Pages

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Ngư dân hoang mang vì tàu cá liên tục bị bắt giữ


GTT.VN – Hết bắt tàu của ngư dân huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn, nay Trung Quốc lại bắt liên tiếp sáu tàu của ngư dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đến đêm 9.7, ba tàu cá và 30 ngư dân đã được thả ra, nhưng vẫn còn ba tàu bị Trung Quốc giữ ở đảo Hải Nam.
Đây là lần đầu tiên ngư dân ở xã Phổ Thạnh bị Trung Quốc bắt tàu, khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn nợ nần và hoang mang.
Tàu cá của thuyền trưởng Nguyễn Duy Việt được Trung Quốc thả về đến cảng Sa Huỳnh. Ảnh: Phạm Anh
Vào xin cứu nạn cũng bị bắt giữ tàu
Sáng ngày 10.7, có mặt tại thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, chúng tôi nghe người dân vùng biển này bàn tán xôn xao chuyện sáu tàu cá ở đây bị Trung Quốc bắt trong hai ngày 2.7 và 6.7. Đến nhà thuyền trưởng tàu QNg 94876 TS Nguyễn Duy Việt, chúng tôi thấy bốn anh em họ buồn não nề. Việt cho biết, tàu QNg 94876 TS và tàu QNg 94411 TS hành nghề giã cào đôi. Ngày 24.6 tàu xuất bến đánh bắt mấy ngày ở gần đảo Lý Sơn, sau đó mới ra vùng quần đảo Hoàng Sa đánh bắt. Không may, khoảng 6 giờ sáng ngày 2.7, khi đánh bắt được khoảng một giờ thì dây cáp của tàu QNg 94876 TS bị đứt dây cáp nên gây chấn thương sọ não cho Võ Bảo (hay Võ Ngọc Thạch).

“Nếu chạy về đất liền thì quá xa, cậu Bảo (cậu ruột của Việt – PV) có thể mất máu và thiệt mạng, do vậy anh em trên tàu quyết định treo cờ trắng chạy vào đảo Hải Nam để xin cứu nạn. Vậy mà ai ngờ, khi cứu nạn xong, Trung Quốc lại giam luôn tàu”, thuyền trưởng Việt ngậm ngùi.
Theo lời kể của thuyền trưởng tàu QNg 94411 TS là Nguyễn Duy Nam, khi vào đảo Hải Nam khoảng 12 giờ ngày 2.7, Trung Quốc cho hai tàu cứu nạn và một tàu hải quân chạy ra đưa vào. Sau đó, các tàu này đưa người bị nạn là Võ Bảo đi cứu chữa và cho nằm viện. Đến ngày 4.7, thuyền viên trên tàu cá của thuyền trưởng Việt xin cho Bảo về tàu nằm, đồng thời xin được về nhà ở đất liền. Thế nhưng phía Trung Quốc cho 11 ngư dân của hai tàu lên tàu nhỏ QNg 94876 TS chở về, còn tàu lớn QNg 94411 TS thì giam lại.
Nam bức xúc: “Họ lột sạch ngư lưới cụ, 2.000 lít dầu… rồi mới cho về. Tui tiếc của, cố nói cho tàu lớn chạy về, còn để tàu nhỏ lại nhưng Trung Quốc quyết không cho”. Thuyền trưởng Nam cho hay, tàu bị giam giữ là tàu mới đóng năm 2011, trị giá khoảng 1,2 tỉ đồng, cộng với giàn ngư lưới cụ, 7 tấn cá và tổn phí ra khơi của hai tàu, coi như đã bị Trung Quốc cướp trắng khoảng 1,7 tỉ đồng.
Chiều ngày 10.7, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Em, phó chủ tịch UBND huyện Đức Phổ cho biết, vào chiều ngày 9.7, lực lượng biên phòng đóng trên địa bàn đã báo cáo cho huyện biết tình hình ngư dân đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt. Sáng nay 10.7, UBND xã Phổ Thạnh cũng báo cho huyện biết nội dung này. “Huyện đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn báo cáo việc tàu ngư dân bị Trung Quốc bắt cho UBND tỉnh Quảng Ngãi. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho lực lượng chức năng xác minh làm rõ thêm tình tiết tàu cá bị Trung Quốc bắt vừa qua để có giải pháp tiếp theo”, ông Trần Em cho hay.
Tạm biệt thuyền viên trên tàu của hai anh em Việt và Nam, chúng tôi đến nhà ông Lục Nghĩa Tơ, chủ hai tàu QNg 94799 TS và QNg 94096 TS. Ông Tơ thở dài thườn thượt: Sau mấy chục năm đi bạn, mấy cha con mới đóng được đôi tàu ba năm nay, vậy mà ngày 6.7, khi đánh bắt ở vùng quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc bắt cả hai tàu, rồi lựa tàu “ngon” giữ lại, còn tàu nhỏ thì thả về. “Con tàu cùng tài sản, máy móc, ngư lưới cụ và khoảng 8 tấn cá, tính ra cũng 1,4 tỉ đồng. Biết lấy gì mà sắm lại. Tàu giã cào đôi, giờ còn một thì cào với giã kiểu gì được nữa”, ông Tơ ôm đầu, nét mặt lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh cho hay, ngoài bốn tàu cá kể trên thì cũng trong ngày 6.7, Trung Quốc đã bắt đôi tàu hành nghề giã cào của ông Trần Minh Giữ. Đó là tàu QNg 94484TS với bảy ngư dân do thuyền trưởng Trần Minh Khiêm điều khiển và tàu QNg 98648 TS với bốn ngư dân do thuyền trưởng Võ Quốc Việt điều khiển. Hai tàu này khi hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thì bị bắt. Đến ngày 8.7, Trung Quốc giam tàu QNg 96845 TS và cho tàu QNg 98648 TS chở 11 ngư dân hai tàu này về nước. Đây là lần đầu tiên tàu cá của địa phương này bị Trung Quốc bắt giữ. Tính thấp nhất, tổng giá trị của ba con tàu Trung Quốc giam giữ khoảng 3,5 tỉ đồng.
“Tâm lý bà con ngư dân rất hoang mang bởi có đến 250 con tàu đánh bắt xa bờ của xã đang hoạt động tại ngư trường Hoàng Sa. Nếu bị bắt liên tục kiểu này, chắc họ phải tính toán lại, thậm chí có thể không dám ra ngư trường này nữa. Chúng tôi đã có công văn đề nghị cấp trên can thiệp để Trung Quốc thả ba tàu về cho ngư dân”, ông Trinh cho hay.
Cũng theo ông Trinh, ba chiếc tàu của xã Phổ Thạnh bị bắt giữ, đều là tàu do các gia đình chạy vay bà con, ngân hàng cùng hùn vào đóng mới nên nợ nần rất nhiều. Giờ bị Trung Quốc bắt giữ, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Thị Những – vợ của ngư dân Võ Bảo bị chấn thương sọ não, đã có bầu tám tháng.

Nỗi lo nợ nần
Sáng 10.7, chị Nguyễn Thị Những, vợ thuyền viên Võ Bảo, ngồi lặng người khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị Những cho hay, bao nhiêu năm đi làm chung với các tàu bạn khác, tích góp được ít tiền tiết kiệm, đến đầu năm 2011 cả nhà chị quyết định chạy vay từng đồng hùn vào hơn 300 triệu đồng với bốn người cháu để đóng mới tàu QNg 94411 TS, tổng số tiền hơn 800 triệu đồng. “Tưởng đâu mình có tàu mới, có thể tự đi biển, làm kiếm tiền nuôi con, trả nợ. Nào ngờ vừa đóng xong tàu, đi chưa được bao lâu thì bị Trung Quốc bắt giữ. Hiện nợ ngân hàng, nợ bà con thân quen đã hơn 200 triệu đồng… Không biết tiền đâu để có thể sinh sống, nuôi con bây giờ”, kể xong, nước mắt tuôn dài trên gò má chị Những.
Theo ông Võ Ngọc Duyên, trưởng thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, gia đình chị Những là một trong những gia đình nghèo nhất xóm. “Làm chật vật hàng chục năm qua, giờ có chút đỉnh hùn chung sắm tàu mới thì bị bắt. Tiền nợ vẫn còn đó, tàu thì bị bắt, chồng thì bị nạn phải nằm viện… không biết sắp tới họ làm gì để nuôi bốn đứa con còn quá nhỏ”, ông Duyên chua xót kể.
Cạnh nhà của chị Những là hai căn nhà của hai anh em Lục Nghĩa Minh và Lục Nghĩa Thành. Cũng giống như căn nhà xập xệ cấp 4 của chị Những, nhà anh Minh và Thành cũng chỉ được dựng tạm bợ để chống mưa, chống nắng. Khi tiếp chúng tôi, anh Lục Nghĩa Minh không giấu được lo lắng: “Không còn tàu nữa, không biết sắp tới phải làm ăn, sinh sống ra sao”. Anh Minh (con ông Tơ) cho biết, để đóng mới được tàu QNg 94799 TS (hiện bị Trung Quốc bắt giữ) cả hai anh em phải vay mượn ngân hàng, bà con hơn 500 triệu đồng. Giờ bị giữ tàu, tài sản thiệt hại khoảng 1,6 tỉ đồng, nợ nần càng chồng chất hơn…

Không có nhận xét nào: