Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Thời khắc trỗi dậy của quân đội TQ ở Biển Đông?


Jim Holmes

LTS: Tạp chí uy tín quốc tế Foreign Policy mới đây đăng tải bài viết của tác giả Jim Holmes có tựa đề "China's Military Moment", phân tích những diễn biến và động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhận thấy đây là một góc nhìn đáng suy ngẫm, Tuần Việt Nam giới thiệu đến bạn đọc như một tư liệu tham khảo.

Cánh cửa cơ hội đang khép lại đối với vấn đề Biển Đông. Liệu Bắc Kinh sẽ gây xung đột?

Bị lóa mắt bởi trữ lượng dầu khí dưới biển và sự yếu thế của miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công quân sự để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. 
Để biện minh cho hành động của mình, Bắc Kinh viện dẫn lịch sử, chủ yếu là chuyến đi của Đô đốc Trịnh Hòa thời Minh vào thế kỉ 15 - trong khi tiếp tục rình rập cơ hội để áp đặt cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Các tàu thuyền Trung Hoa mang theo lực lượng đổ bộ từ khu vực gần đảo Hải Nam đã nổ súng tấn công đội tàu nhỏ của miền Nam Việt Nam vốn đã bị mất sự yểm trợ của không quân. Một chiếc tàu hộ vệ của Việt Nam đã nằm lại dưới đáy biển Đông sau trận chiến kéo dài cả ngày. Cờ Trung Quốc đã bay trên quần đảo Hoàng Sa.

Đó là kịch bản của cuộc giao tranh xảy ra vào ngày 17/1/1974.

Lịch sử có thể không lặp lại một cách chính xác nhưng chắc chắn có nhiều điều trùng hợp. Trở lại quá khứ, Trung Quốc đã khai thác điểm yếu của Việt Nam Cộng hòa để cưỡng chiếm Hoàng Sa. Giờ đây, Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) đã công bố kế hoạch thành lập quân đội đồn trú ở cái gọi là Tam Sa, thành phố mới được thành lập trên 0,8 dặm vuông của đảo Woody, quần đảo Hoàng Sa. Chính thức thành lập vào ngày 24/7, Tam Sa sẽ đóng vai trò như là trung tâm hành chính của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển xung quanh.

Đây là bước đi mới nhất trong chiến dịch củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ vùng biển và đảo nằm trong cái gọi là "đường chín đoạn" gần như ôm trọn cả Biển Đông, bao gồm cả phần lớn diện tích vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia Đông Nam Á. Cũng trong tháng này, một tàu khinh hạm của Trung Quốc đã bị mắc cạn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippine sau khi được cho là đã xả súng vào ngư dân của nước này. Vụ việc xảy ra tiếp sau tuyên bố cuối tháng Sáu rằng các đơn vị hải quân của PLA sẽ bắt đầu thực thi tuần tra và sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biển tranh chấp

Bắc Kinh đang tìm cách sử dụng vũ khí của mình một lần nữa. Tuy nhiên, lần này khác với năm 1974, lãnh đạo Trung Quốc thực hiện sách lược này vào đúng thời điểm ngoại giao hòa bình dường như đang đem đến cho họ cơ hội tốt để giành lấy ưu thế mà không phải sử dụng vũ lực. Tôi gọi sách lược này là "ngoại giao cây gậy nhỏ" - ngoại giao pháo hạm nhưng lại không biểu dương pháo hạm một cách công khai.

Các chiến lược gia Trung Quốc có một tầm nhìn rất rộng về sức mạnh trên biển - bao gồm cả việc phát triển đội tàu phi quân sự. Vào năm 1974, các cỗ máy tuyên truyền đã tô vẽ cuộc "Chiến tranh phòng vệ Hoàng Sa" (cách mà Trung Quốc nhìn nhận về cuộc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) như là chiến thắng của "hải quân nhân dân", tâng bốc lên mây những ngư dân đã hành động như những người phụ tá cho hải quân. Các tàu đánh cá có thể đến hiện trường và thực hiện các hành vi khiêu khích để các đối phương phải đáp trả hoặc từ bỏ chủ quyền của họ theo mặc định. Những con tàu phi vũ trang từ các cơ quan kiểu như phòng vệ bờ biển là bước tiếp theo. Và hạm đội hải quân của PLA, được yểm trợ bằng máy bay chiến thuật từ bờ, tên lửa, tàu chiến trang bị tên lửa tấn công và tàu ngầm sẽ là bước đi cuối cùng.

Ảnh wordpress

Bắc Kinh có thể củng cố khả năng kiểm soát của mình trong "đường chín đoạn" bằng cách phái các đội tàu hải giám, tàu ngư chính, tàu chấp pháp để bảo vệ ngư dân nước này tại các vùng biển tranh chấp, uy hiếp các nước tuyên bố chủ quyền khác và áp đặt luật pháp của Trung Quốc. Và họ có thể làm như vậy mà không công khai bắt nạt các láng giềng yếu thế hơn, do đó không cho các cường quốc bên ngoài có cớ để can thiệp hoặc phung phí vị thế quốc tế của họ trong đống hỗn độn và thống khổ của xung đột vũ trang. Tại sao lại từ bỏ một chiến lược đầy hứa hẹn như vậy?

Bởi vì ngoại giao cây gậy nhỏ cần nhiều thời gian. Nó đòi hỏi phải tạo ra những sự kiện trên thực địa - như cái gọi là Tam Sa vừa qua - đồng thời thuyết phục được những người khác rằng sẽ vô ích nếu thách thức các sự kiện này. Bắc Kinh có động cơ, phương tiện và cơ hội để giải quyết tranh chấp Biển Đông theo các điều khoản của mình, nhưng họ có thể thấy cơ hội này chỉ là mong manh. Các nước tuyên bố chủ quyền như Việt Nam đang gia tăng vũ trang. Việt Nam có thể mua sắm các phương tiện quân sự đủ sức đánh bại mối đe dọa của Trung Quốc, hoặc chí ít cũng dồn Trung Quốc vào thế phải trả giá đắt cho sự áp đặt ý chí của mình. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cường quốc bên ngoài như Mỹ. Mặc dù Hoa Kỳ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp hàng hải nhưng về mặt tự nhiên, Hoa Kỳ giữ mối thiện cảm với các quốc gia Đông Nam Á. Một số nước như Philippines là đồng minh, trong khi các chính quyền Mỹ liên tục phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bởi vậy có thể tin rằng họ phải hành động ngay bây giờ hoặc sẽ mãi mãi đánh mất cơ hội củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ Biển Đông. Những phương pháp trực tiếp hơn được xem như là hành động ít tổn hại nhất - bất kể chi phí, sự mạo hiểm hay nguy cơ trả đũa ngoại giao mà chúng có thể gây ra trong ngắn hạn.

(còn tiếp)

Minh Nguyên

(dịch từ Foreign Policy)

Theo: TVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét