Pages

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đức tin thời thổ tả


Phạm Ngọc Tiến

“...Tại sao bà mẹ có con tai nạn kia lại nghi ngờ người cứu giúp con mình? Liệu có đúng người thanh niên cao to kia ngồi sau tháo chiếc nhẫn không?...”
 Cách đây ít lâu có một chuyện khiến tôi mãi không thôi ám ảnh. Chuyện liên quan đến đức tin. Hôm đó ngày nghỉ, có công việc phải đi, tôi đèo vợ bằng xe máy. Vừa ra khỏi nhà chưa đến chợ Mai Động thì gặp một đám đông đang xúm xít. Chiếc xe máy chềnh ềnh quay ngang giữa đường. Một nam thanh niên nằm sóng soải úp mặt bất tỉnh.


Tranh minh họa truyện ngắn “Tai nạn” của Họa sĩ Đỗ Phấn

Mọi người bàn tán xầm xì. Tai nạn. Đường phố ta đi lâu nay, ngày nào mà không gặp những tai nạn tương tự. Tôi lách xe lên. Đến đúng điểm tai nạn tôi dừng xe. Là bác sĩ nên vợ tôi không chần chừ nhảy xuống xem xét người bị nạn. Chẳng cần hỏi han, chỉ nghe người đứng xem bàn tán đã biết thanh niên phóng nhanh gặp ổ gà tự ngã. Có lẽ đầu đập xuống đường nên anh này bị ngất. Một vài vệt máu loang trên mặt. Rất nhanh theo phản xạ nghề nghiệp vợ tôi phán kiểu như ra y lệnh:

- Đưa cấp cứu Thanh Nhàn. Nhanh.

Thanh Nhàn là bệnh viện đa khoa cách đó chỉ chừng hơn cây số. Đám đông đang đứng nhìn nghe thấy thế chợt rùng rùng chuyển động. Người gọi taxi, người nâng xe máy. Tôi trao xe của mình cho vợ rồi quay vào xốc người thanh niên lên. Nhanh lắm hiệu ứng dây chuyền cùng lúc nhiều bàn tay xúm vào đỡ đưa anh ta vào vệ đường. Đâu như đến dăm phút không thấy chiếc xe taxi nào đến. Vài người chặn ô tô đi đường nhưng chẳng ai chịu dừng. Vợ tôi thấy thế giục:

- Đèo nạn nhân bằng xe máy.

Tôi lấy chiếc xe của chính nạn nhân rồi lớn giọng bảo đám đông:

- Nhà vợ chồng tôi ở gần đây chỗ bốt điện, vợ tôi là bác sĩ. Chúng tôi sẽ đưa anh này vào cấp cứu ở Thanh Nhàn. Bà con nào đi cùng ngồi sau đỡ nạn nhân tôi sẽ cầm lái. Xin mọi người yên tâm.

Cách giải quyết quá gọn. Có lẽ thấy tôi đi cùng vợ nên mọi người tin tưởng phụ họa ngay. Khỏi cần kể ra những lời lẽ lúc đó. Ai cũng hăng hái nhiệt tình cả. Một thanh niên to cao lực lưỡng không nói không rằng xốc nạn nhân ngồi lên yên. Anh ta vòng tay ôm vào bụng tôi để giữ chắc nạn nhân. Rất nhanh, chỉ mươi phút sau chúng tôi đến được bệnh viện. Vợ tôi quen biết ở đó nên cùng kíp trực đưa ngay nạn nhân vào cấp cứu. Tôi bảo người to cao đi cùng dắt xe máy của nạn nhân vào bãi gửi xe và dùng giấy tờ tùy thân của tôi để bàn giao chiếc xe cho bảo vệ sau khi đã nói rõ nguồn cơn. Giải quyết xong chiếc xe tôi bổ vào phòng cấp cứu. Vợ tôi thông báo anh này bị chấn thương não. Sau đó nhờ chỗ giấy tờ trong ví của nạn nhân biết được địa chỉ nhà, vợ chồng tôi cũng là tiện đường nên vội vã đến tận nơi báo. Bà mẹ của nạn nhân nhận tin con run rảy, cảm ơn chúng tôi nói không ra hơi.

Chiều đó xong công việc, trên đường về có lẽ vì lý do nghề nghiệp, vợ tôi nảy ra ý vào bệnh viện xem kết quả việc cấp cứu nạn nhân thế nào. Bệnh nhân rất nặng vẫn hôn mê. Lúc chúng tôi ra về thì bà mẹ nạn nhân ra theo. Thoáng ngần ngừ rồi thì bà nói rành rẽ:

- Cảm ơn anh chị đã nhiệt tình đưa con tôi vào viện lại còn cất công báo cho gia đình. Nhưng…nói thật con tôi chẳng may bị nạn nhưng…

Tôi sốt ruột:
- Sao hả bác?

- Nói anh chị thông cảm, nó bị tháo mất chiếc nhẫn 2 chỉ vàng ta. Sáng nay đi nó vẫn đeo ở tay. Giờ nó bị như thế này, anh chị…

Mắt tôi váng hoa cà hoa cải, tai như có tiếng súng nổ. Tôi nuốt nước bọt ghìm giọng:
- Thế này bác ạ, vợ cháu là bác sĩ quen thân ở đây. Chúng cháu không thể làm việc đó… cháu là… cháu là…

Tôi nghẹn lời không nói thêm được nữa. Vợ tôi nói gì đó với bà mẹ rồi kéo tôi đi về. Cơn giận bùng lên khiến tôi buồn tê tái vì bất lực. Còn biết làm gì nữa trong tình huống đó. Đêm ấy tôi không tài nào ngủ được. Chiếc nhẫn 2 chỉ vàng. Không nhẽ…Chợt tôi nghĩ đến người bạn đường to cao. Từ đầu đến cuối hành trình anh ta không hề cất một lời. Khuôn mặt khá điển trai luôn bình thản. Khi bàn giao xe máy cho bảo vệ xong tôi có tìm anh ta để cùng vào phòng cấp cứu nhưng không thấy. Anh đã lẳng lặng bỏ đi từ lúc nào không một lời chào từ biệt. Đúng rồi. Cơn giận lại bùng lên. Anh ta ngồi sau ôm nạn nhân. Bà mẹ có con trong cơn thập tử nhất sinh kia lẽ nào lại nói sai. Bà đau đớn vì tai nạn của con cộng thêm cái sự mất của đau đớn thiếu nhân tình kia nên mới buột ra như thế.

Trong trạng thái đầy kích thích tôi ngồi vào bàn viết một mạch cái truyện ngắn “Tai nạn”. Một truyện rất ngắn lấy cái nhẫn 2 chỉ vàng của một cô gái bị tai nạn làm âm hưởng chủ đạo. Một người anh hùng đường phố cứu giúp cô gái trong khi đám đông bình thản đứng nhìn. Kết thúc truyện người anh hùng đường phố kia vào một con ngõ nhỏ lấy từ trong túi ra ngắm chiếc nhẫn 2 chỉ vàng còn nhấp nhánh máu. “Tai nạn” được mang in ngay ở báo Lao Động và được vài tờ báo khác in lại. Sau đó tôi đã tuyển đưa vào tập truyện ngắn “Thằng mõ trâu”.

Thời gian qua đi, nhưng câu chuyện mãi không thể tắt trong trí não tôi. Nó cứ xoay trở mãi với vô số câu hỏi. Tại sao bà mẹ có con tai nạn kia lại nghi ngờ người cứu giúp con mình? Liệu có đúng người thanh niên cao to kia ngồi sau tháo chiếc nhẫn không? Nếu anh ta kỳ công tháo chiếc nhẫn từ tay người bị nạn sao không lấy luôn chiếc ví ở túi quần sau, dễ hơn nhiều? Rồi tôi lại lật trở, ngộ nhỡ người bị nạn vì một lý do nào đó đã không đeo chiếc nhẫn ở thời điểm đó? Vì sao tôi lại nghĩ người thanh niên cao to tháo chiếc nhẫn? Chắc gì anh ta đã làm chuyện đó. Bao nhiêu câu hỏi cứ nhùng nhằng khiến tôi mãi không thôi ám ảnh.

Chắc hẳn bạn đã biết tôi ám ảnh về điều gì. Thật đáng sợ khi con người thiếu đi niềm tin vào nhau. Sự nghi ngờ tràn ngập mọi chỗ mọi nơi. Đó thật sự là bất hạnh của đời sống hôm nay khi đức tin đã dần trở thành của hiếm. Buồn thay đức tin của cái thời thổ tả ■

Hà Nội 25/06/2012

Phạm Ngọc Tiến

Nguồn: pntien.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét