Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Mỹ bác bỏ uy quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.





Tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

Mỹ không có ý định đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc nhưng cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đòi hỏi, đặc biệt là trong việc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đó là tuyên bố vừa được một nghị sĩ cấp cao Mỹ đưa ra ngày hôm qua (31/5).


Chính phủ Mỹ không ủng hộ việc Trung Quốc đòi tiến hành các cuộc đàm phán song phương để giải quyết những tranh chấp hiện nay ở Biển Đông, Thượng nghị sĩ John McCain và Joseph Lieberman cho biết. Ông McCain và ông Lieberman đang ở Malaysia – một trong những chặng dừng chân trong chuyến công du Châu Á-Thái Bình Dương của hai ông này. 



Hai thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán đa phương giữa những quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông để giải quyết một loạt tranh chấp lãnh hải ở khu vực chiến lược này. Đây cũng chính là đề xuất được đưa ra bởi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Có 4 thành viên ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Theo lời Thượng nghị sĩ Lieberman, Mỹ không có ý định đối đầu hay kiềm chế Trung Quốc nhưng nước này cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đòi hỏi. "Đó là nguyên tắc nền tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải và an ninh hàng hải. Chúng tôi không thể đồng ý với việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đơn giản là vì, điều đó không công bằng cho các nước có tranh chấp khác”, ông Lieberman nhấn mạnh.

Về phần mình, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng, những việc mà Mỹ làm trong thời gian vừa qua không phải là sự can thiệp vào tình hình Biển Đông. Mỹ chỉ làm những điều đó nhằm củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực.

Những phát biểu trên của hai thượng nghị sĩ Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Philippines đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc, Manila không có cách nào khác là phải dựa vào Mỹ - cường quốc quân sự số một thế giới và cũng là đồng minh thân thiết của Philippine. Tuy nhiên, Bắc Kinh cực lực phản đối việc Philippines lôi kéo Mỹ vào cuộc tranh chấp lãnh hải với họ. Nước này nhiều lần cảnh báo, đe dọa cả Mỹ lẫn Philippines về việc này.

Trung Quốc thề bảo vệ chủ quyền
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm 29/5 đã tuyên bố, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia đến cùng và sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua con đường hòa bình.

Phát biểu trên được ông Lương Quang Liệt đưa ra tại một cuộc họp tư vấn ngắn với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở thủ đô Phnom Penh, Capuchia, sau cuộc gặp của ông này với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin. Cả hai cuộc gặp đa phương và song phương đó đều xoay quanh cuộc tranh chấp lãnh hải ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

"Trung Quốc chưa bao giờ lơi là trách nhiệm bảo đảm hòa bình và sự ổn định trong khu vực, chưa bao giờ thay đổi lập trường theo đuổi hòa bình và sự phát triển đồng thời cũng chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực nhằm củng cố sự hợp tác trong khu vực. Chúng tôi cũng chưa bao giờ từ bỏ việc theo đuổi các giải pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp cũng như chưa bao giờ chùn bước trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia", Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã tuyên bố như vậy tại cuộc họp của ASEAN.

Hôm 30/5, Bắc Kinh lại một lần nữa kêu gọi tàu thuyền Philippines rời khỏi đảo Hoàng Nham (cách gọi của người Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough). “Lập trường của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là kiên định, không bao giờ thay đổi”, ông Liu Weimin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo hàng ngày.

Mặc dù không tỏ thái độ gay gắt, Manila cũng cho thấy, họ sẽ không lùi bước trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh hiện nay. Philippines tuyên bố, nước này có chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ. Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, khu vực biển nằm cách bờ biển của một nước trong vòng 200 hải lý (370km) là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước đó. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.

Kiệt Linh - (theo Sundaily, Chinadaily)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét