Pages

Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Trung Quốc tự làm xấu hình ảnh của chính mình


Hoàng Mai
Lá cờ Việt Nam bằng gốm ở quần đảo Trường Sa
Gần như cùng lúc với việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” chiều ngày 20-7 thì Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc sẽ cùng các nước ASEAN duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Người phát ngôn Hồng Lỗi còn nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, cũng như tham vấn để hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Trước tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì người dân các nước ASEAN muốn chờ xem Trung Quốc sẽ thực thi tuyên bố của chính họ về việc duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực như thế nào? Và, không phải chờ lâu; cũng ngay trong ngày 20-7, giới chức quân sự Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa” mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam)- một việc làm rành rành vi phạm chủ quyền của quốc gia láng giềng là Việt Nam. Một ngày sau, vào lúc 19h10 tối 21-7 (tức 18h10 cùng ngày, giờ Hà Nội), trang web của Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) đã phát tin của phóng viên Chu Vĩnh cho biết cùng ngày, hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử ở 3 quần đảo: Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố Tam Sa khóa 1. Đây, không còn nghi ngờ gì, là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xung quanh câu chuyện nực cười về “sáng tác” của giới chức Trung Quốc cho cái gọi là thành phố Tam Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 21-6 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc làm sai trái này của Trung Quốc và nói rõ: Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, ngày 23-6, lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cùng lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng lên tiếng khẳng định: Huyện đảo Trường Sa và huyện đảo Hoàng Sa là bộ phận không thể tách rời của hai địa phương kể trên.
Trở lại với câu chuyện triển khai đơn vị đồn trú và bầu cử HĐND của cái gọi là thành phố Tam Sa có thể khẳng định: Trung Quốc đã không chỉ coi thường Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và coi thường những cam kết của họ với ASEAN mà còn coi thường chính bản thân mình. Chuyện lời nói không đi đôi với việc làm hay nói cách khác câu chuyện về thái độ hai mặt của Trung Quốc là điều không phải bàn cãi bởi giờ đây dư luận đều biết rất rõ. Điều cần nói ở đây là họ trắng trợn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của một quốc gia khác dù đã bị dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc không ngừng lên án; nhưng nó lại không giảm đi mà còn tăng lên về mức độ và tần suất. Đặc biệt là vào thời điểm trước, trong và sau Hội nghị AMM 45 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Phnom Penh hồi giữa tháng 7 vừa qua.
Như vậy, có thể thấy rất rõ chủ đích của Bắc Kinh: Dự định dùng vấn đề Biển Đông để chia rẽ sự đoàn kết trong ASEAN nhằm thực thi chính sách chiếm khu vực Biển Đông một cách “hoà bình”. Tuy nhiên, mưu toan của họ khó có thể thực hiện nổi một khi ASEAN đồng thuận về vấn đề này, qua việc công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”; mà quan trọng nhất trong số đó là việc ASEAN nhất trí: Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC); Hướng dẫn thực hiện DOC (2011) và khẳng định: Sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)- Một Bộ Quy tắc mà ở đó sẽ khẳng định sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là kim chỉ nam cho việc giải quyết các tranh chấp trên vùng biển sóng gió này bằng hàng loạt các cơ chế giám sát và thực thi việc giám sát. Đây hẳn là điều mà Trung Quốc không muốn chút nào. Bởi, như thế có nghĩa, các nước ASEAN hiểu rõ và đồng thuận rằng, vấn đề Biển Đông chính là câu chuyện của toàn khối; nó ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định của cả khu vực. Một khi ASEAN đồng thuận thì Trung Quốc sẽ gặp bất lợi. Bất lợi ấy, không chỉ đơn giản là vì họ không còn thời gian để trì hoãn thêm nữa. Bất lợi ấy cũng chính là khi ASEAN đồng thuận công bố Nguyên tắc 6 điểm có nghĩa, tranh chấp Biển Đông giờ đã thực sự là vấn đề của toàn khối chứ không phải là vấn đề của một hay hai nước nào đó với riêng Trung Quốc. Còn có một điều quan trọng không kém, đó là: Nếu chiểu theo luật pháp quốc tế thì họ hoàn toàn đuối lý trong các tranh chấp ở Biển Đông. Thì đấy, chứng cứ pháp lý và lịch sử đã bao giờ đứng về phía họ? Ngay cả bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” (Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh) xuất bản năm 1904 (được công bố mới đây) đã ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. Một công trình tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, rồi được viết liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hy đến thời vua Quang Tự- những Hoàng đế nhà Thanh – đã chống lại chính họ.
Có lẽ vì những lý do kể trên mà họ gây sức ép và gia tăng liên tục các hành vi vi phạm chủ quyền của các quốc gia láng giềng mà họ đang có tranh chấp lãnh thổ như Việt Nam, Philippines. Mục đích cũng không có gì khác so với toan tính của họ: Cố gắng tạo ra sự đã rồi trong các tranh chấp trên Biển Đông hoặc chí ít là tạo cho dư luận hiểu nhầm về vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng biển có tranh chấp. Toan tính ấy giờ cũng đã lộ rõ. Và, với các việc làm như kể trên họ đang tự góp phần làm xấu đi hình ảnh của chính mình. Trong bối cảnh này, rất cần những bước đi kiên quyết, hợp lý nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước đồng thời đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét