Pages

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Báo & nhà báo


Đỗ Trung Quân
Tôi vừa nhận được cuốn sách của nhà báo Lê văn Nuôi, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ [1992- 2003]. Cuốn sách có tựa “Nhật ký một nhà báo” Nhà xuất bản Trẻ vừa phát hành.
Thú thật tôi không nghĩ trong đối tượng được anh gửi tặng sách có mình. Thời tôi từ Thanh niên xung phong về Thành đoàn anh là Phó bí thư Thành đoàn. Thời tôi về Tuổi Trẻ anh là Tổng biên tập thay chị Kim Hạnh. Anh là dân chính trị, tôi là dân văn nghệ, văn nghệ thường kém chính trị và ngược lại chính trị cũng không mặn lắm với văn nghệ, đa phần đứa nào cũng tính tình bất thường lại hay…mất lập trường quan điểm mỗi khi uống rượu bốc giời. Mối quan hệ  sếp – lính có lẽ không đủ để anh nhớ đến khi tôi còn hay đã ra khỏi Tuổi Trẻ. Nhưng dù gì cũng thật bất ngờ, cuốn sách của anh đã nằm trên bàn viết của tôi. Cái lý do để anh gửi tặng sách tôi đã quên, nhưng anh nhắc nhớ bằng dòng ghi tặng “để nhớ tin nhắn gửi Lê Văn Nuôi cuối năm 2003 của Q.: tôi nghĩ người ta đã đối xử bất công với anh…”

Những bài báo trong cuốn sách này tôi đã đọc hầu hết trước khi nó được tập hợp lại in thành sách như hôm nay. Tôi không bàn về nó nữa. Điều mà anh em Tuổi Trẻ lẫn đồng nghiệp ghi nhận đấy là Lê Văn Nuôi là tổng biên tập không chỉ biết ngồi duyệt bài mà thực sự là người biết viết. Đấy có lẽ là lời khen đáng giá nhất dành cho anh mà thoạt nghe có vẻ nghịch lý, đã là Tổng biên tập báo thì phải biết viết báo chứ sao nữa?.
Tôi vừa xuống đường ngày 1 tháng 7- 2012 để phản đối Trung Quốc ngạo mạn khiêu khích biển đông thuộc chủ quyền Việt Nam, tôi đi cùng những người thuộc thế hệ của Lê Văn Nuôi và cả những người trẻ tuổi hôm nay thuộc nhiều thành phần xã hội, trừ không được “vinh dự ” xuống đường với Đoàn thanh niên cộng sản áo xanh, lực lượng mà anh từng là bí thư. Cổng Nhà văn hóa Thanh niên nếu không im ỉm đóng như năm ngoái thì cũng mở thờ ơ với vận nước đang rất nổi trôi. Chính nơi ấy, Hội trường ấy 20 năm trước tôi và nhiều đồng đội TNXP khác từ chiến trường K trở về đứng đấy đọc thơ sang sảng về tình yêu nước, để Thành đoàn mạnh tay phát động cuộc ra quân hùng vĩ lên đường chống Polpot và bành trướng Bắc Kinh 1979. Nay cũng vẫn bọn đại hán “bạn vàng “ mới, nhưng dã tâm vẫn muôn đời cũ không bao giờ thay đổi công khai lấn chiến, buôn bán biển đảo mình và ngạc nhiên thay! Đoàn TNCS hôm nay  không còn một chút  khí phách nào ngoài răm rắp tuân lịnh cấp trên, đứng ngoài cuộc bày tỏ thái độ với quốc gia, ngoài những trò nếu có không khó đoán phất cờ dong chiêng nhảy múa trên sân khấu như lũ rối cạn như năm ngoái đã từng.
Tôi phân biệt rõ bảo về đất nước cao hơn bảo vệ đảng. Vì thế chỉ có câu “vị quốc vong thân” chứ không có câu vị đảng [ phái ] nào vong mạng cả. Nếu có ai “vị đảng vong thân” xin cứ chỉ cho tôi rõ. Vị đảng thì vinh thân chứ vong thân thì tôi đánh cược.
Nhưng xin quay lại cuốn sách của một nhà báo. Tôi chọn anh để gửi đôi dòng vì anh là Tổng biên tập tờ báo nơi tôi từng để một phần tuổi trẻ mình nơi ấy. Vì anh từng là bí thư Thành đoàn nơi tôi cũng từng gắn bó với thanh niên thành phố thời ấy.
Ở tư cách nhà báo anh viết “Nhà nước không kiểm duyệt là một chuyên. Nhưng nhà báo có dám làm đúng thiên chức của mình là thông tin trung thực, khách quan, dám nói sự thật, dám có chính kiến hay không là thuộc về bản lĩnh nhà báo. Còn nếu làm báo theo “tư duy công báo” thông tin một chiếu, né tránh sự thật…thì chính nhà báo đã tự đánh mất tự do của mình “tôi” băn khoăn” về điều ấy lắm, trong ngày 1 tháng 7 gần đây thôi, chỉ sau vài tiếng đồng hồ là tin tức, hình ảnh cuộc biểu tình ủng hộ luật biển của Sài Gòn – Hà Nội đã có đầy đủ trên các trang báo mạng Trung Quốc, thì hơn 700 tờ báo của Việt Nam không một tờ nào dám “ẳng“ lên một tiếng. Nhà báo- như định nghĩa của anh đã tự đánh mất tự do của chính mình phải thế không anh Lê Văn Nuôi ?
Có lẽ anh cũng rõ quan điểm của tôi. Với bạn bè, anh em một thời dù tôi biết rõ hôm nay có người an phận, có người trùm mền, có người mệt mỏi thậm chí có kẻ đi đêm với an ninh…tôi cũng nhường một bước, lui lại một bước, thôi thì đấy là chọn lựa của riêng mỗi người. Nhưng với ngoại xâm thì nửa bước tôi cũng không nhường. Tôi là gã nhà thơ trói gà không chặt nhưng vẫn cứ là một công dân chống Tàu nghiêm ngặt nếu nó đụng vào đất nước tôi. Số tôi nó thế. Thân lừa ưa nặng biết làm sao.
Thôi thì may ra kiếp khác vậy!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét