Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo này.
(VnMedia) - Trung Quốc sáng nay (23/7) tiếp tục có những hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam khi tiến hành họp hội đồng nhân dân tại cái mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa”. Đây là “thành phố” được thiết lập trái phép tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
45 đại biểu của của cái gọi là “Hội đồng Nhân dân thành phố Tam Sa” đã tham dự cuộc họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Khóa I” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tin từ Tân Hoa xã cho biết, những đại biểu tham gia cuộc họp nói trên đến từ 3 nhóm, gồm đoàn đại biểu Tây Sa (thực chất là huyện đảo Hoàng Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam), Trung Sa (tên quốc tế là bãi Macclesfield) và Nam Sa (thực chất là huyện đảo Trường Sa, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Theo chương trình nghị sự của cuộc họp, các đại biểu tham gia cuộc họp “Hội đồng Nhân dân Khóa I” sẽ bầu chọn ra Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng đầu tiên của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Trước đó, hồi tháng 6, Hội đồng Nhà nước (nội các Trung Quốc) đã ngang ngược thông qua việc thành lập “thành phố Tam Sa" với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), Việt Nam đã lên tiếng phản đối gay gắt hành động vô lý này.
Lãnh đạo UBND Đà Nẵng và Khánh Hòa khẳng định, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý. Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp đó.
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và quyết liệt của Việt Nam cũng như sự lên án của dư luận quốc tế, mới đây, hôm 17/7, Trung Quốc lại ngang nhiên tiến hành những bước đi nhằm dựng lên một chính quyền ở cái gọi là "thành phố Tam Sa". Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bầu ra 45 đại biểu của cái gọi là Hội đồng Nhân dân Khóa I của “thành phố Tam Sa”. 1.100 cư dân Trung Quốc, trong đó phần lớn họ đang sinh sống bất hợp pháp ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, đã tham gia cuộc bỏ phiếu này.
Trắng trợn hơn nữa, hôm 20/7, tờ Tân Hoa xã đưa tin, giới lãnh đạo quân sự trung ương của Trung Quốc vừa mới thông qua kế hoạch thành lập và triển khai một đơn vị quân đội đồn trú ở cái mà nước này gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Các nguồn tin từ Ban Chỉ huy Quân khu Quảng Châu của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) hôm qua cho biết, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã ra lệnh cho quân khu này thành lập một đơn vị quân đội đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Ban chỉ huy của đơn vị quân đội mới sẽ ngang cấp với ban chỉ huy của một sư đoàn và sẽ được quản lý bởi tiểu ban chỉ huy của PLA ở tỉnh Hải Nam và chính quyền của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Nhiệm vụ của đơn vị quân đội này là chịu trách nhiệm thực hiện việc huy động binh lính và tiến hành các chiến dịch quân sự, tờ Tân Hoa xã cho hay.
Động thái mới trên của Trung Quốc tiếp tục là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Rõ ràng, trong thời gian qua, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành động hiếu chiến, gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận thế giới trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông. Điều này đã gây lo ngại cho không chỉ người dân thế giới mà cả người dân ở chính đất nước Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được ngay cả với chính người dân của nước này.
Mới đây, biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc.
Hôm 17/7, đúng ngày Trung Quốc tiến hành những bước đi nhằm dựng lên một chính quyền ở cái gọi là "thành phố Tam Sa", nhà báo Chu Phương đã cho đăng bài viết “Hiện trạng Nam Hải (Biển Đông) có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”. Trong bài báo này, ông Chu Phương viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra ‘thành phố Tam Sa’ là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế... Chúng ta từ nhỏ đã được nhìn thấy tấm bản đồ Nam Hải (Biển Đông).
Một đường biên giới đứt đoạn rất thô màu hồng đưa toàn bộ Nam Hải vào trong bản đồ Trung Quốc. Cho đến ngày nay chúng ta mới biết sự thực không phải như vậy. Cái đường biên giới quốc gia ấy không những các nước láng giềng và cả quốc tế không công nhận, mà ngay chính phủ và các học giả nước ta (Trung Quốc) cũng không giải thích rõ được”.
Trước đó, ngày 29/6, Chu Phương viết bài: “Thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”. Bài này đã được nhiều diễn đàn mạng đăng lại.
Chu Phương viết: “Nhiều người dân nước ta đến giờ vẫn không hiểu Nga tại sao lại lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập quân sự lớn Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Kỳ thực, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước hành động thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ đi ngược lại luật quốc tế và vô trách nhiệm của Trung Quốc.
Nếu giai tầng lãnh đạo Trung Quốc đến giờ vẫn không đọc hiểu được thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào một cuộc chiến tranh không thể thoát ra.
Việc thiết lập ‘thành phố Tam Sa’ là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận sõ sai lầm to lớn của mình, sớm có hành động sửa chữa sai sót.
Bản thân tôi mạnh mẽ kêu gọi: hãy lập tức hủy bỏ ‘thành phố Tam Sa’, triển khai sớm nhất có thể được việc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh Nam Hải (Biển Đông), dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng ở Nam Hải, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét