Pages

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Tàu nghiên cứu hải dương Mỹ tới Việt Nam



Tàu Roger Revelle (Ảnh: Vietnamnet)
Chuyến thăm của tàu Roger Revelle là một phần trong chương trình hợp tác Hải dương học giữa Mỹ và VN
Một tàu nghiên cứu thuộc viện Hải dương học Scripps của trường Đại học California, San Diego, đã cập cảng Tiên Sa của Đà Nẵng trong khuôn khổ “Chương trình nghiên cứu hợp tác chung về hải dương học Biển Đông Việt Nam và tương tác Biển và lục địa” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết Roger Revelle, tàu nghiên cứu hiện đại của Hoa Kỳ có chuyến thăm Việt Nam tám ngày (từ 22-29/6) trong chương trình nghiên cứu chung Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (ONR).


Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David B. Shear, nói: “Khoa học mở rộng kiến thức của chúng ta về thế giới và làm chúng ta hiểu nhau sâu sắc”.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu Roger Revelle tới Đà Nẵng. Trên tàu có thủy thủ đoàn với 28 sĩ quan cùng các nhà khoa học hàng đầu trong ngành hải dương của Hoa Kỳ.
“Chương trình này sẽ tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam và cung cấp những thông tin chính yếu để giúp Việt Nam giải quyết những thách thức môi trường cấp bách như biến đối khí hậu”, ông Shear nói thêm.
Scott Harper, giám đốc dự án thuộc chương trình ONR, cho biết Hoa Kỳ hy vọng các nhà khoa học hai nước sẽ cùng làm việc trên những con tàu nghiên cứu như tàu Revelle để tìm hiểu thêm về "những biến đổi động lực học hải dương phức tạp ngoài vùng biển Việt Nam và xung quanh các dòng chảy ra của sông Mekong”.
“50 năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng hai nước có nghiên cứu chung lớn về hải dương học. Sẽ thật thú vị khi biết được sự thay đổi toàn cầu có ảnh hưởng đến hải dương học không và những điều gì có thể xảy ra trong tương lai”, ông Harper nói.
Chương trình nghiên cứu chung về hải dương học kéo dài 5 năm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được đề ra với mục tiêu tập hợp các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam từ các trường đại học và các viện nghiên cứu hàng đầu của cả hai nước.
Các trường Đại học và viện nghiên cứu tham gia chương trình này bao gồm Đại học Bang Oregon, Viện Hải dương học Scripps, Đại học Washington, và Viện Hải dương học Woods Hole; và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng các cơ quan, các trường đại học khác ở Việt Nam.
Hoạt động giao lưu
Vẫn theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, bên cạnh nghiên cứu chung còn có các hoạt động đào tạo; trao đổi giữa các sinh viên đại học và các nhà khoa học Hoa Kỳ và Việt Nam; và cùng xuất bản kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế có bình luận của giới khoa học.
Hàng không mẫu hạm USS George Washington
Đã có một số hoạt động chung giữa hải quân hai nước như việc VN lên thăm hàng không mẫu hạm USS Washington của Mỹ
Tàu hải dương học Revelle cập cảng Đà Nẵng là hoạt động mới nhất có sự tham gia của hải quân Hoa Kỳ ở Việt Nam.
Cho dù đây là tàu dân sự, các hoạt động chung giữa Việt Nam và Mỹ ở Biển Đông luôn luôn thu hút chú ý từ các quốc gia láng giềng, nhất là Trung Quốc.
Mới tháng Tư năm nay ba tàu chiến từ Hạm đội 7 của Mỹ, dẫn đầu là chiến hạm USS Blue Ridge đã tới Đà Nẵng trong thời gian diễn ra sự kiện kéo dài 5 ngày bắt đầu từ thứ Hai, 23/4/2012.
Báo chí Việt Nam chú ý cách dùng từ cho sự kiện này và gọi đây là 'hoạt động trao đổi' giữa Hải quân Mỹ với Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam mà không dùng chữ 'diễn tập'.
Hải quân Mỹ - Việt đã có nhiều hoạt động chung tại khu vực mà hiện đang có các căng thẳng về chủ quyền.
Hồi tháng Tám năm ngoái, Hoa Kỳ đã mời các quan chức Việt Nam lên thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington đang dừng chân ở ngoài khơi Việt Nam khi trên đường về căn cứ tại Yokosuka, Nhật Bản.
Trước đó một năm, 8/2010, trong đợt hoạt động chung giữa Hạm đội 7 và hải quân Việt Nam nhân 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, các quan chức và sĩ quan Việt Nam đã lên tàu quan sát các chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh, đồng thời tìm hiểu hoạt động của tàu USS George Washington đậu cách bờ biển Đà Nẵng chừng 200 hải lý.
Hồi tháng Tư 2009, hàng chục sỹ quan cao cấp của Việt Nam "được đón tiếp nồng nhiệt" khi tới thăm chiến hạm USS John Stennis, đậu ngoài khơi cách bờ biển phía nam Việt Nam chừng 290 hải lý.

Không có nhận xét nào: