Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Trung Quốc thực hiện ngoại giao pháo hạm?


Giới hoạch định chính sách ở Bắc Kinh lập luận rằng do vị thế “gần như là siêu cường” của Trung Quốc, phương châm “giấu mình” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình xem ra đã lỗi thời.
Chỉ có điều, bị các nước láng giềng xa lánh bởi thái độ ngạo mạn của Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền biển đảo và kế hoạch tăng cường lực lượng hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang khiến cho những cái đầu “nóng” ở Trung Quốc “phải suy nghĩ hai lần” trước khi từ bỏ mưu kế “giấu mình chờ thời” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đang lên đến đỉnh điểm với cuộc đối đầu trên biển với Philippines ở bãi cạn Scarborough. Căng thẳng với Việt Nam đang gia tăng do Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc ngang nhiên gọi thầu quốc tế tại 9 lô ở ngay trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Nhật Bản và Ấn Độ, đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ quân sự với Philippines và Việt Nam.
Hơn thế nữa, tại Đối thoại an ninh hàng năm Shangri-La hồi đầu tháng 6, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố đến năm 2020. Lầu Năm Góc sẽ triển khai 60% sức mạnh hải quân – trong đó có 6 nhóm tàu sân bay – ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Những diễn biến nói trên dường như đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại ở Bắc Kinh gia tăng mức độ hiếu chiến trên các đấu trường ngoại giao và an ninh.
Ngoại giao “vạch đỏ” hay ngoại giao pháo hạm?
“Hoàn cầu thời báo” – một phụ trang của “Nhân dân nhật báo” – đã nói lên tất cả, khi bình luận rằng để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc “phải dám bảo vệ những nguyên tắc của mình và phải có dũng khí đương đầu với nhiều quốc gia cùng một lúc”.
Thật vậy, phản ứng về tuyên bố triển khai 60% sức mạnh Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung tướng Nhiệm Hải Tuyền (Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự và là Trưởng đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 11) nói: “Chúng tôi đang cân nhắc những kịch bản tồi tệ nhất. Một khi lợi ích của Trung Quốc bị tổn thương, các biện pháp trả đũa của chúng tôi sẽ là khủng khiếp”.
Đồng thời, một số nhà bình luận quân sự của các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc đã đe dọa sử dụng phương tiện quân sự để giải quyết vấn đề ngoại giao. Thiếu tướng Luo Yuan, một bình luận viên khét tiếng, đã tái khẳng định quân đội Trung Quốc sẵn sàng “dạy cho Philippines một bài học”. Luo Yuan đổ lỗi cho thế lực dân tộc chủ nghĩa bên trong và bên ngoài chính phủ Philippines về việc kích động quan hệ với Trung Quốc. “Nếu Philippines không thể kiềm chế dân chúng của họ, hãy để chúng tôi đưa họ vào khuôn phép”.
Biểu tượng về sự quyết đoán của Bắc Kinh là chính sách đối ngoại vì “lợi ích cốt lõi” và mở rộng hơn là chính sách ngoại giao “vạch đỏ”.
Nói một cách đơn giản, Bắc Kinh muốn vẽ các “vạch đỏ” xung quanh vị trí địa lý được coi thuộc về “lợi ích cốt lõi”. Nếu một thế lực nước ngoài xâm phạm các “vạch đỏ” này, Trung Quốc dành cho mình cái quyền giáng trả bằng các biện pháp quân sự và nhiều biện pháp cứng rắn khác. Theo truyền thống, “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc chỉ liên quan đến các vấn đề thống nhất dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương không bao giờ được phép ly khai khỏi Trung Quốc đại lục.
Mỹ và các nước láng giềng châu Á không tránh khỏi giật mình, khi nghe các cán bộ cao cấp Trung Quốc hồi tháng 3/2010 nói Biển Đông cũng là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này. Trong một tuyên bố chính thức vài tháng sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương dường như cố gắng xoa dịu bằng định nghĩa: “Các khu vực liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển đều thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
Do “lợi ích phát triển” của Trung Quốc có thể liên quan đến các nguồn cung cấp dầu khí và khoáng sản chiến lược, định nghĩa của ông Tần Cương có thể bao gồm các hòn đảo nhỏ ở Biển Đông đang được cho là giàu dầu khí.
Do cuộc đối đầu đang diễn ra với Manila và do những tuyên bố mạnh bạo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, giới lý luận Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách “vạch đỏ” lên cao độ. Bình luận viên Ding Gang của tờ “Nhân dân nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã gọi Nam Hải (Biển Đông) là một phần quan trọng của “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Ông này nói: “Chúng ta phải vẽ ra hàng loạt vạch đỏ (ở Biển Đông) để cảnh báo người Mỹ về những gì họ có thể làm và những gì họ không được làm”.
Các cán bộ cao cấp ở Bắc Kinh cũng công khai gọi quần đảo Điếu Ngư (mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku) đang tranh chấp ở biển Hoa Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Trong khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Bắc Kinh hồi tháng trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tỏ ý phàn nàn về lập trường của Tokyo về đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như về Khu tự trị Tân Cương. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Ôn Gia Bảo kêu gọi Thủ tướng Noda hãy “tôn trọng lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc”.
Gây tranh cãi không kém là việc Trung Quốc ngày càng thường xuyên sử dụng các loại vũ khí kinh tế để giải quyết những bất đồng về ngoại giao. Trong cuộc đối đầu về lãnh thổ với Manila, Bắc Kinh đã cắt giảm nhập khẩu trái cây và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines. Bắc Kinh cũng kêu gọi các nhóm du khách Trung Quốc không đến thăm Philippines.
Xem ra, chính sách ngoại giao sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc cũng phần nào phát huy tác dụng. Sách lược “đất hiếm” rõ ràng đã đóng vai trò trong việc Tokyo thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc đã dùng tàu lao thẳng vào tàu tuần duyên Nhật Bản hồi cuối năm 2010. Manila cũng đã phải xuống giọng trước áp lực kinh tế của Trung Quốc.
Thế nhưng, việc áp dụng các chiến thuật hiếu chiến và gây tranh cãi của Bắc Kinh đã làm tổn thương hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc và đang ngày càng khiến cho các nước láng giềng cảnh giác, xa lánh
Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét