Pages

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Ông Lê Thăng Long phản hồi các chỉ trích



Những người trong vụ án Lê Công Định
Ông Lê Thăng Long (trên, phải) nói ông đại diện cho hai người khác khi ra lời kêu gọi
Nhà hoạt động vì dân chủ của Việt Nam, ông Lê Thăng Long, người vừa ra tù hôm 04/6/2012, phản hồi về các ý kiến của dư luận xung quanh việc ông công bố bản kêu gọi về phong trào "Con đường Việt Nam" và đưa ra danh sách thư mời tham gia phong trào này.
Ông Long Bấmkhẳng định với BBC Tiếng Việt hôm 18/6/2012 rằng việc xây dựng và công bố các văn bản trên đã có sự ủy nhiệm và trao đổi trước về chủ trương giữa ông và các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức trong thời gian ba người thi hành án tù.


Mở đầu cuộc trao đổi với BBC từ nhà riêng ở Sài Gòn, ông Long cho biết ý kiến tổng thể của ông về các phản ứng đa chiều của dư luận xung quanh lời kêu gọi và thư mời tham gia phong trào.
Ông cũng khẳng định "không có bàn tay" của bất cứ ai đứng sau các lời kêu gọi và bản danh sách mời mà ông mới công bố, cũng như bác bỏ một số ý kiến cho rằng đây có thể là một "cạm bẫy."
Ông Lê Thăng Long: Tôi có theo dõi những phản ứng đó. Và ý kiến tổng thể của tôi là có lẽ những cái này là một cái mới so với trước, cho nên cũng có những phản ứng hơi bất ngờ.
Tuy nhiên chúng tôi cũng cần hết sức lắng nghe tất cả những ý kiến của các quý vị. Kể cả những ý kiến ủng hộ cũng như những ý kiến phản biện hoặc là những ý kiến chưa đồng tình.
BBC: Thưa ông, hai ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức đã ủy nhiệm cho ông phát động 'Phong trào Con đường Việt Nam' như thế nào?
Việc này chúng tôi đã được thống nhất khi cả ba người ở Xuân Lộc và sau đó anh Định được chuyển đi vào ngày 10 tháng Tám (2010) tại trại giam Xuân Lộc về Chí Hòa. Trước khi tôi ra tù, tôi sống chung với anh Thức ở trong tù. Và tôi cũng được ủy nhiệm chính thức từ anh Thức. Và theo tinh thần, quan điểm là đa số quá bán. Tức là trên hai phần ba, thì sự thống nhất này là sự thống nhất chung của chúng tôi.
"Tôi khẳng định đây không phải là một cạm bẫy và mỗi người sẽ nhìn nhận. Và quan điểm của tôi là việc cân nhắc, tìm hiểu và thắc mắc, kể cả việc nghi ngờ đó là việc hết sức cần thiết"
Ông Lê Thăng Long
Thống nhất từ quan điểm trước đây của chúng tôi cũng như là sự ủy nhiệm về nguyên tắc trong điều hành. Và tất cả những việc này, chúng tôi công khai. Cho nên chúng tôi tin chắc rằng về phía Nhà nước, về phía các cơ quan chức năng biết việc này.
BBC: Có ai đứng sau lời kêu gọi hay bản danh sách mời hay không? Có sự tác động nào từ phía chính quyền hay không?
Tôi khẳng định việc này không có ai đứng đằng sau, phía chính quyền hay là sự tác động nào, mà hoàn toàn do ba người khởi xướng chúng tôi chọn lựa và đề ra.
BBC: Việc ủy nhiệm diễn ra trong quá khứ, liệu nay có ảnh hưởng gì không tới việc thi hành án của hai ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức?
Việc làm của tôi thay mặt hai người còn lại mục tiêu cũng muốn làm sao để việc thi hành án hay sự thật, hay sự bảo vệ cho những người đã dũng cảm, đã yêu nước và đã thực hiện những quyền đúng đắn của mình, sớm ra khỏi tù.
BBC: Ông và các ông có tiêu chí gì khi lập danh sách mời những người tham gia vào "Phong trào Con đường Việt Nam" này?
Tuy là ở trong tù, chúng tôi vẫn có thời gian suy nghĩ, cân nhắc và xem xét tất cả những vị mà chúng tôi đề ra. Và tiêu chí là những vị đó cũng có tinh thần giống, tương tự tinh thần của "Con đường Việt Nam" và có thể đóng góp bằng khả năng của mình cho hoạt động của Phong trào "Con đường Việt Nam."
Thông qua những hoạt động trong quá khứ của các quý vị, chúng tôi đánh giá, xem xét, cân nhắc để chọn lựa và mời quý vị một cách công khai. Đó là sự chọn lựa và cân nhắc của chúng tôi.
'Nghi ngờ là cần thiết'
Những người trong vụ án ông Lê Công Định
Ông Lê Thăng Long khẳng định không có cạm bẫy hay bàn tay của bất kỳ ai khác phía sau kêu gọi và bức thư mời
BBC: Có người cho rằng đây có thể là một "cạm bẫy" cho chính bản thân ông và những người mà ông mời tham gia, ông bình luận thế nào?
Tôi khẳng định đây không phải là một cạm bẫy và mỗi người sẽ nhìn nhận. Và quan điểm của tôi là việc cân nhắc, tìm hiểu và thắc mắc, kể cả việc nghi ngờ đó là việc hết sức cần thiết. Tôi nhớ một người nào đó nổi tiếng đã nói là "trước tiên hãy nghi ngờ tôi, để sau đó tin tôi, nhưng đừng vội tin tôi để sau đó nghi ngờ tôi." Thì đó là quan điểm của tôi.
BBC: Ông sẽ làm gì để bảo vệ an toàn, an ninh, tính mạng cho những người đi theo con đường mà các ông khởi xướng hay ký tên vào thư mời tham gia, ủng hộ khi danh tính của họ công khai và họ gặp vấn đề, rắc rối?
Chúng tôi, qua việc mời công khai đó, cũng chính là đảm bảo an toàn, an ninh cho mọi người. Nếu tôi mời một cách không công khai, thì sẽ bị các cơ quan chức năng thắc mắc là không biết làm những việc gì đó có lẽ là mờ ám chăng. Nhưng việc mời công khai và việc công bố tất cả những quan điểm, đường lối, tài liệu của phong trào là một hình thức bảo vệ cho tất cả mọi người thực hiện các quyền chính đáng của mình mà không phải sợ hãi.
"Tôi đã cúi đầu tại phút cuối cùng vì mong và cũng là thống nhất để làm sao ra được sớm nhất để có tiếng nói, để mọi người hiểu được sự thật là tôi không có tội và các bạn của tôi không có tội"
Ông Lê Thăng Long
Và việc đó sẽ giúp cho đất nước và tất cả người dân Việt Nam sẽ tự tin, vượt qua sợ hãi và vượt qua những cản trở của những ai đó, hay là những cái gì đó mà chúng ta còn cảm thấy e ngại.
BBC: Cho tới nay ông đã nhận được bao nhiêu sự ủng hộ cho bản kêu gọi hay các chữ ký trả lời, nhận tham gia, ủng hộ phong trào của ông, thưa ông?
Chính thức hiện nay, chúng tôi có bốn người công bố danh tính rõ ràng tham gia với tư cách sáng lập. Còn những lời ủng hộ rất nhiều. Nhiều nhưng được đăng ký với tư cách ủng hộ hoặc thông qua những diễn đàn, những tiếng nói ủng hộ, kể cả những sự ủng hộ trong lòng của người dân mà chúng tôi nghe được, từ những người thân, từ những bạn bè phản ảnh lại cho chúng tôi.
BBC: Việc đưa ra lời kêu gọi và thư mời có mâu thuẫn gì với quy chế quản thúc sau khi ông được thả tự do hay không?
Theo luật mới nhất hiện nay, tức là Luật thi hành án hình sự, áp dụng từ 01/7/2011, mà tôi đã nghiên cứu kỹ, các quyền mà bản thân tôi đang thể hiện cho Phong trào hoàn toàn không bị giới hạn ở trong luật này. Tôi chỉ bị giới hạn về phạm vi địa lý thôi. Tức là chỉ đi lại ở trong khu vực phường thôi, nhưng các quyền đó không bị giới hạn.
Tôi có một số quyền khác bị giới hạn như quyền ứng cử, quyền bầu cử, nhưng quyền thể hiện quan điểm, tiếng nói hoàn toàn không có giới hạn trong luật đó. Và theo nguyên tắc của Nhà nước Pháp quyền, thì những gì luật không giới hạn thì anh được phép làm.
'Rút lại lời nhận tội?'
BBC: Trước đây ông có nhận mình có tội, nay ông có rút lại lời nhận tội đó không? Nếu ông cho rằng mình vô tội, phải chăng việc bắt giam và bỏ tù ông là sai trái?
Vụ án Lê Công Định
Ông Lê Thăng Long (thứ hai, từ phải) nhận tội trước tòa, nhưng nay đang nhắc tới quyền khiếu nại của công dân
Đúng là như vậy. Tôi đã cúi đầu tại phút cuối cùng vì mong và cũng là thống nhất để làm sao ra được sớm nhất để có tiếng nói, để mọi người hiểu được sự thật là tôi không có tội và các bạn của tôi không có tội. Và theo nguyên tắc của xét xử thì kể cả anh nhận tội, nhưng thực chất anh không có tội, thì anh vẫn không có tội. Và một việc nữa là quyền bảo vệ việc đó, kể cả sau khi anh thi hành án tù, đó là anh có thể lên tới Giám đốc thẩm, hoặc là mức khác như là quyền khiếu nại, tố cáo.
Kể cả trong quá trình ở tù, ở điều tra, cũng như ở thi hành án tù, khi một số cán bộ, khi tôi chia sẻ việc của tôi thì họ nói: anh vẫn có quyền sau khi anh thực hiện xong việc kết luận của Tòa án, thì anh ra, anh vẫn tiếp tục bảo vệ chuyện của anh. Anh vẫn cứ tiếp tục và không có gì anh phải ngại hết. Đó là một sự thực.
BBC:Nhưng việc nhận tội đó có thể ảnh hưởng gì tới tư cách, vị thế, tương lai chính trị hay hình ảnh nhân cách của ông hay không, thưa ông?
Đây cũng là một câu hỏi thú vị. Việc nhận tội cũng là một việc gì đó gây cho mọi người suy nghĩ và đặt dấu hỏi về niềm tin, cũng như sự nghi ngờ về tôi nhiều.Nhưng tôi nghĩ mình làm việc là vì một mục đích tốt và sự trong sáng, chân thật, cho con đường mà mình đã chọn.
Nếu không phải chỉ vì mình, thì việc đó, mình làm bất cứ vị trí nào mà mọi người đồng ý cho mình làm, thì mình sẽ làm hết sức để đóng góp chung cho một sự nghiệp chung của phong trào cũng như của toàn dân Việt Nam. Cho nên tôi không cảm thấy là phải quá buồn về việc này. Đương nhiên đó là một thực tế mà tôi phải chấp nhận.
BBC: Trong thời gian mà ông thi hành án, bản thân ông, hay những người khác trong vụ án mà ông được biết, như ông Lê Công Định, ông Trần Huỳnh Duy Thức, đã được đối xử như thế nào trong tù?
"Quá trình điều tra là quá trình tác động để làm sao cho chúng tôi phải nhận tội, bằng mọi cách, trong đó có những cái mà tôi đã nói trước tòa"
Ông Lê Thăng Long
Tôi đã có trao đổi trước tòa. Quá trình điều tra là quá trình tác động để làm sao cho chúng tôi phải nhận tội, bằng mọi cách, trong đó có những cái mà tôi đã nói trước tòa. Chắc là các quý vị cũng được nghe và tôi sau này đã đọc trên mạng cũng có một số nơi nói lại. Tức là có những cái nó không còn công bằng và khách quan.
Đó là một sự thật. Và nó dẫn tới kết luận cũng như bóp méo kết quả để đạt được mục đích của những người và những cá nhân nào đó thực hiện quá trình điều tra, kết luận cũng như xét xử vụ án của chúng tôi và của riêng cá nhân tôi.
Còn về sau trong quá trình chấp hành án hay ở trong tù, chúng tôi cũng được đối xử tương đối tôn trọng. Trong quá trình đó, chúng tôi cũng gặp những người công an có tư cách rất tốt, tôn trọng và đối xử tốt với chúng tôi.
BBC: Bây giờ ông tái lập cuộc sống như thế nào, ông có khó khăn gì không về khám bệnh, điều trị, việc làm hay thu nhập...?
Hiện giờ tôi vẫn chưa đi làm, tôi đang tập trung vào công việc của Phong trào. Hiện nay tôi đang ở nhà và đang bị quản chế ở nhà của tôi ở tại Sài Gòn. Tôi chắc cũng dành một thời gian vừa tập trung vào công việc của phong trào vừa xem xét lại cả một quá trình, tình hình hiện nay để xem mình có thể đóng góp gì thêm.

Không có nhận xét nào: