Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Bạo lực, bắt cóc gây lo ngại về an ninh ở Lebanon.



Các tay súng người Shi'ite. (Nguồn: Reuters)

Ngày 15/8, các tay súng người Shi'ite ở Lebanon đã thực hiện hàng chục vụ bắt cóc trong động thái trả đũa việc một nhân vật cao cấp người Lebanon bị lực lượng chống đối "Quân đội Syria tự do" (FSA) bắt giữ tại Syria cách đây hai ngày.

Tình hình bất ổn trên gây lo ngại bạo lực ở Syria đang lan sang Lebanon, buộc nhiều quốc gia vùng Vịnh yêu cầu công dân các nước này rời khỏi Lebanon ngay lập tức.

Theo các hãng tin nước ngoài, có ít nhất 20 người bị bắt cóc tại thủ đô Beirut của Lebanon và trong số đó có một người Thổ Nhĩ Kỳ, một người Arập Xêút cùng một số người Syria. Các thành viên thị tộc Meqdad, một trong những dòng họ Shi'ite quyền lực nhất Lebanon, cho biết các vụ bắt cóc trên nhằm đáp trả việc một thành viên Meqdad bị FSA bắt giữ ở Damascus, thủ đô Syria, trong ngày 13/8.



Theo FSA, nhân vật này có liên hệ với phong trào Hezbollah, song Hezbollah cũng như thị tộc Meqdad ra tuyên bố phủ nhận. Thị tộc này cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút và Qatar phải chịu trách nhiệm vì những nước này hỗ trợ cho lực lượng đối lập ở Syria. Họ tuyên bố số vụ bắt cóc sẽ còn tiếp tục tăng bởi đây là "cách duy nhất" cứu thành viên bị FSA bắt giữ.

Trước tình hình trên, Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Qatar ngày 15/8 đã yêu cầu công dân các nước này ngay lập tức rời khỏi Lebanon. Hãng thông tấn quốc gia Lebanon dẫn lời đại sứ Arập Xêút tại Beirut không chỉ đưa ra yêu cầu trên mà còn khuyến nghị công dân Arập Xêút không tới Lebanon trong điều kiện hiện nay.

Các đại sứ UAE và Qatar cũng có động thái tương tự. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu Chính phủ Lebanon cung cấp thông tin về công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt cóc. Được biết, các biện pháp an ninh gần những đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Arập Xêút ở Beirut được tăng cường đặc biệt sau những vụ bắt cóc.

Không chỉ bắt cóc, các thành viên thị tộc Meqdad còn phong tỏa một tuyến đường đến sây bay Beirut, buộc một chuyến bay của hãng hàng không Air France tới thủ đô này phải đổi lịch trình. Người phát ngôn Air France cho biết do bất ổn an ninh ở Beirut, chuyến bay phải chuyển tới Damascus để nạp nhiên liệu, sau đó tới Síp.

Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại Syria với mức độ bạo lực ngày càng leo thang cũng tác động tới nước láng giềng Lebanon. Cộng đồng Hồi giáo Sunni của Lebanon chủ yếu ủng hộ lực lượng chống đối ở Syria, trong khi người Shi'ite, bao gồm phong trào Hezbollah, ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad do ông Assad là một thành viên của cộng đồng thiểu số Alawite, một nhánh của Shi'ite.

Lebanon là một điểm đến du lịch được yêu thích ở vùng Vịnh trong mùa Hè với khí hậu Địa Trung Hải mát mẻ. Tuy nhiên, bạo lực ở Syria dường như đã lan sang nước láng giềng này với những vụ nổ súng, pháo kích qua biên giới, bắt cóc trả đũa hay đụng độ sắc tộc giữa các nhóm Sunni và Shi'ite có quan điểm bất đồng về vấn đề Syria.

Đây là điều đáng lo ngại cho một Lebanon vốn đã có tình trạng an ninh bất ổn. Hình ảnh những tay súng bịt mặt xuất hiện trên đường phố và thực hiện các vụ bắt cóc gợi nhớ lại cuộc nội chiến giai đoạn 1975-1990 ở Lebanon khi quốc gia này bị giằng xé bởi các nhóm dân quân người Sunni, Shi'ite, Thiên chúa và Druze. Nạn bắt cóc diễn ra thường xuyên trong cuộc xung đột này và nhiều nạn nhân không bao giờ được tìm thấy.

Ngày 15/8, trong một cuộc họp với các quan chức hàng đầu phụ trách an ninh, Tổng thống Lebanon Michel Sleiman cảnh báo tình trạng hỗn loạn lan tràn gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, đe dọa quốc gia. Ông Sleiman cho rằng cần thực thi quyết định của nội các đưa ra ngày 9/7 vừa qua, theo đó phải ngăn chặn bất cứ tình trạng phong tỏa đường phố nào cũng như phải bảo vệ các trụ sở ngoại giao của các nước khác ở Lebanon.

Tổng thống Sleiman cũng bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với gia đình nạn nhân người Lebanon bị bắt cóc tại Syria, nhấn mạnh cần bảo vệ Lebanon khỏi tác động từ những cuộc khủng hoảng ở các nước láng giềng./TTXVN

Không có nhận xét nào: