Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Thủ đoạn chính trị hay đối sách chiến lược?


Lâm Nguyên

Sự kiện Con đường Việt Nam đang gây tác động mạnh đến dư luận, xáo trộn suy nghĩ của cả thành phần đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự hồ nghi ban đầu đang dần chuyển sang tin tưởng. Đầu tiên nhiều người cho rằng những người chủ xướng Con đường Việt Nam dùng thủ đoạn chính trị bằng cách lợi dụng lý tưởng của Chủ nghĩa cộng sản của Mác để tránh bới sự đối đầu với Đảng cộng sản cầm quyền hiện nay. Mà đã là thủ đoạn thì không đáng tin.
Nhưng có lẽ do sự thù ghét những hậu quả tàn bạo của Chủ nghĩa cộng sản do Lê-nin tạo ra mà những người đả kích nó đã mất đi sự khách quan. Chúng ta hãy nhớ rằng trường phái Dân chủ xã hội đang thịnh hành ở các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan… chính là xuất phát từ lý tưởng của học thuyết Mác. Các bạn có thể tham khảo nhanh tại đây [http://en.m.wikipedia.org/wiki/Social_democracy]

Tóm tắt nội dung này là cùng xuất phát từ những người ủng hộ và theo đuổi lý tưởng của Mác nhưng Lê-nin và Bernstein đã phát triển theo hai quan điểm khác nhau. Lê-nin thì dùng cách mạng bạo lực và sau đó là chuyên chính vô sản (thực chất là một loại độc tài tập thể), dẫn đến tước đoạt quyền của con người và lừa dối dân chúng. Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba là những hậu duệ xuất sắc của trường phái Lê-nin hay thường gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin,, không những không tiến về lý tưởng cộng sản mà còn đi ngược lại và làm ô uế danh tiếng của Mác. Còn Bernstein và những người bạn của mình đã theo đuổi lý tưởng Mác bằng một cách nhìn khoa học khách quan, xét lại những gì không phù hợp của học thuyết Mác và phản đối các sự thay đổi mang tính cách mạng loại bỏ và thay thế. Họ ủng hộ sự cải cách từng bước nhưng sâu sắc thông qua việc tạo điều kiện cho giai cấp công nhân có cơ hội phát triển tốt trong xã hội. Từ đó làm giảm mâu thuẫn giai cấp nên làm xã hội ổn định và phát triển.

Nếu bạn nào không đọc được tiếng Anh của phần tham khảo trên thì có thể đọc bài này [http://danluan.org/node/11378] là một phần của quyển sách Hành trình vào bản chất của dân chủ và thịnh vượng của ông Trần Huỳnh Duy Thức, người chủ xướng của Con đường Việt Nam, ông Thức đã phân tích và dẫn giải, so sánh rất hay về hai trường phái Xã hội chủ nghĩa của Lê-nin và Dân chủ xã hội của Bernstein vốn đã từng bị Lê-nin quy chụp là chủ nghĩa xét lại phản động và đặt ngoài vòng pháp luật. Nhưng giờ đây, ở những nơi đã từng theo con đường của Lê-nin thì không những chính ông ta bị báng bổ mà Mác, người ông ta tôn là thầy cũng bị mang tiếng xấu. Trong khi đó trường phái Dân chủ xã hội đã đưa các nước Bắc Âu trở thành những quốc gia dân chủ, giàu có, thanh bình và văn minh nhất thế giới. Điều trớ trêu là ở những nước này, hình ảnh của Mác lại được đánh giá rất tích cực.

Đọc những phần đã công bố trong quyển sách nói trên và quyển Con đường Việt Nam, và nhiều bài viết khác của ông Thức có thể thấy rằng ông Thức mong muốn cho đất nước được yên bình, dân chủ, công bằng, thịnh vượng và văn minh giống như các nước Bắc Âu. Không nhớ ở một bài nào ông đã từng viết đại ý rằng Việt Nam nên trung lập như Thụy Sĩ, làm cái chợ của thế giới thì sẽ tránh được những cuộc chiến tranh giống như Thụy Sĩ đã tránh được vì là túi đựng tiền của cả thế giới vậy. Đọc mục tiêu, cương lĩnh của Phong trào Con đường Việt Nam cũng có thể thấy khá nhiều điểm tương đồng với quan điểm Dân chủ xã hội. Chẳng hạn như Con đường Việt Nam phản đối sự thay đổi theo kiểu cách mạng loại trừ và ủng hộ sự thay đổi từng bước nhưng bền vững. Qua những tác phẩm của mình, ông Thức cũng thể hiện rõ thái độ phản đối kịch liệt chủ nghĩa Lê-nin và những sự chuyên chế áp đặt, bạo lực của học thuyết này. Do vậy khó mà nói được là ông ủng hộ chủ nghĩa xã hội theo kiểu mà mọi người đã bị nó ám ảnh lâu nay.

Cho nên tác giả viết bài này cho rằng đây không phải là một thủ đoạn chính trị, mà là một đối sách chính trị rất chiến lược của Con đường Việt Nam cho bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội hiện nay của Việt Nam. Trước tình hình khủng hoảng, bế tắc và tan rã niềm tin như hiện nay có lẽ Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chớp lấy thời cơ này mà lấy lại niềm tin của dân bằng cách chấp nhận những yêu sách của Phong trào này. Ngược lại việc đàn áp nó có thể sẽ dẫn đến một sự sụp đổ nhanh chóng nhất của chế độ cộng sản so với bất kỳ khả năng tác động nào từ bên ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cầu mong cho các nhân vật cao cấp của chính quyền cộng sản có được những người tỉnh táo sáng suốt nhìn ra thế trận này.

Tp. HCM, ngày 29 tháng 6 năm 2012

Lâm Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét