kết tội chống người thi hành công vụ.
2. Không man khai về nhân thân, địa chỉ nhưng cũng không cần khai quá nhiều chi tiết có thể gây bất lợi cho bạn như tên trường học, cơ quan làm việc…
3. Không đập phá làm hỏng hay quẳng đi những vật dụng ở nơi tạm giữ, đặc biệt là lúc chỉ có một mình.
4. Không nghe theo lời đề nghị được tha sớm hay đe dọa vô căn cứ mà khai những thông tin không đúng sự thật được mớm hay tự bịa ra, ví dụ như: đi BT theo lời xúi giục của ai, nhận tiền từ ai để đi BT. Những thông tin bịa đặt này sau đó có thể được sử dụng để chống lại bạn với những tội danh khó chối cãi.
5. Không ký tên nhận tội, vì BT là quyền hợp pháp và hợp hiến. Không ký tên vào những giấy tờ như: cam đoan không tiếp tục BT, vì những văn bản kiểu này cũng không hợp pháp và không có tính ràng buộc pháp lý.
6. Không khóc lóc, năn nỉ, xin xỏ để được thả ra sớm. Không được nhận rằng hành vi BT của mình là có tội đối với đất nước.
7. Không tìm cách đào thoát như trèo qua cửa sổ… vì làm như vậy, vừa nguy hiểm lại vừa phạm pháp.
8. Không ngắt lời người làm việc với mình. Không nói quá to, chủi thề, văng tục… Chờ cho họ nói xong mới từ tốn trả lời từng điểm một. Không nhìn đi nơi khác khi trả lời. Nên nhìn thẳng vào mặt họ. Nó chứng tỏ bạn là người trung thực.
9. Những gì được hỏi mà bạn không rõ, không biết, thì trả lời không biết. Chớ suy diễn hay bịa thông tin để trả lời vì nó có thể gây hại cho bạn sau này.
10. Không cung cấp những thông tin mà có thể gây bất lợi cho người khác đặc biệt những người cùng tham gia BT với bạn.
***
Mong rằng sau khi đọc những lời khuyên tâm huyết của một công dân đã lớn tuổi, các cấp CQ cũng như LLAN sẽ sáng suốt hơn trong sách lược đối phó với người BT, để bạn bè năm châu tin tưởng VN hơn và ủng hộ VN trong cuộc đấu tranh lâu dài để bảo về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Lòng không mong gì hơn được thấy ngày sau con cháu lớn mạnh lấy lại được Hoàng Sa cho hả dạ tổ tiên. Đời tôi đây chắc chẳng có hy vọng được thấy, nhưng tôi tin tưởng thế hệ tương lai sẽ làm được với một chính quyền khôn ngoan, sáng suốt và có trách nhiệm với tiền nhân.


Tôi có mấy lời nhắn gửi, xin bà con, quý vị có trách nhiệm lắng nghe được đôi chút là mãn nguyện lắm rồi.
TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM!
MỘT TIN VUI VỚI CÁC CÔNG DÂN TỪNG XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC GÂY HẤN SUỐT MÙA HÈ NĂM NGOÁI : BÀ CON NÔNG DÂN CÁC TỈNH LÂN CẬN VÀ NGOẠI THÀNH HÀ NỘI SẼ KÉO VỀ THỦ ĐÔ ĐỂ HƯỞNG ỨNG TINH THẦN CỦA BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét