Pages

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Bắc Kinh với chính sách ‘sự đã rồi’ tại Biển Đông


Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội ngày 22/07/2012. REUTERS/Nguyen Lan Thang
Các động thái gây căng thẳng trên Biển Đông của Bắc Kinh trong thời gian gần đây nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc đã thu hút mối quan tâm của báo Le Figaro. Trong bài viết mở đầu trang quốc tế, dưới dòng tựa lớn « Bắc Kinh đặt cơ sở trên Biển Đông », phóng viên Le Figaro tại Trung Quốc đã nhân sự kiện Bắc Kinh cho thành lập một đơn vị quân đội đồn trú tại Biển Đông để nêu bật dụng tâm của Trung Quốc muốn biến vùng biển mà họ đòi chủ quyền thành « lãnh địa » của mình.
Tác giả bài báo, Arnaud de la Grange, trước tiên ghi nhận : Trong cuộc tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng, Trung Quốc không hề buông súng, mà trái lại nữa là khác. Cuối tuần qua, họ loan báo việc chính thức cho đồn trú một đơn vị quân đội tại thành phố Tam Sa bao trùm Biển Đông. Theo Le Figaro, đây là một bước mới nhằm « biến vùng này thành một thánh địa (sanctuariser) », bất chấp vô số tranh chấp với các láng giềng Đông Nam Á.

Nhắc lại việc quyết định trên lại do Quân ủy Trung ương đầy quyền uy công bố, Arnaud de la Grange cho rằng điều đó chỉ nhằm nhấn mạnh đến tính biểu tượng, vi trong thực tế Trung Quốc đã có một lực lượng khá hùng mạnh trong khu vực.
Theo tác giả bài báo, từ tháng trước, Bắc Kinh đã tiến thêm một bước rồi khi cấp cho vùng biển rộng lớn đó quy chế của một thành phố, lấy tên là Tam Sa, trực thuộc đảo Hải Nam. Trụ sở thành phố nằm ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà họ đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1974.
Ký giả tờ Le Figaro nhận xét : Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay lập tức ‘cái gọi là’ thành phố Tam Sa, được thành lập bất hợp pháp trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Và lần thứ ba trong vòng một tháng, một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra cuối tuần rồi tại Hà Nội.
Song song với việc áp đặt chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc còn phái một đoàn tàu đánh cá đến Trường Sa, một quần đảo tranh chấp khác trong khu vực. Nhận xét của Le Figaro rất rõ ràng :
Khi dựa trên một đoàn tàu gọi là « dân sự »ngày càng hùng mạnh của Cục Quản lý Đại dương hay của cơ quan Ngư chính, mà tàu thuyền hiện được trang bị vũ khí nặng, Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách « sự đã rồi » để áp đặt chủ quyền của họ. Le Figaro nhắc lại là vào năm 2010, Biển Đông đã được Trung Quốc nâng lên hàng lợi ích cốt lõi, ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào.
Trong cuộc tranh chấp hiện nay, tác giả bài báo nhìn thấy rằng cuộc đối đầu gay gắt nhất là với Việt Nam, thế nhưng tham vọng của Bắc Kinh đã va vào hầu hết các láng giềng.
Đối với Arnaud de la Grange, ngoài vấn đề tự hào dân tộc, nguồn dầu hỏa được cho là rất dồi dào của vùng này đã làm cho tình hình căng thẳng. Và cũng phải kể đến quyết định của Mỹ trở lại khu vực, làm cho tranh chấp trở thành quốc tế, điều mà Bắc Kinh không hề muốn.
Một gia đình Nhật Bản giầu có muốn bán các hòn đảo của mình
Trong khu vực quả là Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với mọi người. Không chỉ ở Biển Đông, Arnaud de La Grange nhìn lên phía Bắc, cũng thấy bóng dáng Trung Quốc tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền vùng quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư.
Đối với tác giả bài báo, đây là một cuộc tranh chấp rất lý thú, nhất là khi mà hai nền kinh tế lớn thế giới đối đầu với nhau, và câu chuyện lại có biến chuyển mới : một gia đình giàu có Nhật Bản, chủ nhân của đảo có ý định bán nó cho thành phố Tokyo, vào tháng 3 tới đây, khi hết hợp đồng cho chính phủ Nhật thuê.
Đô trưởng Tokyo vào mùa xuân vừa qua đã cho biết ông sẳn sàng mua lại 4 hòn đảo của gia đình nói trên. Ba tháng sau thông báo của thống đốc Shintaro Ishihara, thì Bắc Kinh lại vô cùng bực tức khi đến lượt thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda ngầm cho hiểu chính phủ Nhật cũng sẵn sàng mua lại các đảo này.

Không có nhận xét nào: