Pages

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Bắc Kinh sứt mẻ uy tín do áp lực chủ nghĩa dân tộc trong nước



Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, Christopher R. Hill (DR)

Trong bài viết mang tựa đề « Sự chia rẽ trong nội bộ Trung Quốc » đăng trên trang diễn đàn của nhật báo Le Figaro hôm nay, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á, ông Christopher R.Hill nhận xét, hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế đã bị tổn thương vì chính sách đối ngoại thiếu nhất quán.

Tác giả viết, trong những năm gần đây, sự suy tàn của Hoa Kỳ đã được bàn đến rất nhiều, mà hệ quả là Trung Quốc có thể giành được ngôi vị cường quốc số một thế giới. Nhưng cho dù Hoa Kỳ phải đối mặt với những vấn đề cần khẩn trương giải quyết, nếu Trung Quốc muốn mở rộng tầm vóc quốc tế, chưa nói đến việc qua mặt Hoa Kỳ, thì trước hết cần chỉnh đốn trong nội bộ. 



Gần đây Trung Quốc ngày càng dấn sâu vào những cuộc xung đột âm ỉ như hồi thế kỷ 19, với nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, qua những yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Yêu sách « đường lưỡi bò 9 đoạn » này, chủ yếu nhằm chuyển toàn bộ Biển Đông thành vùng biển riêng của Trung Quốc, là thừa hưởng từ thời Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch.
Vì sao lại dựa vào ông thống chế này để làm cơ sở cho yêu sách ? Trung Quốc khẳng định Biển Đông thuộc về Trung Hoa từ nhiều ngàn năm trước, nhưng nguồn gốc các tranh chấp lãnh hải thì chỉ mới đây, liên quan đến việc quân phiệt Nhật chiếm đóng Đài Loan đến năm 1945. Thế là Trung Quốc mà nền văn hóa và những thành tựu được thế giới ngưỡng mộ, nay lại lao vào cuộc đấu võ mồm – có thêm vài chiến hạm hỗ trợ - với hầu như toàn bộ các nước láng giềng xung quanh, về một vấn đề lẽ ra cần phải là một tiến trình thương lượng quốc tế nghiêm chỉnh.
Theo tác giả bài viết, thì thái độ vụng về của Bắc Kinh tại Biển Đông chủ yếu là do bộ phận dân tộc cực đoan trong nước đã lên án các nhà lãnh đạo là « mềm yếu », đòi họ phải cứng rắn hơn. Chẳng hạn có thể thấy rõ sự trỗi dậy của khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa trong số 500 triệu người Trung Quốc sử dụng internet, với những châm biếm về « sự nhu nhược » của chính quyền trong việc bảo việc lợi ích đất nước.
Chính quyền Trung Quốc vô cùng nhạy cảm trước những chỉ trích này. Nếu một blogger đả kích chính phủ về việc đàn áp phong trào Pháp Luân Công, hay ủng hộ đối lập Tây Tạng, thì công an sẽ can thiệp ngay. Nhưng nếu giới blogger đưa ra lời kêu gọi sô-vanh nước lớn cho việc chinh phục các nguồn cung nguyên vật liệu mới, chính phủ hoan nghênh và tìm cách áp dụng.

Áp lực từ bên trong cũng đã đặt Trung Quốc vào tình thế khó khăn, trong những trường hợp khác. Nhiều quan sát viên quốc tế có thể bỏ qua cho thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông, vì nhiều nước khác lớn cũng như nhỏ cũng có những tranh chấp trên biển với các láng giềng. Nhưng các nhân tố cực đoan Trung Quốc, từ cư dân mạng cho đến các định chế chính thức, đã góp phần làm cho tổng thể các hoạt động quốc tế của Bắc Kinh bị thiên hạ chê cười, từ các nước lân bang nhỏ bé cho đến các cường quốc trên thế giới.

Một ví dụ điển hình là sự ủng hộ không mệt mỏi của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên – nước muốn sở hữu vũ khí nguyên tử. Không có bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào trên thế giới ngày nay có thể chấp nhận được thái độ của Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Kinh quan tâm quá nhiều đến chính sách đối nội, đến nỗi không thấy được cái giá phải trả cho việc không hề phản ứng trước làn sóng lên án sau mỗi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Sự thản nhiên của Bắc Kinh trước vụ Bắc Triều Tiên tấn công quân sự vào Hàn Quốc năm 2010 chẳng hạn, đã khiến nước láng giềng này trở nên lạnh nhạt trong quan hệ song phương.

Chính sách không nhất quán của Trung Quốc bắt nguồn từ sự bất lực trong việc xác định đường hướng nội trị : nhiều người Trung Quốc vẫn xem Bắc Triều Tiên là nước anh em đồng minh.
Syria là sai lầm quốc tế gần đây nhất của Trung Quốc. Không ai chờ đợi Bắc Kinh có cùng quan điểm với châu Âu hoặc Hoa Kỳ trong hồ sơ này. Nhưng sự chọn lựa mặc nhiên đứng về phía đối địch – ngay cả khi điều này bất lợi cho lợi ích quốc gia – khiến người ta phải đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đủ nội lực để đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế ? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét