Pages

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Được mời và đáp trả


Mọi chuyện ồn ào xảy ra cũng từ thư mời tham gia phong trào “Con đường Việt Nam”. Không phải bây giờ người ta mới biết về đề cương của phong trào này. Những người quan tâm đến vận mệnh đất nước thì có lẽ không xa lạ gì với cuốn sách cùng tên như vậy đã lưu hành trong và ngoài nước trong thời gian qua.
Theo thiển ý của tôi thì khi được/bị mời tham gia một buổi họp, một tổ chức, một kế hoạch thì người được/bị mời có thể hoặc là chấp nhận hay là từ chối lời mời, lời đề nghị này. Ngay cả khi công an “mời” đi làm việc thì đương sự cũng có thể từ chối những lời “mời” này. Những phản ứng của những người được/bị mời trong một danh sách được công bố thì thấy rằng:

1. Một số người im lặng không có ý kiến gì.
2. Một số người phản đối chuyện được/bị mời này.
3. Một số người ủng hộ công khai lẫn âm thầm.
Có lẽ nguyên nhân của mọi nguyên nhân là việc anh Lê Thăng Long được ra tù trước thời hạn vì ký đơn “nhận tội”. Nếu anh Long mà ngồi cho đủ số ngày tù thì có lẽ phản ứng của những người “chống đối lời mời” ít gay gắt hơn. Xưa nay tù chính trị thường thì ít ai được giảm 1 ngày tù nào. Nhưng cũng có nhiều nhân vật được giảm án như BS Nguyễn Đan Quế, MS Nguyễn Hồng Quang, LS Lê Thị Công Nhân (án phúc thẩm giảm so với án sơ thẩm). Theo Ms Nguyễn Hồng Quang thì chuyện viết đơn “nhận tội” chỉ là một hình thức “trá hàng”. Nhất là trong tay của công an cộng sản vốn đủ mưu mô quỷ quyệt.
Ký đơn “nhận tội” để ra tù trước thời hạn tranh thủ thời gian đi tiếp con đường của mình hay là cam đảm trong tù thì cái nào tốt hơn? Chỉ có những người trong cuộc họ mới hiểu còn chúng ta nệm ấm chăn êm, chưa một lần biết đến sự tàn bạo của nhà tù cộng sản thì khó mà lấy gì để lên án.
Khi anh Lê Thăng Long có ký cái đơn “xin khoan hồng” thì cộng sản cũng chỉ được một tờ giấy chứng cứ để làm nhục anh Long hay phong trào dân chủ nói chung. Một tờ giấy được ký trong môi trường khắc nghiệt đầy o ép, không có sự tự nguyện hay vui lòng thì cũng vô hiệu. Nhưng ít ra phong trào chung cũng có cái lợi là có thêm một nhân chứng sống, anh ta sẽ là nhân chứng những chuyện khuất tất vừa qua và trên hết anh ta có quyền tự do hơn để nói rõ về cái đơn “xin đảng cộng sản khoan hồng”.
Xét về yếu tố gia đình ai cũng có cha già mẹ yếu con thơ. Nếu một ai đó dừng việc đấu tranh thì chúng ta cũng phải công tâm nhìn nhận công lao đã qua của họ. Không thể lấy thời điểm bỏ cuộc để kết luận một quá trình cống hiến đã qua.
Mới chỉ “bị” liệt kê trong danh sách những người ĐƯỢC MỜI đã phản ứng như đĩa phải vôi thì chứng tỏ cái sợ hãi vẫn bao trùm đâu đây. Nếu an ninh cộng sản có làm khó dễ thì chúng ta cũng thừa sức đối đáp với họ. Mời là một chuyện và tham gia không mới là chuyện khác.
Thế vì sao quý ông/ bà/ anh/ chị được phong trào Con Đường Việt Nam biết đến mà mời? Đơn giản vì quý vị là những người nổi tiếng tên tuổi, số phone, email công khai ai ai cũng biết. Ai có trang blog hay website thì mọi thứ nó công khai trên đó hết. Công an cũng không thể vì lý do quý vị được/ bị mời mà làm khó làm dễ quý vị. Thiển nghĩ khi được MỜI chứng tỏ quý vị rất có tiếng tăm và uy tín. Vô danh tiểu tốt như tôi thì có muốn tham gia cũng không ai biết mà mời.
Nhìn lại việc ký tên trong các kiến nghị của nhóm Bô Xít, trả tự do cho CHHV, kiến nghị của Mẹ Nấm luôn có những người phản ứng là tên tuổi họ bị ai đó mạo danh chứ họ không tự nguyện tham gia.
Bên cạnh vấn đề tư cách và đạo đức của người đứng đơn đi MỜI thì việc nghi ngờ và cảnh giác nhau vẫn còn tồn tại. Chuyện nghi ngờ, thận trọng không có gì là sai nhưng khi bị đẩy là quá cao, quá giới hạn thì sẽ trở nên tiêu cực. Nghi ngờ chỉ nên bàn luận chỗ kín đáo tốt hơn là công khai trên các trang blog, hoặc cần thiết tối thiểu là có những lý luận logic và quan trọng hơn hết là không kết án nóng vội như quan toà cộng sản. Nếu không thì chứng tỏ cộng sản đã thành công. Họ là bậc thầy gieo rắc sự sợ hãi và nghi kỵ nhau.
Vẫn là tốt hơn nếu nghi ngờ trước rồi sau quá trình kiểm chứng để lấy niềm tin. Đề cương ban đầu có thể chưa hoàn chỉnh nhưng ý tưởng đúng thì chúng ta nên tôn trọng.
Những người đã “vấp ngã”, những người đã ký đơn “xin khoan hồng” hay thậm chí là đảng viên cộng sản Việt Nam, những người từng vào tù ra khám… nhưng họ có lý tưởng tốt và dám dấn thân cho lý tưởng đó thì tại sao chúng ta không chấp nhận họ?
Hãy còn quá sớm để có những bản án dành cho những người khởi xướng phong trào Con Đường Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét