Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Những cơn nóng lạnh trên đấu trường chính trị Việt nam


Lê Anh Hùng

Mấy năm gần đây, những biến động chính trị trong khu vực và trên thế giới cùng những biến chuyển mau lẹ trong lòng xã hội Việt Nam đã tạo ra ảnh hưởng rõ rệt lên bầu không khí chính trị trong nước. Mặc dù là một thể chế chính trị độc tài đảng trị, song – như ở phần lớn các nước theo thể chế chính trị dân chủ, đa nguyên đa đảng khác – trong nội bộ Đảng CSVN cũng luôn tồn tại hai phe phái chính trị chủ yếu theo đường lối bảo thủ và đường lối cấp tiến, cùng một vài phe nhóm khác kém nổi trội hơn, theo đường lối trung dung hoặc khi nghiêng bên này lúc ngả bên kia.
Cuộc đấu tranh giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến vẫn diễn ra âm thầm suốt mấy chục năm qua với phần thắng hầu như luôn nghiêng về phía phe bảo thủ. Thế cuộc xoay vần. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam diễn ra trầm trọng và kéo dài từ cuối thập niên 1970 cho đến giữa những năm 1980 buộc các thế lực bảo thủ phải lùi một bước, mở đường cho cái gọi là “đổi mới” bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng CSVN năm 1986, trước khi giành lại ưu thế kể từ Đại hội VII năm 1991. Trước thềm Đại hội X năm 2006, phái cấp tiến trong Đảng do ông Nguyễn Minh Triết cầm đầu tưởng chừng như giành thắng lợi đến nơi khi đương kim TBT Nông Đức Mạnh, người cầm đầu phái bảo thủ, dính vào vụ bê bối PMU18. Nhưng sau đó, những cuộc dàn xếp và bắt tay ở hậu trường đã giúp cho ông Nông Đức Mạnh thoát hiểm ngoạn mục và lại tiếp tục đại diện cho sự thống trị của đường lối bảo thủ trên chính trường Việt Nam. Mặc dù vậy, sau Đại hội X, phe cấp tiến nói chung cũng như bản thân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói riêng đã xác lập được vị thế ngang ngửa với phe bảo thủ của TBT Nông Đức Mạnh trên bàn cờ chính trị, bằng chứng là ông Nguyễn Minh Triết thường cùng với ông Nông Đức Mạnh chủ toạ các cuộc hội nghị của BCHTW Đảng – lần đầu tiên trong lịch sử, đây không còn là vị trí độc tôn của Tổng Bí thư như các khoá trước nữa.
Thậm chí, trong nhiệm kỳ khoá X (2006-2011), phe cấp tiến của bộ đôi Nguyễn Minh Triết - Trương Tấn Sang đã có một thời gian thực sự giành thế thượng phong trên chính trường. Đó là giai đoạn kể từ giữa năm 2008 cho đến cuối năm 2009. Sự kiện đánh dấu sự yếu thế của ông Nông Đức Mạnh nói riêng và phe bảo thủ nói chung chính là việc ông ta buộc phải chấp nhận cho Ban Bí thư kỷ luật chiến hữu của mình là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến (người từng phải sắm vai “tốt thí” để ông Nông Đức Mạnh thoát hiểm vụ PMU18) vào ngày 12/8/2008, mặc dù trước đó, ngày 28/3/2008, VKSND Tối cao đã chính thức công bố Quyết định số 13/VKSNDTC-V1A đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Việt Tiến và việc ông này trở lại chiếc ghế Thứ trưởng Bộ GTVT tưởng như chỉ còn là vấn đề thủ tục. (Trong quyết định này, VKSND Tối cao đề nghị: Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Việt Tiến theo quy định của pháp luật.) Sau khi ông Nông Đức Mạnh thất thế, cán cân quyền lực trong Bộ Chính trị cũng thay đổi, nghiêng về phía những người chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ và tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc. Đấy chính là lý do vì sao các tin tức về Hoàng Sa - Trường Sa bỗng trở nên sốt dẻo và bắt đầu được thể hiện mạnh mẽ trên các trang báo ở Việt Nam.
Một dẫn chứng khác để chứng minh cho sự thất thế của ông Nông Đức Mạnh cùng phe phái bảo thủ và sự thắng thế (tạm thời) của ông Nguyễn Minh Triết và phe cấp tiến là trang mạng Bauxite Vietnam, một hiện tượng gây xôn xao dư luận khi xuất hiện vào tháng 4/2009, giai đoạn mà phe cấp tiến của ông Nguyễn Minh Triết và ông Trương Tấn Sang đang chiếm ưu thế trước phe bảo thủ trong Đảng. Thời gian đầu trang mạng này hoạt động khá thoải mái và mãi đến tháng 12/2009 nó mới bắt đầu bị đánh phá rồi đến tháng 1/2010 (thời điểm ông Nguyễn Minh Triết vừa bị thất sủng) mới bị nhà chức trách sách nhiễu lần đầu tiên, song lúc này nó đã trở thành một hiện thực mà nhà cầm quyền dù cảm thấy khó chịu đến mấy cũng không thể vùi dập được nữa. (Nên nhớ rằng dự án Bauxite Tây Nguyên gắn liền với “tên tuổi” của TBT Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.) Bauxite Việt Nam là trang mạng tiên phong, mở màn cho sự ra đời của hàng loạt trang mạng cá nhân mà hiện nay thường được gọi bằng cái tên chung là “báo chí lề trái” hay “báo chí lề dân”.
Đáng tiếc là trạng thái cân bằng cũng như ưu thế của phe cấp tiến so với phe bảo thủ nói trên lại không duy trì được lâu. Sau khi ông ông Nông Đức Mạnh bị gạt sang một bên thì đến lượt ông Nguyễn Minh Triết cũng bị thất thế trong Bộ Chính trị do dính líu đến các vụ bê bối. Xin dẫn ra đây vài dẫn chứng để minh hoạ cho nhận định này:
v     Bài “Thêm thông tin Wikileaks rò rỉ về Việt Nam” trên trang BBC Vietnamese ngày 13/1/2011 cho biết:
Bức điện của ông Michalak nói bản thân ông Mạnh thời gian gần đây đã rút lui khỏi việc làm quyết sách mà chuyển sang công tác xây dựng nội bộ Đảng.
Bức điện dẫn lời Đại sứ Nhật Bản lúc đó là Mitsuo Sakaba, người tháp tùng ông Mạnh sang Nhật hồi tháng Tư, nói rằng ông tỏ ra hờ hững trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Taro Aso, không nói chuyện nhiều mà chỉ đọc bằng một giọng đều đều từ đầu đến cuối diễn văn dài 30 phút đã được trợ lý chuẩn bị trước.
Nhưng sau đó khi đi thăm một cơ sở nông nghiệp ở ngoại ô Tokyo thì trông ông sinh động hẳn lên.
Lý do có lẽ là, theo nhận định mà sứ quán Mỹ có, ông Sang đã đảm nhận nhiều công việc của ông Mạnh. (Báo Nhật Asahi trong một bài đầu năm 2011 được BBC giới thiệu cũng nói ông Trương Tấn Sang là nhân vật "thân Nhật Bản".)
v    Trong cuộc thăm viếng chính thức cấp nhà nước tới Lào và Campuchia từ ngày 24 đến ngày 28/8/2010, tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ có 2 nhân vật mang hàm bộ trưởng là ông Chủ nhiệm Văn phỏng Chủ tịch nước Nguyễn Văn Chiền (thành viên đương nhiên) và tân Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận (người chưa phải là Uỷ viên TW Đảng). Đây là đoàn tháp tùng èo uột nhất từ trước đến nay đối với một bậc “nguyên thủ quốc gia”, người từng “sát cánh” cùng TBT Nông Đức Mạnh trên bục danh dự trong lễ tiếp đón TBT, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngày 16/11/2006 (điều chưa hề có tiền lệ). Ngoài ra, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, trong khi Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trịnh trọng chủ trì lễ khai mạc ngày 1/10/2010 thì ngài Chủ tịch nước lại chỉ được dự lễ khánh thành tượng đài Thánh Gióng (một phần của chương trình Đại  lễ) ngày 6/10/2010.
Sự thất thế của ông Nguyễn Minh Triết cũng đồng nghĩa với việc phái bảo thủ giành lại thế thượng phong trước sự lùi bước của phe cấp tiến. Cụ thể:
Cương lĩnh Đảng năm 1991 viết: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội: "có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu".
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (2006) viết khác: "có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên nền sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất".
Đến dự thảo lần thứ nhất Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 (4-2009) viết về vấn đề này y nguyên như ở Đại hội Đảng lần thứ X. Dự thảo lần thứ hai Bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 (9-2009) bổ sung thêm từ "tiến bộ". Nguyên văn: "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp". Ở Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (10-2009) trình bày như Dự thảo lần thứ hai nói trên và đã được thông qua.
Ở Hội nghị Trung ương 12 (3-2010) xóa bỏ các cách trình bày nói trên, quay trở lại mệnh đề của Cương lĩnh 1991.
(Về đặc trưng kinh tế của chủ nghĩa xã hội – Lê Xuân Tùng – Báo Nhân Dân, tháng 9.2010)
Sự thất thế của phe cấp tiến so với phe bảo thủ, kể từ Hội nghị TW 12 khoá X cuối tháng 3/2010, được đánh dấu qua sự thụt lùi của Dự thảo Văn kiện Đại hội XI so với Đại hội X. Song cũng kể từ đây, trên sân khấu chính trị Việt Nam lại xuất hiện một hiện tượng chưa từng có tiền lệ: đó là thế giằng co giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến, kéo dài cho đến nay. Thực tế này đã dẫn đến những diễn biến bất ngờ và khó lường trên đấu trường chính trị, khiến nhiều người chưa kịp vui mừng thì đã bị cụt hứng.
Đầu tiên, ngày 25/8/2010, ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội:“Đối với vấn đề sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận nên chuẩn bị hai phương án: một là nếu chuẩn bị kịp, các điều kiện chín muồi, có thể tiến hành thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8; hai là nếu không chuẩn bị kịp thì Quốc hội sẽ họp thêm một kỳ họp ngắn vào tháng 12 để thảo luận và quyết định việc sửa đổi Hiến pháp.”Trước đó, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nhiều lần được đặt ra nhưng đều bị phe bảo thủ trong Đảng tìm mọi cách gạt đi, và khi không thể né tránh thì họ lại viện cớ là phải sửa Cương lĩnh của Đảng trước khi sửa Hiến pháp (!?). Vì vậy, việc ngài Chủ tịch QH (một trong “tứ trụ” của hệ thống) phát đi thông điệp chính thức đến toàn thể quốc dân như thế là một dấu hiệu rất đáng mừng, ít nhất là ở chỗ ban lãnh đạo Đảng đã chấp nhận việc thay đổi Hiến pháp mà không cần phải chờ Cương lĩnh mới tại Đại hội XI của Đảng.
Tiếp theo, đến giữa tháng 9/2010, trước thời điểm chính thức công bố dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI để “lấy ý kiến nhân dân”, trong một chương trình thời sự 19h của VTV, phát thanh viên khi đưa tin về một số điểm mấu chốt của văn kiện đã nói là Đảng “lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động của mình”, nghĩa là không còn tự chụp cái vòng kim cô “chủ nghĩa Marx-Lenin” lên đầu mình nữa. Chương trình thời sự hôm đó và hôm kế tiếp đã cho phát một số ý kiến cá nhân rất thẳng thắn và mạnh mẽ.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Phe bảo thủ lập tức phản công và đến khi dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng được công bố chính thức trên các tờ báo vài hôm sau đó thì cụm từ “chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh” lại xuất hiện. Luồng gió cách tân yếu ớt đã bị thổi bạt. Và xu hướng thắng thế của phe bảo thủ trong Đảng, lúc này do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, được khẳng định qua bài phát biểu của ngài Chủ tịch QH tại buổi lễ trao Huân chương Sao Vàng lần thứ 2 cho Quân khu III ngày 29/10/2010:
Chủ tịch QH nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến động phức tạp, khó lường và tình hình đất nước có sự phát triển mới, âm mưu của các thế lực thù địch chống phá độc lập dân tộc và CNXH ở nước ta chẳng những không thay đổi mà còn điên cuồng và thâm độc hơn; mục tiêu nhất quán của chúng là muốn xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở nước ta, xóa bỏ thành quả cách mạng của dân tộc ta. Vì vậy, quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Quân khu 3 nói riêng, tuyệt đối không được mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác.
Sau đó, mọi hy vọng về một cuộc canh tân đất nước hầu như bị dập tắt phũ phàng khi TS Cù Huy Hà Vũ bị bắt vào rạng sáng ngày 5/11/2010. Hệ quả tất yếu là Đại hội XI của Đảng đã cho ra đời một ban lãnh đạo mới mà phần lớn là những gương mặt bảo thủ. Ông Trương Tấn Sang, người lúc này là thủ lĩnh phái cấp tiến trong Đảng thay thế vị trí của ông Nguyễn Minh Triết trước kia, dường như bị chìm khuất giữa những khuôn mặt bảo thủ với số lượng áp đảo, mà trong “bộ tứ” hiện nay thì “tương quan lực lượng” là 1:3.[1]
Thời thế bỗng chốc lại đổi thay. Ngày 7/5/2011, ông Trương Tấn Sang bất ngờ nổ súng tấn công công khai vào phe nhóm bảo thủ khi phát biểu hùng hồntrong cuộc tiếp xúc cử tri ở Quận 1, Tp HCM: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này.” Tiếp theo, ngày 10/5/2011 tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị”. Rõ ràng, đây là những dấu hiệu cho thấy phe cấp tiến đang trỗi dậy và phe bảo thủ có dấu hiệu lùi bước để mở ra đường hướng phát triển hợp với quy luật và xu thế cho đất nước.
Thế nhưng bắt đầu từ ngày 9/6/2011, tờ Năng Lượng Mới bất ngờ đăng loạt bài lật lại vụ án Năm Cam. Ông Trương Tấn Sang, thủ lĩnh phái cấp tiến, dường như bị tấn công. Kết quả là bài diễn văn bế mạc của TBT Nguyễn Phú Trọng và thông cáo của Hội nghị TW2 ngày 10/7/2011 lại đem đến nỗi thất vọng khi điều mà cả một dân tộc vẫn đang dài cổ chờ đợi từ rất lâu là việc sửa đổi hiến pháp theo hướng dân chủ vẫn bế tắc trong cái vòng kim cô mà Đảng CSVN đã chụp lên đầu dân tộc Việt Nam suốt 2/3 thế kỷ qua.
Tuy nhiên, đến ngày 5/10/2011, khi chương trình Thời sự VTV 19h đưa tin Chủ tịch Trương Tấn Sang họp Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp, người ta lại thấy phát thanh viên chỉ nhắc đến cụm từ “nhà nước pháp quyền” thay vì “nhà nước pháp quyền XHCN” như mọi khi; còn báo Vietnamnet cùng ngày thì đăng bài “Chủ tịch nước: Sửa Hiến pháp là ưu tiên số 1”. Kế đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri Quận 3 và Quận 4 ở Tp HCM ngày 18/10/2011, CTN Trương Tấn Sang lại phát biểu: "Liên quan tới việc xử lý vụ Vinasin, nhiều cử tri đề cập với tâm trạng lo lắng, tôi xin nhắc lại là đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (trước đây) và Tổng bí thư hiện nay đã khẳng định trước cử tri là không để "chìm xuồng" vụ này. Tôi cũng tin tưởng như vậy. Kết quả xử lý thế nào, sẽ có báo cáo trước cử tri".[2] Những dấu hiệu đáng khích lệ này lại còn được “tô điểm” thêm bằng bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận TW nhiệm kỳ 2011-2015 ngày 19/10/2011:
… Tình hình thế giới và khu vực hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, biến đổi mau lẹ, khó lường, đã và sẽ tác động, ảnh hưởng tới tình hình nước ta. Trong tiến trình đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, chúng ta có những thời cơ lớn, để phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Thực tiễn đổi mới 25 năm qua đã cung cấp những kinh nghiệm quý giá, được Đảng tổng kết, khái quát thành lý luận, nâng lên thành những bài học, để xử lý mối quan hệ giữa thời cơ và thách thức cũng như nhiều mối quan hệ khác trong phát triển ở nước ta. Nếu đón bắt kịp và tận dụng được thời cơ thì thách thức, nguy cơ bị đẩy lùi; vượt qua được thách thức, nguy cơ thì thời cơ mới sẽ lại xuất hiện, tạo ra những thuận lợi mới cho sự phát triển. Ngược lại, nếu bỏ lỡ thời cơ thì thách thức, nguy cơ sẽ trở nên gay gắt, trầm trọng hơn; những thách thức, nguy cơ mới sẽ xuất hiện mà việc giải quyết nó sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều, thậm chí có thể làm thất bại sự nghiệp của chúng ta.
… Chúng ta phải ra sức nghiên cứu lý luận từ thực tiễn sinh động chứ không thể giáo điều, chủ quan, tư biện, không thể tự bằng lòng với những kiến thức và kinh nghiệm đã có. Phát triển bền vững trong điều kiện thế giới ngày nay, nhất là trước những biến đổi dữ dội của môi trường và áp lực của kinh tế tri thức, nếu không có những đột phá mới về lý luận thì không thể tạo ra được tiền đề khoa học cho sự phát triển thực tiễn, cho chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đảng và Nhà nước ta.
Rồi ngày 25/11/2011, trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người dính đến rất nhiều vụ bê bối và là người phải chịu trách nhiệm chính về thực trạng kinh tế trồi sụt liên miên suốt mấy năm qua do năng lực điều hành yếu kém cũng như sự dung túng cho các nhóm lợi ích đang ngày càng tác oai tác quái và xâu xé nền kinh tế) đã bộc lộ ý đồ “đón gió, trở cờ” hầu “đoái công chuộc tội”: Thủ tướng thuyết phục Quốc hội xây dựng Luật Biểu tình (Bee).  – Thủ tướng: Có Luật Biểu tình để đảm bảo quyền của dân (VnEconomy).  – Thủ tướng: “Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”(DT).  – Thủ tướng trả lời về Luật Biểu tình và biển Đông (DV).  – QH chất vấn Thủ tướng về Biển Đông, biểu tình yêu nước (GDVN).  – ‘Việt Nam đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng hòa bình’ (VNE).  – Thủ tướng: Hoàng Sa, Trường Sa của VN từ thế kỷ 17(VTC).
Ngày 26/3/2012, bài “Trung Quốc bất tín trong quan hệ với Việt Nam” bỗng nhiên xuất hiện cùng một ngày/giờ/phút trên tất cả các trang web/blog mang tên các vị lãnh đạo đảng CS và chính quyền Việt Nam (Trương Tấn Sang,Nguyễn Tấn DũngNguyễn Phú TrọngPhùng Quang ThanhTrần Đại Quang,Phạm Bình Minh…). Đây dường như là chỉ dấu báo hiệu sự chuyển hướng trong mối quan hệ Việt – Trung, cho thấy sự lùi bước của phe nhóm bảo thủ thân Tàu và sự thắng thế (tạm thời) của phe phái cấp tiến thân Mỹ.
Đầu tháng 4/2012, Thủ tướng NT Dũng lại tiếp tục lộ rõ ý đồ “đón gió, trở cờ” tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh: VN ủng hộ giải pháp đa phương   –   (BBC). Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận đa phương của Philippines để giải quyết hồ sơ Trường Sa   –   (RFI). “Báo chí tại Việt Nam không hề đưa tin là tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, ở Phnom Penh, đầu tháng Tư, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ủng hộ cách tiếp cận đa phương do Philippines đưa ra, để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa”. BTV của trang điểm tin Ba Sàm bình luậnSao kỳ vậy, tin tốt như thế này mà sao báo chí không dám đưa? Thủ tướng không muốn “làm phức tạp thêm tình hình”, hoặc Ban Tuyên giáo hay Bộ TT-TT “bịt miệng” luôn cả Thủ tướng? Việt Nam ủng hộ đề nghị của Philippines về Biển Đông   –   (VOA). Vietnam backs Phl’s multilateral approach to Spratlys row‎ (Philippine Star). Thái độ im lặng của báo chí trong nước về sự kiện này chứng tỏ đây chỉ là đòn “đánh lẻ” của ngài Thủ tướng thôi. Và đây nữa, Thủ tướng trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal - Thủ tướng: “Sẽ chỉ giữ lại một số doanh nghiệp nhà nước” (Thời báo Kinh tế Việt Nam); bài gốc trên Wall Street Journal sát thực hơn: “Vietnam: Reform to Stabilize Economy”. 
Song những ai từng hy vọng những diễn biến trên đây sẽ thổi luồng gió mới vào Hội nghị TW 5 khoá XI (diễn ra từ ngày 7 - 15/5/2012) hẳn sẽ phải thất vọng tràn trề với bài diễn văn bế mạc của TBT Nguyễn Phú Trọng cũng nhưthông báo của Hội nghị. Câu “Chỉ sửa đổi những vấn đề đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, đã đủ cơ sở và tạo được sự thống nhất cao” ở phần nói về việc sửa đổi Hiến pháp trong bản thông báo của hội nghị xem ra chẳng khác gì lời biện bạch “Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh” của ngài GS.TS chuyên ngành “xây dựng Đảng” tại Đại hội XI khi một số đại biểu phản bác lại đặc trưng kinh tế của CNXH ở Việt Nam trong Dự thảo Văn kiện Đại hội là “có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”. Nực cười thay, chỉ mới mấy tháng trước đó thôi, cũng chính tác giả của những lời lẽ “kiên định, trước sau như một” này lại từng lớn tiếng đòi hỏi phải có “những đột phá mới về lý luận” (!?).
Thế nhưng, ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam lại bất ngờ thông qua Luật Biển. Điều này cho thấy là phe bảo thủ thân Tàu do ông Nguyễn Phú Trọng cầm đầu đã phải chấp nhận lùi một bước. Chưa hết, trang điểm tin Ba Sàm ngày 23/6/2012 còn bình luận (về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng):  … Nào là vội vã thả Bùi Hằng với lý do không rõ ràng, lại rò rỉ thông tin với RFI rằng quyết định đó chính là từ … Thủ tướng. Rồi vụ “xử lý” TS Nguyễn Xuân Diện, thấy BBC đã có ngay được thông tin người chỉ đạo không phải Thủ tướng, mà là PTT Nguyễn Xuân Phúc. Chưa “yên tâm”, lại có cả văn bản tối mật được tung ra (để “minh oan”?). Rất lạ! Có cả những tin đồn bay lượn khắp nơi rằng đang có những ý kiến mạnh trong nội bộ về sửa đổi Hiến pháp theo hướng dân chủ hơn, cả sửa Điều 4 nữa, mà đi đầu là … “TT”. Những diễn biến này rõ ràng là hợp logic với ba sự kiện mà Thủ tướng từng khiến bao người “nức lòng nức dạ” trên đây. 
Song những ai vội vàng đặt niềm tin vào chú tắc kè hoa này hẳn sẽ sớm phải thất vọng khi mà ngày 17/7/2012 vừa rồi, lại chính Thủ tướng ký quyết định phê duyệt đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” mà tinh thần của nó lại trái ngược với bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 10/4/2012 nêu trên.
Chưa biết thế giằng co giữa hai phe phái chủ yếu cùng những trò dền dứ trên đây sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa, cũng như đằng sau những diễn biến khó lý giải đó là gì, song có một thực tế không thể bác bỏ là cuộc chiến giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến trong Đảng CSVN đang diễn ra ngày càng gay gắt và kịch tính. Và tất nhiên, chẳng chóng thì chầy, những gì hợp với quy luật và xu thế, cũng như những ai biết đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, cuối cùng sẽ giành phần thắng./.
Hà Nội, 29/7/2012


Chú thích:
[1] Không ít người hẳn sẽ nghĩ việc tác giả xếp ông Nguyễn Tấn Dũng vào hàng ngũ bảo thủ là chủ quan và thiếu thuyết phục. Xin đưa ra mấy dẫn chứng để chứng minh cho điều ngược lại. Thứ nhất, theo nguồn công điện của ĐSQ Hoa Kỳ mà Wikileak tiết lộ thì ông Nguyễn Tấn Dũng lúc còn là Phó Thủ tướng đã từng ngăn chặn ông Nguyễn Cao Kỳ (cựu Phó Tổng thống, cựu Thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hoà) về nước, cũng như “gọi tất cả các cựu viên chức chính quyền miền Nam là 'tội đồ' và sẽ 'không bao giờ được chào đón' về Việt Nam”. Thứ hai, trong bức công điện gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 15/12/2009, ông Michael Michalak, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng nhận xét ông Nguyễn Tấn Dũng là “nhân vật mà nhiều người lầm tưởng là có đầu óc cải cách chính trị”. Thứ ba, chiếc áo Thủ tướng rõ ràng là quá rộng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng nên việc hy vọng ông ta sẽ (tự giác) cải cách hệ thống là ảo tưởng. Thứ tư, hình ảnh dưới đây nếu không phản ánh đúng bản chất của đương sự thì cũng khẳng định sự “chuyển hoá” hay “giác ngộ” về lập trường chính trị của ngài Thủ tướng:

Thứ năm, nhiều người vẫn lầm tưởng ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng thuộc hai phe bảo thủ và cấp tiến, đồng thời là đối thủ của nhau, và cuộc “chỉnh đốn Đảng” lần này chủ yếu là nhằm vào ông Nguyễn Tấn Dũng cùng phe cánh của ông ta. Đây là một sự nhầm lẫn tai hại bởi (i) ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng cùng chung lập trường chính trị bảo thủ như đã nhận xét ở trên, và (ii) dù vậy, việc hai nhân vật này đôi khi vẫn mâu thuẫn nhau chủ yếu là vì tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn”, vì không phải lúc nào họ cũng cùng chung lợi ích, vì trên thực thế ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành một nhân vật “chầy bửa”, chẳng còn coi Bộ Chính trị (đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng) ra gì (bằng chứng là ông ta đã mấy lần qua mặt Bộ Chính trị để “đánh quả lẻ” hầu mong “chạy tội” như tác giả đã trình bày trong bài viết), và vì ông ta cùng bộ sậu đang ngày càng tác oai tác quái và xâu xé nền kinh tế khiến ai cũng phải bất bình – đó là những tác nhân tai hại khiến cho uy tín của ngài TBT vốn đã thấp nay lại càng xuống thấp và khiến cho Bộ Chính trị ngày càng chia năm sẻ bảy. Việc ông Nguyễn Phú Trọng dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng những lời có cánh sau một nhiệm kỳ ê chề ngay tại phiên bế mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XII ngày 29/3/2012 (“Thủ tướng đã điều hành, quản lý đất nước năng động, quyết liệt”), việc ông ta nói một đàng làm một nẻo trong vụ Vinashin (xem chú thích dưới đây) cũng như việc ông ta hoàn toàn ngậm miệng trong vụ Tiên Lãng (kể từ khi vụ việc xẩy ra cho đến nay, khi mà nó xem như đã bị “chìm xuồng” – bởi Hải Phòng là “hậu cứ” của ông Nguyễn Tấn Dũng, nơi ông hai lần liên tiếp ứng cử làm “đại biểu của nhân dân”) hay vụ Vinalines là những bằng chứng không thể chối cãi cho sự ủng hộ có tính quyết định mà ngài TBT dành cho ngài Thủ tướng.
[2] Ngày 25/4/2011, TBT kiêm Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ QH khoá XII: “Những sai phạm ở Vinashin đang được tiếp tục làm rõ chứ không có chuyện xuê xoa như lo ngại của nhiều người”.

 Theo: Blog LAH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét