Pages

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Kinh tế Trung Quốc đáng sợ không?


Ngô Nhân Dụng - Kinh tế Trung Quốc có mạnh hay không? Nếu so sánh với Việt Nam thì họ rất mạnh. Mạnh không phải vì nước họ đông người hơn, nhưng vì dân họ làm việc nhiều, sản xuất nhiều hơn.
  Trước đây trong mục này đã báo động: Ðiều đáng lo ngại nhất khi nói đến mối đe dọa của Trung Quốc không phải là sức mạnh quân sự của họ, mà là sức mạnh kinh tế của họ so với dân nước ta. Hiện nay tính bình quân theo đầu người thì một người Trung Hoa giầu hơn một người Việt Nam. Trong khi đó thì họ vẫn làm việc nhiều hơn mình, càng ngày họ càng bỏ xa mình hơn.
Nhưng đó chỉ là so sánh giữa Trung Quốc với Việt Nam. Còn giữa Trung Quốc với các nước khác trên thế giới, họ vẫn là một nước “đang lên,” và còn lâu mới lên theo kịp các nước khác. Chúng ta thường nghe nói trong vòng bẩy, tám năm nữa kinh tế Trung Quốc sẽ ngang hàng với kinh tế Mỹ. Nhưng không nên quên rằng dân số Trung Quốc lớn gấp bốn lần nước Mỹ. Nghĩa là khi tổng sản lượng của hai nước bằng nhau thì một người Trung Hoa vẫn nghèo, lợi tức chỉ bằng một phần tư của một người Mỹ trung bình. Ngay bây giờ, lợi tức bình quân của người Trung Hoa ở đại lục đứng hàng thứ 90 trên thế giới, thấp hơn những nước như Slovenia, Estonia, Hy Lạp, Cộng Hòa Tiệp (Czech), Puerto Rico, Brunei,… (Dân Mỹ đứng hàng thứ 11 trong bảng sắp hạng này, thua các nước nhỏ như Na Uy, Ðan Mạch, Hòa Lan).

Nhưng tình trạng yếu ớt của kinh tế Trung Quốc không phải chỉ nằm trong lợi tức theo đầu người. Nhược điểm tiềm tàng trong kinh tế Trung Quốc là nó phát triển không bền vững. Trước hết, đó là một nền kinh tế “không cân bằng,” như chính Thủ Tướng Ôn Gia Bảo công nhận. Trong một nền kinh tế như ở Mỹ, người tiêu thụ là động cơ thúc đẩy các hoạt động kinh tế; vì dân Mỹ chi tiêu đóng góp từ 66% đến 70% vào Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP). Ở Trung Quốc thì ngược lại, chỉ có 34% GDP là cung cấp cho người dân tiêu thụ. Dân Á Châu nổi tiếng là tiết kiệm nhiều, nhưng ở Nam Hàn người tiêu thụ vẫn được hưởng 50% tổng sản lượng nội địa, tại Nhật Bản tỷ lệ lên 53%.
Khi toàn dân sản xuất ra 100 đồng mà chỉ được tiêu dùng 34 đồng, thì số của còn lại được tạo ra rồi đi đâu? Phần lớn đi vào túi nhà nước. Thứ nhất là được đem xuất cảng, rồi bán được lấy tiền thu về phần lớn đưa vào quỹ dự trữ ngoại tệ, quỹ đó cứ tăng lên dần dần lên trên 3,000 tỷ đô la, mức cao nhất thế giới, nghe rất “ấn tượng” nhưng cũng rất phí phạm. Tại sao phí phạm? Bởi vì nếu số tiền thu về đó được đưa cho dân chúng hưởng (dưới hình thức lương bổng cao hơn) thì hàng trăm triệu người đã có cuộc sống khá giả hơn. Nếu chính quyền giữ lấy, nhưng sử dụng vào các dịch vụ cho dân, thì cũng ích lợi hơn. Thí dụ, đem tiền thu về mà nâng cao các dịch vụ y tế nông thôn, tăng hưu bổng cho người già nghỉ hưu, thì dân cũng vẫn được hưởng! Hiện nay các dịch vụ y tế và hưu bổng công mà dân nước Tàu được hưởng chỉ lớn bằng 5.7% GDP. Tỷ số đó quá thấp, chưa bằng một nửa tỷ số ở các nước khác đang trên cùng một trình độ phát triển như Trung Quốc; mà số trung bình là 12.3%.
Nếu không trả lương cao hơn cho giới lao động để họ được dùng, cũng không cung cấp đủ các dịch vụ y tế, xã hội cho người dân, thì số tiền thu về nhờ xuất cảng họ dùng để làm gì? Ðảng Cộng Sản Trung Hoa đem tiền đó đầu tư vào thứ chứng khoán được lãi nhất thế giới, là công trái của chính phủ Mỹ. Nghĩa là dân Trung Hoa nai lưng ra làm, cuối cùng dân Mỹ được hưởng. Vừa được mua hàng hóa rẻ vì lương công nhân bên Tàu thấp, lại được vay tiền với lãi suất rất thấp, để tiêu xài. Rút cuộc thì dân Trung Hoa đổ mồ hôi làm cho dân Mỹ hưởng! Dân Mỹ đã được nuông chiều, phóng tay đi vay nợ, rồi đi tới cảnh vỡ nợ tùm lum; đó là do họ tự chuốc họa. Nhiều nhà chính trị Mỹ còn đổ lỗi cho chính phủ Bắc Kinh đem cho dân nước họ vay nhiều quá!
Nhưng thực sự kinh tế Trung Quốc cũng không dựa trên xuất cảng để kéo dài tình trạng phát triển đến 9% hay 10% trong những năm qua. Yếu tố chính tạo ra tỷ lệ tăng trưởng đó là phần đầu tư. Hãy hình dung tình trạng gần đây: Trong một nước người dân tiêu thụ ít quá, các xí nghiệp xuất cảng gặp khó khăn vì kinh tế thế giới suy yếu khiến dân chúng các nước vẫn mua hàng của họ bây giờ nghèo hơn, mua bớt đi. Phải làm gì cho số công nhân mất việc không tăng lên, gây bất ổn chính trị? Họ đã theo một chính sách từ mấy năm nay: Bỏ tiền ra đầu tư, tức là xây dựng thêm nhà cửa, đường sá, phi trường, các nhà máy mới, thiết bị mới, vân vân. Riêng số tiền bỏ ra đầu tư đó cũng tạo ra công việc làm và nâng con số tổng sản lượng nội địa lên, bù lại với con số xuống vì giảm bớt xuất cảng.
Nhưng số tiền đầu tư đó không đem lại lợi ích kinh tế thật sự cho người dân hưởng. Nhiều nhà cửa, cao ốc xây lên rồi bỏ trống. Nhiều nhà máy dựng lên rồi không kiếm được khách mua sản phẩm của mình. Ðại đa số các số tiền đầu tư được đổ vào hai nơi là các doanh nghiệp nhà nuớc và các chính quyền địa phương; tức là vào tay các đảng viên cộng sản. Trong khi đó các doanh nghiệp tư bị bỏ rơi, ai ngoi lên được thì sống, ai chìm thì cho chết đuối luôn.
Nhưng nhờ đâu mà họ có tiền đổ vào các vụ đầu tư phí phạm như vậy? Là vì đảng Cộng Sản có phép lạ bắt dân Trung Hoa góp tiền cho họ xài! Ðảng và Nhà nước làm chủ tất cả các ngân hàng quốc doanh lớn. Họ trả tiền lãi rất thấp cho người dân gửi tiền, nhưng người dân không có chỗ nào khác để gửi tiền, đành chịu. Các ngân hàng nhà nước đem tiền cho các xí nghiệp quốc doanh vay, nếu xí nghiệp không trả được thì đã có nhà nước bù cho. Ðó là một tổ chức cướp tiền tiết kiệm của dân một cách có hệ thống!
Cả nền kinh tế Trung Quốc trong mấy năm qua dựa trên “phép lạ” đầu tư chỉ để tiếp tục đầu tư thêm, nhờ thế vẫn chưa sụp đổ. Ông Ôn Gia Bảo đã tuyên bố sẽ thay đổi cơ cấu đó, nâng cao số tiêu thụ và giảm bớt đầu tư cho sự phát triển bền vững hơn. Nhưng muốn thói quen của người tiêu thụ thay đổi, muốn họ tiêu nhiều hơn, phải mất thời gian. Họ phải an tâm về tương lai thì mới giám đem tiền ra tiêu. Chính quyền Trung Quốc không đợi được. Nhất là vào một năm thay đổi người lãnh đạo đảng và nhà nước. Cho nên, chính các ông Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo lại phải nới tay, cho các ngân hàng đổ thêm tiền ra cho các doanh nghiệp nhà nuớc và chính quyền huyện, tỉnh; phần đầu tư lại tăng lên từ đầu năm nay. Hai người đó chắc chắn không muốn năm cuối cùng nhiệm kỳ của họ lại được ghi là một năm kinh tế trì trệ! Thà phát triển một cách giả tạo còn hơn là không tăng lên được trên 7% hay 8%! Việc thay đổi cơ cấu để sang năm cho Tập Cận Bình gánh vác!
Ai cũng thấy tình trạng này không thể kéo dài được. Cho nên, những người Trung Hoa có tiền trong lục địa đã tìm đường thoát ra ngoài. Trước hết, đồng tiền biết chạy, mặc dù vẫn có lệnh cấm. Năm ngoái số tiền người Trung Hoa chuyển ra nước ngoài đã lên tới gần 600 tỷ đô la Mỹ. Họ chuyển tiền, gửi con ra nước ngoài học, gửi vợ đi trông con. Riêng nước Mỹ đã cấp 68,000 “thẻ xanh” cho người Trung Quốc sang định cư; con số chỉ thua số người Mexico vào Mỹ chính thức. Có một triệu đô la là một nhà giầu Trung Quốc sang ở Mỹ, Canada, Australia dễ dàng. trong số 27,000 người Trung Hoa với tài sản trên 100 triệu đồng nguyên (khoảng 15 triệu đô la Mỹ) thì có tới 27% đã rời khỏi nước, và 47% đã chuẩn bị đi, chỉ còn lo giấy tờ thôi; các con số đó là do Ngân hàng China Merchants Bank điều tra và công bố.
Tại sao người có tiền tìm đường chạy? Vì họ cũng không tin nền kinh tế còn tiếp tục chạy được với tốc độ cũ. Nhưng lý do quan trọng hơn nữa là họ cũng cảm thấy tài sản của họ rất bấp bênh trong hệ thống chính trị cộng sản. Mua một cao ốc, nhưng giấy phép cho “quyền sử dụng” tòa nhà đó chỉ có 70 năm. Sau 70 năm sẽ ra sao? Không ai biết được. Ðó là chưa kể các tham quan cần tẩu tán tài sản trước khi phe cánh mình bị thất thế.
Cho nên, chúng ta không nên ngộ nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc cứ thế mà lên, đè bẹp các nước khác. Bên trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc không có động cơ tạo sức phát triển bền vững mà trá lại còn chứa những trái bom nổ chậm không biết lúc nào nổ. Tất nhiên, trên đây là nói chuyện kinh tế Trung Quốc so với các nước khác. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc có những nhược điểm trong thì Việt Nam cũng sao chép giống hệt. Ðiều đáng lo cho nước mình là vì mình chỉ đi theo đuôi họ cho nên lúc nào cũng chậm chân hơn!
Như một nhà kinh doanh đã hoạt động tại cả Việt Nam lẫn bên Tàu nhận xét: Quan chức Trung Hoa họ có “ăn” nhưng cũng có “làm,” vì trong hệ thống của họ đã đặt những tiêu chuẩn thăng thưởng dựa trên thành quả kinh tế. Còn ở Việt Nam thì các quan có “ăn” nhưng không cần làm; việc thăng quan tiến chức hoàn toàn dựa trên liên hệ bè phái, không cần biết đến kết quả công việc làm. Một ông Nguyễn Tấn Dũng thâu tóm tất cả các tổng công ty nhà nước vào tay để phân phát cho tay chân, bè phái, tình trạng đó còn tệ hơn đám đầu sỏ ở Bắc Kinh! Nói “tệ hơn” nghĩa là nhũng lạm hơn, bất lực hơn, thua lỗ nhiều hơn, tài sản của dân bị thất thoát nhiều hơn. Bên Trung Quốc chưa có một vụ mất tiền nào tương đương với các vụ Vinashin và Vinalines ở Việt Nam cả!

Không có nhận xét nào: