Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Phân tích tà thuyết Marxist của đảng Cộng sản Trung Quốc



Li Ming (bạn đọc Danlambao TrTh dịch) - Kể từ khi học thuyết cộng sản của Marx ra đời, nó đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ những người thuộc dòng chủ lưu truyền thống trong xã hội. Marx sau đó đã buộc phải lưu vong. Ông ta đã bỏ chạy từ Đức qua Pháp. Sau khi bị chính phủ Pháp trục xuất, ông ta tới nước Bỉ và lại bị trục xuất lần nữa. Sau đó ông ta quay sang Anh. Bất cứ nơi nào ông ta đến, nổi loạn, bạo lực và cách mạng bèn theo sau. Ngọn thủy triều của chủ nghĩa cộng sản đã lan khắp Châu Âu tới mức mà từng khống chế một nửa Châu Âu. Bóng ma tà ác thậm chí còn âm thầm lan sang tận Trung Quốc, mảnh đất cổ xưa ở Đông phương với 5.000 năm văn hóa và lịch sử. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mang đến tai ương cho dân tộc Trung Hoa trong vài thập niên.
Ngày nay, làn sóng cộng sản tà ác đã thoái trào trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, ĐCSTQ vẫn bám vào học thuyết tà ác của Marx và tiếp tục lừa dối nhân dân. Một trong những lý thuyết của ông ta là cái gọi là “chủ nghĩa duy vật lịch sử.” Nó tuyên bố rằng vật chất quyết định ý thức con người, và động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của xã hội là đấu tranh giai cấp. Nó cũng tuyên bố rằng xã hội loài người đã tiến hóa từ chế độ chiếm hữu nô lệ tới phong kiến, chủ nghĩa tư bản, sau đó là chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Những lý thuyết này đã được chứng minh là sai lầm và bị đa số người dân trên thế giới chối bỏ. Nhưng ĐCSTQ vẫn giả vờ rằng đây là chân lý tối thượng và sử dụng nó để chống lại người dân Trung Quốc. Kết quả là, nhiều người Trung Quốc đã ý thức hay vô thức coi đây là chân lý và dùng nó để phán xét đúng – sai khi họ đối mặt với vấn đề nào đó. Quan niệm kiểu như vậy đã hằn sâu trong trí óc họ.
ĐCSTQ đã cố tình chia triết học ra làm hai loại, đó là chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật. Nó tùy tiện tuyên bố rằng chủ nghĩa duy tâm là sai còn chủ nghĩa duy vật là đúng, và những thứ như vậy đã được viết trong sách giáo khoa. Theo thuyết duy vật của Marx, nhân loại phải có một sinh hoạt vật chất, chẳng hạn như ăn và mặc trước khi họ có đời sống tinh thần, và do đó vật chất quyết định ý thức. Điều này đã mê hoặc người dân. Chẳng lẽ một người không thể có niềm tin của chính mình khi anh ta không có đủ thức ăn? Liệu con người phải có một đời sống vật chất giàu có trước khi họ theo đuổi một cảnh giới tư tưởng cao thượng?
Chúa Jesus nói: “Con người sống không phải vì thức ăn. Con người sống vì lời nói phát ra từ Thần.” Tuy nhiên, thuyết duy vật của Marx đã làm người ta tin vào một hình thức cực đoan của chủ nghĩa duy vật, dẫn dắt họ truy cầu lợi ích vật chất, từ đó hủy diệt nhân tâm, thiện niệm và chính niệm mà con người có được từ Thần. Nó đã biến người ta thành những cái xác biết đi mà không có một niềm tin nào. Marx phản đối tất cả các tôn giáo và nói rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Một cuộc điều tra mới đây cho thấy 80% người dân trên thế giới tin vào một tôn giáo nào đó và 20% còn lại thì không. Đa phần những người trong 20% này hiện đang sống tại Trung Quốc. Đây là kết quả của hàng thập kỷ bị tẩy não bởi chủ nghĩa vô thần và đàn áp tôn giáo của ĐCSTQ. Một người nếu không có niềm tin nào thì rất dễ làm điều xấu, bởi vì anh ta không có cái cảm giác kính ngưỡng, không có ước thúc nội tâm và dám làm mọi thứ.
Tiếp theo, chúng ta hãy tìm hiểu xem ĐCSTQ phê phán những ai, những người được coi là “nhà triết học duy tâm”. Họ là Plato, Socrates, Lão Tử và lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông,… Họ nằm trong số những nhân vật tinh anh nhất trong lịch sử nền văn minh nhân loại. Những điều họ để lại là kho tàng tinh thần quý giá của nhân loại. Tại sao họ lại bị đối xử như những nhân vật phản diện và “phong kiến” dưới thời thống trị của ĐCSTQ? Đó là vì ĐCSTQ có dã tâm. Để cưỡng chế một bộ các học thuyết cộng sản hoàn toàn đối nghịch với văn hóa truyền thống của nhân loại, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi kế thừa 5.000 năm văn hóa thâm sâu, ĐCSTQ đã cố gắng phá hủy hoàn toàn tín ngưỡng truyền thống của xã hội Trung Quốc. Dưới góc độ người bình thường, những nhân vật tinh anh của văn hóa nhân loại này là các triết gia. Nhưng dưới cái nhìn của giới tu luyện, họ thực sự là những đạo nhân hay bậc đại đức. Mỗi lời mà họ nói ra đều là những triết lý thâm sâu. Lão Tử nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”, thực ra ông đang mô tả lý giải thâm thúy về vũ trụ. Nhưng ĐCSTQ lại nhạo báng và phê phán những lời này, và coi chúng là điển hình về sai lầm của “triết học duy tâm.”
Để phá hủy một cách có hệ thống văn hóa truyền thống của nhân loại cũng như đức tin vào Thần, Marx đã gắng sức cổ súy “thuyết tiến hóa” của Darwin và tuyên bố rằng con người tiến hóa từ khỉ vượn chứ không phải “được tạo ra bởi Thần” như các tôn giáo tin tưởng. Mục đích của ông ta là cắt đứt mối liên hệ giữa người và Thần, để từ đó trải đường cho chủ nghĩa vô thần.
Để cổ súy cho tà thuyết Marxist về đấu tranh giai cấp, ĐCSTQ đã thổi phồng vai trò của khởi nghĩa nông dân trong các sách giáo khoa lịch sử, rằng lịch sử Trung Quốc cổ đại chỉ là lịch sử của khởi nghĩa nông dân, như thể là tất cả Hoàng đế trong các triều đại khác nhau đều là “kẻ thù của nhân dân” và đàn áp bách tính. ĐCSTQ cũng lừa dối người dân Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng sự mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ, giữa nhà tư bản và công nhân là không thể hòa giải được. Để tìm kiếm bằng chứng ủng hộ học thuyết cách mạng bạo lực, nó đã dạy người dân Trung Quốc rằng đa số dân chúng sống trong xã hội phong kiến hay tư bản đều vô cùng khổ cực. Thực ra, mối quan hệ giữa nhân dân và người cai trị trong xã hội cổ đại là hài hòa hơn nhiều so với những gì xảy ra dưới thời thống trị của ĐCSTQ. Những bậc đế vương thời cổ đại cai trị anh minh hơn nhiều so với ĐCSTQ. Mặc dù vẫn có những cuộc khởi nghĩa nông dân hay chiến loạn, nhưng chúng không thường xuyên xảy ra như những gì ĐCSTQ nói, và hầu hết thời gian mảnh đất Trung Hoa tồn tại trong thái bình thịnh trị. Nếu không phải như vậy, làm sao Trung Quốc có thể phát triển để trở thành quốc gia thịnh vượng và giàu có nhất thời cổ đại, cả về mặt văn hóa và kinh tế? Trung Quốc đã thụt lùi rất nhiều dưới thời thống trị của ĐCSTQ. Nó có nguyên nhân trực tiếp từ những chiến dịch đấu tranh giai cấp bằng bạo lực liên miên, hết cuộc vận động chính trị này tới cuộc vận động chính trị khác, sự ngược đãi và tra tấn hàng triệu người trong vài thập niên (tất nhiên, cũng có những lý do lịch sử khác nữa). Vào thời cổ đại, khi thiên tai nhân họa xảy đến, để cầu tiêu tai giải nạn, các bậc đế vương được dạy là phải tự kiểm thảo lỗi lầm khi cai trị đất nước và tìm ra hành vi cư xử thất đức của mình. Thế còn ĐCSTQ, nó đã từng thừa nhận lỗi lầm nào với nhân dân chưa? Bất kể lỗi lầm mà nó tạo ra nghiêm trọng đến thế nào, nó luôn luôn tuyên bố rằng nó là “tuyệt đối đúng đắn”. Khi mà đại dịch SARS phát triển tràn lan, chẳng phải ĐCSTQ đã tuyên bố rằng bệnh dịch đã được khống chế dưới sự lãnh đạo của nó hay sao?
Hiện nay hầu hết người dân Trung Quốc, không kể nam hay nữ, già hay trẻ đều rất thuộc những bài viết của Marx hay Lenin. Đó là bởi vì những thứ này được dạy liên tục trong trường học và người ta buộc phải nhớ nó để không bị thi trượt môn chính trị. Thậm chí nếu một người không bao giờ đi học trong các trường tại Hoa Lục thì những gì mà người đó nghe, thấy và đọc trên truyền hình, phát thanh và báo chí cũng thường là những thứ này. Những điều như vậy còn kinh khủng hơn trong thời Cách mạng Văn hóa. Do đó, người dân tại Trung Quốc rất giỏi hô hào những khẩu hiệu to tát, dối trá và sáo rỗng. Những từ ngữ như vậy phát ra từ miệng của họ trước khi họ kịp nhận thức ra nó.
Bài viết này nhằm khuyến khích nhiều người hơn nữa vạch trần hoàn toàn bản chất tà ác của học thuyết Marxist, để từ đó giúp người Trung Quốc thoát ly khỏi ĐCSTQ càng sớm càng tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét