Pages

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Về những động thái nhằm củng cố liên minh Mỹ-Thái Lan



Tướng Mỹ Martin Dempsey và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra

Sau chuyến thăm Thái Lan gần đây của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, và tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta về việc trọng tâm của Mỹ chuyển sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Đối thoại an ninh Shangri-La ở Xinhgapo, Thái Lan và Mỹ đang có nhiều động thái nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai bên.

Tại cuộc hội thảo quốc tế do Học viện nghiên cứu quốc phòng quốc gia của Mỹ và trường Đại học Thammasat của Thái Lan đồng tổ chức, các nhà hoạch định chính sách của hai nước đã cho thấy cả Thái Lan và Mỹ đang muốn điều chỉnh và làm mới lại các chiến lược chung của hai bên nhằm khôi phục lại liên minh giữa hai nước khi trọng tâm của Oasinhtơn đang hướng nhiều hơn về khu vực châu Á – Thái Bình Dương.



Theo tờ “Bưu điện Băngcốc” số cuối tuần trước, phía Mỹ đã ủy nhiệm cho giáo sư Catharin Dalpino, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là Trưởng khoa Quan hệ quốc tế trường Simmon, thăm dò các khả năng làm thế nào để hiện đại hóa và củng cố quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Thái Lan.
Bà Dalpino đã trình bày các ý tưởng của mình tại hội thảo trên rằng hai bên cần tăng cường trao đổi các chuyến thăm cấp cao, thiết lập đối thoại song phương về sự tác động của việc Trung Quốc trỗi dậy, phát triển sân bay quân sự U-tapao thành trung tâm khu vực về cứu trợ thảm họa và nhân đạo, mở rộng thành viên tham gia cuộc tập trận quân sự chung hàng năm mang tên Hổ mang vàng và tự do hóa hơn nữa quan hệ thương mại song phương cũng như khu vực.
Bà Dalpino cũng cho biết giữa lúc sự cân bằng chiến lược trở lại của Mỹ được mở rộng hơn đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực châu Á, việc làm mới liên minh Mỹ-Thái sẽ là nhân tố then chốt trong việc Mỹ can dự vào khu vực này.

Liên minh Mỹ – Thái, được coi là mối quan hệ chiến lược lâu năm nhất của Mỹ tại châu Á, tỏ ra rất chậm chạp trong việc thích ứng với các thách thức của thế kỷ 21. Nhưng hai bên sẽ có cơ hội mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới sau khi cùng cam kết làm hồi sinh liên minh này.
Bước chuyển tiếp của liên minh này từ khuôn khổ Chiến tranh Lạnh trong kỷ nguyên Chiến tranh Việt Nam sang giai đoạn uyển chuyển hơn đã vấp phải khó khăn trong những năm gần đây do sự thiếu quan tâm từ cả hai phía, do quan điểm khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa và do mục tiêu mở rộng quan hệ chính trị, kinh tế và an ninh của hai nước trong khu vực này.

Cuộc chiến tại Ápganixtan và Irắc đã đưa quan hệ hợp tác an ninh Mỹ – Thái vượt khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong khi việc gia tăng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống sau Chiến tranh Lạnh – gồm cả chủ nghĩa khủng bố – lại mở rộng cơ sở của liên minh này. Chủ nghĩa khu vực của châu Á, đặc biệt là của ASEAN, cho phép liên minh này hướng vào khu vực nhiều hơn, vì vậy, cần có thêm đối thoại thường xuyên giữa cả hai bên nhằm đẩy mạnh tiến trình củng cố liên minh.
Quan hệ liên minh với Thái Lan rất khác so với các đối tác khác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia hay Philippin vì nó không xuất phát từ một thỏa thuận yêu cầu cập nhật và chính thức hóa và khi Thái Lan không còn có yếu tố căn bản của Chiến tranh Lạnh trong thời gian liên minh được kiêm nghiệm, liên minh Thái – Mỹ đã trở nên mang tính toàn cầu và chuyển sang các lĩnh vực liên quan tới an ninh phi truyền thông.

Cuộc tập trận Hổ mang vàng là một cánh cửa ngoại giao đưa các quan sát viên khu vưc vào tiến trình này, trong đó không thực hiện các mục tiêu của hiệp ước nhưng lại thực hiện các hoạt động trợ giúp nhân đạo.
Ngoài ra, làm cách nào tốt nhất để nối Hổ mang vàng với các cơ chế khu vực khác như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng các đối tác đối thoại còn là một vấn đề để ngỏ cần phải thăm dò.

Khi gợi ý cả hai bên cần tăng cường các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, bà Dalpino cho rằng không thể tưởng tượng rằng Tống thống Mỹ Barack Obama, được mời tới Hội nghị thượng đỉnh Phnôm Pênh vào tháng 11, lại không đi thăm Thái Lan.
Vụ trưởng Vụ Mỹ và Thái Bình Dương của Thái Lan, Chirachai Pankrasin, cho biết Băngcốc hoan nghênh sự trở lại cân bằng của Mỹ vì tin rằng nó sẽ đóng góp cho sự ổn định của khu vực. Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 180 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và chào đón việc đẩy mạnh thương mại cũng như đầu tư vào Thái Lan cung khu vực ASEAN. Vị trí chiến lược của Thái Lan, với sự phát triển cảng biển nước sâu Dawei (ở Mianma) được gắn với bờ biển phía Đông (tại Thái Lan), sẽ tạo ra một sự kết nối tốt cho toàn khu vực ASEAN.

Ông Kavi Chongkittavorn, một chuyên gia tại Học viện an ninh và nghiên cứu quốc tế, nhận xét Thái Lan nên phác thảo một ranh giới rõ ràng trong liên minh với Mỹ tương tự như cách mà Ôxtrâylia đã làm. Việc sử dụng sân bay hải quân U-tapao phải được giám sát một cách rõ ràng. Nếu đúng nó được sử dụng cho các mục đích nhân đạo thì rất tốt.
Tướng Surasit Thanadtang, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chiến lược, cho biết Thái Lan muốn nhìn thấy Mỹ mở rộng vai trò đa phương của họ, đặc biệt là tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các diễn đàn cứu trợ thảm họa và nhân đạo.
Ông Daniel Unger của trường đại học Northern Illinois thì nói Mỹ đang bị các nhóm quan chức cao cấp mới nổi tại Thái Lan coi là thiếu nhiệt tình. Hai bên cần thăm dò các cách thức mà cả Mỹ và Thái Lan có thể phối hợp hiệu quả như chống chủ nghĩa khủng bố và các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Tuy nhiên, Thái Lan có thể chưa phải là đối tác có ảnh hưởng của Mỹ về địa chính trị sau Ápganixtan và sau Irắc so với Ấn Độ, Việt Nam hay Xinhgapo. ông Unger tỏ ra nghi ngờ về việc làm thế nào Thái Lan có thể tái lập được vai trò lãnh đạo trong ASEAN, trừ phi họ có một tầm nhìn được chia sẻ về những gì cần thiết cho vấn đề chính trị nội bộ.
Theo ông Chulacheep Chinwanno của trường Thammasat, Thái Lan nên tiếp tục nuôi dưỡng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương với cả Trung Quốc và Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục các cơ chế khu vực như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN.
***
Vị trí chiến lược của Thái Lan tại Đông Nam Á đang khiến họ trở nên cần thiết đối với Mỹ khi người Mỹ muốn giành được quyền kiểm soát căn cứ không quân và căn cứ hải quân tại U-tapao trên Vịnh Thái Lan.
Với chính sách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ rất cần củng cố mối quan hệ quân sự của họ với Thái Lan cũng như các đồng minh khác trong khu vực. Rõ ràng Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đã ưng thuận theo yêu cầu của Mỹ muốn được sử dụng căn cứ U-tapao để đổi lại sự ủng hộ về chính trị.

Tại khu vực này, Xinhgapo đóng vai trò như một tiền đồn quân sự nếu không muốn nói là trung tâm đầu não cho các lực lượng của Mỹ. Philippin thực hiện vai trò của một “đứa trẻ ngỗ ngược” nhằm chọc giận Trung Quốc. Việt Nam, mặc dù có lịch sử về cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn bắt tay với Mỹ trong liên minh chiến lược này nhằm chống lại Trung Quốc. Inđônêxia, nhận thức được sức mạnh khu vực của mình, đang cố gắng chơi hai con bài cùng một thời điểm. Ôxtrâylia đã gia tăng đáng kể mối quan hệ quân sự của họ với Mỹ. Ở Bắc Á, nhờ sự hiện diện của những căn cứ quân sự Mỹ trên đất nước của mình, Nhật Bản và Hàn Quốc tự đặt vào một vị trí phải đối đầu với Trung Quốc mà không có bất kỳ khoảng không nào cho ngoại giao mềm dẻo.

Bộ trưởng Quốc phòne Mỹ Leon Panetta đã nói rõ ràng rằng Mỹ đang chuyển phần lớn khả năng hải quân của mình sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các quan chức Mỹ sử dụng từ “can dự” để phản ánh sự chuyển đổi này trong các chính sách an ninh và quân sự của Mỹ tại châu Á và Thái Bình Dương, hiện đang nổi lên như một khu vực năng động nhất thế giới, với sự bùng nổ của các nền kinh tế trong khu vực và nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.
Lính Mỹ trên đất Thái Lan trong cuộc tập trận Hổ mang vàng 2012
Nhưng mục tiêu cơ bản nhất vẫn là kiềm chế Trung Quốc, nơi đang tạo ra thách thức như một siêu cường mới trước một nước Mỹ đang vỡ nợ về tài chính.
Theo tờ “Bưu điện Băngcốc”, liên quan tới quan hệ an ninh của Thái Lan với Mỹ, có hai diễn biến chính:

Đầu tiên, NASA muốn sử dụng U-tapao như một căn cứ không quân để từ đó sẽ tiến hành nghiên cứu điều kiện thời tiết tại Đông Nam Á. Đề xuất này chỉ vừa mới được tiết lộ vào đầu tuần trước. Nó được biết như là một chiến dịch khoa học hàng không phức tạp và tham vọng nhất của NASA trong năm nay, mang tên Nghiên cứu tổng họp điều kiện khí hậu, mây mưa ở khu vực Đông Nam Á (SEAC4RS).

Với sự hỗ trợ của Tổ chức khoa học quốc gia và Phòng thí nghiệm nghiên cứu hải quân, chiến dịch trên sẽ tập hợp dữ liệu và kết quả quan trắc từ các vệ tinh, các máy bay nghiên cứu và một loạt địa điểm trên mặt đất và trên biển của NASA. Dự kiến chiến dịch sẽ được bắt đầu từ đầu tháng 8/2012.
Thứ hai, là đề xuất thiết lập trung tâm hoạt động cứu trợ nhân đạo tại U-tapao. Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khi thăm Thái Lan mới đây đã xác nhận rằng Mỹ muốn hợp tác với Thái Lan về việc sử dụng U-tapao như một Trung tâm cứu trợ thảm họa nhân đạo. Ông đã từ chối xác nhận việc Mỹ muốn sử dụng U-tapao như một căn cứ quân sự toàn diện, nhưng không loại trừ khả năng về lâu dài nó sẽ được phát triển theo hướng đó. Theo tướng Dempsey, dự án của NASA và Trung tâm cứu trợ thảm họa nhân đạo là hai đề xuất hoàn toàn riêng rẽ.
Tiến sĩ Panithan Watanayangkorn, một chuyên gia về các vấn đề an ninh của Thái Lan, cảnh báo rằng dự án của NASA nhằm nghiên cứu các điều kiện thời tiết có thể gồm cả các vệ tinh do thám hỗ trợ cho các máy bay không người lái. Lực lượng quân sự Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái ngày càng nhiều tại Nam Á và Trung Đông. Vì thế U-tapao có thể được sử dụng như một trạm mặt đất để kết nối với các vệ tinh Mỹ, giúp dẫn đường cho các máy bay không người lái tấn công.

Trung Quốc đã kín đáo bày tỏ mối lo ngại về ý định của Mỹ nhằm sử dụng căn cứ U-tapao. Nếu Thái Lan chấp nhận đề nghị của Mỹ, mối quan hệ giữa hai nước có thể sẽ không thuận lợi. Trong trường hợp có xung đột quân sự Mỹ – Trung, Thái Lan chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù của Trung Quốc. Theo đuổi một chính sách chống Trung Quốc sẽ đi ngược lại với các lợi ích của Thái Lan.
Tờ “Dân tộc” ngày 16/6 bình luận rằng đề nghị sử dụng U-tapao như một trung tâm khí tượng học của NASA và một trung tâm cứu trợ tham họa nhân đạo đang thu hút mối quan tâm của công luận và báo chí quốc tế. Chính phủ Thái Lan nên bảo đảm rằng tiến trình thông qua đề nghị này được thực hiện theo đúng trình tự và một quyết định khi được đưa ra là phục vụ các lợi ích của Thái Lan.

Đề nghị trên xuất hiện ngay sau khi Mỹ tiết lộ chi tiết các kế hoạch nhằm xây dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại Đông Nam Á trong một phần của cái gọi là “tái cân bằng quân sự của Mỹ tại châu Á”.
Trường hợp đề nghị của Mỹ được thông qua, nhân viên và các thiết bị quân sự Mỹ sẽ được đưa trở lại U-tapao lần đầu tiên kể từ sau khi Mỹ rút khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam hơn ba thập kỷ trước đây.
Trên thực tế, công chúng vẫn biết rằng Mỹ là một đồng minh lâu nay của Thái Lan. Người dân vẫn nhớ rõ cảnh tượng nhân viên quân sự Mỹ cung cấp cứu trợ nhân đạo cho các nạn nhân trong trận lụt lịch sử tại Thái Lan vào năm ngoái.

Chính phủ của đảng Vì nước Thái sẽ không khó khăn trong việc thúc đẩy một thỏa thuận nếu đề nghị của Mỹ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, nơi đảng Vì nước Thái chiếm đa số. Nhưng việc tranh luận là điều cần thiêt vì không chỉ cho người Thái biết chính xác mục tiêu sử dụng, mà còn bảo đảm với một số nước láng giềng ASEAN và Trung Quốc, những mức cảm thấy không thoải mái về việc Mỹ tăng cường sự hiện diện của họ tại khu vực này./.
Nguồn: TTXVN/ Basam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét