Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Tình thế khó xử của Mỹ trong vấn đề Biển Đông


Hàng không mẫu hạm USS George Washington trong chuyến thăm hữu nghị các nước tại vùng Biển Đông, 9/2010 (Reuters)
Hàng không mẫu hạm USS George Washington trong chuyến thăm hữu nghị các nước tại vùng Biển Đông, 9/2010 (Reuters)

Thanh Phương
Chỉ trích Bắc Kinh quá nặng nề thì sẽ gây tổn hại đến quan hệ với siêu cường quốc đang trổi dậy, nhưng để yên cho Bắc Kinh thì sẽ phá hỏng những nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường vị thế của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép. Đó chính là tình thế khó xử của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, theo nhận định của hãng tin AP hôm nay.

Hãng tin AP nhắc lại rằng, vào năm 2010, trong chiều hướng tăng cường trở lại sự hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã từng tuyên bố việc bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và duy trì hoà bình, ổn định ở vùng Biển Đông là vấn đề « quyền lợi quốc gia đối với Mỹ ». Không chỉ củng cố quan hệ quân sự với Philippines và thắt chặt hơn nữa bang giao với kẻ thù cũ là Hà Nội, Washington còn mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực của ASEAN thương lượng đa phương với Trung Quốc và soạn thảo bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. 

Nhưng căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng, đặc biệt với việc Trung Quốc trong thời gian đã liên tục có những hành động nhằm xác quyết chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà gần đây nhất là quyết định triển khai một đơn vị đồn trú ở « thành phố Tam Sa », thành phố do Bắc Kinh thành lập vào tháng trước, với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 
Tại Washington, các nghị sĩ quan tâm đến chính sách châu Á đã nhanh chóng phản ứng. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain xem đó là một hành động mang tính khiêu khích và càng cho thấy là Trung Quốc muốn thông qua hù dọa và ép buộc để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Jim Webb ngày 26/07 vừa qua cũng vừa tuyên bố rằng mưu toan của Bắc Kinh nhằm xác quyết chủ quyền trên các đảo đang tranh chấp có thể được xem là một sự vi phạm công pháp quốc tế. Về phần Bộ Ngoại giao Mỹ tuy phản ứng thận trọng nhưng họ cũng chỉ trích « những hành động đơn phương của Trung Quốc ». 
Theo nhận định của AP, trong bối cảnh tranh cử cho nhiệm kỳ hai trước đối thủ Cộng hòa Mitt Romney, tổng thống Barack Obama không thể tỏ ra mềm yếu trước Trung Quốc, nhất là vì ông Romney vẫn chỉ trích ông Obama là quá nhu nhược đối với Bắc Kinh và ứng cử viên Cộng hòa đã cam kết là nếu đắc cử, ông sẽ có chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, đặc biệt là về mặt thương mại. 
Trong chính sách về Biển Đông, Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh là họ không đứng về phe nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng trong mắt của Bắc Kinh, chính việc Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này đã khiến cho Việt Nam và Philippines trở nên cương quyết hơn đối với Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền. 
Hãng tin AP cho rằng, chiến lược của Mỹ về Biển Đông tùy thuộc phần lớn vào những nỗ lực của ASEAN. Tuy khối này đã đạt được vài tiến bộ về việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, nhưng chua có dấu hiệu gì cho thấy là các tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết và Biển Đông nay đã trở thành vấn đề gây chia rẽ nội bộ các nước Đông Nam Á, thể hiện qua việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối này, ASEAN đã không thể ra được một thông cáo chung tại hội nghị thường niên các Ngoại trưởng tại Phnom Penh vừa qua. 
Tuy vào tuần trước, nhờ trung gian của Indonesia, ASEAN đã đạt được một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông, nhưng thoả hiệp này vẫn không làm Washington an tâm, vì nó chưa loại trừ được vĩnh viễn một kịch bản mà chính quyền Obama đang cố hết sức né tránh, đó là tranh chấp chủ quyền Biển Đông đẩy các quyền lợi chiến lược của Mỹ vào thế đối đầu với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét