Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Đôi lời với những người lính Việt Nam


Xin được gọi các anh là “người lính Việt Nam”, những người mà khi Tổ quốc lâm nguy thì không ai ngoài các anh sẽ là những người đem sinh mạng của mình để đổi lấy sự sống còn của cả một dân tộc 90 triệu người. Những gì đã và đang xảy ra cho Tổ quốc Việt Nam?
Ải Nam Quan, nơi mà Nguyễn Trãi khóc tiễn cha là Nguyễn Phi Khanh bị quân xâm lược giải về Trung Quốc, đã không còn là da thịt Mẹ Việt Nam.
Một dải biên giới Việt Bắc, nơi máu đồng đội của anh đổ xuống, thân xác chôn vùi đã không còn là da thịt Mẹ Việt Nam.
Một nửa thác Bản Giốc cũng không còn.

Và Trường Sa, Hoàng Sa đã trở thành những vùng biển chết đối với ngư dân của chúng ta, đã bị treo bảng Tam Sa.
Tất cả đã lọt vào tay Trung Quốc. Tất cả là những dữ kiện đau lòng không thể chối bỏ.
*
Ngày 28 tháng 7, chỉ một ngày sau Ngày Thương binh Liệt sỹ, ông Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong cái gọi là “Buổi gặp mặt đại biểu các thế hệ cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ” đã phát biểu:
“Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam…”
“Quân đội hai nước chúng ta cần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác chặt chẽ và bảo vệ thành quả cách mạng của mỗi nước. QĐND Việt Nam đặc biệt coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện và bền vững với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đây là chủ trương nhất quán, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, quốc phòng của Việt Nam”
Ông Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND phát biểu:
“Đây là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, ghi nhớ những tình cảm quý báu, cao đẹp, sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình có hiệu quả, mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐND Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay. ”
“Cuộc gặp mặt không chỉ là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong việc đào tại cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam, đây còn là hoạt động thiết thực góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa hai Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân hai nước ngày càng bền chặc.”
Trong đôi lời gửi đến các anh này, thật là không nên có những bình luận chủ quan về những phát biểu trên, bởi vì tốt nhất là chính các anh, mới là những người cần có những phán xét và kết luận về chúng trong độc lập của tư duy.
Xin gửi các anh một phát biểu nữa để biết rõ chính xác những gì đang xảy ra, không thể chối cãi hay vu vạ cho một thế lực nào xuyên tạc:
“Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp”.
Đó là phát biểu của ông Lương Thanh Nghị – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. “Hành động này của Trung Quốc” là ngang nhiên, chính thức làm lễ tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa là của họ với tên gọi Tam Sa, có “Cơ quan chỉ huy quân sự”, có đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I, có thị trưởng…
Lời tuyên bố phản đối trên không phải là lần đầu vì đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta. Trích dẫn lời tuyên bố này chỉ để xác định thực tế vừa mới xảy ra: Trung Quốc lại TIẾP TỤC xâm lấn Việt Nam. Nhiều người trong các anh có thể vẫn đang tin tưởng vào khả năng và cách thức giải quyết của đảng và nhà nước theo tinh thần “đã có đảng và nhà nước lo” với một đường lối ngoại giao khôn khéo.
Tuy nhiên, cho dù nếu các anh tin đảng và nhà nước đang “khôn khéo” trong kế sách ngoại giao thì không có lý do gì để ông đại tướng Bộ trưởng quốc phòng phải “khôn khéo” tới mức“trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn…” của kẻ đang xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ của nước ta.
Có ai bắt ông bộ trưởng quốc phòng phải xen vào chuyện ngoại giao để mà trân trọng-ghi nhớ-biết ơn!? Tại sao Bộ Quốc Phòng và ông bộ trưởng phải tổ chức buổi họp mặt “các thế hệ cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ” để phát biểu những điều đó?
Câu trả lời thiết thực nhất phải đến từ các anh, những người lính Việt Nam, về thái độ và hành vi của người chỉ huy cao nhất của các anh. Câu trả lời của các anh, hy vọng sẽ dẫn đến những nhận thức đúng đắn nhất về hiện tình của quân đội Việt Nam, về vai trò cũng như số phận của những người lính Việt Nam ngày hôm nay và từ đó, thái độ và hành động của các anh cho xứng đáng với vai trò và trách nhiệm của một người lính Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét