Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Lương tri Trung Hoa


Tống Văn Công
Ngày 22.7, Trung Quốc (TQ) khai trương hoạt động trái phép trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Ngày 23.7, họ tổ chức cuộc họp “Hội đồng Nhân dân khóa 1” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của VN.
Từng ngày, họ ngang nhiên xâm phạm chủ quyền nước ta, chà đạp lên chính chữ ký của họ thỏa thuận DOC, cam kết cùng đối thoại, hợp tác vì ổn định và tin cậy trong khu vực.
Để chống lại có hiệu quả những bước leo thang của TQ, rất nhiều việc đặt ra trước chúng ta: Trước hết, mọi người VN cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước họa ngoại xâm, đoàn kết, sẵn sàng gánh vác mọi việc để nâng cao nội lực của đất nước, đặc biệt là kinh tế và quốc phòng. Về đối ngoại, phải tranh thủ bạn bè ở các quốc gia yêu chuộng hoà bình, làm cho nhân loại tiến bộ hiểu chúng ta, một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý, đang là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng, bá quyền. Khơi dậy lương tri Trung Hoa là một việc vô cùng hệ trọng trong cuộc đấu tranh này. Phải luôn luôn phân biệt rạch ròi giữa một số thế lực hiếu chiến tại TQ với nhân dân Trung Hoa vốn sống theo đức nhân của Khổng Tử với nội dung là “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (điều gì mình không muốn thì đừng gây cho người khác”).

Tất cả thế lực bạo quyền, xâm lược xưa nay đều rất coi trọng việc tuyên truyền, đầu độc quần chúng bằng những điều dối trá. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Đức quốc xã Goebbels nổi tiếng với câu: “Nói 10 lần người ta chưa tin, thì nói 100 lần họ sẽ tin”.
Trung Quốc còn cao thủ hơn, họ đưa vào sách giáo khoa các vùng biển và các quần đảo mà họ đơn phương cho rằng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Họ cho phát hành 23.527 tạp chí nghiên cứu biển Nam Trung Hoa (biển Đông) minh họa luận điệu dối trá của họ. Trong 10 năm, họ khuyến khích cho làm 238 luận văn tiến sĩ về biển Đông và các quần đảo, có nội dung xác định chủ quyền Trung Quốc; họ tổ chức 516 cuộc hội thảo về biển Đông, biển Đông Bắc, các quần đảo và cho phổ biến rộng rãi trên hệ thống truyền thông, vu cáo các nước trong đó có VN chiếm đoạt biển, đảo của Trung Quốc.
Họ luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải kiềm chế, coi trọng đại cục, không làm rối tình hình, không đưa tin những vụ va chạm (do họ gây ra) lên báo chí, nhưng họ làm ngược lại, ngày nào cũng ra rả vu khống, đe dọa VN, kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán trong nhân dân Trung Quốc.
Chắc chắn những người có lương tri muốn nói lên lòng mong muốn sự công bằng với lân bang láng giềng từng một thời “môi hở răng lạnh” không khỏi bị các thế lực hiếu chiến răn đe. Trong tình hình như vậy, chúng ta vô cùng xúc động trước sự trỗi dậy của lương tri Trung Quốc. Năm ngoái, giữa lúc căng thẳng do tàu hải giám Trung Quốc liên tục cắt cáp 2 hai tàu thăm dò của ta, Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) mời GS Vũ Cao Phan trả lời phỏng vấn. GS đã được dịp nói rõ Hoàng Sa vốn là của VN, do đó không thể “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Năm nay, giữa lúc Trung Quốc hung hăng diễu võ dương oai thì hàng loạt các trí thức, nhà nghiên cứu lên tiếng rất mạnh mẽ, vạch rõ những sai trái không thể bào chữa của nhà cầm quyền. Biên tập viên Tân Hoa xã Chu Phương: “Hãy lập tức xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bởi vì nó là trò cười quốc tế điển hình”.
Nhà nghiên cứu Lý Lệnh Hoa: “Đường lưỡi bò chiếm 80% biển Nam Trung Hoa là do Trung Quốc tự vẽ”. GS Hà Quang Hộ cho rằng “đòi hỏi vô lý là không biết giữ nhân tình”.
GS Trương Thư Quang: “Quyền lợi của Trung Quốc cần phải được các nước thừa nhận”. GS Trương Kỳ Phạm khuyên nhà cầm quyền đừng theo luật rừng, nên theo luật biển v.v… Lương tri từ các trí thức sáng suốt và dũng cảm chắc chắn sẽ nhanh chóng lan tỏa đến 1,3 tỉ người, trở thành lương tri Trung Hoa.
Theo Lao Động
Chuyên gia Dương Danh Dy: Trung Quốc sẽ còn kiếm cớ khiêu khích
“Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền, bảo vệ sự an toàn của ngư dân chúng ta nhưng bằng những phương cách linh hoạt và khôn khéo”.
Chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên NTNN
Thưa ông, vừa rồi báo chí Trung Quốc có đưa tin về việc phía Trung Quốc thành lập một đơn vị cấp sư đoàn để huấn luyện, chỉ huy các hoạt động quân sự cho lực lượng ngư dân của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm – Hoàng Sa (Việt Nam). Ông đánh giá thế nào về động thái này từ phía Trung Quốc?
- Đúng như tôi đã từng dự báo, tất cả những động thái này đều nằm trong ý đồchiến lược của Trung Quốc và họ sẽ chưa dừng lại.
Từ việc thành lập thành phố Tam Sa, tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng biển chủ quyền VN, rồi đề xuất vũ trang cho tàu cá, ngư dân của họ…, tất cả đều là đường đi nước bước đã được họ tính toán kỹ lưỡng.
Trước đây, có nhiều ý kiến cho rằng về chiến lược tại Biển Đông, Trung Quốc coi như đã “hết bài”.
Theo tôi, đó là ý kiến rất chủ quan. Đến năm nay vừa đúng 50 năm tôi nghiên cứu về Trung Quốc, trong đó có 34 năm sống và làm việc ở nước họ nên tôi rất hiểu người Trung Quốc.
Họ đủ khôn ngoan để xoay xở, giở nhiều ngón nghề để kiếm cớ khiêu khích ta. Chắc chắn khi chưa đạt được mục đích thì Trung Quốc chưa dừng lại!
Vậy theo ông, Việt Nam phải hành động thế nào để đáp trả lại những động thái này từ phía Trung Quốc?
- Tôi cũng đã từng nói, khi GDP của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới thì họ bắt đầu xem trọng lợi ích của họ ở Biển Đông, coi đây là yếu tố sống còn, cốt lõi. Thế nên họ đã vạch ra cả một chiến lược với những bước đi bài bản và lâu dài.
Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, chúng ta phải khơi dậy được lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sự đoàn kết nhất trí một lòng trong nhân dân bằng cách tuyên truyền đúng đắn và chính xác về tình hình Biển Đông.
Mặt khác, chúng ta phải kiên quyết bảo vệchủ quyền, bảo vệ an toàn của ngư dân nhưng bằng những phương cách linh hoạt và khôn khéo.
Nếu như họ định vũ trang cho ngư dân, tàu cá thì chúng ta cũng phải sớm thành lập lực lượng dân quân tự vệ trên biển, tăng cường sức mạnh quân sự trên biển, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ cho ngư dân của ta để họ cùng nhau đoàn kết, vững tâm bám biển.
Còn về phản ứng của chúng ta thời gian qua, theo cá nhân tôi, như vậy là cần thiết. Nhưng chúng ta cũng cần phải biết hơn 92% cư dân mạng của Trung Quốc đồng tình với việc sử dụng quân sự ở Biển Đông.
Chúng ta phải thấy rõ điều này để có hướng tuyên truyền đúng đắn, làm cho người dân hiểu đúng về tình hình thực tế ở Biển Đông cũng như những nguy cơ có thể xảy đến!
- Xin cảm ơn ông!
Hải Phong thực hiện
Theo Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét