Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

TÁI CẤU TRÚC NGÂN HÀNG – MỘT TRONG BA TRỤ CỘT CỦA QUÁ TRÌNH TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ



HIẾU NGÂN
Đối với bất cứ quốc gia nào, hoạt động ngân hàng (NH) luôn là huyết mạch của nền kinh tế, sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng giữ vai trò trọng yếu trong việc ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước. Ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong xã hội để đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội. Vì vậy, để đảm bảo ổn định và lành mạnh hệ thống ngân hàng thì hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội (trong đó có chi tiêu của Chính phủ và tiêu dùng của cá nhân và doanh nghiệp) cũng phải được lành mạnh hóa. Người vay tiền sử dụng đồng vốn không hiệu quả, những khó khăn đó cũng sẽ đổ dồn gánh nặng cho ngân hàng. Chính vì vậy, tái cấu trúc ngân hàng đạt hiệu quả phải gắn liền với tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế, trong đó đặc biệt quan tâm tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp. 

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu gần đây nhất (2007-2009) xuất phát từ việc cho vay “dưới chuẩn” của các NH, đặc biệt là ở Mỹ, buộc các quốc gia phải quan tâm, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các NH. Việc tái cấu trúc NH trở nên phổ biến và cấp thiết ở mỗi quốc gia, đảm bảo cho các NH thích nghi được với nhu cầu phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động. Ở Việt Nam, khi mà thị trường chứng khoán chưa phát triển, gánh nặng về vốn còn dồn lên vai NH, thì việc giữ cho hệ thống NH ổn định và lành mạnh càng phải đặc biệt quan tâm.
Có thể nói, nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam đã cơ bản vượt qua cơn khủng hoảng 2007-2009. Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp thời gian gần đây của nền kinh tế thế giới, để ôn định và phát triển nền kinh tế hiệu quả và bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã ra Nghị quyết tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó tái cấu trúc NH, tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước là 3 trụ cột trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Cho đến nay, chúng ta đã có 5 NHTM Nhà nước (mặc dù một số NH đã được Cổ phần nhưng Nhà nước chiếm giữ cổ phần chi phối), 1 NH Chính sách xã hội, 1 nh phát triển, 37 NHTMCP, 48 chi nhánh NH nước ngoài, 5 NH liên doanh, 5 NH 100% vốn nước ngoài, 48 văn phòng đại diện NH nước ngoài, 17 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, 1 QTDTW với 24 chi nhánh và hơn 1000 QTDND cơ sở. Có thể nói, Việt Nam đã đa dạng hóa hình thức sở hữu và loại hình hoạt động NH, phát triển mạnh mẽ về quy mô, tạo điều kiện cho hệ thống NH huy động vốn trong và ngoài nước để đáp úng vốn cho phát triển nền kinh tế. Năm năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình khoảng 33% năm, so với thế giới thì tốc độ này là cao, nguyên nhân là do thị trường chứng khoán của Việt Nam chưa phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chủ yếu dựa vào NH. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngành NH phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 xuống dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%; tăng tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; giảm cho vay BĐS, chứng khoán. Từ đó đến nay, ngành NH cơ bản đã thực hiện tốt các yêu cầu của Chính phủ đặt ra; lạm phát đã được kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống NH đã bộc lộ những bất cập cần được tái cơ cấu để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.
Tại phần trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN cũng đã khẳng định: Việc tái cấu trúc hệ thống NH là việc làm bình thường và thường xuyên của NH, đảm bảo cho hệ thống NH lành mạnh, hiệu quả, ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo cạnh tranh trong môi trường đầy biến động của thế giới, đảm bảo cho hệ thống NH đáp ứng đủ vốn cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân cả ở vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với dịch vụ NH, tạo ra một hệ thống NH đa dạng về loại hình, về sở hữu, về quy mô, trong đó có những NH có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các NH trong khu vực và trên thế giới, làm trụ cột cho các NH trong nước. Đồng thời cũng có những NH nhỏ nhưng lành mạnh hoạt động trong các phân khúc thị trường khác nhau. Dự kiến sau 5 năm tái cấu trúc, hệ thống NH Việt Nam sẽ có khoảng 2 NH có đủ sức cạnh tranh với các NH trong khu vực, có khoảng 10-15 NH đủ lớn làm trụ cột cho các NH trong nước, khoảng 8 NH nhỏ hoạt động lành mạnh với quy mô phù hợp. Để tái cấu trúc, NHNN sẽ phân loại các NH thành 3 nhóm: Nhóm thứ 1, gồm các NH có tình hình tài chính lành mạnh có năng lực và quy mô đủ lớn để tiếp tục phát triển thành những NH trụ cột, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Dự kiến sẽ có khoảng 15 NH loại này chiếm khoảng 80% thị phần hoạt động của cả hệ thống NH. Nhóm thứ 2, là nhóm các NH có tình hình tài chính lành mạnh nhưng có quy mô nhỏ, không có nhu cầu hoặc không có điều kiện phát triển quy mô cao hơn nữa. Sẽ có quy định đảm bảo giám sát chặt chẽ cũng như phân khúc thị trường để đảm bảo cho các NH này hoạt động hiệu quả. Nhóm 3, là nhóm NH đang có tình hình tài chính khó khăn cần phải cầu trúc lại. NHNN sẽ tham gia giám sát chặt chẽ, yêu cầu các NH lớn sẽ tham gia mua cổ phần, tham gia vào quản trị điều hành và cơ cấu lại các khoản mục đầu tư; mua lại hoặc hợp nhất, sáp nhập nếu cần.
Phương châm của quá trình tái cơ cấu là không để NH nào đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng của NH. Đây cũng là nguyên tắc được Chính phủ đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu các NH.
Kinh nghiệm các nước sau khủng hoảng tài chính (2007-2009), nhiều quốc gia áp dụng tiêu chuẩn Basel làm tiêu chuẩn mang tính bắt buộc cho hoạt động của mỗi NH. Hệ thống tiêu chuẩn Basel III có thể đảm bảo cho sự cân đối giữa tài sản có và các nghĩa vụ trả nợ của mỗi NH, đảm bảo thanh khoản ngay cả khi rút vốn ồ ạt. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào áp dụng cũng thành công mỹ mãn, việc thành công còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của sự phát triển NH của mỗi nước. Ở những nước áp dụng thành công, do chú trọng đến những tiều chí cơ bản: Tỷ lệ an toàn vốn (thường là 8% theo quy định của Basel), tỷ lệ này đã được đúc rút từ kinh nghiệm quản trị NH từ nhiều năm, nó đảm bảo cho NH hoạt động bình thường. Đảm bảo tính thanh khoản, nghĩa là luôn phải đảm bảo một khoản dự phòng đảm bảo cho các khoản phải thanh toán ngay. Tăng cường quản trị và giám sát hoạt động NH từ mỗi NH cũng như toàn hệ thống, đảm bảo hoạt động của mỗi NH luôn trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Minh bạch hóa thông tin công khai các thông tin cơ bản về hoạt động của mỗi NH, để không chỉ cơ quan quản lý biết mà toàn thể người dân đều biết và tham gia quản lý hoạt động NH. Việc đánh giá, xếp hạng của các tổ chức chuyên nghiệp có uy tín và công khai, việc đánh giá xếp hạng cũng có tác động tích cực buộc các NH phải đẩy mạnh mọi hoạt động NH theo chuẩn mực để giữ uy tín, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Điều đầu tiên cần quan tâm trong tái cơ cấu NH là phải có 1 bộ tiêu chuẩn để phân loại các NH. Có thể lấy hệ thống các chỉ tiêu của Basel và một số tiêu chí có tính thực tế của nước sở tại phân làm 3 loại: Loại hoạt động bình thường; loại hoạt động kém bình thường cần có cơ chế hỗ trợ (có điều kiện) để hoạt động trở lại bình thường; loại hoạt động không bình thường để có thể khuyến khích tự nguyện sáp nhập, hợp nhất hoặc cưỡng chế sáp nhập, hợp nhất, thậm chí cho đóng cửa. Ở nhiều quốc gia, Chính phủ trao quyền cho NHTW, cơ quản bảo hiểm tiền gửi, cơ quan giám sát NH tham gia giám sát chặt chẽ các NH yếu kém, có thể thành lập một tổ giám sát trực tiếp các hoạt động của NH này, lên phương án tái cấp vốn cũng như mua lại các khoản nợ để tái cấu trúc lại các khoản mục đầu tư của mỗi NH. Đồng thời, yêu cầu các NH lớn hoạt động bình thường tham gia vào quá trình tái cấu trúc các khoản đầu tư, thậm chí mua lại những khoản nợ của NH yếu kém. Cũng có một số nước, tổ giám sát có quyền can thiệp sâu vào việc sắp xếp lại mô hình hoạt động, có thể yêu cầu cắt giảm chi nhánh, thay đổi lãnh đạo quản lý điều hành để đảm bảo sau khi tái cấu trúc NH đó có quy mô hoạt động phù hợp, đội ngũ lãnh đạo điều hành có năng lực và phẩm chất đảm bảo điều hành hiệu quả hoạt động NH. Trong trường hợp cần thiết cũng có thể bán bớt cổ phiếu cho NH mạnh trong nước hoặc NH nước ngoài.
Trong quá trình tái cấu trúc, việc sửa đổi các quy định để nâng cao các tỷ lệ an toàn cũng phải được coi trọng. Việc chọn mô hình hoạt động, quy mô hoạt động và cấu trúc lại các khoản mục đầu tư cho mỗi NH có ý nghĩa quan trọng, ưu tiên tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực ít rủi ro; giảm tỷ trọng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán; mở rộng các dịch vụ mới. Chỉ khi các NH được tái cấu trúc đi vào hoạt động ổn định, Nhà nước (tổ giám sát trực tiếp) mới có thể trao quyền tự điều hành hoạt động NH và rút dần vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Việc tái cấu trúc đầu tư công cũng vô cùng quan trọng. Chính phủ phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư công có hiệu quả thiết thực cả trước mắt và lâu dài, không dàn trải, tránh lãng phí và tham nhũng. Việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước cũng đòi hỏi cấp bách, thúc đẩy nhanh cổ phần hóa, công khai minh bạch thông tin về hoạt động của DNNN, đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Trong thế giới đầy biến động hiện nay, mỗi quốc gia có cách thức tái cấu trúc nền kinh tế khác nhau. Việt Nam cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ để có biện pháp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước. Sự phát triển của hệ thống NH không chỉ chịu tác động từ bên ngoài mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố lịch sử, văn hóa-xã hội, trình độ dân trí, trình độ quản lý. Tái cấu trúc NH phải gắn liền với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao chất lượng quản trị và hệ thống giám sát, nâng cao khả năng dự báo… một cách đồng bộ thì mới có kết quả cao. Những động thái của Chính phủ và NHNN vừa qua cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng, hy vọng công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế và NH sẽ đạt kết quả như mong muốn./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Trích dẫn từ: http://www.sbv.gov.vn/wps/portal/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét