Pages

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Biển Đông: Trung Quốc hạ giọng hay "nghi binh"?



Trung Quốc gần đây đã có hành động gây hấn bằng cách đưa 30 tàu cá đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
(VnMedia) - Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi cuối tuần trước đã phát biểu tại Indonesia rằng, Bắc Kinh sẵn sàng giải quyết những bất đồng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đồng thời nhấn mạnh, duy trì hòa bình là trách nhiệm chung của các bên.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì mới đây đã có chuyến thăm đến Jakarta sau khi Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cấp tập thực hiện những nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng ở Biển Đông. Các hoạt động này diễn ra sau khi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của mình không thông qua được một tuyên bố chung sau cuộc họp của các ngoại trưởng ở Campuchia hồi tháng 7. Nguyên nhân xuất phát từ bất đồng giữa các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Indonesia hôm 10/8, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đây là thỏa thuận đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002 nhưng vẫn chưa được thực hiện. Theo DOC, các bên không được có những hành động hiếu chiến nhằm gây xung đột ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng sẵn sàng “trên cơ sở đồng thuận để tiến tới phê chuẩn Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông – COC”, ông Dương Khiết Trì cho biết. COC có chức năng như là một cơ chế chi tiết cho ngăn ngừa xung đột và quản lý khủng hoảng. Theo đó, các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua con đường hòa bình. Trung Quốc hiện tại vẫn chưa ký COC.

Với những phát biểu trên, nhiều người đang tự hỏi, liệu có phải Trung Quốc đang có dấu hiệu “xuống nước” trong vấn đề Biển Đông sau khi gây ra một loạt sóng gió ở vùng biển giàu tài nguyên này? Phải chăng Trung Quốc đã nhận thấy điều gì đó sau khi bị một loạt nước phản đối dữ dội về những hành động gần đây của họ ở Biển Đông? Vì thế, Trung Quốc đang nỗ lực làm dịu tình hình, xoa dịu các nước mà họ đã từng gây hấn trong mấy tháng trở lại đây?

Thực tế thì không có vẻ lạc quan như dự đoán ở trên. Những phát biểu của ông Dương Khiết Trì gần đây không có gì là lạ bởi giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên có những lời nói “êm dịu” như vậy trong khi hành động của họ thì thường đi ngược lại.

Từ mấy chục năm nay, câu “thần chú” cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn là: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào”; “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định thông qua hợp tác an ninh...”; “Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách thiết lập quan hệ láng giềng tốt, thân thiện...”; “Trung Quốc mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại....”.

Thế nhưng, cũng trong từng ấy năm qua, trái với những câu “thần chú” cửa miệng trên, Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động hiếu chiến, gây gổ và khiêu khích các nước có tranh chấp với họ ở Biển Đông.

Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã gây ra những trận “sóng to gió lớn” liên tiếp ở khu vực Biển Đông. Đầu tiên, họ có cuộc đối đầu hết sức căng thẳng kéo dài suốt 2 tháng với Philippines ở bãi cạn Scarborough. Trong cuộc đối đầu này, Bắc Kinh đã không ngần ngại phô trương sức mạnh của mình để uy hiếp, dọa dẫm đối phương.

Sau đó, Trung Quốc tiếp tục có những hành động “gây gổ” với Việt Nam. Hôm 23/6, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã ngang nhiên thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như của dư luận và giới học giả quốc tế, Trung Quốc vẫn trắng trợn tiến hành hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam này.

Tiếp đó, Trung Quốc còn ngang ngược phái một đội tàu đông đảo gồm 30 tàu cá dưới sự dẫn dắt của một tàu tuần tra có trọng tải 3.000 tấn đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, thông qua Bộ Quốc phòng, Trung Quốc cũng đã đưa ra lời cảnh báo, đội tuần tra hàng hải và trên không của nước này luôn ở tư thế “trực chiến”, “sẵn sàng bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải” ở Biển Đông.

Một trong những động thái gây sóng gió lớn nhất ở Biển Đông trong thời gian qua của Trung Quốc là việc nước này thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” kèm theo một loạt những hoạt động dựng chính quyền, triển khai quân đội ở nơi này. Hồi giữa tháng trước, Trung Quốc đã thông báo thành lập cái gọi là thành phố “Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc tiếp tục thông báo kế hoạch đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này.

Trong khi đi gây hấn với một loạt nước, Trung Quốc vẫn còn lớn tiếng chỉ trích các nước khác đã khuấy động căng thẳng ở Biển Đông.

Rõ ràng, lời nói và hành động của Trung Quốc không đi song hành với nhau. Điều này không chỉ xảy ra một hay hai lần mà là thường xuyên, liên tục. Trung Quốc vẫn cứ đi rêu rao về hòa bình, về hợp tác, về quan hệ láng giềng thân thiện... nhưng cùng với đó, họ sẵn sàng đưa tàu thuyền của mình ra dọa dẫm, uy hiếp tàu thuyền của các nước khác, sẵn sàng vi phạm trắng trợn chủ quyền của các nước đang có tranh chấp...

Với kiểu hành xử “truyền thống” lời nói không đi cùng với hành động như trên, giờ đây, có lẽ chẳng còn mấy ai tin vào những phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc dù cho những lời nói đó có dễ nghe, thuyết phục và hay ho đến mấy.
Kiệt Linh

Không có nhận xét nào: