“Chính quyền đã thành công trong việc dập tắt biểu tình dù bất cứ mục đích nào. Bây giờ không ai dám xuống đường biểu tình nữa cho dù “nước lạ” hung hăng đến đâu.
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.”
Có người không muốn nhắc lại còn mình và những người biểu tình thì không bao giờ quên Mùa Hè chống Trung Quốc năm ngoái. Bài viết thì có nhiều rồi nhưng mình muốn làm một cái thông kê về sự kiện này. Vì không tham gia đủ hoặc không theo dõi hêt các cuộc biểu tình nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót.
1. Các cuộc biểu tình chính thức:
- Tại Hà Nội: 11 cuộc: 5/6, 12/6, 19/6, 26/6, 3/7, 10/7, 17/7, 24/7, 7/8, 14/8, 21/8.
- Tại Sài Gòn: 2 cuộc: 5/6, 12/6. Sau đó biểu tình bị dập tắt, nên từ đây chỉ nhắc tới biểu tình tại Hà Nội.
2. Các cuộc biểu tình khác (không nhằm mục đích chống TQ): 3 cuộc:
- 18/10: Biểu tình câm quanh Bờ Hồ đòi trả tự do cho Minh Hằng (bị cướp nón rồi bị bắt hôm 16/10),
- 21/10: Biểu tình từ Tòa án quận Đống Đa đến Đài THHN phản đối Đài THHN bôi nhọ người biểu tình.
7/11: Biểu tình ủng hộ Quốc hội và thủ tướng ra luật biểu tình/
3. Ngày chủ nhật không có biểu tình (nghỉ ngơi): 31/7. Nói là chủ nhật không có biểu tình là nói đến tính liên tục trong khoảng thời gian từ cuộc 1 đến cuộc 11
4. Cuộc biểu tình không nổ ra được: 18/9.
Mọi người ra Bờ Hồ, giấu kín băng rôn, khẩu hiệu chờ cơ hội nhưng tình hình quá căng thẳng nên cuộc biểu tình không nổ ra được. Tuy vậy, sau đó vẫn có 2 cháu học sinh lớp 12 bị bắt khi đang đi trên phố vì bị theo dõi khi đứng trong đám đã tham gia biểu tình và vì công an chưa biết là ai. Sau khi nắm được một số thông tin về 2 cháu thì họ thả ra.
5. Địa điểm biểu tình:
Cuộc biểu tình xuất phát từ khu vực Đại sứ quán TQ: 7
Cuộc biểu tình tại Bờ Hồ: 4
(Tính theo cuộc biểu tình chính thức)
Sau 7 cuộc biểu tình tại khu vực đại sứ quán TQ và bị đàn áp trong 2 chủ nhật liên tiếp 10 và 17/7, những người biểu tình thay đổi địa điểm, chuyển sang biểu tình vòng quanh Bờ Hồ từ chủ nhật 24/7
6. Sự kiện gây tiếng vang nhất: 3/7/2011, Nguyễn Văn Phương đọc bản Tuyên cáo gửi nhà cầm quyền TQ tại Nhà Hát Lớn.
7. Cuộc biểu tình gây thất vọng nhất cho người biểu tình: 27/11
Không dám chống TQ nữa, những người biểu tình xoay sang ủng hộ Quốc hội và thủ tướng ra luật biểu tình. Cứ tưởng được hoan hô ai dè cuộc biểu tình chỉ diễn ra chừng 10 phút sau đó 18 người bị bắt lên trại phục hồi nhân phầm Lộc Hà. Đây cũng là cuộc biểu tình khôi hài nhất. Vô lý nhất là đang ngồi ghế đá chơi cũng bị bắt chỉ cần công an điểm mặt.
Cũng do cuộc biểu tình này, những người biểu tình bị một số người cho là ngây thơ, không đủ bản lĩnh chính trị. Thì có ai định làm chính trị đâu mà cần bản lĩnh chính trị, chỉ cần chính nghĩa thôi.
8. Cuộc biểu tình không có tiếng hô (gọi là biểu tình câm vì không dám hô): 18/10, 27/11
9. Các cuộc biểu tình bị đàn áp (tính theo các cuộc chính thức): 3 (10/7, 17/7, 21/8).
Ngoài ra còn có cuộc biểu tình 27/11 cũng bị đàn áp.
10. Cuộc biểu tình bị dập tắt khá nhanh nhưng cũng kéo dài nhất: Ngày 17/7 biểu tình bị dập tắt trong khoảng 30 phút đầu nhưng sau khi được thả, 40 người tiếp tục biểu tình từ công an Mỹ Đình đến Bảo tàng Hà Nội, trên quãng đường khoảng 3 km.
11. Các cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh nhất: 2 cuộc 21/8, 27/11. Bị dập tắt chỉ sau khoảng 10 phút kể từ khi khởi sự.
12. Vụ việc gây tai tiếng nhất cho ngành công an là vụ Nguyễn Chí Đức bị đạp nhiều lần vào mặt trong tư thế đang bị khiêng ngửa ngày 17/7. Sự kiện này gây công phẫn trong dư luận, trong đó có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà văn nhà thơ lên tiếng phản đối.
13. Cuộc biểu tình có người bị bắt đông nhất: Đó là ngày 17/7, công an tóm gọn 46 vị lên 3 xe bus về Công an Mỹ Đình. Cuộc bị bắt đông thứ 2 là ngày 21/8, khoảng 30 người.
14. Người bị bắt đầu tiên cũng là được thả nhanh nhất: Binh nhì Tiến Nam (?). Hôm 3/7 Tiến Nam bị bắt vào đồn công an Tràng Tiền nhưng ngay sau đó được thả ra do sức ép phản đối của những người biểu tình.
15. Người bị bắt nhiều lần nhất: Tất nhiên là Bùi Thị Minh Hằng với 5 lần (gọi là bắt cóc bỏ đĩa):
- Bị bắt ngày 17/7 về công an Mỹ Đình
- Bị bắt ngày 2/8/2011 hôm xử phúc thẩm Ts Cù Huy Hà Vũ can tội hô “Cù Huy Hà Vũ vô tội” khỏe nhất
- Bị bắt và giam cùng Phương Bích ngày 21/8
- Bị bắt ngày 16/10 khi đang rong chơi ở Bờ Hồ
- Bị bắt ngày 27/11 tại Sài Gòn do ủng hộ cuộc biểu tình cùng ngày tại Hà Nội, sau đó Bùi Hằng được đưa đi “học tập” tại trại Thanh Hà. Chắc do “tích cực học tập” nên được cưỡng chế ra khỏi trai sau hơn 5 tháng “theo học” (so với quyết định là 2 năm)
16. Người biểu tình to gan nhất: Đó là Phan Trọng Khang khi đi tiếp tế cho người bị bắt, dám hỏi trưởng công an quận Từ Liêm Trần Quang Trong: “Anh là ai?” “Có giấy tờ chứng minh anh là trưởng công an Từ Liêm không?”
Sau đó anh bị bắt giam 5 ngày.
17. Những người bị giam giữ lâu nhất: Thường là những người biểu tình bị bắt từ sáng đến trưa hoặc chiều thả ra, nhưng cũng có những người bị giam giữ lâu hơn. Ngoài việc Bùi Hằng bị đi cải tạo trên 5 tháng thì cũng có một số người bị giam 4 – 5 ngày, đều bị bắt trong ngày 21/8 gồm:
- Phương Bích, Bùi Hằng, Nguyễn Văn Dũng giam 1 nơi
- Phan Trọng Khang,Vũ Quốc Ngữ, cô Hội giam 1 nơi
18. Người biểu tình bị nhục hình dã man nhất: Đó là Phan Trọng Khang và Vũ Quốc Ngữ. Các anh bị lột truồng ra đánh, bị gọt trọc đầu.
19. Văn bản bôi bác nhất của chính quyền: Đó là thông báo cấm biểu tình ngày 18/8. Thông báo không số, không người ký, không nơi gửi, đóng dấu treo được phổ biến trên báo chí và đài truyền hình, được foto mang đến tận nhà phát cho từng người biểu tình.
20. Phản biểu tình: Song song với cuộc biểu tình ngày 21/8, Đoàn TNCS HCM tổ chức một cuộc giao lưu văn nghệ “Khúc hát thanh niên”. Các diễn viên mặc hở hang, cũn cỡn, đỏ chóe, gây cảm giác như bọn nữ hồng vệ binh TQ. Khách xem chỉ có mấy cháu mặc áo thanh niên tình nguyện được điều đến từ trước.
.
.
Mặc dù hôm ấy, mưa nặng hạt, ai cũng phải mặc áo đi mưa nhưng báo Hà Nội mới vẫn tả: “Hồ Gươm một sáng thu Tháng 8 như hôm nay (21/8) bình yên với nắng vàng rực rỡ và bầu không khí trong lành”. Đây là điển hình của lối viết lá cải.
Cũng trong bài báo “nổi tiếng” này, mấy cảnh nhảy nhót mông vú kia gọi là “minh chứng cho một tình yêu nước đích thực” còn chuyện biểu tình chống TQ là “trò lố”.
21. Bị vợ bỏ vì tham gia biểu tình: Lê Dũng.
Mình cũng tự giành cho mình một sự việc nhưng không xếp chính thức: Người tận dụng cơ hội truyền bá lòng yêu nước nhất.
Hôm 17/7 bị bắt về công an Mỹ Đình. Họ lùa mọi người vào một lớp học. Mình tranh thủ đứng lên bục giảng giảng bài “Tổ quốc Việt Nam”. Được 5 phút thì bị phát hiện. Lập tức bị 3 tay công an, 2 đứa xốc nách 2 bên, 1 đứa đẩy đằng sau giải đi “Đây không phải là nơi cho anh tuyên truyền”. Chẳng lẽ lớp học này không bao giờ giáo dục cho học sinh lòng yêu nước?
Những con số và sự kiện kia có thể có chỗ không chính xác. Mình định viết thêm một vài con số nữa như những người phải chuyển chỗ ở, những người bị mất việc làm … nhưng không đủ thông tin và chưa có thời gian tìm hiểu. Vậy mong các bạn bổ sung và phát hiện thêm.
Chính quyền đã thành công trong việc dập tắt biểu tình dù bất cứ mục đích nào. Bây giờ không ai dám xuống đường biểu tình nữa cho dù “nước lạ” hung hăng đến đâu.
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Nhớ Mùa Hè 2011 quá đi mất. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét