Pages

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Qua sử chí Trung Quốc, thử tìm hiểu vùng biển giáp giới hai nước Việt – Trung


Hồ Bạch Thảo
Dưới thời Nguyên, Trung Quốc mang binh thuyền tấn công Nhật Bản bị thất bại; thời Vĩnh Lạc triều Minh, hạm đội của Trịnh Hòa dương oai tại vùng Ðông Nam Á, việc làm chỉ được tiếng, nhưng tốn kém quá nhiều, có lần bị giết 170 người tại Trảo Oa [Java] (1), nên cuối cùng đến đời Tuyên Ðức chương trình này đành phải dẹp bỏ. Suốt hai triều đại Minh, Thanh; quân Nhật [Nụy] thao túng cướp phá vùng biển, Trung Quốc chỉ phòng thủ trên bờ và ven biển cũng không xong, nên không màng đến biển cả. Bằng cớ ngay cảc đảo lớn giàu tài nguyên như Ðài Loan, Bành Hồ, được liệt vào ngoại quốc trong Minh Sử (2)! Biển lúc bấy giờ là mối hệ lụy, nên Trung Quốc chủ trương phòng thủ thụ động trên bờ, bỏ mặc đại dương không chiếu cố đến. Sách lược này được phản ảnh một cách cụ thể trong trường hợp viên Tổng đốc Lưỡng Quảng Ngô Hùng Quang xin chế tạo nhiều thuyền để ra biển bắt cướp; bị vua Gia Khánh bác và khẳng định quốc sách là phòng thủ tại cảng và truy lùng những người trên bờ ngầm mua bán hợp tác với bọn cướp:
 Ngày 2 Kỷ Tỵ tháng 12 năm Gia Khánh thứ 12 [30/12/1807]
….. Còn trong tấu triệp Ngô Hùng Quang trình bày rằng ‘ Thuyền cướp qua lại đợi chờ mới liên lạc được với bọn gian trên bờ, nếu thuyền binh khẩn trương theo tung tích truy nã, thì bọn chúng không thi thố được thủ đoạn. Vậy muốn ngăn tiếp tế, nên tu tạo nhiều thuyền, xuất dương truy bắt.’

“Ðiều này không đúng, về bọn cướp biển, gạo, nước, thuốc súng đều nhờ vào trên bộ. Bọn giặc trên bờ và dưới nước vốn quen nhau, ngầm giao dịch, cũng không phải chờ bọn cướp biển lên bờ tìm kiếm mới được tiếp tế. Tổng chi, đáng ra lệnh các quan văn võ tại cửa biển mật cho tuần tra, nghiêm bắt, trừng trị nặng; bọn phỉ trên bờ co rút lại, thì mới đoạn tuyệt việc tiếp tế.
 Nếu làm theo lời tâu, chế tạo nhiều thuyền bè, xuất dương đánh bắt, theo sát gót tung tích thuyền cướp, không để cho chúng nhàn rỗi hoành hành. Nhưng không biết rằng trên đại dương có bao nhiêu thuyền cướp để theo bén gót, vả lại trên biển dòng nước bất đồng, gió bão không định, khó mà ra lệnh thuyền nào của ta theo dõi thuyền nào của giặc cướp. Hãy suy nghĩ nếu bọn giặc biển không biết bọn phỉ trên cạn, đột nhiên đến mua nước, gạo, thuốc súng, thì ai mà bán cho. Ðiều đó khẳng định rằng việc cấm bọn phỉ tiếp tế tất phải nghiêm tra trên bờ, làm vững rào dậu là biện pháp chính. Phúc Kiến nghiêm cấm tiếp tế tại cửa biển, thực hiện hữu hiệu, tỉnh Quảng Ðông cần nhất luật thực hiện……” ( Nhân Tông Thực Lục quyển 189, trang 7)
Cùng đề cao sách lược phòng thủ thụ động nơi ven biển, tại quyển 9, Hải Phòng, trong Quảng Ðông Thông Chí, Tổng đốc Hác Ngọc Lân tóm tắt:
 Phàm thuyền đến không cho đậu, đi không tiếp tế; thì dân chúng duyên hải đều được yên gối mà ngủ.”
Với chính sách về biển như vậy, nên từ triều Thanh trở về trước, tại biển nam, Trung Quốc giới hạn vùng lãnh hải gần bờ; nhường phần còn lại cho An Nam, để nước này cáng đáng việc đánh bắt cướp biển ngoài khơi. Cũng trong quyển 9, Quảng Ðông Thông Chí, có đoạn chép về giới hạn biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, nguyên văn như sau:
Xung yếu:
Từ huyện Lạc Hội, phủ Quỳnh Châu, khởi đầu tiếp giáp với biên giới [biển] An Nam:
-Vũng Hải Ðiều: giới hạn huyện Văn Xương
-Cảng Phố Tiền: giới hạn huyện Hội Ðồng
-Cảng Thần Ứng: giới hạn phủ Quỳnh Châu
-Phố Phong Doanh: giới hạn phủ Quỳnh Châu
-Phố Ma Ðầu: giới hạn huyện Lâm Cao
-Phố Cung Loan: giới hạn huyện Lâm Cao
-Loan Ðiền Hòa: Giới hạn châu Ðam
-Núi Nga Trá: giới hạn huyện Xương Hóa
-Doanh Bạch Sa: giới hạn huyện Cảm Ân
-Ðại Ðộng Thiên: giới hạn châu Nhai
-Tiểu Ðộng Thiên: giới hạn châu Nhai
-Vũng Nha Lang: giới hạn huyện Lăng thủy
-Cửa Song Châu: giới hạn huyện Lăng Thủy
-Thất Thập Nhị kính: giới hạn châu Khâm
-Nha Sơn: giới hạn châu Khâm
-Ðạm Thủy Loan: giới hạn châu Khâm
-Doanh Cách Mộc: giới hạn huyện Linh Sơn
-Núi Ô Lôi: giới hạn huyện Linh Sơn
-Ao Thanh Anh: giới hạn phủ Liêm Châu
-Ao Dương Mai: giới hạn phủ Liêm Châu
-Ao Bình Giang: giới hạn phủ Liêm Châu
-Thiệu Châu: giới hạn sở Vĩnh An
-Mão Châu: giới hạn sở Hải An
-Vi Châu: giới hạn sở Cẩm Nang
Sau đây xin tìm hiểu từng địa danh, trình bày theo trình tự từ gần đến xa, tức từ hướng tây sang đông:
1.Thất thập nhị kính: giới hạn châu Khâm.
Ðại Thanh Nhất Thống Chí (3) xác nhận Thất Thập Nhị Kính là 72 đường thủy chạy quanh co tại Long Môn:
Ngoài Long Môn quần sơn nhấp nhô, chia biển ra thành 72 đường thủy đạo, theo núi quanh co, đường nọ với đường kia có thể thông nhau, người đời thường gọi “ Long Môn thất thập nhị kính” là tại đây.
Bản đồ Google phóng lớn ghi vị trí Long Môn Cảng Trấn, tại tọa độ 21.726334,108.57170 ( Quí vị chưa quen, xin copy số bên cạnh, mở Google map paste vào ô chữ nhật, rồi gõ vào hình mặt kính ô màu bên phải, thì sẽ thấy vị trí trên bản đồ ). Qua lời tâu dưới đây của Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ thời Càn Long, cũng xác nhận vùng Long Môn, châu Khâm, giáp với biển Bạch Long Vĩ nước ta:
Ngày 30 Tân Mùi tháng 5 năm Càn Long thứ 15 [3/7/1750]
Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Ðại Thụ tâu:
“ Vùng Long Môn, Khâm Châu Quảng Ðông giáp giới với biển Bạch Long Vĩ, thuộc An Nam. Thuyền buôn nội địa [Trung Quốc] qua lại gặp những sự cố, hoặc những lính tráng đào ngũ trốn tránh tại nơi đây, ta cho là biển của nước Di, nên từ chối không phòng ngự………. Nhận được chiếu chỉ:
“Ðiều thấy đúng, đã hiểu rõ.” Cao Tông Thực Lục quyển 365, trang 34)
Cũng cần lưu ý rằng địa danh Bạch Long Vĩ là một doi đất nhô ra biển, giống như đuôi rồng, tại tọa độ 21.49588,108.230438,  chứ không phải là đảo Bạch Long vĩ. Vùng đất ven biển này và cả khu Giang Bình, Hoàng Trúc; do người Pháp nhường cho nhà Thanh sau hòa ước Thiên Tân năm 1885; vua Quang Tự xác nhận việc nhường đất qua văn bản dưới đây:
Ngày 26 Ðinh Vị tháng 4 năm Quang Tự thứ 14 [5/6/1888]
Dụ các Quân cơ đại thần:
….Ðịa phương châu Khâm rộng rãi, lần này định biên giới, Ðại thần họ Vương (4) thuộc Tổng lý các quốc sự vụ nha môn cùng Sứ thần Pháp qua lại biện luận , mới đem các xứ Bạch Long Vĩ, Hoàng Trúc, Giang Bình nhất luật đưa về Trung Quốc; từ nay về sau chốn hiểm yếu, đặt việc phòng thủ rất quan trọng.. (Ðức Tông Thực Lục quyển 254, trang 14-15)
2. Nha Sơn: giới hạn châu Khâm
Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí (4) cho biết Nha sơn cách Long Môn 34 km về phía đông:
Núi Nha Sơn [牙山島]: núi ở ngoài biển, phía đông cách Long Môn 60 lý [34 km]; giữa biển nhô lên 3 ngọn núi, chiều ngang hàng chục lý, hình như 3 chiếc răng. Gần Nha Sơn 20 lý [11.6 km] có mũi Kim Cổ, phía đông có vũng Ô Lôi, phía tây có núi Mã Yên, đều là cảng, có thể đậu thuyền ngoài biển.
Qua bản đồ Google thấy hình dáng Nha Sơn như 3 chiếc răng chìa ra biển, tại tọa độ 21.701934,108.622856
3. Ðạm Thủy Loan:giới hạn châu Khâm
Bản đồ Google xác nhận Ðạm Thủy Loan hình giống đường vạch chìa ra biển,  tại tọa độ 21.719477,108.651695
4. Doanh Cách Mộc: giới hạn huyện Linh Sơn
Vị trí doanh Cách Mộc, không rõ; tuy nhiên huyện Linh Sơn tại phía đông châu Khâm.
5.Núi Ô Lôi: giới hạn huyện Linh Sơn
Ðại Thanh Nhất Thống Chí (5) chép về Ô Lôi lãnh như sau:
Ô Lôi lãnh: phía đông nam châu Khâm 160 lý [92 km], còn có tên là Ô Lôi môn, nhô lên từ biển; vì vị trí hiểm trở nên được đặt binh phòng giữ. Theo Châu Chí mạch núi từ núi Na Mộ chạy quanh co tạo thành Thập Nhị lãnh rồi ra biển, qua trước miếu Phục Ba, thủy trình vào phủ Liêm Châu qua đây.
Trên bản đồ Google hiện có Ô Lôi thôn, là một bán đảo tại tọa độ 21.613707,108.735981
6.Ao Thanh Anh: giới hạn phủ Liêm Châu
Dưới thời Minh, tác phẩm Trù Hải Ðồ Biên của  Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, còn lưu lại một số bản đồ duyên hài, trong đó có bản đồ  vùng biển châu Khâm. Tại bản đồ này, cũng ghi lại các địa danh được đề cập ở trên như: Thất Thập Nhị Kính,[-3-], Nha Sơn [-4-], Ô Lôi Sơn [-5-] . Ngoài ra còn ghi vị trí Thanh Anh trìtại [6], đây là ao nuôi ngọc trai ngoài biển. Cần lưu ý, phương pháp thể hiện bản đồ Hồ Tôn Hiến trái ngược với bản đồ ngày nay; ở chỗ phía trên chỉ hướng nam, phía trái chỉ hướng đông và tỷ lệ xích cũng không hoàn toàn chính xác; tuy nhiên đây là tác phẩm cổ trên 500 năm về trước, cũng cần được tham khảo. Bản đồ Google không ghi ao Thanh Anh, xin suy ra từ bản đồ Hồ Tôn Hiến để tạm chấm tọa độ: 21.601258,108.802414
Bản đồ vùng biển châu Khâm của Hồ Tôn Hiến:
Phiên âm tên các đảo và địa danh cần lưu ý:
-1- Ðại Lộc Ðôn.
-2- Tiểu Lộc Ðôn
-3- Thất Thập Nhất Kính
-4- Nha Sơn
-5- Ô Lôi Sơn
-6- Thanh Anh Trì
-7-  Vùng biên giới nước An Nam
-8- Thành châu Khâm
7. Ao Dương Mai: giới hạn phủ Liêm Châu
Trên bản đồ vùng biển châu Liêm của Tổng đốc Hồ Tôn Hiến có ghi nhận hồ ngọc trai Dương Mai trì tại [-1-] (còn gọi là Dương Hải trì). Riêng bản đồ Google không chép, suy ra từ bản đồ Hồ Tôn Hiến tạm chấm tọa độ: 21.611472,108.850479
8. Ao Bình Giang: giới hạn phủ Liêm Châu
Bản đồ Hồ Tôn Hiến ghi Bình Giang Trì tại [-4-], riêng Google không ghi,  căn cứ Hồ Tôn Hiến tạm chấm tọa độ 21.610196,108.904724
9.Thiệu châu: giới hạn sở Vĩnh An
Bản đồ Hồ Tôn Hiến ghi Thiệu Châu tại [-6-], riêng Google không ghi, nên căn cứ Hồ Tôn Hiến tạm chấm tọa độ 21.582104,108.980255
10.Mão châu: giới hạn sở Hải An
Bản đồ Hồ Tôn Hiến ghi Mão châu tại [-7-], riêng Google không ghi, nên căn cứ Hồ Tôn Hiến tạm chấm tọa độ 21.59232,109.049606
Bản đồ vùng biển phủ Liêm Châu của Hồ Tôn Hiến:
Phiên âm tên các đảo và địa danh cần lưu ý:
-1-Dương Mai Trì
-2-Xà Sơn
-3-Xà Dương Châu
-4-Bình Hà Trì
-5-Châu Mẫu Hải
-6-Thiệu Châu
-7-Mão Châu
-8-Liêm Châu Phủ
11. Vi Châu: giới hạn sở Cẩm Nang
 Quảng Ðông Thông Chí xác nhận đảo Vi Châu, tại sở Cẩm Nang, giáp giới với biển Việt Nam. Ðảo này vị trí tại phía nam huyện thành Hợp Phố khoảng 200 lý, chu vi 70 lý; xưa là sào huyệt giặc cướp, đời Minh Vạn Lịch di dân đến canh tác (6).
Thanh Thực Lục cũng xác nhận thêm Vi Châu là cửa ngõ của 3 phủ Cao Châu, Lôi Châu, Quỳnh Châu; mặt phía tây thuộc biển Việt Nam:
Ngày 18 tháng 3 năm Ðạo Quang thứ 13 [9/3/1833]
……..Lại căn cứ theo Cao Nghi Dõng khám xét biển phía đông nam Long Dương, thuộc 3 phủ Cao, Lôi, Quỳnh, trong đó có đảo Vi Châu làm cửa ngõ, mặt phía tây thuộc Việt Nam, thuyền cướp thường trốn tại núi Cẩu Ðầu; cần phải chặn việc tiếp tế lương thực, thuốc súng; ngăn con đường vượt biên giới ăn cướp. Lại dò biết thuyền cướp có hơn 1 chục chiếc, trốn tránh xa tại châu Giáp, núi Cẩu Ðầu thuộc đất Di [Việt Nam], quân ta không quen đường cát, khó có thể đi xa. Ðáng phải thông báo cho Việt Nam, xua đuổi ra đánh. Duy cương vực Hoa, Di có phân biệt, phải biết rõ tình hình, thì mới có thể đánh bắt không để sót….. (Tuyên Tông Thực Lục, quyển 230, trang 6-8)
Riêng bản đồ Google ghi nhận Vi Châu đảo tại tọa độ 21.046695,109.117584
12 Vũng Hải Ðiều: giới hạn huyện Văn Xương
Bản đồ Google không ghi vũng Hải Ðiều, riêng Văn Xương thị thuộc tỉnh Hải Nam, tọa độ 19.538437,110.807419
13.Cảng Phố Tiền: giới hạn huyện Hội Ðồng
Ðại Thanh Nhất Thống Chí (7)xác nhận cảng Phố Tiền tại phía bắc huyện Văn Xương 150 lý:
Cảng Phố Tiền: tại phía tây bắc huyện Văn Xương 150 lý [87 km], sông từ huyện Quỳnh Sơn chảy đến hợp với sông Tam giang để ra biển. thương thuyền tập trung nơi đây tạo thành nơi yết hầu của huyện.
Riêng bản đồ Google ghi nhận Phố Tiền cảng tại tọa độ 20.042386,110.510101
14.Cảng Thần Ứng:giới hạn phủ Quỳnh Châu
Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí (8) xác định vị trí cảng cách huyện Quỳnh Châu 10 lý về phía bắc:
Cảng Thần Ứng: tại phía bắc huyện Quỳnh Châu 10 lý [5.8 km], còn có tên là cửa khẩu Bạch Sa. Dư Ðịa Kỷ Thắng chép bến Bạch Sa tại huyện Quỳnh Châu thuyền các nước Phiên tụ tập; bờ biển khuất khúc thuyền lớn không thông. Vào thời Kiến Viêm soái xứ Quỳnh Châu là Nghiêm Quang Tổ cho khai cảng để tiện việc buôn bán, cảng tuy mở nhưng cát lại lấp; vào năm Thuần Hy Mậu Thân, một trận cuồng phong xẩy ra, tạo thành cảng lớn hơn trước, nên có tên là cảng Thần Ứng.
Google không ghi vị trí cảng Thần Ứng, nhưng có ghi Quỳnh Sơn khu tại tọa độ 19.991417,110.348053
15. Phố Phong Doanh: giới hạn phủ Quỳnh Châu
Không rõ vị trí.
16. Phố Ma Ðầu: giới hạn huyện Lâm Cao
Không rõ phố Ma Ðầu, tuy nhiên Google ghi nhận vị trí Lâm Cao huyện tại tọa độ 19.915257,109.706726
17.Phố Cung Loan: giới hạn huyện Lâm Cao
Không rõ vị trí.
18. Ðiền Hòa loan: giới hạn châu Ðam
Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí (9) chép là cảng Hòa Ðiền, tại phía bắc châu Ðam 45 lý:
Cảng Hòa Ðiền: tại phía bắc châu Ðam 45 lý [26 km]; lại có cảng Nga Man tại phía bắc châu 40 lý [23 km], tại đó có 36 khe, khi thủy triều lên thì nước tràn ngập, khi thủy triều xuống thì nước khe chảy ra trong vắt. Lại có cảng Hoàng Sa tại phía tây bắc châu 40 lý [23 km], gần với cảng Nam Khê. Châu Chí chép trong châu có hàng chục cảng, nhưng tại Hòa Ðiền bị giặc cướp quấy nhiễu nhiều, vì từ Lâm Cao xuống chỉ có cảng này có thể lấy được nước nhưng không có thành đá để ngăn, lại còn cách xa châu lỵ.
Riêng bản đồ Google không ghi cảng Ðiền Hòa, nhưng xác nhận Ðam Châu cảng tại tọa độ 19.726635,109.285126
19. Núi Nga Trá: giới hạn huyện Xương Hóa
Bản đồ Google không ghi núi Nga Trá, nhưng xác nhận cảng Xương Hóa tại tọa độ 19.326695,108.646545
20. Doanh Bạch Sa: giới hạn huyện Cảm Ân
Bản đồ Google không ghi doanh Bạch Sa, nhưng xác nhận Cảm Thành trấn tại tọa độ 18.848787,108.631439
21. Ðại Ðộng Thiên, Tiểu Ðộng Thiên: giới hạn châu Nhai
Tại vùng châu Nhai, gần Tam Á, Google ghi nhận địa danh Ðại Tiểu Ðộng Thiên tại tọa độ 18.293906,109.150887. Ngoài ra một đạo dụ của vua Ðạo Quang trong Thanh Thực Lục,  xác nhận rằng bãi Ðồi Mồi [Ðại Mạo châu]  thuộc vùng Tam Á, châu Nhai, gần Ðại Ðộng Thiên, tiếp giáp với biển Việt Nam:
 Ngày 30 Nhâm Dần tháng 11 năm Ðạo Quang thứ 12 [20/1/1833]
Lại dụ:
…… Lại cứ Lý Tăng Giới xưng rằng bọn Phó tướng Lý Hiền tuần tiễu đến bãi Ðại Mạo [đồi mồi] vùng biển ngoài Nhai Châu, Tam Á, chỗ này tiếp giáp với biển Di Việt Nam, thấy 3 thuyền phỉ, mỗi thuyền 1, 2 ngàn người, bèn cho đuổi bắt….. (Tuyên Tông Thực Lục quyển 226, trang 28-30)
22.Vũng Nha Lang, cửa Song Châu: giới hạn huyện Lăng Thủy
Bản đồ Google không ghi vũng Nha Lang, cửa Song Châu; nhưng ghi nhận huyện tự trị Lăng Thủy Lê tộc tại tọa độ 18.49654,110.069275
Không kể vùng biển gần các phủ Liêm Châu và Quỳnh Châu được đề cập ở trên, những biển xa như quần đảo Hoàng Sa của ta, mà người Trung Quốc xưa thường gọi là Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường, thì sử chí của họ chỉ đề cập một cách mơ hồ theo lời truyền ngôn. Các nhà khảo cứu nước này thường thuật lại qua lời kể của những người đi biển bị nạn, nên câu chuyện được thêm thắt vào đầy vẻ ma quái hoang đường. Chẳng hạn, sách Hải Ngữ [海語] của Hoàng Trung đời Minh,  chép về Vạn Lý Thạch Ðường như sau:
Vạn Lý Thạch Ðường tại phía đông biển Ô Trư và Thạch Trư. Tại đó tuy trời nắng nhưng vẫn âm u, không giống như trong cõi trần; thổ sản nhiều xà cừ. Chim có nhiều loại quỉ xa, có thứ 9 đầu, có thứ 3,4 đầu, rãi rác khắp biển; tiếng kêu gào ầm ỹ đến mấy dặm; tuy kẻ ngu và loại hung hãn cũng xúc động buồn thảm, mồ hôi toát ra. Châu sư hàng hải trên thuyền lỡ tay lái thất thế, đâm vào đá tảng, thì hàng trăm mạng biến thành quỉ!
Tuy nhiên mới đây, để phụ họa cho việc tranh dành biển đảo, những nhà nghiên cứu viết theo đơn đặt hàng tại Trung Quốc cố tình gán ghép Trường Sa Thạch Ðường vào phủ Quỳnh Châu tức đảo Hải Nam, hoặc châu Vạn của phủ này. Nhắm vạch trần luận điệu sai trái đó, xin dịch nguyên văn cương vực phủ Quỳnh Châu và Châu Vạn, được chép trong Quảng Ðông Thông Chí để thấy một cách hiển nhiên rằng Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường hay quần đảo Hoàng Sa, không thể nằm trong đó được:
Phủ Quỳnh Châu: Phía nam là Chiêm Thành, tây là Chân Lạp, Giao Chỉ; đông là Thiên Lý Trường Sa Vạn Lý Thạch Ðường, phía bắc là huyện Tư Văn, phủ Lôi Châu.                       
Châu Vạn:  Bề ngang rộng 205 lý, dọc 120 lý; đông đến bờ biển 25 lý, tây đến núi Giá Cô Ðề 180 lý bên ngoài dân Sinh Lê sống, nam đến bờ biển 25 lý, bắc đến biên giới huyện Lạc Hội 95 lý.
                                    *
Sự việc xẩy ra mỗi thời mỗi khác; từ đầu thế kỷ 20 đến này, sau khi phát hiện tiềm năng khoáng sản nơi đại dương, người Trung Quốc tìm mọi cách tranh dành biển đảo. Cố tình quên đi sự thật lịch sử việc triều đình Trung Quốc công nhận vùng biển của Việt Nam, đã biết bao lần gửi chỉ dụ sang kêu gọi đánh dẹp giặc biển ngoài khơi; nay họ vẽ bản đồ lưỡi bò đòi dành 80% vùng biển đông, to tiếng rằng đó là bằng chứng không thể tranh cải được! Ðến đây, nhân vấn đề thời sự biển đảo, chợt nhớ đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, vốn mang dấu ấn từ hai dân tộc; người viết bèn bắt chước “tập Kiều”, với câu thơ Thúy Kiều trách vấn Tú Bà như sau:
Giờ ra thay bực đổi ngôi,
Dám xin gửi lại một lời cho minh.”
Chú thích:
1.Minh Thực Lục, Hồ Bạch Thảo dịch, Hà Nội: NXB Hà Nội, tập 1, văn bản 226.
2.Minh sử, quyển 323, mục Ngoại quốc.
3.Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, quyển 384, phủ Liêm Châu.
4.Viên Ðại thần tên là Vương Chi Xuân.
5.Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, sđd, quyển 384.
6.Quảng Ðông Thông Chí, sđd, quyển 9.
7. Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, sđd, quyển 350.
8.Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, sđd, quyển 350.
9.Khâm Ðịnh Ðại Thanh Nhất Thống Chí, sđd, quyển 350.
 Hồ Bạch Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét