Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Nợ xấu: Chủ ngân hàng không thể vô can


Phan Thế Hải

Những tưởng với lãi suất cho vay cao, các NH phải là những cỗ máy in tiền, ung dung ngồi rung đùi hưởng lợi. Thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Theo một báo cáo mới đây của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, khoảng 1/3 các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay đang ở trong tình trạng tài chính nguy kịch, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, có khả năng mất vốn.

Báo lãi to, che nợ lớn

Dẫu trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, các NHTM đều khoe lãi khủng, thế nhưng, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy các ngân hàng đã che giấu ít nhất 50% nợ xấu, theo đó, số nợ xấu hiện vào khoảng 240.000 tỷ đồng, tương đương với 10% tổng dư nợ của các NH TM.

Về lý thuyết, nợ xấu là những khoản nợ có khả năng mất vốn. Với khoảng 10% nợ xấu, coi như hệ thống các NH thương mại có thể phá sản về mặt kỹ thuật. Nhìn qua cái đống nợ xấu ấy, có thể thấy tập trung vào mấy nhóm chính:

Thứ nhất, các khoản cho vay dính đến mấy “ông lớn” của nhà nước như Vinashin, Vinaline, EVN… Mỗi ông này đều có những khoản nợ xấu, ít thì dăm bảy trăm tỷ, lớn thì cả ngàn tỷ, thậm chí như Vinashin, những khoản nợ xấu lên đến cả chục ngàn tỷ. Mà điển hình nhất là Habubank, đến khi đưa ra bàn chuyện sáp nhập thì mới biết nợ xấu đã chiếm gần hết vốn. Trong đó khoản nợ lớn nhất chính cho vay Vinashin.

Thứ hai, những khoản dính đến bất động sản (BĐS) hoặc liên đới đến BĐS. Những khoản này nằm rải rác cả trong khối DN lẫn cá nhân. Với DN thì vay vốn đầu tư vào các dự án, nhưng tiến độ thu hồi vốn không như mong muốn. Một phần khác, vay vốn trá hình dưới dạng tiêu dùng hay kinh doanh nhưng lại đầu tư đúng mục đích mà đổ tiền vào BĐS hay chứng khoán. Khi hai mảng này đông cứng, những khoản nợ này thành đống nợ… thối.

Thứ ba, một phần của khoản nợ xấu là những hợp đồng bảo lãnh nhập thiết bị của các NH với các dự án như xi măng, sắt thép, và các ngành sản xuất khác. Thị trường xấu, các dự án không đi vào hoạt động như mong muốn nên không có khả năng trả nợ. Là người bảo lãnh, các NHTM phải oằn lưng trả thay.

Đành rằng thị trường xấu, số nợ xấu sẽ tăng cao, nhưng ta hãy xem “miếng bánh” nợ xấu này được phân chia thế nào. Theo số liệu của NH NN đến 31/03/2012, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng tới 50,5%; nhóm thứ hai là khối thương mại cổ phần với 27,8%; nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm 4,2%; nhóm các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%.

Về lý, tỷ trọng nợ xấu có liên quan đến thị phần tín dụng. Thị phần càng lớn, thì miếng bánh nợ xấu càng lớn. Nhưng xem kỹ hơn một chút, khối các NH TM quốc doanh với thị phần tín dụng chỉ xấp xỉ 40%, nhưng chiếm tới hơn nửa số nợ xấu. Trong khi đó, Với các NH TM cổ phần đứng đầu về thị phần tín dụng với 50,64% nhưng nợ xấu chỉ 27,8%. Với các NH nước ngoài, với 10,7% thị phần tín dụng nhưng nợ xấu chỉ chiếm 4,2%.

Một chuyên gia ngành NH cho rằng: Từ khi mở cửa thị trường tài chính, theo đó là sự ra đời của các NH TM cổ phần, các NH liên doanh… các NH TM quốc doanh bị chảy máu chất xám. Những nhân lực có chất lượng cao đã tìm bến đỗ mới ở các NH TM ngoài khối quốc doanh, với những ưu đãi về chế độ tiền lương. Hơn thế là môi trường làm việc, là cơ hội thăng tiến…

Ép DN, NH hại mình

Không chỉ chảy máu chất xám, khối NH TM nhà nước còn chịu sự xâm nhập của những nguồn nhân lực không kiểm soát nổi chất lượng. Dẫu rằng, với các NH TM cũng ban hành đầy đủ các quy trình tuyển chọn cán bộ với những tiêu chí cao ngất trời, nhưng “trăm cái lý không bằng tý cái tình”, nên cái quy luật đã nói ở trên vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Với thực tế nguồn nhân lực ấy lại thêm sự chi phối của quan hệ lợi ích khi thẩm định các dự án, các NH thương mại NN đã bị “dính đòn” nhiều hơn khi thị trường có diễn biến xấu.

Về mặt lý thuyết, cán bộ tín dụng NH phải có năng lực phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời của các dự án cũng như phòng ngừa trước được những rủi ro có thể xẩy ra. Cán bộ tín dụng phải có năng lực tư vấn cho các DN về thị trường, về sản phẩm, về khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi… Tuy nhiên, thực tế các cán bộ tín dụng quan tâm nhất là chỉ là tăng dư nợ tín dụng cho đủ chỉ tiêu và thu hồi vốn an toàn để khỏi vướng trách nhiệm.

Một DN vận tải sở hữu trong tay gần trăm đầu xe nhưng vốn tự có chỉ vài chục tỷ, phần còn lại được NH cho vay theo cách mua trả góp. Khi thị trường tốt, hàng tháng có doanh thu, cứ thế trả lãi và một phần gốc đều đặn theo tiến độ cho NH. Khi thị trường xấu, thời hạn trả gốc và lãi đến, nhưng không lo đủ vốn để trả nợ. Cán bộ tín dụng tư vấn là, “bác xoay tạm đâu đó trả nợ cũ, xong đó, bọn em sẽ cho vay tiếp”. Nghe lời, anh mang sổ đỏ ra vay lãi ngày của tín dụng đen. Sau khi trả đủ nợ cho NH, khoản vay mới không được duyệt, trong khi đó những khoản nợ vay nặng lãi cứ lãi mẹ đẻ lãi con, chủ nợ mang đầu gấu đến siết nhà, siết xe. Anh trở thành kẻ trắng tay.

Trong nền kinh tế thị trường, các NHTM chỉ có thể “sống” được khi hoạt động SXKD của DN có hiệu quả và phát triển. Khi thị trường xấu, các DN lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nợ đọng, nợ xấu tăng cao. Nếu các NH thương mại không có sự chia sẻ với các DN, chỉ mong được việc của mình, vô tình họ đang bóp nghẹt nguồn sống lâu dài của chính mình.
Trong bối cảnh u ám của nền kinh tế, khi những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ có thể đưa ra con số tăng trưởng GDP xấp xỉ 6%/năm, trong khi đó mấy ông lớn NH vẫn khống chế mức lãi 15%/năm như một sự ban ơn.

Theo một nguồn tin từ VCCI, trong một năm qua, có khoảng 200 ngàn DN thua lỗ, phá sản và ngừng hoạt động. Ngoài những nguyên nhân khách quan về thị trường, trong đó có một phần rất quan trọng từ các NHTM, người được coi là “bà đỡ” cho các dự án sinh lợi. DN hông sống nổi, các NHTM lâm vào khó khăn. Trong cái đống nợ xấu mà các NHTM đang phải gánh, có một phần rất lớn từ chính sách tài chính tiền tệ. Trong đó các ông chủ nhà bank không thể vô can.

Theo: Vef.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét