Pages

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Trung Quốc quân sự hóa Tam sa: cơ hội để "vạch tội"Bắc Kinh tại Biển Đông.



Một phần nhỏ của quần đảo Hoàng Sa (DR)
Một phần nhỏ của quần đảo Hoàng Sa (DR)
Trọng Nghĩa
Trong tháng Sáu và Bảy 2012, Trung Quốc đẩy mạnh việc dựng lên "thành phố Tam Sa", và « quân sự hóa » các khu vực mà họ đòi chủ quyền tại Biển Đông. Hành động rõ nhất là quyết định thành lập một đơn vị quân đội đồn trú tại Tam Sa mà bộ chỉ huy đặt trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa đã chiếm của Việt Nam. Trả lời RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam phải nhân cơ hội này nêu bật các hành động Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa ra trước quốc tế.
Ngày 27/07/2012, báo chí Trung Quốc nhất loạt đưa tin về việc nước này đã bổ nhiệm các cấp chỉ huy quân sự cho « thành phố Tam Sa », đơn vị được trao quyền quản lý Biển Đông. Đây là bước leo thang mới nhất trong việc Bắc Kinh áp đặt chủ quyền của họ trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông bất chấp đòi hỏi của các láng giềng từ Việt Nam, Philippines, Malaysia cho đến Brunei, Đài Loan.

Yếu tố mới trong các động thái của Trung Quốc lần này là ý đồ « quân sự hóa » các khu vực mà họ đã chiếm giữ hay đang đòi chủ quyền. Trước khi chỉ định các cấp chỉ huy quân sự cho Tam Sa, ngày 19/07 vừa qua, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã loan báo quyết định thành lập một đơn vị đồn trú tại Tam Sa, đứng đầu là một bộ chỉ huy quân sự, đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (mà họ gọi Vĩnh Hưng) - quần đảo Hoàng Sa.
Theo thông báo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đơn vị đồn trú nói trên sẽ có trách nhiệm huy động các lực lượng quốc phòng, tiến hành các hoạt động quân sự tại Tam Sa, nhưng không nói rõ quy mô cũng như thời điểm triển khai đơn vị đồn trú tại Tam Sa. Theo một bài nghiên cứu đăng trên trang web của Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng IDSA (thuộc bộ Quốc phòng Ấn Độ) ngày 30/07, lực lượng Trung Quốc tại Tam Sa sẽ gồm khoảng 1.200 binh sĩ.
Ngày 24/07, Việt Nam đã lên án việc Trung Quốc thành lập « thành phố Tam Sa », trong lúc Philippines cũng gởi công hàm phản đối Bắc Kinh về quyết định này. Trung Quốc đã gạt bỏ các cáo buộc, cho rằng họ chỉ thành lập đơn vị hành chính mới trên lãnh thổ của mình.
Theo giới quan sát, các quyết định về Tam Sa đặc biệt đụng chạm tới Việt Nam do việc Trung Quốc đặt trụ sở chính của thành phố cùng với đơn vị quân đội ‘đồn trú’ tại Biển Đông ngay trên đảo Phú Lâm (tên quốc tế là Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa, mà họ đã dùng võ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam từ năm 1974 đến nay.
Quyết định của Trung Quốc nhằm xác lập vững chắc thêm quyền kiểm soát thực tế của Bắc Kinh trên Hoàng Sa, có thể tạo thêm khó khăn cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh đòi lại chủ quyền, nhất là khi trong cuộc đối đầu với Trung Quốc về Hoàng Sa, Việt Nam ở trong thế đơn thương độc mã, vì không có sự can dự của bất kỳ nước Đông Nam Á nào khác.
Tuy nhiên, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ đã cho rằng hành động leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông, và nhất là những động thái nhằm « quân sự hóa » quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên khu vực đang tranh chấp, có thể là cơ hội tốt, giúp Việt Nam nêu bật trước các diễn đàn quốc tế – kể cả trước tòa án – vấn đề Trung Quốc đã dùng biện pháp quân sự để cưỡng chiếm Hoàng Sa và nhiều hòn đảo ở Trường Sa.
Vấn đề đặt ra, theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, là chính phủ Việt Nam phải có quyết tâm làm việc này, không nên tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc như thường thấy.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)
 
30/07/2012
by Trọng Nghĩa
 
 
Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long trước hết phân tích rõ âm mưu của Trung Quốc, muốn lợi dụng thời cơ Hoa Kỳ đang vướng phải những khó khăn kinh tế và chính trị nội bộ do cuộc vận động tranh cử tổng thống tháng 11 sắp tới, để leo thang tại vùng Biển Đông.
Chứng minh rằng Mỹ là hổ giấy và ASEAN bất lực
« Tôi nghĩ là Trung Quốc làm việc này trước hết để chứng minh cho Hoa Kỳ, và nhất là ASEAN thấy là chẳng thể làm gì được để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc (…), để phá cái thế bao vây hay ngăn đê mới của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc.
Nói một cách khác, Trung Quốc thấy lúc này là thời cơ để họ có thể có hành động mạnh mẽ nhằm chứng minh rằng Hoa Kỳ chỉ là một con hổ giấy và ASEAN là một hiệp hội bất lực.
Gần đây, việc Trung Quốc ngầm phá hoại Hiệp hội ASEAN - bằng cách mua chuộc Campuchia, để cho Campuchia không đưa ra tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử Biển Đông – là một ví dụ.

RFI : Thời cơ thuận lợi cho Trung Quốc như thế nào ?
- Tất nhiên như thế này : Trước hết, nước mà Trung Quốc kình địch nhất, sợ nhất là Hoa Kỳ. Mỹ hiện đang gặp một số khó khăn về kinh tế, khó khăn quân sự và chính trị ở Trung Đông, đang cùng với các nước Châu Âu lo về kinh tế Châu Âu... 
Đặc biệt hơn nữa, Hoa Kỳ đang chuẩn bị bầu cử tổng thống, do đó không muốn có những sự kiện gì lớn xẩy ra làm xáo trộn tình hình kinh tế, chính trị Mỹ, có thể sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. 
Theo tôi, Trung Quốc đang đánh cược là Hoa Kỳ không dám có hành động cương quyết để chống lại việc lấn lướt, lấn át của TQ. Suy nghĩ như thế là sai lầm.
Cơ hội rất tốt để kiện Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc về việc dùng võ lực
RFI : Trong loạt hành động của Trung Quốc, có quyết định cho đồn trú quân đội tại Tam Sa. Phải chăng đó là yếu tố mới tức là « quân sự hóa » quyền kiểm soát thực tế trên Hoàng Sa ?
- Đúng như thế, đây là một cách leo thang, và đây là yếu tố mới : Quân sự hóa quyền kiểm soát của họ. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc không thể giữ nổi, và đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam đưa vấn đề Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa bằng vũ lực, đưa ra kiện trước Liên Hiệp Quốc, trước các toà án quốc tế cũng như tòa án dư luận quốc tế… đẩy Trung Quốc vào thế bị động…
Cho nên việc Trung Quốc tăng cường vấn đề quân sự, tuy đáng ngại nhưng là một chuyện thật ra rất tốt cho Việt Nam. 
Người Việt Nam không thể làm được, nhưng chính phủ Việt Nam có thể làm và phải làm việc này…
Dù Trung Quốc không muốn Liên Hiệp Quốc hay các toà án quốc tế chấp nhận vụ kiện, nhưng đó cũng là một cách để Việt Nam thúc đẩy cho vấn đề ra trước thế giới.
Chính phủ Việt Nam không thể tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc
Việt Nam là một nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực, nếu Việt Nam không lên tiếng thì Trung Quốc sẽ thừa thắng xông lên. Chính phủ Việt Nam đã nhân nhượng Trung Quốc từ quá lâu, nhưng việc Việt Nam nhân nhượng đã làm cho các nước khác nghĩ rằng Việt Nam có quyền lợi lớn nhất mà lại không lên tiếng thì làm sao mà họ lên tiếng được. Trong khi đó thì Philippines, dù ở xa nhưng cũng đã lên tiếng.
Mặt khác, ở đây không chỉ là Biển Đông… mà vấn đề chính là áp lực của Trung Quốc. Trung Quốc gây sức ép trên chính phủ Việt Nam, trên lãnh đạo Việt Nam để được tiếp tục nhân nhượng, nhưng theo tôi, nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục làm như cũ thì sẽ mất đi sự ủng hộ của dân chúng.
Cho nên vừa qua Quốc hội đưa ra Bộ luật về Biển Đông. Tôi thấy đó là một việc làm rất tốt, mặc dù - như chúng ta đã nói - có những việc cần phải làm thêm. Nhưng mà đó là bước đầu rất tốt. 
Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã được sự ủng hộ của rất nhiều nước trên thế giới và nhiều nước ASEAN tại Hội nghị ở Phnom Penh, thì nhân đó, Việt Nam nên tiếp tục.
RFI : Việc Trung Quốc có hành động ngày càng quyết đoán hơn trên Biển Đông phải chăng phản ánh xu thế đang lên của phái diều hâu trong chính quyền Trung Quốc, trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng ?
- Câu hỏi nêu trên chỉ phản ánh đúng một phần sự thực thôi. Vì xu thế diều hâu đặc biệt là trong các lãnh vực quân sự, đã càng ngày càng mạnh kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chính sách hiện đại hóa của họ.
Trong bốn hiện đại mà họ liệt kê, hiện đại hóa quân sự là vấn đề then chốt. Do đó năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình nắm được Quân ủy Trung ương Trung Quốc ông ta đã ra quyết định dậy cho Việt Nam một bài học. Lý do chính của quyết định là để chứng minh là quân đội Trung Quốc lúc đó còn quá yếu, cần phải được củng cố và hiện đại hóa. Đây là vấn đề xuyên suốt từ đó đến nay.
Và trong những năm ông Hồ Cẩm Đào lên làm chủ tịch nước, chủ tịch Quân ủy Trung ương, thì ngân sách quân sự của Trung Quốc đã tăng trung bình mười mấy phần trăm một năm. Riêng Hải quân thì tăng trung bình khoảng 18% một năm. 
Chính Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ra lệnh thiết lập thành phố Tam Sa; do đó tôi nghĩ việc nói là phe diều hầu làm áp lực trong quá trình chuẩn bị Đại hội đảng chỉ là một cách viện cớ để cho Trung Quốc thừa cơ các nước khác trên thế giới cũng như Hoa Kỳ gặp những khó khăn nói đến ở trên, để tiến tới thêm một bước nữa.
RFI : Trở lại tình hình Biển Đông, liệu Trung Quốc có sẽ cho kéo giàn khoan nước sâu của họ xuống cắm ở vùng Biển Đông hay không ?
Tôi nghĩ Trung Quốc chưa dám làm việc này, vì như vậy thì rõ ràng là Trung Quốc sẽ chứng minh cho thế giới thấy là họ cố tình khiêu khích, và gây mất an ninh trong khu vực. 
Mà trước khi Trung Quốc làm việc này, theo tôi Việt Nam nên nói là nếu Trung Quốc làm như vậy, Việt Nam sẽ không có khả năng ngăn chặn những ai muốn phá hủy các giàn khoan đó - không chỉ giàn khoan khổng lồ mà bất cứ giàn khoan nào mà Trung Quốc cắm vào khu vực đang tranh chấp - ở vùng biển Hoàng Sa hay bất cứ vùng biển nào khác ở Biển Đông.
Tại sao Việt Nam nên nói như thế ? Đó là bởi vì Việt Nam cần cho thế giới biết rằng là nếu có sự cố gì xẩy ra, sự cố có thể đến từ nhiều nơi chứ không phải là từ Việt Nam, và vì Việt Nam không có khả năng tự mình ngăn cản các sự cố này, tất nhiên là Trung Quốc là nước làm mất an ninh cho Biển Đông và cho cả khu vực.
…Việt Nam nên thông báo rõ ràng cho mọi người là Việt Nam là một nước đã nhượng bộ rất là nhiều, đã bắt những người biểu tình chống sự khiêu khích của Trung Quốc, để muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng khi mà Trung Quốc đi quá đà, thì chuyện gì xẩy ra ở biển khơi, chính phủ Việt Nam sẽ không có khả năng bắt giam người ta như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi nghĩ thêm là nếu mà Trung Quốc khiêu khích như thế, thì có thể là một người nào đó hay một nhóm người nào đó, chỉ cần một vài cái thuyền và một số thủy lôi đưa ra thì coi như mọi việc sẽ nổ to. 
Cho nên, Việt Nam nên nói với thế giới là phải hợp tác với Việt Nam trong vấn đề đó, nghĩa là ngăn chặn sự khiêu khích của Trung Quốc để bảo vệ an ninh, không những cho khu vực mà cho cả thế giới.
RFI : Qua những hành động của Trung Quốc đặt nhiều cơ sở của « thành phố Tam Sa » trên đảo Phú Lâm, phải chăng là Trung Quốc muốn áp đặt sự đã rồi trên vấn đề Hoàng Sa, khiến cho Việt Nam không thể nào lấy lại được ?
- Đúng như thế, Trung Quốc muốn làm như thế. Nhưng mà vì Trung Quốc muốn làm như thế mà Việt Nam càng phải chứng minh cho thế giới rằng đây không phải là chuyện đã rồi, đây là chuyện bất hợp pháp, đây là chuyện cướp đất của người khác bằng vũ lực. Bây giờ nếu mà muốn chứng minh điều gì thì phải ra trước toà án quốc tế, tức Liên Hiệp Quốc để xử.
Còn nếu mà Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục khiêu khích như thế này, nếu có sự cố gì xẩy ra, thì Việt Nam sẽ không chiụ trách nhiệm.
Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam không đơn thương độc mã trong vấn đề này. Việt Nam sẽ không mất hẳn Hoàng Sa, nếu có các hành động thích ứng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét