Pages

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Tiến sĩ Lê Minh Phiếu: “Cần một công ước đầy đủ giá trị pháp lý để đảm bảo hoà bình trên Biển Đông”


Trung Bảo
Trung Quốc không hề tôn trọng những gì họ đã ký trong DOC. Trong ảnh là bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh (phải) tiếp bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội năm 2010.
Tiến sĩ Lê Minh Phiếu, tốt nghiệp tại đại học Montesquieu, Bordeaux IV (Pháp), một chuyên gia nghiên cứu về những tranh chấp pháp lý trên Biển Đông đồng thời là thành viên quỹ Nghiên cứu vì Biển Đông, nói rằng “đây là một bước đi mới bất chấp pháp lý, rất hung bạo và trắng trợn của Trung Quốc trong quá trình bành trướng trên Biển Đông”.
Trung Quốc không hề tôn trọng những gì họ đã ký trong DOC, chúng ta cần phải có công cụ pháp lý gì để bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông?
Hiện tại DOC có rất nhiều hạn chế. Thứ nhất, DOC không phân định rõ ràng giữa các vùng có tranh chấp và không tranh chấp. Thứ hai, các quy định trong DOC không rõ ràng và thiếu cụ thể dẫn đến việc tuỳ tiện trong giải thích như Trung Quốc vẫn thường làm để tranh thủ hướng có lợi cho mình. Thứ ba và quan trọng nhất, DOC không phải là một điều ước quốc tế và không có ràng buộc về mặt pháp lý, nó chỉ thể hiện sự cam kết chính trị và ràng buộc các quốc gia về mặt đạo đức. Và chúng ta đều thấy Trung Quốc thể hiện cái “đạo đức” đó theo cách nào.

Ngay sau khi DOC được các bên ký kết vào tháng 7.2011, có nhiều nước đã hối thúc Trung Quốc ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm khắc phục những hạn chế về giá trị pháp lý của DOC. Có rất nhiều quốc gia kỳ vọng COC sẽ là một bước tiếp theo của DOC, một công cụ pháp lý thật sự để bảo đảm hoà bình trên Biển Đông. Mỗi COC có giá trị pháp lý bắt buộc hay không tuỳ thuộc vào mong muốn của các bên cũng như bối cảnh ký kết. Một văn bản sẽ được công nhận như một điều ước quốc tế nếu nó thoả mãn những tiêu chí được quy định bởi Công ước Viên 1969 về luật Điều ước quốc tế. Đã có nhiều án lệ tại toà án Công lý quốc tế ghi nhận về tính pháp lý của các bộ quy tắc ứng xử như vậy.
Trung Quốc luôn tự xưng chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, nhưng vùng thăm dò dầu mỏ lại cách rất xa hai quần đảo này, họ căn cứ vào đâu?
Chúng ta dễ thấy việc công bố mời thầu thăm dò dầu mỏ là do công ty CNOOC làm chứ không phải do Chính phủ Trung Quốc trực tiếp đứng ra gọi thầu. Ai cũng hiểu đứng đằng sau CNOOC chính là Chính phủ Trung Quốc. Chủ quyền pháp lý của một quốc gia luôn song hành tồn tại với chủ quyền thực tế và chủ quyền kinh tế. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được một bằng chứng đáng tin cậy về chủ quyền pháp lý nhưng trên thực tế họ đang dùng sức mạnh để vi phạm vào chủ quyền thực tế và kinh tế của Việt Nam. Lần này dùng một công ty dầu khí ra mặt để tranh chấp, họ đang chơi trò “ném đá giấu tay”.
Những lô dầu khí chúng ta nói đến, hoàn toàn không nằm trong vùng tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Trung Quốc lại tự cho rằng những vị trí này nằm trong “đường lưỡi bò” mà họ tự vẽ ra để chiếm Biển Đông. Với “đường lưỡi bò” nguỵ xưng này, họ tuyên bố rằng hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Thậm chí, yêu sách trái cơ sở pháp lý một cách rõ ràng này cũng đã được Trung Quốc đệ trình lên Liên hiệp quốc vào tháng 5.2009, sự vô lý này của Trung Quốc lại không được đưa ra xét xử. Mở rộng vùng tranh chấp vào tận thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đang đi một bước đi đầy nguy hiểm và lộ liễu với ý đồ bành trướng trên Biển Đông, sau những gì họ đã làm với chủ quyền Việt Nam.
Chúng ta làm sao để đưa vấn đề này ra toà án quốc tế hoặc làm sao để có một bên thứ ba can thiệp nhằm chặn đứng sự bành trướng này?
Lâu nay Trung Quốc không bao giờ công nhận thẩm quyền của bất kỳ trọng tài hay toà án quốc tế nào trên Biển Đông. Không chỉ bởi vì họ dựa vào sức mạnh quân sự để hành xử ngang ngược mà bởi vì họ không có bất kỳ một bằng chứng chủ quyền nào trên Biển Đông của chúng ta. Điều này làm chúng ta không thể đưa vấn đề ra trước toà án quốc tế, nhưng như chúng tôi đã nói ở trên, điều phải làm trước mắt đó là buộc Trung Quốc ký vào COC, và COC đó phải có giá trị pháp lý bắt buộc. Để như thế, các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia, vốn là những bên liên quan nhiều nhất trong tranh chấp, cần cố gắng để đưa ra một điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý của COC. Nếu có thể, các bên có thể dùng tên gọi khác phổ biến hơn được dùng cho điều ước quốc tế, ví dụ như hiệp ước hay hiệp định…
Tuy vậy, việc này khó khả thi trong khuôn khổ ASEAN – Trung Quốc bởi các nước ASEAN không đủ mạnh để gây áp lực lên Trung Quốc. Trong khi đó, những nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc rất quan ngại đến tình hình tranh chấp trên Biển Đông. Do vậy, để có thể đạt được một COC có giá trị pháp lý, nên đàm phán văn kiện trong một khuôn khổ có sự tham gia hay “xúc tác” của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. Thượng đỉnh Đông Á là một khuôn khổ lý tưởng để thực hiện điều này.
Nhà nước và người dân Việt Nam có thể phản ứng gì trước những xâm phạm ngang ngược như vậy của chính quyền Trung Quốc?
Chúng ta đã thấy bộ Ngoại giao Việt Nam trao công hàm phản đối, đây là một việc làm hoàn toàn đúng đắn về mặt công pháp quốc tế trên cương vị Nhà nước. Tổng công ty Dầu khí quốc gia đã họp báo phản đối, vì đây là đơn vị có quyền khai thác đang bị xâm phạm. Đối với người dân Việt Nam, chúng ta có quyền phản đối việc làm vi phạm đến chủ quyền quốc gia, miễn những việc làm đó nằm trong quy định của pháp luật và Hiến pháp. Nếu chúng ta nhượng bộ sẽ mất biển nên không thể nhượng bộ được.
Nguồn: SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét