Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Tiếng kêu cứu của bà mẹ Việt ở Thái Lan



Lê Văn Phong trong vòng tay gia đình - Ảnh: M.Q

Nhìn thấy người con trai trên chiếc xe đẩy sau khi đáp chuyến bay xuống phi trường Suvarnabumi, Thái Lan từ Nhật Bản, bà Đinh Thị So òa lên khóc và ôm chầm lấy con.

Công dân “pỉ”
Khoảng 23 năm trước, Lê Văn Phong (20 tuổi) quyết định sang Nhật với mong ước làm việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình ở tỉnh Samut Sakhon. Như nhiều gia đình người Việt tản cư khác, gia đình Phong lúc đó cũng rất khó khăn. Ông bà ngoại của Phong di cư từ Việt Nam sang Lào rồi sau đó định cư ở Thái Lan. Mẹ anh được sinh ra trên mảnh đất này, rồi đến lượt anh và những người em cũng thế.
Là dân tản cư, gia đình Phong không được chính phủ Thái Lan thời đó thừa nhận, chẳng ai trong gia đình anh được xem là công dân Thái. Điều này đồng nghĩa không có công việc ổn định. Đây cũng là lý do khiến Phong rời gia đình sang Nhật bằng giấy tờ không hợp pháp.
“Lúc đó Phong xin bố mẹ đi 3 năm rồi quay lại Thái Lan, nào ngờ 23 năm trôi qua mà không thấy con về”, bà So sụt sùi tâm sự. Bà bảo không ngày nào bà không nhớ đến con.
“Nhưng không ai cho phép con tôi quay về cả”, bà nghẹn ngào kể tiếp. Phong sang Nhật làm cho một công ty điện tử. Là người Việt sinh ra tại Thái Lan và làm việc ở Nhật nhưng không có chính phủ nào công nhận Phong là công dân. Ở Thái Lan người ta gọi Phong là công dân “pỉ” (tiếng Thái có nghĩa là ma, quỷ) phải sống vật vờ, quay về Việt Nam không được vì không còn người thân, về Thái Lan cũng không xong do hải quan không cho vào.

Còn ở Nhật, Phong thường xuyên bị cảnh sát hỏi thăm, bắt bớ. Rất may Phong có công ăn việc làm và lý lịch cá nhân tương đối tốt nên họ không giam giữ anh lâu, một thời gian lại thả ra và vẫn để anh làm việc. Họ cũng không thể trả anh về nước nào được vì Phong không có quốc tịch.
Chuyện của Phong sẽ chẳng ai để ý nếu như anh không mắc một căn bệnh nan y. Là bệnh gì thì các bác sĩ ở Nhật chưa nói cho anh biết. Vấn đề là ở Nhật chữa trị rất tốn kém, có khi cả triệu yen (1 triệu yen khoảng 200 triệu đồng) cho 1 tuần nằm viện chưa tính những chi phí phát sinh trong điều trị.
Thời gian chữa trị dự tính hằng tháng đến hằng năm. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ ở tiền bạc mà là căn bệnh nan y sẽ ảnh hưởng đến sinh mạng của Phong nếu không được chữa trị sớm.
Lê Văn Phong trong vòng tay gia đình - Ảnh: M.Q

Luật nhân đạo

Vốn bệnh cao huyết áp, bà So như muốn tắt thở khi nghe câu chuyện của con dù Phong cố giấu bà 2 năm nay. Thấy tình hình nguy kịch, bà cùng các con chạy khắp nơi, gõ cửa nhiều cơ quan để nhờ giúp đỡ, làm sao đưa Phong trở về Thái Lan. Mọi cánh cửa đều đóng trước mặt bà, không ai muốn giúp người tản cư.
Thực ra không phải đến lúc này bà mới lo mà hơn 5 năm nay bà chạy vạy khắp nơi để nhờ giúp đỡ. Đại sứ quán Việt Nam và Nhật, cũng như các cơ quan công quyền ở Thái, bà đều đến cầu viện, nhưng không có kết quả.
Đường cùng, bà lên truyền hình kênh 3, một trong những kênh được người Thái xem nhiều nhất hiện nay, khóc lóc, than thở và khẩn khoản xin giúp đỡ của mọi người. Kênh này liên tục phát lời kêu cứu của bà trong chương trình thời sự của đài vào các đêm.

Như thấu hiểu tình mẫu tử, bộ nội vụ và ngoại giao Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để bàn về trường hợp Phong. Không có luật nào giải quyết được trường hợp của Phong ngoài luật nhân đạo, vì vậy cả 2 cơ quan này quyết định can thiệp bằng con đường ngoại giao.
Các đại sứ quán cũng tham gia cùng giới chức Thái Lan. Nhờ đó, 1 tuần sau Phong có thể đáp chuyến bay về Bangkok với hộ chiếu tạm thời mang quốc tịch Việt Nam và 1 tuần tiếp theo được chuyển sang quốc tịch Thái Lan.
Trong bộ dạng mệt mỏi, khuôn mặt xạm đen, Lê Văn Phong cho biết rất xúc động khi được trở về với gia đình, gặp lại mẹ và các em của mình. “Bao nhiêu năm xa cách, lòng tôi mong mỏi có ngày này về với gia đình, được ăn những món ăn Việt Nam mà bố tôi thường nấu khi còn bé. Giờ chắc chỉ có thể nhờ mẹ”, Phong rươm rướm thổ lộ bằng tiếng Thái vì biết rằng người bố đã không còn.
Lê Văn Phong không phải là trường hợp duy nhất. Luật sư Bongkot Napaumporn, người giúp đỡ gia đình bà So về mặt pháp lý, cho biết hiện có trên 200 trường hợp tương tự Phong, trong số này rất nhiều người là người Việt tản cư, hiện còn đang mắc kẹt ở Nhật cả chục năm nay. Không ai biết số phận những công dân “pỉ” này thế nào.
Không có gì diễn tả được niềm vui của một người mẹ khi đưa được con trở về nhà. Tuy nhiên niềm vui đó không trọn vẹn đối với bà khi mà ngày 26/7 qua, tức khoảng 1 tháng Phong trở về Thái Lan, bà nhận kết quả từ bệnh viện, Phong bị ung thư giai đoạn cuối. Hy vọng sẽ có một phép mầu nữa giúp người mẹ Việt này và con./TNO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét