Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Quốc tế phản đối tập đoàn Trung Quốc CNOOC khiêu khích Việt Nam


Một dàn khoan của tập đoàn CNOOC tại vịnh Bột Hải. 
Một dàn khoan của tập đoàn CNOOC tại vịnh Bột Hải.  – Reuters
Việc Trung Quốc « ngang nhiên » phân lô một vùng biển nằm trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam và mời quốc tế đấu thầu khai thác dầu khí tại các lô đó đã bị chính quyền Việt Nam cực lực tố cáo. Dân chúng Việt Nam hôm nay 01/07/2012 cũng xuống đường tại hai thành phố lớn, Hà Nội và Sài Gòn, để lên án. Tuy nhiên, không chỉ có dư luận Việt Nam, mà ngay từ khi thông tin này được loan ra, vào hạ tuần tháng 6 vừa qua, mưu toan của Trung Quốc đã bị quốc tế phê phán.
Một trong những gương mặt quốc tế đầu tiên chỉ trích hành động của Trung Quốc là Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman, một nhân vật có uy thế trong ngành lập pháp Hoa Kỳ.

Phát biểu tại một hội nghị về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tổ chức tại Washington hôm 28 tháng 6 vừa qua, ông Lieberman cho rằng việc Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc CNOOC mời thầu thăm dò – khai thác chín lô trên Biển Đông như được loan báo ngày 23/6 trước đó là một đòi hỏi vô căn cứ và chưa từng thấy vì các lô đó « nằm trong vùng đặc quyền kinh tế được luật pháp quốc tế thừa nhận là của Việt Nam ».
Theo Thượng Nghị Sĩ Lieberman, một số người cho rằng « Hoặc là Quân đội Trung Quốc, hoặc là một thế lực nào khác tại bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đã xúi giục tập đoàn dầu khí Trung Quốc đưa ra đòi hỏi đó ». Theo ông, đó là một hành động khiêu khích, trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý của mình bằng một đạo luật quốc nội. Đối với ông Lieberman, những khiêu khích như vậy phải chấm dứt.
Hội nghị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS trong hai ngày 27 và 28 tháng 6 tại Washington là dịp để nhiều chuyên gia quốc tế về Biển Đông thảo luận thêm về cách thức bảo đảm được an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hành động của tập đoàn CNOOC đã lập tức bị chỉ trích như là một động thái gây bất ổn.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc, khi phân tích về các diễn biến gần đây nhất trên Biển Đông, đã gần như đồng ý với quan điểm của Việt Nam về hành động ngang ngược của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, khi nhận định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Đối với giáo sư Thayer, hành động của CNOOC không hề mang tính chất thương mại như phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng tuyên bố. Theo ông Thayer, Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển.
Mục tiêu chính trị của việc CNOOC rao thầu các lô thăm dò trong vùng thềm lục địa của Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia quốc tế khác nêu bật. Trả lời nhật báo Mỹ Wall Street Journal, một chuyên gia về dầu khí tại Công ty ngân hàng đầu tư và chứng khoán Jefferies ở Hồng Kông nghi ngờ là, loan báo của CNOOC là nhằm thúc đẩy và áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, chứ không phải là xuất phát từ tính toán thương mại.
Hai chuyên gia nghiên cứu như Carl Thayer, hoặc là bà Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm CSIS, đều dự doán trước là sẽ chẳng có tập đoàn quốc tế đứng đắn nào đấu thầu các lô mà CNOOC vừa rao.
Sau cùng, trên tờ báo trên mạng The Diplomat, một chuyên gia khác về Biển Đông, ông Taylor Fravel, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts MIT đã tỏ ý lo ngại là động thái mời thầu của CNOOC, bất chấp việc vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đã phá vỡ các cố gắng gần đây của Bắc Kinh muốn tình hình Biển Đông hạ nhiệt.
Đối với ông Fravel, hành vi đó của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ những lời hứa giảm nhẹ các tranh chấp lãnh hải và cải thiện quan hệ song phương với Việt Nam của Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét