Pages

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Báo chí quốc tế tố cáo Trung Quốc hù dọa phóng viên nước ngoài



Các nhà báo vây quanh luật sư của gia đình doanh nhân Anh Neil Heywood khi vừa ra khỏi tòa án Hợp Phì, An Huy ngày 20/08/2012. REUTERS/Stringer

Ba liên hội cơ quan truyền thông quốc tế hôm nay 21/08/2012 đồng lên tiếng tố cáo « các sự cố gần đây » mà nạn nhân là « nhiều phóng viên đi làm phóng sự tại Trung Quốc bị công an sách nhiễu và bạo hành ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du bác bỏ kết quả điều tra này và cho rằng tự do thông tin đã gia tăng tại Trung Quôc.

Quyền tự do thông tin mà chính phủ Trung Quốc cam kết tôn trọng đã bị vi phạm trắng trợn. Trên đây là nhận định của một bản điều tra do ba tổ chức phóng viên quốc tế hoạt động tại Hoa lục và Hồng Kông công bố vào ngày hôm nay tại Bắc Kinh.
Ba hiệp hội này là Câu lạc bộ thông tín viên ngoại quốc tại Trung Quốc, một tổ chức bị Bắc Kinh xem là bất hợp pháp, cùng với hai hiệp hội bạn là Câu lạc bộ thông tín viên ngoại quốc tại Thượng Hải và Câu lạc bộ thông tín viên ngoại quốc tại Hồng Kông.



Bản điều tra đưa ra nhiều trường hợp nghiêm trọng : Một phóng viên của báo cánh tả Nhật Asahi Shimbum bị công an Trung Quốc đánh đập và tịch thu máy móc phương tiện làm việc, khi ông khi theo dõi một cuộc biểu tình ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô hồi cuối tháng Bảy.
Một toán phóng viên của đài truyền hình Đức ARD khi làm phóng sự chung quanh một nhà máy hóa học ở Hà Nam đã bị một « nhóm người » tự tiện bắt giam suốt 9 tiếng đồng hồ và lên án họ là « gián điệp ».
Ba câu lạc bộ báo chí nhấn mạnh điều đáng lo ngại nhất là có « nhân viên công lực » hoặc « thành phần ngoại vi » nhúng tay vào trong các vụ hành hung này.

Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông nước ngoài phàn nàn tình trạng vi phạm quyền tự do báo chí tại Trung Quốc. Vào tháng Năm vừa qua, khoảng 100 nhà báo hoạt động tại Hoa lục đã lên tiếng báo động : « điều kiện thực hiện phóng sự đã suy thoái nghiêm trọng » trong năm nay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đặc trách quan hệ với báo chí quốc tế, bà Khương Du, bác bỏ những lời than phiền trên đây với lập luận tự do thông tin đã được gia tăng tại Trung Quốc./Tú Anh (RFI)

Không có nhận xét nào: