Pages

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Tàu Việt Nam treo cờ… nước ngoài


Đã là tàu Việt Nam thì đương nhiên phải treo cờ Việt Nam, kể cả người i tờ về trình độ luật pháp quốc tế cũng biết như vậy. Vì lẽ đó, tất cả các tàu thủy thuộc quyền quản lý và khai thác của Việt Nam đều phải treo quốc kỳ Việt Nam. Hoạt động trên lãnh hải quốc tế cũng như hải phận nội địa, đã là tàu Việt Nam thì phải có quốc kỳ Việt Nam tung bay trên boong tàu.
Đúng như tên gọi của nó, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) là đơn vị trực tiếp quản lý đội tàu thủy hùng hậu bậc nhất của Việt Nam. Tổng Công ty Vận tải đường sắt, Tổng Công ty Hàng không, Tổng Công ty Hàng hải. Đó là những doanh nghiệp hợp thành “cái xương sống” của ngành giao thông vận tải trên lĩnh vực vận tải hàng hóa.

Riêng vận tải hàng hải, ngoài lực lượng hiện có, Bộ Giao thông vận tải còn đưa ra đề án tiếp tục đầu tư cho Vinalines 100 ngàn tỷ đồng để bổ sung thêm đội tàu. Đó là đề án cho tương lai, được Chính phủ chấp thuận hay không và có hiệu quả hay không thì còn phải chờ đợi. Hiện thời Vinalines đang là con bệnh nặng: nợ chồng lên nợ, làm ăn thua lỗ triền miên. Ông Dương Chí Dũng nguyên là “thuyền trưởng” của Vinalines đã bị khởi tố và đang bỏ trốn. Tại Vinalines hiện đang phát sinh hiện tượng được coi là chuyện ly kì của thế giới chứ không riêng gì của Việt Nam.
Có gần 20 con tàu (nói chính xác là con số 17) của Vinalines hàng ngày phải treo cờ nước ngoài. Tàu của Vinalines tức là tài sản của quốc gia. Tàu của Vinalines cũng tức là của Việt Nam. Theo luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, mọi con tàu của Vinalines đều phải treo cờ Việt Nam. Tại sao, hiện thời cũng như trong nhiều năm vừa qua, có đến 17 con tàu của Vinalines phải treo cờ nước ngoài. Thật là oái oăm và xót xa, khi số tàu này neo đậu cũng như hoạt động trên lãnh hải Việt Nam nhưng vẫn phải treo cờ nước ngoài. Về mặt chính trị, có thể coi đó là sự “phản nghịch”. Sự trớ trêu mang tính “phản nghịch” này hoàn toàn do nội bộ Vinalines tự gây ra.
Vinalines đang được đề xuất đầu tư để bổ sung thêm đội tàu. Ảnh: TL
Trong giai đoạn 2005 – 2010, Vinalines đầu tư khoản vốn lên đến 23 nghìn tỷ đồng mua 73 con tàu có xuất xứ từ nước ngoài, tất cả đều là tàu cũ. Bình quân mỗi con tàu được mua với giá hơn 315 tỷ đồng, trong đó có những tàu giá mua chạm ngưỡng 1 ngàn tỷ đồng (chẳng hạn như tàu Galaxy). Theo quy định hiện hành, ngành đăng kiểm hàng hải Việt Nam chỉ chấp nhận đăng kiểm cho những con tàu có tuổi tối đa không vượt qua con số 15. Những con tàu đã qua sử dụng từ 16 năm trở lên sẽ không được chứng nhận đăng kiểm, cho dù đã mua về và đang neo đậu tại cảng Việt Nam. Quy định đó có từ nhiều năm, được phổ biến công khai đến mọi đơn vị hoạt động vận tải hàng hải.
Tại Vinalines, tính từ thời điểm mua tàu nước ngoài vừa đưa về Việt Nam, có 17 con tàu cũ đã qua sử dụng từ 16 năm trở lên, thậm chí có tàu đã qua thời gian sử dụng gần 30 năm (tàu Lively). Vì không đúng quy định, số tàu này không được đăng kiểm chấp nhận do đó không được treo cờ Việt Nam và buộc phải treo cờ nước ngoài (quốc gia bán tàu cho Vinalines). Bỏ cả núi tiền mua tàu cũ, thời gian sử dụng quá mức quy định, không được đăng kiểm, thế là số tàu này coi như không nhập được “hộ khẩu” vào Việt Nam. Về tài sản (cho dù tàu đã quá cũ mua với giá cao) là tàu của Vinalines nhưng “màu cờ sắc áo” lại là của nước ngoài. Danh dự quốc gia đã bị xâm phạm.
Giải quyết số tàu “quá đát” nói trên khó hơn cả chữa bệnh ung thư. Tái xuất (bán lại cho nước ngoài) không có bất cứ nước nào mua, kể cả bán rẻ như cho vẫn không ai mua. Để lại sử dụng (phải treo cờ nước ngoài) càng hoạt động càng thua lỗ đậm. Số tàu của Vinalines phải treo cờ nước ngoài giống như mảng xương lớn, nuốt vào không được, nhả ra cũng không xong. Biết trước đưa tàu về nước không được treo quốc kỳ Việt Nam, thay vào đó buộc phải treo cờ nước ngoài, thế mà vẫn nhắm mắt làm liều. Hành vi đó không chỉ gây ra sai phạm nghiêm trọng về kinh tế mà còn sai trái cả về ý thức chính trị.
Bá Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét