Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Nga ủng hộ Syria để giữ ảnh hưởng và bán vũ khí



Các thành viên tổ chức Phóng viên Không biên giới với băng-rôn: "Putin: Không phủ quyết về nhân quyền" trong cuộc biểu tình trước chuyến đi Paris của ông Vladimir Putin ngày 01/06/2012.
Các thành viên tổ chức Phóng viên Không biên giới với băng-rôn: "Putin: Không phủ quyết về nhân quyền" trong cuộc biểu tình trước chuyến đi Paris của ông Vladimir Putin ngày 01/06/2012.
REUTERS/Philippe Wojazer

Là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Damas, năm ngoái Nga đã giao cho Syria lượng khí tài quân sự có giá trị lên đến 960 triệu đô la. Nhưng ảnh hưởng chính trị mới là điều mà Matxcơva cần hơn cả. Phần lớn  kế hoạch của ông Annan là dựa trên đề nghị của các nhà ngoại giao Nga. Nước Nga muốn được thế giới lắng nghe, và đã đạt được mục đích.
Nhân chuyến công du của Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin đến Pháp hôm nay 01/06/2012, Tổng thống Pháp François Hollande sẽ cố thuyết phục Nga không sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để cản trở các nghị quyết trừng phạt Syria. Đây là đề tài được các báo Paris chú ý nhất trong ngày.



Bài viết của thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva mang tựa đề « Ảnh hưởng chính trị và việc bán vũ khí là trung tâm của chiến lược Nga ». Tác giả nhận định, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Syria, Matxcơva đã lại đặt mình vào trung tâm ván cờ chính trị thế giới, và hành động vì lợi ích chính mình trước nhất.
Là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Damas, năm ngoái Nga đã giao cho Syria lượng khí tài quân sự có giá trị lên đến 960 triệu đô la – theo ước tính của tổ chức phi chính phủ Cast, chuyên phân tích các hoạt động của Rosoboronexport, công ty đại diện bán hàng cho công nghiệp vũ khí Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cam đoan rằng các chuyến hàng giao cho Syria chỉ là các dàn hỏa tiễn, tức không có loại vũ khí nào dùng để đàn áp phe nổi dậy. Nhưng những viên chức chính phủ Syria đào thoát cho biết, số lượng vũ khí hạng nhẹ do Nga cung cấp đã tăng lên, với nhịp độ cứ mỗi tháng lại có một chuyến hàng.
« Nga giao hàng theo các hợp đồng đã có nhưng không ký thêm hợp đồng mới. Matxcơva đã rút được bài học từ Libya : ký hợp đồng và bắt đầu sản xuất, rồi chẳng bao giờ được thanh toán ». Rouslan Poukhov, giám đốc Cast giải thích. Ông đính chính thông tin trên báo chí Nga về một hợp đồng mới đặt mua 36 máy bay tiêm kích Yak-130 được ký kết hồi tháng Giêng. Thậm chí một nhà tư vấn thân cận với công nghiệp vũ khí cho biết : « Dưới áp lực của phương Tây, Nga đã ngưng giao các vũ khí hạng nhẹ từ ít nhất ba tháng qua ».
Dù sao đi nữa, theo Rouslan Poukhov, « nghĩ rằng Matxcơva ủng hộ Damas để bán vũ khí là hoàn toàn sai lầm ». Tương tự đối với căn cứ hải quân Tartous dành cho hạm đội Nga ở Hắc hải : « Chỉ là một điểm tiếp liệu mà thôi. Căn cứ ở Việt Nam (Cam Ranh) quan trọng hơn rất nhiều về mặt chiến lược ».
Ông Fiodor Loukianov, tổng biên tập tạp chí Russia in Global Affairs cũng nhận định: « Ban đầu thì quan điểm của Nga một phần cũng dựa trên lợi ích của công nghiệp quân sự, không nên chối cãi điều đó. Nhưng nay thì mọi người đều hiểu là tiến trình không thể đảo ngược : Bachar Al Assad sẽ phải ra đi. Không còn có thể làm ăn như trước nữa ».
Hồi tháng Hai, Matxcơva đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo quan sát của Fiodor Loukianov, thì « Chính ảnh hưởng chính trị mới là điều mà Matxcơva đang cần. Nga đã thành công trong việc bác bỏ ý định đặt điều kiện tiên quyết là ông Assad phải ra đi. Đa phần trong kế hoạch của ông Annan là dựa trên đề nghị của các nhà ngoại giao Nga. Nước Nga muốn được thế giới lắng nghe, và đã đạt được điều đó ».
Nhưng từ sau vụ thảm sát Houla đã khiến cho trên 100 thường dân Syria thiệt mạng vào tuần trước, Matxcơva bắt đầu thấy đuối lý. Evgueni Satabnovski, Viện trưởng Viện Cận Đông nhận xét : « Nếu đối mặt với nạn dịch tả, dịch hạch và sốt chấy rận, lấy khăn tay bịt mũi chẳng làm được gì cả, và với Assad cũng thế ».
Lên án NATO đã sử dụng nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc để lật đổ chế độ Kadhafi, Nga luôn chống lại mọi hình thức can thiệp quân sự. Ngược lại, Matxcơva có thể chịu trách nhiệm thương lượng việc ra đi của Bachar Al Assad, mà theo Fiodor Loukianov, thì « Điều này giúp Mátxcơva kiểm soát được tiến trình chuyển đổi, và mở một cánh cửa cho lợi ích của Nga ».
Còn theo Rouslan Poukhov, từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga trở nên cô độc. Đàn em không còn mấy, ngoài những nước như Syria chẳng hạn. Nhưng theo Loukianov, thì « Nga vẫn có thể nói với Assad : Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được rồi đấy nhé, giờ thì đừng chờ đợi gì thêm từ chúng tôi nữa ».
Bài báo kết luận, được ve vãn chưa từng thấy, Vladimir Putin cũng có phần muốn lòe phương Tây. Cũng theo chuyên gia Loukianov : « So với các nước phương Tây, thì Matxcơva có quan hệ chặt chẽ hơn với Damas, nhưng điều đó không có nghĩa là ông ta có được một chiếc đũa thần ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét