Vũ Hoàng, RFA
TS Walter Lohman, Giám đốc Viện nghiên cứu Châu Á của Sáng hội Heritage, trụ sở tại Hoa Kỳ, có bài viết trên tạp chí The Diplomat nói về vai trò và thái độ của Mỹ đối với những tranh chấp leo thang gần đây giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Để tìm hiểu thêm về bài viết có giá trị này, Vũ Hoàng phỏng vấn TS Lohman và gửi đến quí vị sau đây.
Giằng co trong thử thách
Nhận định Trung Quốc đang dùng cuộc tranh chấp tại bãi cạn Scarborough với Philippines để thử thách mức độ liên kết giữa Hoa Kỳ và nước đồng minh châu Á này, TS Walter Lohman cho rằng Trung Quốc còn muốn thăm dò thái độ của Hoa Kỳ với các nước đồng minh thân cận khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và xa hơn nữa là Ấn Độ.
Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, chắc hẳn Mỹ cũng không muốn mất đi sự hoà hảo với quốc gia này. Trong sự giằng co giữa một nước đồng minh thân cận như Philippines và một nước lớn như Trung Quốc, Mỹ sẽ có cách hành xử ra sao?
Đó là nội dung chính trong cuộc phỏng vấn mà chúng tôi thực hiện với T.S Lohman. Tuy nhiên, trước hết TS Lohman trình bày sơ lược lại những điểm chính trong bài viết của ông.
TS Lohman:
Hoa Kỳ và Philippines có Hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951, rõ ràng là Hiệp ước này rất có giá trị trong suốt những năm tháng diễn ra Chiến Tranh Lạnh . Nhưng kể từ năm 1991, 1992 sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, vai trò của Philippines như là căn cứ của Mỹ tại châu Á không còn quan trọng. Lúc này mục đích của Hiệp ước không còn rõ ràng như lúc trước nữa.
Đương nhiên Trung Quốc cũng hiểu được điều này. Họ biết rằng thế giới đã thay đổi sau khi khối Liên Xô cũ tan rã. Vì thế họ muốn thử xem liệu Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines có còn hiệu lực trong bối cảnh mới hay không?
Ba điều kiện
Vũ Hoàng:
Vâng, quay trở lại một chút với ba điều kiện trong Hiệp ước Phòng thủ chung Philippines –Mỹ. Làm sao mà Mỹ vừa tôn trọng được Hiệp ước với Philippines, lại vừa không làm tổn thương đến mối quan hệ với Trung Quốc?
TS Walter Lohman:
Hiệp ước này cần phải được hiểu trên những góc độ khác nhau.
Điều kiện đầu tiên là nếu có cuộc tấn công vào lãnh thổ Philippines, thì Hoa Kỳ sẽ đáp trả. Ở đây rõ ràng là Trung Quốc không tấn công vào lãnh thổ, hay nói cho đúng là không tấn công vào vùng đất liền và các khu đô thị của Philippines.
Với điều kiện thứ hai, thì ranh giới có vẻ như hơi mơ hồ một chút. Điều kiện thứ hai nói rằng nếu cuộc tấn công nhắm vào vùng đảo trực thuộc lãnh thổ của Philippines hoặc Mỹ trên Thái Bình Dương, thì Mỹ sẽ có hành động đáp trả.
Tuy nhiên, ở đây, vấn đề là Philippines có thể tuyên bố chủ quyền ở những vùng đảo mà ngay chính Hoa Kỳ chưa bao giờ công nhận là thuộc về Philippines.
Còn về điều kiện thứ ba, Mỹ sẽ đứng lên đáp trả nếu cuộc tấn công nhắm vào các lực lượng quân sự, chẳng hạn, không quân, hải quân, hay dân sự. Ở đây tôi muốn nói là tàu bè qua lại của Philippines và Mỹ trong khu vực TBD.
Với điều kiện thứ ba này, thì rõ ràng là theo Hiệp ước,Hoa Kỳ sẽ đứng lên đáp trả. Ở đây ít nhất Hoa Kỳ có thể tuyên bố sự xâm phạm đó là vào cả 2 phía Hoa Kỳ lẫn Philippines, và lúc này thì Hoa Kỳ sẽ phải tham vấn cách thức đối đầu, đó có thể là phải nổ súng lại tàu chiến của Trung Quốc.
Vũ Hoàng:
Vậy theo ông Hoa Kỳ nên làm gì để có thể giữ được sự “cân bằng” giữa mối quan hệ với Trung Quốc và Philippines?
TS Walter Lohman:
Tôi nghĩ rằng chuyện giữ mối quan hệ với Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào chuyện Hoa Kỳ vẽ ra “đường vạch” về lợi ích với Trung Quốc như thế nào.
Chỉ khi “đường vạch” này không rõ ràng thì mới tạo ra những vấn đề cho mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo tôi, Hoa Kỳ nên nói chuyện một cách “riêng tư” với Trung Quốc hơn là mang ra bàn dân thiên hạ để mổ xẻ.
Khi bàn chuyện với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể nói rằng việc các ông bắn vào tàu thuyền Philippines chắc chắn sẽ gây ra những vấn đề cho Hoa Kỳ, và lúc đó, chắc chắn chúng tôi sẽ phải thực thi Hiệp ước phòng thủ song phương đã ký với Philippines.
Tôi cho rằng nói chuyện tay đôi như vậy sẽ dễ dàng mang lại hoà bình và đảm bảo được mối quan hệ với Trung Quốc.
Không ỷ lại
Vũ Hoàng:
Cám ơn nhận định của ông. Người ta nói rằng, Philippines tỏ ra khá cứng rắn trong vấn đề Biển Đông vì có Hoa Kỳ đứng sau lưng, với Hiệp ước phòng thủ chung, ông nghĩ thế nào về chuyện này?
TS Lohman:
Tôi nghĩ những gì mà Philippines đang làm hiện nay là bởi vì chủ quyền của họ chứ không liên quan gì đến Hiệp ước kia.
Việc tuyên bố chủ quyền của họ đã từ lâu rồi, cũng giống như việc tuyên bố chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi cho rằng việc Philippines tuyên bố chủ quyền là điều có thể tin tưởng được hơn là những gì của Trung Quốc, vì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần hết tất cả Biển Đông, thậm chí ngay cả vùng biển đảo Palawan cách họ đến 650 dặm.
Tôi nghĩ rằng vì Philippines có luận cứ vững chắc nên họ mới có thái độ cứng rắn như vậy.
Tuy nhiên, quay lại với Hiệp ước phòng thủ chung ký giữa Hoa Kỳ và Philippines, không phải là Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Philippines trong bất kỳ mọi hoàn cảnh.
Thí dụ, nếu Philippines chủ động khiêu chiến bắn tầu của Trung Quốc và Trung Quốc phản ứng, điều đó không nhất thiết khiến Hoa Kỳ phải tham gia.
Thậm chí, kể cả nếu chính Trung Quốc khởi sự, thì phía Hoa Kỳ cũng phải ngồi xuống thảo luận với Philippines để xem đâu sẽ là trách nhiệm của Hoa Kỳ.
Hiệp ước này không có nghĩa là tự động Hoa Kỳ sẽ nhúng tay vào cuộc, Philippines không thể nào hoàn toàn phụthuộc vào Hiệp ước này để mà khiêu chiến, và cho đến bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ thấy Philippines khiêu chiến.
Vũ Hoàng:
Tôi còn một câu hỏi khác: Giống như Việt Nam, Philippines là một nước nhỏ hơn khi đối đầu với Trung Quốc. Vậy theo ông, cách hành xử của Philippines nên như thế nào trong tranh chấp ở Scarborough để có lợi nhiều nhất?
TS Lohman:
Tôi nghĩ để có lợi thế thì Philippines nên mang chuyện này ra cộng đồng quốc tế, để mọi người đều thấy rằng một nước lớn đang bắt nạt một nước nhỏ.
Nếu chuyện này không được mang ra ánh sáng thì Trung Quốc có cơ hội lấn tới, nhưng nếu được quốc tế chú ý thì chắc chắn sẽ gây áp lực lên Trung Quốc.
Tóm lại, theo tôi, lợi thế sẽ là việc Philippines mang chuyện này ra ánh sáng để mọi người thấy cách hành xử của Trung Quốc.
Kẻ mạnh cũng chùn tay
Vũ Hoàng:
Câu hỏi cuối cùng thưa TS Lohman, nhiều người cho rằng Trung Quốc thường hay khiêu khích đối phương, chờ cho đối phương ra tay trước, rồi sau đó họ sẽ tấn công lại. Ông nghĩ gì về nhận định này giữa Philippines và Trung Quốc hiện giờ?
TS Lohman:
Nếu Philippines nổ súng trước, không có nghĩa là Hiệp ước phòng thủ chung không có hiệu lực, tôi muốn nhắc lại, Hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines và Hoa Kỳ sẽ vẫn có hiệu lực trong cả trường hợp Philippines ra tay trước, vì thế, Trung Quốc cũng không lấy gì làm thoải mái cho lắm khi để đối phương nổ súng trước và đổ tội cho đối phương.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là hiện giờ người ta đang ra sức đề cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng thực tế là hải quân Hoa Kỳ có sức mạnh nhiều lần hơn hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc không muốn khiêu khích Hoa Kỳ vì chưa có bất cứ một sự chạm trán nào giữa hải quân Hoa Kỳ với tàu hải giám Trung Quốc hay lực lượng hải quân Trung Quốc.
Tôi không hề cho rằng cách hành xử của Trung Quốc là bất hợp lý, mà ngược lại họ rất hợp lý và thực tế. Vì thế, Hoa Kỳ đã cho họ thấy rõ quan điểm của Hoa Kỳ là nếu có xung đột với Philippines thì Hoa Kỳ cũng sẽ phải tham gia.
Có một điều tôi muốn nói thêm ở đây, những diễn biến mới nhất ở Scarborough cho thấy cách hành xử của Philippines cũng là phù hợp và có trách nhiệm.
Họ mang tàu ra trước, nhưng cũng chính họ khi không muốn căng thẳng leo thang đã cho rút tàu về khi có bão tới. Trong khi Trung Quốc thì lại cứ ở đó mà đổ tội, rằng đó là lỗi của Philippines, nhưng rồi thì cuối cùng Trung Quốc cũng phải kéo tàu ra khỏi trung tâm nơi tranh chấp.
Tôi cho rằng, Philippines đã có cách hành xử rất tốt.
Vũ Hoàng:
Xin một lần nữa cám ơn TS Walter Lohman đã dành thời gian cho Đài Á châu Tự do và quý khán thính giả của chúng tôi..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét