Pages

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Tổng thống Putin thăm Trung Cận Đông để củng cố quyền lợi của Nga


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin (Reuters)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin (Reuters)

Đức Tâm
Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Cận Đông, hôm nay, 25/06/2012, tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Israel. Ngày mai, nguyên thủ Nga sang Cisjordanie, lãnh thổ Palestine, sau đó, ông sẽ viếng thăm Jordani. Đây là lần đầu tiên, tổng thống Putin sang khu vực này, kể từ khi ông quay lại điện Kremlin, ngày 07/05 vừa qua.

Theo giới phân tích, qua cuộc viếng thăm Trung Cận Đông, Matxcơva muốn củng cố các lợi ích của mình trong khu vực, vào lúc cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với hai hồ sơ nóng bỏng : Khủng hoảng Syria và bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Iran.
Hai chủ đề này chắc chắn được đề cập đến trong các cuộc hội đàm giữa tổng thống Nga và giới lãnh đạo Israel. Trên hồ sơ Syria và Iran, lập trường của Israel khá gần gũi với quan điểm của phương Tây, trong lúc Nga và Trung Quốc có giọng điệu khác hẳn.

Do vậy, theo ông Alexandre Choumiline, giám đốc Trung tâm phân tích các xung đột ở Trung Đông, tổng biên tập báo trên mạng MidEast.ru của Nga, thì chuyến công du Israel rất quan trọng, cho phép Nga cải thiện hình ảnh của mình. Cho đến nay, Matxcơva vẫn bị coi là ủng hộ Syria của tổng thống Bachar Al Assad và thân Iran.
Chính vì muốn xóa đi hình ảnh mất cân đối này mà ông Putin thăm Israel để chứng minh rằng Israel cũng quan trọng đối với Nga. Tổng thống Putin muốn đóng vai trò nhà trung gian ôn hòa, cân bằng và muốn chứng tỏ là Matxcơva không theo đuổi một chính sách cững rắn ủng hộ Assad hoặc yểm trợ Iran. Tóm lại, « chuyến thăm Israel cho phép ông Putin làm sạch hình ảnh nước Nga », chứng tỏ Matxcơva có lập trường cân bằng hơn và là tác nhân quan trọng tại Cận Đông.
Matxcơva và Jerusalem có quan hệ chặt chẽ với nhau do có sự hiện diện của một cộng đồng rất lớn nói tiếng Nga tại Israel. Nhìn bề ngoài, ít có khả năng là lập trường của hai nước nhích lại gần nhau trong hồ sơ Syria.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Interfax, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman khẳng định là Jerusalem rất lo ngại về việc Matxcơva cung cấp vũ khí cho chế độ Damas của tổng thống Assad. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng, thực ra, quan điểm của Nga và Israel về cuộc xung đột hiện nay tại Syria không đến nỗi xa cách nhau như vậy.
Nhà báo Fiodor Loukianov, trưởng ban biên tập tạp chí « Nước Nga trong chính trị thế giới » nhận định là sự ra đi của tổng thống Syria Assad không hẳn có lợi cho Israel cho dù hiện nay Jersusalem vẫn ủng hộ lập trường của phương Tây. Bởi vì một nước Syria hậu Assad có thể còn tồi tệ hơn trong quan hệ với Israel. « Bachar Al Assad là một kẻ thù có thể nhìn thấy được và người ta có thể tìm được đồng thuận với ông ta để cùng chung sống, điều này đã được thể hiện trong nhiều năm qua. Nếu tân chính quyền tại Syria dân chủ, thì chế độ này đương nhiên sẽ chống Israel… Nga và Israel hiểu được sự nguy hiểm của những gì có thể xẩy ra sau này ».
Về hồ sơ Iran, Israel chờ đợi những thông tin mới nhất từ phía tổng thống Putin, sau cuộc thương lượng giữa Iran và nhóm 6 nước trung gian quốc tế (5 thành viên Hội Đồng Bảo An + Đức), ở Matxcơva trong các ngày 18-19/06 vừa qua.
Theo giới chuyên gia, hồ sơ này cũng không làm tổn hại đến quan hệ giữa Matxcơva và Jérusalem. Ông Vladimir Sazhin, chuyên gia về Iran, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Matxcơva, nhấn mạnh, nhóm 6 nước làm trung gian quốc tế đồng thuận với nhau về chiến lược, theo đó, Iran không được có bom nguyên tử và cũng không được có khả năng chế tạo vũ khí này.
Các thành viên nhóm trung gian chỉ bất đồng một chút về chiến thuật. « Nga và Trung Quốc kiên quyết chống lại một giải pháp quân sự và bác bỏ các trừng phạt đơn phương. Cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh không muốn Iran trở thành một cường quốc nguyên tử, nhưng giải quyết vấn đề này như thế nào ? Ông Putin sẽ thảo luận vấn đề này với chính quyền Israel ».
Hai hồ sơ, Syria và Iran, cũng sẽ được tổng thống Putin đem ra thảo luận với chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas, tại Cisjordani và với vua Abdallah II trong chuyến viếng thăm Jordani.
Từ khi xẩy ra khủng hoảng Syria, Jordani đã phải đón nhận hàng chục ngàn người tỵ nạn chạy sang nước này.
Với tư cách là thành viên Liên đoàn Ả Rập, chính quyền Jordani đã yêu cầu Nga ngừng cung cấp vũ khí cho chế độ Damas, thế nhưng, Matxcơva đã bác bỏ đề nghị này và lập luận rằng các thiết bị mà Nga đưa sang Syria không phải để dùng chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Không có nhận xét nào: